Hỏi : xin cha cho biết cách thức người giáo dân thi hành ba chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế trong Giáo Hội.
Trả lời:
Trong hoàn cảnh thế giới tục hóa, bất công, bạo động , vô luân và thiếu tình người hiện nay ở khắp nơi, người tín hữu Chúa Kitô nói riêng – và Giáo Hội nói chung – hơn bao giờ hết được mời gọi sống Tin Mừng Cứu Độ và làm nhân chứng cho Chúa Kitô cách sống động và đích thực hơn nữa để đẩy lui bóng đen của tội lỗi và sự dữ đang bao trùm thế giới, đe dọa đẩy xa con người ra khỏi niềm tin có Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành. Để đối phó vơi hiểm họa này, Giáo Hội đặc biết mời gọi mọi thành phần dân Chúa phải tái phúc âm ( re-evangelization) để sống Tin Mừng Cứu độ của Chúa Kitô .và làm nhân chứng cho Chúa cách thuyết phục hơn nữa.
Riêng đối với người giáo dân, tái phúc âm cũng có nghĩa là thêm ý thức về vai trò của mình để sống nhân chứng cho Chúa Kitô cách tích cực hơn nữa qua ba chiều kích ngôn sứ, tư tế và vương đế.
Ba hức năng trên phát xuất từ Phép rửa mà mọi người đã lãnh nhận khi gia nhập Giáo Hội của Chúa Kitô, thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ với sứ mệnh phải ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, “ làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần”,( x Mt 28: 19) như Chúa đã truyền cho các Tông Đồ trước khi Người về trời, sau khi hoàn tất sứ mệnh cứu chuộc nhân loại qua khổ hình thập giá.
Đây là một đặc ân cao quý và cũng là trách nhiệm của những ai đã gia nhập Giáo Hội của Chúa Kitô qua Phép Rửa.Các giáo phụ ( Church Fathers) xa xưa đã dạy rằng người tín hữu giáo dân là Đức Kitô thứ hai ( Alter Christus) nhờ Phép rửa cho phép họ được tham dự vào các chức vụ kia của Chúa Kitô.
Danh xưng Đức Kitô thứ hai sau này cũng được dùng để chỉ các tư tế phẩm trật ( ordained Ministers) như linh mục và giám mục, là những người thực sự thay mặt và nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi) khi cử hành các bí tích quan trọng như Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải Xức dầu và Truyền Chức Thánh ( dành riêng cho giám mục) Các Bí tích Rửa tội và Hôn phối thì phó tế có thể làm , kể cả giáo dân trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử. Hai người phối ngẫu có thể kết hôn thành sự với sự chứng kiến của hai nhân chứng trong trường hợp nguy tử, không tìm được linh mục hay phó tế chứng hôn.( x giáo luật số, 1116 &1)
Danh xưng giáo dân( laity= lay people) được dùng để chỉ những người không có chức thánh ( giáo sĩ =clerics) hoặc tu sĩ có lời khấn Dòng ( consecrated life). Họ chính là thành phần dân Chúa đông đảo nhất trong Giáo Hội và được tham dự vào ba chức năng Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế của Chúa Kitô theo cách thức riêng của họ.
Thánh Công Đồng Vaticanô II , trong Hiến Chế Tin Lý Lumen Gentium, đã phân biệt chức linh mục thông thường của giáo dân.( the common priesthood of the laity) khác với chức vụ linh mục biệt tác của hàng giáo sĩ thừa tác ( extraordinary ministerial Priesthood of the clerics) như sau:
Hàng giáo sĩ thừa tác thì hành chức năng tư tế khi cử hành các bí tích , cách riêng bí tích Thánh Thể và Hòa giải nhân danh Chúa Kitô ( Personna Christi). Nghĩa là chính Chúa Kitô cử hành các bí tích qua tay các thừa tác viên con người là Phó tế, linh mục và giám mục.Vì thế, bí tích luôn thành sự ( validly) khi thừa tác viên nhân danh Chúa và cử hành đúng nghi thức ( rites) mà Giáo hội đã qui định.
Thí dụ, rửa tội phải có nước và đọc công thức Chúa Ba Ngôi. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì bí tích không thành sự, dù cho thừa tác viên là linh mục hay giám mục.Cũng vậy, khi cử hành bí tích Thánh Thể trong khuôn khổ Thánh Lễ Tạ Ơn, nếu thừa tác viên không dùng đúng chất thể là bánh không men và rượu nho đúng theo qui đinh của Giáo Hội, hoặc không đọc đúng kinh Nguyện Tạ Ơn và lời truyền phép ( consecration) theo chữ đỏ ( rubric) thì bí tích sẽ không thành sự . Ngược lại, nếu không có chức linh mục hữu hiệu hay thành sự, thì cho dù có đọc và làm đúng theo lễ qui vẫn không có bí tích được , và người cử hành sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết , vì không có chức linh mục mà dám cử hành Thánh Lễ hay giải tội cho ai.( x giáo luật số 1378 triệt 1 và 2).
Tiếp đến, hàng giáo sĩ thừa tác thi hành chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô qua việc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và giáo lý của Giáo Hội cho giáo dân ở khắp nơi để giúp họ biết sống đức tin ,đức cậy và đức mến cách đích thực để được cứu rỗi theo lòng mong muốn của Thiên Chúa, “ Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( 1 Tm 2 :4)
Mặt khác, hàng giáo sĩ và tu sĩ cũng được mong đợi sống phù hợp với lời mình rao giảng và dạy dỗ để làm chứng cho Chúa Kitô, “Đấng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20 28)
Đây là sứ mệnh mở mang Vương Quôc của Chúa Kitô, Vương Quốc của yêu thương, tha thứ, công bình và thánh thiện trong lòng người ở khắp mọi nơi trên thế giới
Trên đây là cách thức hàng giáo sĩ tham dự và thi hành ba chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, với tư cách là tư tế thừa tác ( ministerial sacerdoce)
Người giáo dân, nhờ bí tích Rửa tội, cũng tham dự vào các chức năng trên nhưng theo cách thức riêng của họ như sau:
Liên quan đến chức năng ngôn sứ, người giáo dân không rao giảng lời Chúa trong nhà thờ, nhà nguyện như các linh mục, giám mục, mà rao giảng bằng chính đời sống của mình trước mặt người đời chưa nhận biết Chúa để giúp họ nhân biết và tin yêu Chúa nhờ gương sống đức tin của mình.
Nghĩa là, ở giữa những người không có niềm tin, hay có mà không dám sống niềm tin ấy, nên họ ăn gian nói dối, cờ bạc , gian dâm, thay vợ đổi chồng, buôn bán gian lận, thù ghét người khác, phá thai , ly dị… thì người có niềm tin Chúa phải sống ngược lại với cách sống của những người vô đạo hay chối đạo kia để “ họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm , mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên Trời.” ( Mt 5 :16), như Chúa Giê su đã dạy các môn đệ xưa.
Đây chính là trách nhiệm “ phúc âm hóa môi trường sống” của người tin hữu giáo dân, góp phần hứu hiệu với hàng giáo phẩm và giáo sĩ trong sứ mệnh “phúc âm hóa thế giới” để mở mang Nước Chúa trên trần thế. Chính nhờ gương sống chứng nhân của mình mà người giáo dân sẽ thuyết phục được nhiều người khác nhận biết và tin yêu Chúa . Vì thề, Công Đồng Vaticanô II đã dạy rằng:
“ …Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian.” ( LG, số 33)
Nói khác đi, khi sống giữa những người khác tin ngưỡng hay vô tín ngưỡng, người tín hữu công giáo làm chứng cho Chúa Kitô và rao giảng Tin Mừng của Chúa bằng chính đời sống công bình, bác ái, vị tha, nhân hậu và trong sạch để đối nghịch với lối sống vô luân, gian tham, xảo trá, gian manh, vô nhân đạo của người đời. Nghĩa là. khi không hùa theo cách sống của họ và có can đảm sống theo đường lối của Chúa từ trong gia đình ra đến ngoài cộng đồng xã hội để không thay chồng đổi vợ, không ly dị, phá thai, không thù oán ai, không buôn bán gian lận, không lui tới những nơi tội lỗi như sòng bài và nhà điếm…, thì người giáo dân đã chu toàn chức vụ ngôn sứ của mình cách cách cụ thể và thuyết phục là rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô cách hùng hồn bằng chính đời sống của mình cho những người sống vô luân vô đạo ở khắp nơi trên thế giới tục hóa ngày nay.
Và đây mới chính là cách thi hành chức vụ ngôn sứ của người giáo dân trong Giáo Hội để góp phần mở mang Nước Chúa bằng lời nói và việc làm của mình trước mặt người đời chưa nhận biết Chúa.
Nói khác đi, nếu người tín hữu Chúa Kitô- giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân- mà cũng ham mê tiền của, tôn thờ khoái lạc ( hedonism) chạy theo những lôi cuốn về danh lợi và vui thú vô luân ,vô đạo với người đời thì sẽ trở thành phản chứng ( anti-witness) thay vì là nhân chứng ( witness) cho Chúa Kitô “ Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em được trở nên giầu có.” ( 2 Cor 8: 9)
Mặt khác, khi người tín hữu Chúa Kitô – giáo sĩ ,tu sĩ và giáo dân- sống công bình bác ái, trong sạch và vị tha, yêu thương, tha thứ từ trong gia đình ra đến cộng đồng xã hội thì cũng mang Vương Quốc của Chúa là Vương Quốc yêu thương, công bình, an vui và thánh thiện đến với những ai đang sống trong hận thù, bất công, bóc lột người khác, vô luân vô đạo và dửng dưng trước sự nghèo đói của biết bao anh chị em đồng loại sống quanh mình.
Sau hết, người tín hữu giáo dân thi hành chức năng tư tế của mình bằng cách dâng đời sống cá nhân hay gia đình với mọi vui buồn , sướng, khổ, thành công hay thất bại để hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Kitô một lần dâng lên Chúa Cha trên thập giá , để đền tội thay cho nhân loại, và còn tiếp tục dâng hy tế đền tội này cách bí nhiệm trên bàn thờ ở khắp nơi trong Giáo Hội ngày nay.
Tóm lại, người tín hữu giáo dân được mời gọi thi hành các chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của mình theo cách thức đã trình bày trên đây, để thông hiệp cùng với hàng giáo sĩ thừa tác tế lễ, rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho những người chưa biết Chúa để mở mang Vương Quốc yêu thương, công bình và thánh thiện của Chúa đến với mọi tâm hồn con người ở khắp mọi nơi, để đánh tan bóng đen của tội lỗi, của văn hóa sự chết, của chủ nghĩa tục hóa ( vulgarism, secularism) tôn thờ tiền bạc và mọi thú vui vô luân vô đạo, đang ngày một bành trướng ở khắp nơi trên thế giới trống vắng niềm tin này.
Ước mong những giải thích trên đây thỏa mãn câu hỏi đặt ra.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.