Người Công giáo lên kế hoạch giúp tái thiết Myanmar

Họ vạch ra lộ trình giúp đất nước bù đắp lại những nỗi bất hạnh dưới chế độ quân sự trước đây
Người Công giáo lên kế hoạch giúp tái thiết Myanmar

Người Công giáo ở Myanmar cam kết đóng vai trò tích cực trong việc tái thiết đất nước sau những hậu quả của gần 50 năm dưới sự quản trị yếu kém của quân đội.

72 người Công giáo gồm giám mục, linh mục, nữ tu và giáo dân tham dự hội nghị “Sứ mạng lên kế hoạch xây dựng đất nước” được tổ chức tại văn phòng Hội đồng Giám mục Công giáo Myanmar ở Yangon từ ngày 8-10/6.

“Chúng ta quy tụ nơi đây nhất trí đồng lòng tìm ra cách chung góp phần xây dựng đất nước hiệu quả”, Đức cha Raymond Sumlut Gam của Banmaw, ở bang bị xung đột tàn phá Kachin, phát biểu.

Đức cha Gam còn là chủ tịch Karuna (Caritas) Myanmar, nói Giáo hội Công giáo được mong đóng vai trò lớn hơn trong việc xây dựng đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khoẻ.

Hội nghị dài 3 ngày tập trung thông qua tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu của Giáo hội trong kế hoạch 5 năm 2018-2022.

Tại hội nghị, tham dự viên thảo luận và đề ra chiến lược mục vụ xã hội ưu tiên 5 lĩnh vực: giáo dục, phát triển con người toàn diện, đối thoại liên tôn giáo, trao quyền cho phụ nữ và môi trường công lý.

Cha Maurice Nyunt Wai, thư ký điều hành hội đồng giám mục, nói chính sự hiệp lực của tất cả các giáo phận ở Myanmar sẽ góp phần vào vai trò xây dựng đất nước của Giáo hội.

“Vốn là một phần của Myanmar, Giáo hội Công giáo sẵn sàng tham gia sứ mạng xây dựng đất nước”, cha Nyunt Wai còn là thành viên ban chỉ đạo biên soạn kế hoạch 5 năm, phát biểu.

Ngài nói với ucanews.com các lãnh đạo Công giáo đã chuẩn bị lộ trình từ 2 năm nay, đã tổ chức nhiều hội nghị và hội đàm.

Giáo hội đưa ra cam kết vào thời điểm Myanmar đang vươn lên sau nhiều thập niên chịu sự cai trị của quân đội, khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 và lên nắm quyền hồi tháng 4 năm ngoái.

Trước đó, Đức Hồng y Charles Bo của Yangon kêu gọi trả lại các trường học bị quốc hữu hoá cho Giáo hội Công giáo để giúp cải thiện hệ thống giáo dục tụt hậu trong đất nước này. Các nhà chỉ trích từ lâu đã lên án chế độ quân sự độc tài trước đây bỏ bê hệ thống giáo dục của Myanmar trong nhiều thập niên.

Myanmar được xem là quốc gia có nền giáo dục tốt nhất ở Đông Nam Á vào những năm 1950 nhờ chất lượng giáo dục trong các trường học Kitô giáo. Hầu hết các trường học này bị quốc hữu hoá năm 1965 sau khi Tướng Ne Win lên nắm quyền.

Nguồn tin: UCAN