Như thường lệ, trưa Chúa Nhật 16/8, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông Toà để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu.
Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn dành cho các tín hữu. Ngài nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (x. Mt 15,21-28) mô tả cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một phụ nữ Canaan. Chúa Giêsu đang ở phía bắc của Ga-li-lê, ở vùng đất dân ngoại. Chúa Giêsu ở đó cùng với các môn đệ, cách xa đám đông, những người đang tìm kiếm ngài ngày càng nhiều.
Một người phụ nữ đã đến cầu xin sự giúp đỡ cho đứa con gái của bà đang bị bệnh: “Lạy Ngài, xin thương xót tôi!” (câu 22). Đó là tiếng kêu cất lên từ cuộc đời được đánh dấu bằng sự đau khổ, bằng cảm giác bất lực của một người mẹ khi phải chứng kiến con gái mình đang đau khổ vì bệnh tật và không thể chữa khỏi.
Lúc đầu, Chúa Giêsu phớt lờ bà, nhưng bà mẹ này nhất quyết, khăng khăng, ngay cả khi Thầy nói với các môn đệ rằng Ngài chỉ được sai đến với “những con chiên lạc nhà Israel” (câu 24) chứ không cho dân ngoại. Nhưng bà vẫn tiếp tục cầu xin Ngài, và lúc này, Ngài thử thách bà bằng cách trích dẫn một câu ngạn ngữ: “Không thể lấy bánh dành cho con mà ném cho lũ chó con” (câu 26). Và người phụ nữ trả lời ngay: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (c. 27).
Với những lời này, bà mẹ cho thấy rằng bà đã trực giác thấy lòng tốt của Thiên Chúa Tối Cao, hiện diện nơi Chúa Giêsu, đang mở ra cho mọi nhu cầu của thụ tạo của Ngài. Sự khôn ngoan đầy tin tưởng này đánh động trái tim Đức Giêsu và lấy được sự cảm mến của Ngài: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy” (câu 28).
Đức tin mạnh là gì? Đức tin mạnh là đức tin mang nơi mình một lịch sử, cũng được đánh dấu bằng những vết thương, đến dưới chân Chúa để xin Ngài chữa lành, để cho nó một ý nghĩa.
Mỗi chúng ta đều có một lịch sử riêng và không phải lúc nào cũng là lịch sử đáng để kể, không phải lúc nào cũng là lịch sử trong sạch… Nhiều khi đó là một lịch sử khó, với nhiều đau thương, bao rắc rối và tội lỗi. Tôi phải làm gì với lịch sử của chính mình? Tôi giấu nó? Không! Chúng ta phải mang nó đến trước Chúa. “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa lành cho con!”. Đây là điều mà người phụ nữ này, người mẹ tốt này đã dạy cho chúng ta: can đảm đem lịch sử đau đớn của chính mình đến trước Chúa, trước mặt Chúa Giêsu; chạm đến sự dịu dàng của Thiên Chúa, sự dịu dàng của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy thử về lịch sử này, về lời cầu nguyện này. Mỗi người chúng ta hãy nghĩ về lịch sử của chính mình. Trong một lịch sử, luôn luôn có những điều tồi tệ. Hãy đến với Chúa Giêsu, chúng ta hãy gõ cửa trái tim Chúa Giêsu và nói với Người: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa lành con!”.
Chúng ta sẽ có thể làm được điều này nếu chúng ta luôn có bên mình khuôn mặt của Chúa Giêsu, nếu chúng ta hiểu trái tim của Đức Kitô: một trái tim trắc ẩn, mang lấy nỗi đau của chúng ta, mang lên mình tội lỗi của chúng ta, lỗi lầm và thất bại của chúng ta.
Nhưng với một trái tim yêu chúng ta như thế, chúng ta sẽ thế nào? Chúng ta không cần phải hoá trang. Ngài yêu chúng ta như thế. “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa lành con!”. Và vì điều này, chúng ta cần phải hiểu Chúa Giêsu, để quen thuộc với Chúa Giêsu.
Và tôi luôn nhắc lại lời khuyên tôi dành cho anh chị em: hãy luôn mang theo mình một cuốn Kinh Thánh bỏ túi nhỏ và đọc một đoạn Kinh thánh mỗi ngày. Và ở đó, anh chị em sẽ tìm thấy Chúa Giêsu như Ngài diễn tả; nhìn thấy Chúa Giêsu yêu chúng ta, yêu chúng ta rất nhiều. Anh chị em mang cuốn Kinh Thánh trong túi, hay thậm chí trên điện thoại di động để đọc. Xin Chúa giúp chúng ta biết cầu nguyện bằng những lời thật đẹp mà người phụ nữ dân ngoại hôm nay dạy chúng ta.
Xin Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu cho chúng ta, để mỗi người đã được lãnh nhận phép rửa được lớn lên trong niềm vui của đức tin và ước muốn thông truyền nó bằng đời sống chứng tá xứng hợp, cho chúng ta can đảm để đến gần với Chúa Giêsu và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa lành con!”
Văn Yên, SJ
(VaticanNews Tiếng Việt 17.08.2020)