Ngày mùng 8 tháng 7 vừa qua nhật báo Cộng Hoà La Republica ở Italia đã đăng bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô dành cho ông Eugenio Scalfari, một nhà báo lão thành không có niềm tin tôn giáo. Thứ năm trước đó chính ĐTC đã điện thoại cho ông. Ông Eugenio hơn ĐTC 13 tuổi.
Sau khi hỏi thăm nhau về tình hình sức khoẻ ĐTC khuyên ông nên uống nước nhiều và ăn thức ăn có muối. Hai người hẹn gặp nhau lúc 4 giờ chiều cùng ngày tại nhà trọ thánh nữ Marta. Đề tài chính của buổi nói chuyện xoay quanh Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Tạo Hoá duy nhất của vũ hoàn. Đó cũng là luận thuyết nền tảng của triều đại Đức Phanxicô. Kết quả là tình huynh đệ giữa mọi tôn giáo và của các Giáo Hội Kitô, đặc biệt là tình yêu thương đối với người nghèo, người yếu đuổi, bị loại trừ, người bệnh tật, hoà bình và công lý. ĐTC cho ông biết ngài rất lo âu đối với hội nghị thượng đỉnh của khối G20. Ngài nói với ông:
“Tôi sợ rằng có các liên minh khá nguy hiểm giữa các cường quốc có một quan niệm lệch lạc về thế giới: Mỹ và Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn, Putin và Assad trong chiến tranh Siria”.
Hỏi: Thưa ĐTC đâu là nguy hiểm của các liên minh này?
Đáp: Nguy cơ liên quan tới việc di cư. Như ông biết đó, chúng ta có một vấn đề chính, và rất tiếc ngày càng gia tăng trong thế giới hiện nay, đó là vấn đề của người nghèo, người yếu đuối, người bị loại trừ, mà các người di cư là thành phần. Đàng khác, có các quốc gia đa số dân nghèo không đến từ các phong trào di cư, mà bởi các tai ương xã hội, có những nước khác có ít người nghèo, nhưng họ sợ sự xâm lăng của người di cư. Đó là lý do tại sao hội nghị thượng đỉnh của khối G20 khiến tôi lo lắng: nó đánh vào người di cư của các quốc gia phân nửa thế giới, và nó càng đánh mạnh với thời gian qua đi.
Hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC nghĩ rằng trong xã hội toàn cầu như xã hội chúng ta đang sống, sự di chuuyển của các dân tộc gia tăng, nghèo hay không nghèo cũng thế, có phải vậy không?
Đáp: Chúng ta đừng ảo tưởng: các dân tộc bị thu hút bởi các đại lục và các quốc gia giầu cổ xưa. Nhất là Âu châu. Chế độ thực dân phát xuất từ châu Âu. Có các khía cạnh tích cực trong chế độ thực dân, nhưng cũng có các khía canh tiêu cực. Dầu sao đi nữa Âu châu đã trở thành giầu có hơn, giầu nhất trên toàn thế giới. Vì thế nó sẽ là mục tiêu của các dân tộc di cư.
Hỏi: Cả con nữa cũng đã suy tư nhiều lần về vấn đề này, và con đi tới kết luận rằng không phải chỉ vì thế, mà cũng vì thế Âu châu phải mau chóng chừng nào có thể có một cơ cấu liên bang. Các luật lệ và các thái độ chính trị phát xuất từ đó được quyết định bởi chính quyền liên bang và Quốc hội liên bang, chứ không phải bởi các nước thành viên riêng rẽ. ĐTC cũng đã nhiều lần nêu lên vấn đề này, cả khi phát biểu trước Quốc hội âu châu nữa, có đúng thế không thưa ĐTC?
Đáp: Đúng thế. Tôi đã nhiều lần nêu lên vấn đề này.
Hỏi: Và ĐTC đã được vỗ tay tán đồng nhiều lần kể cả tung hô nữa có đúng vậy không?
Đáp: Vâng, đúng vậy. Nhưng rất tiếc nó có ít ý nghĩa. Các quốc gia chuyển động và ý thức được một sự thực: hoặc là Âu châu trở thành một cộng đồng liên bang hoặc là nó sẽ không còn là gì nữa trên thế giới. Nhưng bây giờ tôi muốn hỏi ông một câu: đâu là các thành kiến và các khuyết điểm của các nhà báo?
ĐTC trở thành người phỏng vấn. Ông Eugenio đáp: Thưa ĐTC, ĐTC phải biết rành hơn con chứ, bởi vì ngài là một người kiên trì đọc các bài họ viết mà!
ĐTC: Nhưng mà tôi muốn biết từ ông cơ!
Đáp: Vâng, chúng ta hãy để qua một bên các thành kiến, nhưng cũng có các thành kiến và đôi khi chúng cũng rất là đáng chú ý. Các khuyết điểm của các nhà báo: đó là kể lại một sự kiện mà không biết nó thật hay không thật tới mức nào; vu khống, giải thích sự thật bằng cách khiến cho các tư tưởng của mình thắng thế. Và cả việc lấy các tư tưởng của một người khôn ngoan hơn, chuyên môn hơn làm của mình, bằng cách gán nó cho chính mình.
ĐTC nói:
Điều cuối cùng này tôi đã không bao giờ để ý. Chuyện các nhà báo có các tư tưởng riêng và áp dụng chúng cho thực tại không phải là một khuyết điểm, nhưng tự gán cho mình các tư tưởng của người khác để có được uy tín hơn, điều này chắc chắn là một khuyết điểm trầm trọng.
Hỏi: Thưa ĐTC, nếu ĐTC cho phép bây giờ con xin hỏi hai điều. Con đã trình bầy vài lần trong các bài viết của con, nhưng con không biết ĐTC nghĩ gì?
Đáp: À, tôi hiểu rồi. Ông muốn nói về Spinoza và Pascal chứ gì. Ông muốn đề nghị trở lại hai đề tài này phải không?
Hỏi: Vâng, con cám ơn ĐTC. Chúng ta hãy bắt đầu với Luân lý đạo đức của Spinoza. ĐTC biết ông ta sinh ra là người Do thái, nhưng không sống đạo Do thái. Ông đã từ hội đường do thái Lisboa sang Hoà Lan. Nhưng trong ít tháng sau khi ông cho đăng vài bài khảo luận, hội đường Do thái tại Amsterdam đã cho đăng tải một bài viết rất gay gắt chống lại ông. Trong vài tháng Giáo Hội công giáo đã tìm cách lôi kéo ông vào niềm tin của mình. Spinoza đã không trả lời, và đã sắp xếp để các bút tích của ông chỉ được công bố sau khi ông qua đời. Nhưng trong khi chờ đợi thì vài người bạn của ông đã nhận được các bản thảo của các cuốn sách ông đang viết.
Đặc biệt là cuốn Luân lý đạo đức được Giáo Hội biết tới, và lập tức ra vạ tuyệt thông cho ông, Lý do là vì Spinoza cho rằng Thiên Chúa hiện diện trong mọi tạo vật sống động: thảo mộc, thú vật, con người. Một tia lửa thiên linh ở khắp mọi nơi. Như vậy Thiên Chúa nội tại trong thế gian, chứ không siêu việt. Chính vì vậy mà ông đã bị vạ tuyệt thông.
Đáp: Vậy chứ ông không thấy thế là đúng hay sao? Thiên Chúa duy nhất của chúng tôi siêu việt. Chúng tôi cũng nói rằng có một tia thiên linh ở khắp mọi nơi, nhưng sự siêu việt là miễn nhiễm. Đó là lý do tai sao ông ta bị vạ tuyệt thông.
Hỏi: Đối với con, nếu con nhớ đúng, xem ra đó đã do dòng Tên yêu cầu. Vào thời chúng ta đang đề cập tới, các tu sĩ dòng Tên đã bị trục xuất khỏi Giáo Hội, rồi lại được thu nhận. Dầu sao đi nữa ĐTC đã không nói cho con biết tại sao phải thu hồi vạ tuyêt thông đó.
Lý do là thế này. ĐTC đã nói với con trong một lần nói chuyện trước rằng vài ngàn năm nữa loài người chúng ta sẽ tuyệt chủng. Trong trường hợp đó các linh hồn giờ đây được hưởng hạnh phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhưng khác với Chúa sẽ hoà tan với Ngài. Ở thời điểm ấy sẽ không còn có sự cách biệt giữa siêu việt và nội tại nữa. Và vì vậy, khi dự kiến trước biến cố đó, việc ra vạ tuyệt thông ngay từ bây giờ có thể được tuyên bố là đã hết rồi. ĐTC không nghĩ như thế sao?
Đáp: Chúng ta hãy nói rằng có một luận lý trong điều ông đề nghị, nhưng lý do dựa trên một giả thuyết của tôi, nó không có sự chắc chắn nào, và nền thần học của chúng ta không thấy trước điều đó. Việc giống người của chúng ta biến mất là một giả thuyết tinh tuyền, và vì vậy nó không thể lý giải một vạ tuyệt thông đã được đưa ra để kiểm duyệt sự nội tại và khẳng định sự siêu việt.
Hỏi: Nếu ĐTC mà làm điều đó thì sẽ bị đa số Giáo Hội chống đối, có đúng thế không?
Đáp: Tôi tin là vậy, nhưng nếu chỉ là chuyện đó và tôi chắc chắn về điều tôi nói về đề tài này, tôi sẽ không nghi ngờ, trái lại nếu tôi lại không chắc chắn và vì vậy tôi sẽ không đương đầu với một trận chiến có thể nghi ngờ trong các lý do và thất bại ngay từ lúc bắt đầu. Bây giờ nêu muốn ông hãy nói về vấn đề thứ hai muốn hỏi tôi.
Hỏi: Vâng đó là vấn đề về ông Pascal. Sau một tuổi trẻ ăn chơi Pascal đã như bất thình lình bị xâm chiếm bởi niềm tin tôn giáo. Ông ta đã rất thông thái, ông đã đọc Montaigne nhiều lần và cả Spinoza, Giansenio, các hồi ký của ĐHY Carlo Borromeo. Nghĩa là ông ta có một nền văn hóa đời và cả tôn giáo nữa. Tới một lúc nào đó niềm tin tôn giáo đánh trúng ông hoàn toàn. Ông gia nhập cộng đoàn Port Royal des Champs, nhưng rồi lại tách rời ra. Ông viết vài tác phẩm trong đó các “Tư tưởng”, một cuốn sách theo con thật tuyệt vời và cũng rất hay trên bình diện tôn giáo. Nhưng rồi ông qua đời. Ông hầu như hấp hối và bà chị đã mang ông về nhà để có thể săn sóc cho ông. Mặc dầu ông muốn chết trong nhà thương giữa những người nghèo. Bác sĩ đã từ chối không cho phép vì ông chỉ còn vài ngày sống và vì việc đem ông đi không thể làm được. Khi đó ông xin đem một người nghèo hấp hối từ một nhà thương dành cho người nghèo về nhà ông với một chiếc giường giống giường của ông. Bà chị tìm cách làm vừa lòng ông, nhưng cái chết đến trước. Riêng cá nhân con thì con nghĩ Pascal đáng được phong chân phước lắm.
Đáp: Ông bạn thân mến của tôi, ông hoàn toàn có lý trong trường hợp này. Tôi cũng nghĩ là Pascal đáng được phong chân phước. Tôi sẽ lo liệu thủ tục cần thiết và hỏi ý kiến của các cơ quan Vaticăng đặc trách các vấn đề này, cùng với xác tín cá nhân và tích cực của tôi.
Hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC có bao giờ nghĩ tới việc viết về một hình ảnh Giáo Hội công nghị không?
Đáp: Không, tại sao tôi lại phải làm điều đó?
Hỏi: Bởi vì nó sẽ có một kết quả khá đảo lộn. ĐTC có muốn con giải thích không?
Đáp: Chắc chắn là ông làm tôi hài lòng rồi. Còn hơn thế nữa xin ông vẽ nó ra cho tôi.
ĐTC đưa giấy bút cho tôi và tôi vẽ. Tôi gạch một đường ngang và nói rằng đây là các Giám Mục mà ĐTC quy tụ về họp Công nghị. Tất cả các vị đều có một tước hiệu như nhau và một nhiệm vụ như nhau: đó là săn sóc các linh hồn được giao phó cho các vị trong giáo phận của các vị. Tôi vạch đường ngang này rồi nói: Nhưng mà ĐTC, thưa ĐTC, là Giám Mục Roma và như thế có quyền tối thượng trong Công nghị, vì ĐTC có nhiệm vụ rút tiả ra các kết luận và đưa ra đường lối chung của hàng Giám Mục. Như thế Giám Mục Roma ở bên trên vạch ngang này, có một vạch dọc lên cho tới tên của ĐTC và nhiệm vụ của ngài. Đàng khác các Giám Mục ở trên hàng ngang cai quản, giáo dục, trợ giúp tín hữu, và vì vậy có một đường từ hàng ngang xuống cho tới điều đại diện dân chúng. ĐTC có trông thấy hình vẽ không? Nó là một Thập Giá đó.
ĐTC nói:
Tư tưởng này thật rất là hay đẹp. Tôi đã không bao giơ có ý tưởng làm một hình vẽ về Giáo Hội Công nghị. Ông đã làm điều đó, tôi rất thích nó.
Trời đã muộn. ĐTC tặng tôi hai cuốn sách kể lại lịch sử của ngài tại Argentina cho tới Công nghị hồng y bầu ngài làm Giáo Hoàng. Một cuốn dầy hàng trăm trang. Chúng tôi ôm hôn nhau. Và ĐTC đã muốn mang hai cuốn sách ra xe cho tôi. Chúng tôi xuống thang máy và ra cửa nhà trọ thánh Marta. Chiếc xe của tôi đã dừng trước cửa. Ông tài xế xuống xe bắt tay chào ĐGH và tìm giúp tôi vào trong xe. ĐTC mời ông tài xế ngồi vào tay lái cho xe nổ máy và nói “Để tôi giúp ông ấy”. Ngài đỡ tôi và giúp tôi vào trong xe và giữ cửa xe mở. Khi tôi đã ngồi trong xe, ngài hỏi tôi có thoải mái không. Tôi trả lời là có. Khi đó ngài mới đóng cửa xe, và lui ra sau một bước chờ cho xe chuyển bánh, Ngài vẫy ta chào tôi cho tới phút chót, trong khi tôi đầy nước mắt vì cảm động. Tôi thường viết rằng ĐTC Phanxicô là một người cách mạng. Ngài nghĩ đến việc phong chân phước cho ông Pascal, ngài nghĩ tới người nghèo, người di cư. Ngài cầu mong một Âu châu liên bang và cuối cùng và không phải cuối cùng ngài giơ tay giúp tôi vào trong xe. Một vị Giáo Hoàng như thế chúng ta đã không bao giờ có! Và những gì ngài đã nói với tôi trong cuộc phỏng vấn cứ vang lên trong đầu tôi.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 13.07.2017)