« Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết,
nhưng là của kẻ sống »
(Mc 12, 18-27)
18 Có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người:19 “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.”
20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng.21Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy.22 Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết.23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ.”
24 Đức Giê-su nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?25Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp.27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to! “
***
Trước đó, những người Pha-ri-sêu và những người phe Hê-rô-đê đặt câu hỏi để gài bẫy Đức Giê-su về những sự ở đời này, nghĩa là về vấn đề nộp thuế, được kể lại trong bài Tin Mừng hôm qua. Bây giờ, đến lượt những người thuộc nhóm Xa-đốc đến chất vấn Ngài về những sự ở đời sau: “Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ”.
Người ta hỏi là để gây khó khăn, thậm chỉ để gài bẫy nhằm có lí do để lên án, nhưng, giống như trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su dùng chính điều dữ con người làm cho Ngài, để mở ra con đường cứu độ, để loan báo Tin Mừng.
- Cầu nguyện cho các linh hồn và sự sống lại
Hằng ngày và nhất là trong suốt tháng 11, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là cho những người thân yêu của chúng ta đã qua đời ; vì thế, thật là an ủi cho chúng ta, khi Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay :
Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống.
(c. 27)
Xin cho lời này của Đức Giê-su cũng cố niềm tin của chúng ta vào sự sống lại. Bởi lẽ, chính vì niềm tin vào sự sống lại mà chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Như chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính : « Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau ». Và xin cho các linh hồn, nhất là linh hồn của những người thân yêu của chúng ta được Chúa thứ tha, thương xót và cho sống lại để cùng nhau xum họp và mãi mãi thuộc về Chúa, là Đấng hằng sống.
Và tất cả chúng ta, là những người đang sống dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng sẽ lần lượt qua đi với niềm hi vọng được sống lại với Chúa và với nhau. Vì thế, ngay hôm nay, khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta được mời gọi hướng về sự sống lại của chúng ta rồi, đã sống cho sự sống lại của chúng ta rồi, ngay khi còn đang sống trong cuộc đời chóng qua này. Và ước gì niềm tin này đem lại ý nghĩa và hướng đi cho chúng ta trong cuộc đời chóng qua này, nhất là trong tương quan của chúng ta đối với những gì thuộc về đời này.
Tuy nhiên cũng giống như những người thuộc nhóm Xa-đốc, không tin có sự sống lại, chúng ta cũng có những câu hỏi, những vấn nạn, những thắc mắc nan giải về sự sống lại, khiến cho niềm tin của chúng ta bị lung lay.
- Niềm hi vọng sống lại
Chắc chắn, mãi mãi chúng ta sẽ không hiểu hết được về sự sống lại, bởi vì đó là quyền năng sáng tạo và tái sáng tạo thuộc về kế hoạch cứu độ của riêng một mình Thiên Chúa. Tuy nhiên, cũng ta vẫn cứ tin, bởi vì tin thì không cần phải biết hết. Và thật bi đát cho loài người chúng ta, khi sống cuộc đời chóng qua này mà không có niềm hi vọng sống mãi.
Thật vậy, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, nên chúng ta tự trong cõi lòng, dù ý thức hay không ý thức, luôn khao khát được hằng sống. Và thật là bất hạnh cho chúng ta, khi khao khát mà không được ban tặng, không được làm cho no thỏa. Và Đức Giê-su, phát xuất từ Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ngài đến để xác chuẩn cho chúng ta về lời đáp của Thiên Chúa, là sẽ ban tặng sự sống đời đời của Thiên Chúa cho chúng ta : « Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống » (Ga 11, 25). Và đó là lí do, chúng ta luôn cầu nguyện cho các linh hồn ; và chính chúng ta một ngày nào đó, cũng sẽ được cầu nguyện như thế.
Hơn nữa, loài người chúng ta luôn khao khát sự sống đời đời, nhất là khi thương yêu nhau : khi thương yêu nhau, chúng ta luôn ước ao thương yêu nhau mãi, và để thương yêu nhau mãi, thì phải sống mãi. Bởi vì tình thương phát xuất từ Thiên Chúa hằng sống và hướng về Thiên Chúa hằng sống. Tình thương tự bản chất hướng về vô biên và sẽ tồn tại mãi mãi, như Thánh Phaolo nói : « Lòng mến không bao giờ mất được » (1Cor 13, 8). Bởi vì Thiên Chúa là lòng mến, là tình thương.
Ngoài ra, niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống và ơn huệ sống lại, sẽ làm cho chúng ta được bình an và tự do đối với sự sống này và những gì thuộc về sự sống này, đó là của cải, tiện nghi vật chất, sức khỏe, vẻ bề ngoài, thành công, danh vọng. Niềm tin vào sự sống lại giúp chúng ta tương đối hóa những điều này và không biến những điều này thành cùng đích, thành chủ nhân, thành ngẫu tượng. Như trong sách Ma-ca-bê, quyển thứ hai, kể lại cho chúng ta : bảy anh em và cả người mẹ nữa, sẵn sàng chịu chết, nghĩa là từ bỏ hết tất cả, kể cả mạng sống mình, chứ không vi phạm luật của Chúa truyền, vì tin vào tình thương của Chúa và ơn huệ Chúa sẽ ban tặng là sự sống lại.
Cuối cùng, cuộc đời này có rất nhiều người bất hạnh do số phận, sinh ra đã bệnh tật hay tật nguyền, hay bất hạnh do thiên tai, như ở nhiều nơi trên thế giới và ở Việt-Nam trong những ngày này, có những em bé bị giết hại khi chưa được sinh ra, có những con người hi sinh đời mình để sống cho Chúa và cho người khác, trong đời tu cũng như trong đời sống gia đình. Vì thế, chúng ta tin mạnh mẽ rằng, Chúa sẽ an ủi mãi mãi những người này một cách quảng đại và nhưng không.
- « Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết »
Chúng ta hãy trở lại với Lời Chúa trong bài Tin Mừng, để lắng nghe và cố gắng hiểu câu trà lời của chính Đức Giê-su về sự sống lại. Chắc hẳn, chúng ta cũng có những thắc mắc liên quan đến sự sống đời sau và sự sống lại, tương tự như những người thuộc nhóm Xa-đốc. Tuy nhiên trong đức tin, chúng ta được mời gọi vượt qua lòng ham muốn biết tất cả, để nói như thánh I-nhã Loyola qua miệng cha Karl Rahner, Dòng Tên : « Hãy thả mình vào trong cung lòng của Thiên Chúa một cách vô điều kiện ». Và đó chính là lời gọi mà chúng ta có thể nghe ra được trong câu trả lời của Đức Giê-su.
Theo Đức Giê-su, niềm tin phục sinh của chúng ta được đặt nền tảng tận cùng ở trên chính bản tính của Thiên Chúa, đó là bản tính hằng sống ; và vì Ngài là hằng sống, nên Ngài tình yêu của Ngài cũng sẽ là muôn đời, là mãi mãi ; như Tv 136 tuyên xưng :
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Thế mà Thiên Chúa là tình yêu, nên tình yêu của Chúa không thể là vắn vỏi, không thể là chóng qua. Do đó, chúng ta tin mạnh mẽ rằng, chính tình yêu muôn đời của Thiên Chúa hằng sống làm cho chúng ta được sống lại và sống mãi, cho dù chúng ta có phải chết. Bởi vì, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, đang yêu thương chúng ta và sẽ yêu thương mãi mãi. Như chính Đức Giê-su nói một cách rất mạnh mẽ và thuyết phục về sự sống lại : « Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống ».
* * *
Trong Thánh Lễ, sau khi truyền phép, chúng ta tuyên xưng : « Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến ». Ước gì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô chết và phục sinh trở thành lẽ sống và niềm hi vọng của chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời này.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc