“Nhà Ta là nhà cầu nguyện” (27.5.2016 – Thứ sáu, sau Chúa Nhật VIII Thường Niên)

“Nhà Ta là nhà cầu nguyện”
(Mc 11, 11-26)

 

11 Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.

12 Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói.13 Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả.14 Người lên tiếng bảo cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa! ” Các môn đệ đã nghe Người nói thế.

15 Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu.16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ.17 Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! “18 Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người.19 Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành.

20 Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ.21 Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: “Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi! “22 Đức Giê-su nói với các ông: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa.23 Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: ÀDời chỗ đi, nhào xuống biển! , mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý.24 Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.25 Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. (26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em).”

***

Trước hết, chúng ta được mời gọi nhìn ngắm Đức Giê-su và các môn đệ trong hành trình đến Giê-ru-salem và vào Đền Thờ. Nhưng khi chiều đến, các ngài ra khỏi (c. 11 và 20). Tại sao vậy? Có lẽ đó là vì nguy hiểm (x. Mc 10, 32-34; 11, 18), như những gì được kể lại trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay cho thấy, vì đều liên quan đến vấn đề sống và chết:

  • Cây vả bị nguyền rủa vì không có trái và hôm sau bị chết khô tận rễ! (c. 14 và 20)
  • Đền thờ là nhà cầu nguyện, nhưng trở thành “sào huyệt của bọn cướp”, nghĩa là nơi chết chóc (c. 19).
  • Viễn tượng Thương Khó: “Các Thượng Tế và các kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su” (c. 18).

 

  1. Đức Giê-su và cây vả (c. 11-14 và 19-21)

Trong những điều vừa nêu, chắc chắn lời của Đức Giê-su dành cho cây vả là khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận nhất: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” Thật tội cho cây vả đang xanh tốt, vì không phải là mùa ra trái thì làm sao có trái mà hái! Nhưng lại bị Đức Giê-su nguyền rủa, đến nỗi phải chết khô tận gốc rễ ngay hôm sau: “Kìa Thầy xem, ông Phê-rô nói, cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!”

Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi vượt qua bình diện tự nhiên, để hiểu lời của Đức Giê-su ở bình diện đức tin: mọi tạo vật, cây vả, Đền Thờ và mỗi người chúng ta, phải sẵn sàng bất cứ lúc nào, bất cứ mùa nào, để cho Đức Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời, là Đấng mà nhờ Người mà mọi sự được tạo thành (x. Ga 1, 3), đến viếng thăm và thu hoạch hoa trái. Cây vả chính là hình ảnh nói về Đền Thờ, và về mỗi người chúng ta. Và nếu chúng ta bất lực, Người mời gọi chúng ta hãy có lòng tin, như Đức Giê-su trả lời ông Phê-rô, khi chứng kiến cây vả chết khô:

Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!”, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý.

(c. 22-23)

 

  1. Đức Giê-su và đền thờ (c. 15-18)

Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giê-su bừng bừng nổi giận đánh đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, và hãy để cho hình ảnh này đánh động chúng ta. Ngài là đấng hiền lành, nhưng tại sao, lí do nghiêm trọng nào đã khiến Ngài nổi giận như thế? Chúng ta hãy ước ao được hiểu con tim của Ngài.

Sự kiện Đức Giê-su thanh tẩy đền thờ chắc chắn có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì cả bốn sách Tin Mừng đều kể lại cho chúng ta :

  • Tin Mừng theo thánh Luca kể lại biến cố cách nhẹ nhàng nhất (x. Lc 19, 45-46) ; hai Tin Mừng nhất lãm còn lại (Mt 21, 12-13 và Mc 11, 15-19), trong đó có Tin Mừng theo thánh Mác-cô của Thánh Lễ hôm nay, kể lại với nhiều chi tiết hơn : kẻ mua người bán, các bàn đổi tiền, các sạp bán bồ câu…
  • Tin Mừng theo thánh Gioan là đặc biệt nhất : biến cố được tường thuật ngay từ đầu đời sống công khai của Đức Giê-su (Ga 2, 13-22), và được kể lại cách mạnh mẽ, nghĩa là vừa chi tiết hơn và vừa quyết liệt hơn : Ngài tự bện cho mình cái roi đánh đuổi tất cả và hất tung tất cả ra khỏi Đền Thờ : súc vật, tiền bạc, bàn ghế, những người buôn bán!

Hiện trạng của đền thờ bị Chúa phá đổ dường như đã được báo trước bởi hình ảnh cây vả tốt lá, bị Chúa nguyền rủa, vì không sẵn sàng mang lại hoa trái khi Chúa cần đến. Và lời của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta hiểu ra và nhất là cảm nhận hành vi mạnh mẽ của Ngài :

Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!

(c. 17)

Một đàng, nhà của Thiên Chúa là nhà cầu nguyện, nghĩa là nơi dân Chúa diễn tả và sống tương quan Giao Ước với Thiên Chúa của mình, là nơi Thiên Chúa hiện diện và nói với dân của Ngài ; nhưng đàng khác, lại biến thành « sào huyệt của bọn cướp »! Hai thực tại quá khác biệt, quá tương phản, quá đối lập, và có thể nói, trái ngược nhau tuyệt đối : nơi chốn của hiệp thông, của sự thật, của hiền lành, của ánh sáng, của sự sống, trở thành nơi của loại trừ, nơi của gian dối, nơi của bạo lực, của bóng tối, nơi của sự chết.

Chứng kiến cảnh tượng Đền Thờ như thế và hiểu ở mức độ tuyệt đối như Đức Giêsu đã hiểu, làm sao Ngài không nổi giận cho được ? Tuy nhiên, sự nổi giận của Ngài mang tính giải thoát và chữa lành, chứ không phải loại bỏ. Vì thế, Ngài đã lưu lại Đền Thờ và giảng dạy Lời Thiên Chúa, lời tái tạo và ban sự sống.

Tình trạng của Đền thờ chính là biểu tượng, diễn tả, nhưng chính xác hơn phải nói là mặc khải sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về Giáo Hội, về cộng đoàn, về chính con người của chúng ta. Tình trạng này rất đáng nổi giận. Hiểu ra như vậy, chúng ta có thể tự nguyện xin Chúa hãy nổi giận, hãy làm như Ngài đã làm với con người của chúng ta, với nội tâm của chúng ta, để tái tạo con người chúng ta như ơn gọi ban đầu, nghĩa là để cho Lời của Ngài vang vọng mỗi ngày trong nội tâm và trong ngày sống của chúng ta, như xưa Ngài đã đến giảng dạy trong Đền Thờ hằng ngày.

Lời giảng, chúng ta có thể hiểu toàn bộ lời giảng, của Đức Giê-su có sức mạnh tạo ra phản ứng tận căn: “Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su”, nghĩa là làm lộ ra khuynh hướng chết chóc nơi con người. Phản ứng này đã loan báo Thập Giá rồi. Nhưng, như hình ảnh hạt lúa mì diễn tả, Ngôi Lời Hằng Sống của Thiên Chúa không bị hủy diệt, nhưng ngược lại, sinh nhiều hoa trái, chính khi bị vùi lấp đi.

 

  1. Lòng tin và tha thứ (c. 22-26)

Đền Thờ là nhà cầu nguyện, và để cầu nguyện, thì cần phải có lòng tin và ơn tha thứ. Xin cho chúng ta hiểu được sức mạnh của lòng tin đặt để nơi Thiên Chúa. Đức Giê-su dùng ngôn ngữ vật lí, chuyển núi dời non, để mời gọi chúng ta hiểu ở bình diện tương quan: tin nơi Thiên Chúa, là nguồn gốc và cùng đích, thì hướng sống suốt đời và hướng sống từng ngày của chúng ta sẽ là khởi từ ơn sự sống hướng đến ơn sự sống viên mãn. Không tin nơi Thiên Chúa, điều này có nghĩa là sự sống của mình không có điểm qui chiếu tuyệt đối, ở nguồn gốc và cùng đích, khi đó, người ta sẽ tất yếu hướng về sự chết và sẽ bị xâu xé bởi ma quỉ và những năng động thuộc về ma quỉ. Chính vì thế, hành động của ma quỉ, là chúng ta cho chúng ta không tin (x. St 3).

Và chúng ta được mời gọi tin và đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta có thể tha thứ cho nhau. Bởi vì Ngài là sự sống, và sự sống tất yếu bao hàm tha thứ, nghĩa là tái sinh. Tin nơi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và hay thương xót, được thể hiện nơi ngôi vị và Thập Giá của Đức Giê-su, sẽ giải thoát chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi sự nghi ngờ chết chóc, bởi vì như thánh Phao-lô xác tín: “Những ai ở trong Đức Ki-tô, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8, 1). Và đó chính là sức mạnh cứu độ của lòng tin.

Như thế, lời mời gọi tha thứ, hàm chứa ơn tha thứ, làm cân bằng lại sự mạnh mẽ của Đức Giê-su trong hành động và lời nói đối với Đền Thờ.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc