Người di dân: “Âu Châu đang đánh mất tâm hồn mình”

Linh mục Cédric Burgun, giáo sư giáo luật Viện Công giáo Paris phân tích các lời tuyên bố của Đức Phanxicô mà Giám mục Gaillot thuật lại trong buổi gặp Đức Giáo hoàng sau 25 năm chưa được gặp một giáo hoàng.

 

 

    Gulip.jpg
Em bé Gulip, người Syria, bị chết đuối trên một bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi cùng cha mẹ lên thuyền đi đến đảo Kos, Hy Lạp.
  
 

 

 

Aleteia: Đức Phanxicô đã chia sẻ với Giám mục Gaillot nỗi đau lòng của mình cho số phận những người di dân “thịt da” của Giáo hội, tại sao?

 

Linh mục Cédric Burgun: Người di dân là một trong những hình thức mới của nạn nghèo khó mà ngày nay thế giới phải đối diện và Giáo hội luôn cho thấy mình quan tâm đến người nghèo. Dĩ nhiên đây không phải là hình thức duy nhất của nạn nghèo khổ nhưng là một hình thức mới của nạn nghèo khổ mà chúng ta không thể phớt lờ cũng không thể gạt đi. Một số người di dân đói, họ đi trốn một chế độ chính trị hoặc một tình trạng kinh tế thảm thương. Một số người bị bách hại và tính mạng của họ bị đe dọa. Rất nhiều hoàn cảnh bi đát tụ nơi hình ảnh của người di dân. Tôi còn nhớ câu Đức Phanxicô tuyên bố ở Nghị viện Âu Châu: “Biển Địa Trung Hải không thể trở thành một nghĩa địa khổng lồ”. Vậy mà nó đang là nghĩa địa khổng lồ trước mắt chúng ta.

 

Chúng ta có biết xem người di dân là “anh em ruột thịt”, từ một da một thịt không?

 

Không. Và đây là thảm kịch của ngày hôm nay. Người di dân bị xem như những người đi xâm chiếm, như một vấn đề chính trị, những người làm phiền đến sự tiện nghi hoặc tự do của chúng ta. Vậy mà họ là thịt da đang đau khổ. Không thể giải quyết hoàn cảnh của họ bằng cách xây trại tị nạn. Thảm kịch và khó khăn thì sâu đậm hơn. Trong Thông điệp “Chúc tụng Chúa”, Đức Phanxicô đưa ra lời kêu gọi giảm tăng trưởng ở những nước giàu chúng ta, có nghĩa sự giàu có của các nước Phương Tây là một hình thức bóc lột các nước nghèo, chúng ta phải suy nghĩ về lời kêu gọi này. Chúng ta hãy nhớ lại, theo chương trình dự trù ban đầu của Âu Châu, ông Robert Schuman, Chủ tịch Nghị viện Âu Châu, muốn Âu Châu là nơi của tình đoàn kết đối với người nghèo. Âu Châu của chúng ta ngày nay đang đánh mất tâm hồn khi các nhà lãnh đạo chậm mở mắt ra trước các vấn đề đặc biệt nghiêm trọng như vậy.

 

Đức Phanxicô chưa muốn đến Pháp bây giờ, ngài muốn đến thăm những “nước nhỏ đang cần sự giúp đỡ”. Nước Pháp có còn là một nước Kitô giáo lớn không có vấn đề không?

 

Nước Kitô giáo lớn thì không. Khi không đến 5% dân số Pháp còn giữ đạo thì không còn có thể nói đây là một nước Kitô giáo. Nhưng không vì vậy mà tôi lấy làm tiếc cho những lời tuyên bố của Đức Giáo hoàng. Tôi hiểu Đức Giáo hoàng muốn đến bên cạnh các nước chưa bao giờ có được sự viếng thăm của Người kế vị Thánh Phêrô. Những nước này còn rất nhiều. Về điểm này, trong lịch sử, nước Pháp đã có quá nhiều ưu tiên. Tuy nhiên sứ vụ của Thánh Phêrô cũng là củng cố đức tin cho Giáo hội địa phương nào đang gặp khó khăn, và nước Pháp cần điều này để giữ hy vọng.

 

Về vấn đề ban phép lành cho các cặp đồng tính và các cặp ly dị tái hôn, Đức Phanxicô cũng đồng ý “việc ban phép lành của Chúa là cho tất cả mọi người”. Đây có phải là sự thừa nhận hoàn cảnh của họ không?

 

Tôi không bao giờ mà không ban phép lành cho những người đồng tính, những người ly dị hay cả những người ly dị tái hôn! Theo thần học thiêng liêng, phải luôn phân biệt phép lành cho các đương sự và phép lành cho hoàn cảnh của họ. Tuyệt đối chẳng có gì mới khi ban phép lành cho bất cứ ai xin mình. ban phép lành là nói lời tốt, là khuyến khích người đó hoàn thiện các việc tốt họ làm. Ngược lại, vấn đề ban phép lành cho một cặp đồng tính hay ly dị tái hôn trong bối cảnh này lại là một vấn đề khác. Ngày nay, không thể ban phép lành cho một tình huống đi ngược với Giáo hội. Nhưng chúng ta phải cẩn thận, không phản ứng hay bình luận quá nhanh các lời được kể lại và đem chúng ra khỏi ngữ cảnh. Chúng ta đã có nhiều ví dụ như thế này trong kỳ họp Thượng Hội Đồng năm ngoái.

 

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 03.09.2014/
aleteia.org: Alexandre Meyer, 2015-09-02)