Giới thiệu: Năm 2015 đánh dấu kỷ niệm 500 năm sinh nhật thánh Teresa Avila. Trong con mắt của một nhà nghiên cứu sử, tâm lý và tôn giáo, Cha Michel de Certeau, Dòng Tên, đã viết một bản văn ngắn trong tuyển tập La faiblesse de croire (Sự yếu đuối của đức tin), xuất bản 1987, đánh giá tầm quan trọng có tính bước ngoặt của Teresa Avila trong lịch sử thần bí.
Ngôn ngữ của các nhà thiêng liêng không khác gì ngôn ngữ của một thời đại. Người ta sẽ hoàn toàn sai lầm khi trách cứ họ khi họ đã dám sống cái vở diễn của thời đại mình: bởi nó hàm chứa những vấn đề của các nhà thiêng liêng ấy. Họ tri nhận và suy nghĩ về vở diễn ấy dựa trên sự nhạy cảm và những khung phạm trù tri thức chung của thời đại, nhưng họ cũng sống cái sân khấu thời đại ấy như điểm hẹn với Thiên Chúa, Đấng mà sau mỗi lần gặp lại vén mở chân lý của Ngài như chính cái chân lý đời nhân loại. Cho nên hầu như không có điểm khác giữa giấc mơ triết học của Van Helmont[1] với thị kiến và soi sáng của các nhà thần bí cùng thời.
Trong số các nhà thần bí thời đại ấy, chỉ cần nhắc đến người nổi danh nhất, và cũng chỉ cần gợi lại thị kiến mà Teresa Avila đã kể lại khi bước vào tác phẩm „Những cư sở của lâu đài nội tâm“[2], mà bà đã gọi hình ảnh ấy là „chủ đề“ và là „nền tảng“ của toàn bộ tác phẩm vĩ đại về đời sống thiêng liêng trên. Biểu tượng được nhắc đến nói lên cấu trúc mà tư tưởng của tác giả đã dựa vào, nhưng không cần giải thích cặn kẽ chúng. Theo cách này, biểu tượng mà tác giả sử dụng có giá trị khải thị đặc biệt. Nơi Teresa Avila, biểu tượng này vẫn còn mang giá trị vũ trụ luận, cách đại loại, biểu tượng này sử dụng lại cấu trúc vũ trụ mà Peter Apianus đã mô tả trong tác phẩm Cosmographia (Vũ trụ dư chí – 1539) với trung tâm là trái đất, bao xung quanh là các cảnh vực được xác định bởi các quỹ đạo của mặt trăng, của Sao Thủy, Sao Kim, mặt trời và cứ thế cho đến tầng trời thứ tám, chín và mười, và toàn bộ chúng được bao bọc bởi „Coelum empireum habitaculum Dei et omnium electorum“ (thiên quốc nơi cư ngụ của Thiên Chúa và tất cả những kẻ được tuyển chọn).
Nhưng đồ hình này đã được hoàn toàn đảo ngược. Chủ đề biểu tượng mà Teresa Avila sử dụng không nói đến cơ cấu của một đối thể vũ trụ, nhưng nói đến chủ thể. Biểu tượng này đã biến một quan niệm vũ trụ cổ đại thành một nền nhân học mới. Vũ trụ (mà đáy là mặt đất nơi cái từ trời hạ xuống thấp và linh hồn từ đất thấp vươn lên cao để bước vào cảnh giới bên trên) trở thành tiểu vũ trụ của một con người: „quả địa cầu“ ví như thế giới cũ và „pha lê“ như là con dấu, đó là một thế giới mà mỗi chủ thể tự thiết lập lấy chính mình, mà trung tâm là nơi ngự trị của Thiên Chúa và bên ngoài chỉ là vực thẳm đêm đen. Trong cái nhìn của bà, những vòng tròn đồng tâm theo cách trình bày vũ trụ cổ thời vẫn còn đó, nhưng chúng đánh dấu con đường đi vào nội tâm nhờ vào mặt trời chiếu rạng trong tâm khảm con người, chứ không còn là con đường thăng tiến băng qua các cảnh vực của trời cao.
Địa cầu bây giờ trở thành ngôn ngữ mới cho kinh nghiệm thần bí. Không theo nghĩa nó đề cập đến một hình ảnh hay một khái niệm độc sáng nào đó, bởi cách dùng hình ảnh của „cư sở“ (residence) hay „trung tâm“ là cách nói truyền thống, cũng như kiểu mô tả „lâu đài“ với tường lũy bao quanh đã xuất hiện từ trước thời của bà vào thế kỷ XVI rồi. Điều mới mẻ ở đây là vai trò bao quát hóa mà ta chứng kiến từ một khoảnh khắc văn hóa giữa cái phân rã và cái được phát sinh, từ một nơi chốn có tính quy tụ và mang lại ý nghĩa, từ một cấu trúc văn hóa và thiêng liêng của một sự nắm bắt ý thức mang tính thần nghiệm. Biểu tượng ám chỉ cùng lúc cái chết đi và cái sinh ra. Sự suy thoái của một quan niệm về vũ trụ này đối với bà Teresa trở thành ngôn ngữ của một vũ trụ khác, vũ trụ của nhân học. Sự cồn cào, xáo động vốn làm cho con người bị thui chột ngay trong thế giới của chính mình, đồng thời lại là dấu chỉ hết sức khách quan của Thiên Chúa, lại là điểm hẹn cho con người để phục hưng về mặt tinh thần. Chính tại nơi này mà người tín hữu tìm thấy dấu chỉ của Thiên Chúa, đồng thời nó cũng là sự xác tín bền vững từ rày trở đi trong ý thức về mình. Người tín hữu khám phá ra nơi chính mình những gì có tính siêu việt và những kiến tạo nền tồn hữu của mình.
Hơn nữa, lịch sử đời người ấy sẽ không còn là việc chạy cho hết những giai đoạn khách quan khác nhau, nó không còn được đong đếm bằng những dụng cụ kiểu vũ trụ học hay tôn giáo nữa. Nó là một hành trình tự thân. Sự thăng tiến thiêng liêng là quãng đường của chủ thể đi về phía trọng tâm. Cố gắng đưa ra câu trả lời cho thời đại mình, nhưng hài hòa với những dữ kiện thuộc riêng trong hoàn cảnh của mình, như vậy, ý thức của chủ thể thiêng liêng ra đời từ một sự tái nắm bắt. Sự tái nắm bắt này làm phát sinh một „khách quan tính“ đứng đối diện với chủ thể, thậm chí đó là khách quan tính của cái phù du. Sự xác định hỗ tương giữa cái bên ngoài và bên trong này, bởi là cái quy định không thể nào gỡ bỏ được trong một kinh nghiệm tôn giáo, giải thích cho chúng ta hiểu vận mệnh biệt loại của hạn từ thần bí vào thế kỷ XVII: thần bí là hạn từ mô tả một hành trình không còn được đánh dấu bởi một cuộc hành hương bên ngoài hay một con đường quy tập tri thức nữa, bởi nó trở thành một cuộc biến đổi, nấp hẳn dưới cái ổn định của ngôn từ tôn giáo, nhưng lại có thể giải thoát mình khỏi những đột biến của sự vật. Đúng hơn đó là một cuộc đột biến kín đáo, có thể tự nắm bắt và tự hiểu chính mình, trong khi đóng chức năng giải thiêng tất cả những gì liên quan đến từ ngữ, ý tưởng hay tính chính danh của những quy định khách quan. Và trong cái nhìn của nhà thần bí, sự biến đổi ấy mặc lấy một ý nghĩa: đó là nguyên lý duy nhất đối với tiến trình vượt bỏ liên tục, cái Chân Thật sẽ là trung tâm và sẽ không ngừng lôi kéo về phía mình, trong khi tự bày tỏ chính mình và ngang qua đó xây đắp nên hữu thể, nhờ vào một loạt các giai đoạn đa dạng, các quyết định và các khuynh hướng dẫn đến sự đa dạng ấy.
Michel de Certeau, S.J.
Giuse Bùi Quang Minh, S.J.
Dịch từ tiếng Pháp
[1] Jan Baptist van Helmont (1580-1644) nhà khoa học bách khoa người Bỉ.
[2] Tựa nguyên ngữ: Las moradas del castillo interior.