Giúp lễ ở một giáo xứ nhỏ Ê-cốt từ năm 1924, vừa qua ông Peter Reilly êm nhẹ qua đời, thọ 103 tuổi.
Người giúp lễ già nhất thế giới đã được an táng ở nghĩa trang Ardrossan nước Anh ngày thứ hai 23 tháng 7, bên cạnh thân sinh của ông. Trong vòng 91 năm, hàng ngày ông giúp lễ ở giáo xứ Mẹ Maria, Saltcoats, ông giúp lễ kế tục cho 30 linh mục phục vụ ở giáo xứ này. Năm 2015, ông nói với báo Scottish Daily Mail, tuổi tác đã làm cho ông đi đứng chậm lại. Đến năm 100 tuổi, ông không còn nhấc chân lên được.
Tuy vậy đến năm kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi, ông được nước Anh tặng huân chương dành cho người đã phục vụ dân sự hay quân sự cho Quốc gia. Đức Phanxicô đã gởi phép lành riêng của mình cho ông nhân dịp sinh nhật 100 tuổi của ông. Trong thánh lễ kỷ niệm những năm tháng phục vụ trung thành và chính trực, một nhân viên chấp hành của sách Các kỷ lục Guinness hiện diện để chứng nhận bằng tưởng thưởng của ông.
Ơn gọi giúp lễ của ông có từ năm 1924. Năm đó, linh mục Rooney đến thăm gia đình Reilly. Cha hỏi em bé Peter có muốn giúp lễ không. Ông thổ lộ: “Từ đó, tôi nghĩ tôi không bỏ một lễ nào trong đời tôi”. Ông có một đời sống rất đơn giản. Ông không lập gia đình, thích ở vậy để giúp chị của mình có 8 người con. Đối với các cháu cũng như với các giáo dân trong giáo xứ, ông là “Bác Peter”. Theo ông, sống thọ chỉ gồm ba chuyện: “Ăn uống lành mạnh, cầu nguyện và điều độ trong mọi sự!”
Một đời sống đơn giản nhưng trọn vẹn. Năm 11 tuổi, ông học lái xe tải của người cha, thân phụ ông làm việc trong ngành nhập cảng bơ và trứng. Ông tiếp tục làm việc ở công ty của thân phụ ông cho đến khi ông về hưu.
Ngoài các công việc từ thiện, ông thường đi hành hương ở Rôma và Turin để viếng Mộ Thánh Saint-Suaire. Gần đây ông còn học một lớp tiếng Pháp để đi viếng Đức Mẹ Lộ Đức. Ông sinh ngày 11 tháng 2 là ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức nên ông đặc biệt kính mến Đức Mẹ.
Độc thân, lại phục vụ Giáo hội bao nhiêu năm, ông có muốn làm linh mục không? Ông thú nhận: “Tôi cũng đã nghĩ đến, nhưng tôi nghĩ tôi không có khả năng. Dù sao, tôi cũng bằng lòng với cuộc sống của tôi”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn tin: Phanxico