Tuổi thơ của cậu Phanxicô được sự bao bọc của người mẹ và sự giáo dục nghiêm khắc của người cha. Cậu nhận được lòng bao dung, sự nhạy bén của người mẹ; đồng thời, cậu nhận được sự tự lập và tính quyết đoán của người cha. Đó là ưu thế giúp cậu phát triển nhân cách lành mạnh. Cộng thêm, hoàn cảnh gia đình giàu có, cậu ít khi bị tự chối một nhu cầu chính đáng nào.
Thế nên, cậu dễ dàng sống với những ý nghĩ của bản thân, ít bị dồn nén trong đời sống nội tâm. Ngoài ra, với tư chất vốn hướng ngoại và trực giác, cậu dễ dàng sống hài hòa với mọi tương quan. Với những ưu thế đó, cậu lớn lên trong tình thương của mọi người.
Tuy nhiên, từ khi đón nhận tiếng Chúa tại nhà nguyện Damiano, chàng thanh niên Phanxicô đã quyết định chọn con đường dấn thân triệt để cho Thiên Chúa. Quyết định này đòi buộc việc từ bỏ gia đình. Hơn nữa, chàng phải cự tuyệt với cha do không thực hiện ước nguyện của cha là trở thành một thương gia. Nhờ quyết tâm sống trọn cho Thiên Chúa mà nhân cách của chàng đã định hình trong đời tu. Chàng biết rằng khi quyết định chọn đời tu là phải đặt Thiên Chúa trên tình cảm gia đình. Chính khi chấp nhận thực tế đó, chàng chọn sống tự lập. Ấy là một lợi thế giúp chàng định hình nhân cách.
Sống trong thời đại mà Giáo hội lẫn xã hội đều phồn thịnh, xa hoa, điều này đã tạo trong tâm thức chàng một sự trống rỗng, vô vị của những thứ tiện nghi vật chất. Từ đó, chàng đã quyết định sống với thao thức thuộc trọn về Chúa bằng cách từ bỏ mọi sự, kết duyên với Bà Chúa Nghèo. Chắc hẳn, không phải dễ dàng mà ngài quyết định như thế, ngài đã phải trải qua một sự giằng co khốc liệt trong tâm hồn để có thể tìm ra cho mình một linh đạo vui sống nghèo và lấy Bà Chúa làm lẽ sống. Với mảnh áo mỏng manh trên người, chàng hát khúc ca yêu đời, đồng thời, cảm tạ hồng ân của Chúa vì được sống hạnh phúc và thanh thoát trong cảnh nghèo. Tấm áo lấm bụi đường không làm phai nhạt tư cách người hành khất, trái lại, còn làm nổi bật thái độ từ bỏ triệt để nơi chàng. Từ đây, khúc ca yêu đời như lời mời gọi mọi người sống nghèo để chiếm trọn tình yêu của Thiên Chúa.
Nhân cách lành mạnh ấy cũng lôi kéo một nhóm người đi theo mình. Từ đó, ngài bắt đầu nghĩ ra những qui tắc hướng dẫn đời sống họ. Vì người ta không phải sống nghèo để bần cùng hóa nhân loại nhưng sống thanh thoát với tất cả tình yêu hiến dâng. Để cuối cùng, họ chiếm đoạt Chúa là hạnh phúc đích thực đời mình.
Bề ngoài, do tư chất lạc quan, ngài cởi mở với mọi tương quan. Thiên nhiên trở thành người anh, người chị, nghĩa là chiếm một chỗ đứng quan trọng trong đời sống bản thân. Điều này được chứng thực qua Bài ca tạo vật. Còn với mọi người, ngài trở thành người hòa giải; thế nên, ngài được mệnh danh là sứ giả hòa bình. Thật vậy, vào những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, ngài không ngừng thao thức để Đức Giám Mục và ông thị trưởng ở Assisi làm hòa với nhau. Thiện chí ấy đã được Chúa chúc lành. Như thế, ngài đã thêm vào nhân cách mình nét đẹp của một người bao dung, muốn ôm trọn mọi hiện hữu trong tình yêu của Thiên Chúa. Điều này thể hiện phần nào chiều sâu nội tâm của con người ngài.
Đúng thế, ngài thiết lập một tương quan liên vị thân tình với Chúa. Những thị kiến ngài nhận được là bằng chứng xác thực cho một tâm hồn thuộc trọn về Chúa. Và gần hai năm cuối đời, ngài được phúc nhận năm dấu thánh, được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô trên đồi Calvê. Đồi này trở thành điểm hẹn thường xuyên giữa Chúa và linh hồn ngài. Nỗi đau trên thân xác và bản thân bị mù lòa không cướp đi niềm vui của một con người lạc quan yêu đời, trái lại, chính khi bản thân chịu nhiều đau đớn và cả cái chết gần kề lại là cơ hội giúp ngài thể hiện ý chí anh hùng, một nhân cách cao thượng.
Ngoài ra, với một ý thức lớn lao trong đời sống tính dục, ngài đã thiết lập một tình bạn thắm thiết với thánh Clara để cùng nhau đưa nhiều linh hồn đến gần Chúa. Đó là dấu hiệu tích cực của một nhân cách đích thực. Thật vậy, một nhân cách lành mạnh luôn ý thức căn tính của mình, đồng thời, sống hài hòa với mọi tương quan.
Tóm lại, nhân cách nơi thánh Phanxicô mang đậm niềm vui của một người đã được giải thoát khỏi mọi của cải vật chất và những hào nhoáng bên ngoài. Chính tình yêu của Đấng chịu đóng đinh đã thúc bách ngài sống một cuộc đời tràn ngập niềm vui. Chính niềm hy vọng vào Đấng Phục sinh đã củng cố cho cuộc từ bỏ triệt để nơi ngài. Có thể nói, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, gặp lại chính nhân cách đích thực của mình trong Đấng Phục sinh.
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist