Theo tiếng La tinh peregrinus có nghĩa là đi ra ngoài mà một người hay một tập thể có niềm tin tìm đến một nơi mình sùng kính vì đó là nơi thánh thiêng. Người hành hương là người lưu đày và không quản ngại khó khăn do mệt mỏi như đau chân, cảm bệnh hay thay thời tiết mưa nắng hoặc nóng lạnh …
Mục đích của hành hương không nhắm đến lợi lộc vật chất mà là ân xá. Chúng ta thường nghe câu : « ăn mày ơn xá » được gắn cho các cuộc hành hương. Do vậy, hành hương tại thế không những diễn tả cuộc lữ thứ trần gian của mỗi tín hữu mà còn là phương thế để chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu trên Thiên Quốc, nơi mà mọi tín hữu hằng ước ao khao khát.
Không phải chỉ những ai dư giả mới có thể thực hiện được hành hương đó đây. Ngay cả những người nghèo cũng vẫn có thể thực hiện được chuyến đi này và đôi khi còn lãnh nhận được rất nhiều phước lộc, như trường hợp của bà góa nghèo bỏ tiền khi lên đền thờ Giêrusalem mà Đức Giêsu đề cập trong Tin Mừng. Phương tiện được dùng trong hành hương cũng rất đa dạng, từ thô sơ đến hiện đại như : đi bộ, xe đạp, các phương tiện cơ giới dưới nước, trên đường, trên không…
Những địa danh hành hương không thể kể hết. Tuy nhiên nơi nổi tiếng nhất vẫn là thành phố Giê-ru-sa-lem vì là nơi hành hương của ba tôn giáo độc thần: Do thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo. Đức Giê-su đã bị kết án và mai táng tại đây. Người Công giáo chúng ta còn có Rô-ma, nơi đặt Tòa thánh Va-ti-căng mà vị đại diện Chúa Ki-tô, là Đức Thánh Cha, kế vị thánh Phê-rô ở đó. Rô-ma không chỉ có bốn đại vương cung thánh đường đồ sộ mà còn có những dấu tích của các thánh tông đồ và của Giáo hội những thế kỷ đầu.
Ngoài thói quen hành hương các địa danh thánh thiêng, các tín hữu còn tìm về những nơi được phép của Tòa Thánh mở năm thánh nhân dịp có một biến cố trọng đại nào đó.
Trước mỗi chuyến đi cần có thời gian chuẩn bị. Cũng vậy, chúng ta nên đi hành hương bằng nghĩ đến việc lãnh bí tích Hòa Giải như một việc ưu tiên và cần có một chương trình cụ thể đề ra càng sớm thì càng làm cho cuộc hành hương thu lượm được nhiều kết quả mỹ mãn. Nếu đến một nơi mà mình không biết nhiều nên có người chuyên môn hướng dẫn chu đáo. Như thế chuyến hành hương sẽ có giá trị và được toại nguyện.
Do lợi ích thiêng liêng và tính hiệu quả, mỗi giáo phận nên có ban mục vụ hành hương để ấn định chương trình hành hương một cách cụ thể về thời gian, địa điểm, ngày tháng của từng chuyến đi. Điều này rất trở nên cần thiết với nhịp độ sống thời hiện đại. Nhờ đó, các tín hữu có thể lựa chọn được chuyến hành hương phù hợp với mình và đúng với mục đích mình mong muốn. Hành hương mang đúng nghĩa sẽ là một việc làm của Phúc âm hóa.
Một điều lệch lạc cần tránh, đó là hành hương khác hẳn với du lịch nên đây không phải là lúc tham quan thắng cảnh hoặc quá chú trọng đến điều kiện sinh hoạt tiện nghi cá nhân.
Nói về du lịch, người châu Âu thích có người hướng dẫn và thích đọc bảng chỉ dẫn các công trình và các tác phẩm nghệ thuật và thường có sự tìm hiểu những kiến thức cần thiết tại nơi trước khi mình đặt chân đến. Còn châu Á mình thường thích xem hình và chụp ảnh. Nếu không để ý, hành hương cũng dễ rơi vào tình trạng đó. Ngoài ra, người châu Âu vừa khỏe vừa chịu khổ tốt. Cứ xem những bạn trẻ châu lục này đi dự Đại hội Giới trẻ Thế giới sẽ thấy rõ điều này.
Hành hương là nhu cầu tâm linh cần thiết với những các tín đồ của mọi tôn giáo. Đặc biệt, các Ki-tô hữu đi hành hương nhiều nhất và chiếm tới 70%. Phần còn lại thuộc về các tôn giáo khác như Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo…Hy vọng mỗi tín hữu, gia đình và cộng đoàn nên duy trì thói quen tốt đẹp sinh nhiều lợi ích thiêng liêng này.
Minh Sáng