Giáo hội Công giáo không đối nghịch với khoa học, nhưng ‘ủng hộ khoa học hết lòng’
Đây là những lời của tu sỹ dòng Tên Guy Consolmagno, giám đốc Đài Thiên văn Vatican, trong cuộc thảo luận về mối liên hệ giữa khoa học và đức tin.
Hôm chúa nhật, tại Trường Trung học Juan Diego, thầy kể về những chuyện trong Giáo hội Công giáo La Mã từ những năm 1580, khi Đức Gregory XIII đưa Giáo hội tận tâm nghiên cứu khoa học, một phần trong việc cải cách lịch Julian.
‘Đức Leo đã muốn có một đài thiên văn, để mọi người thấy rằng giáo hội không đối nghịch với khoa học có căn cứ, nhưng khuyến khích và hoạt khoa học với hết lòng tận tâm.’
Và thế là các kính viễn vọng xuất hiện trên tường thành Vatican. Vào thập niên 1930, ô nhiễm ánh sáng làm vẩn đục bầu trời ở Roma, Đài Thiên văn Vatican đã được dời đến dinh thự mùa hè Castel Gandolfo, nơi các nhà khoa học sống và làm việc ngay trên phòng riêng của Đức Giáo hoàng.
Và thầy Guy làm khán giả bật cười khi nói, ‘Chúng tôi là những người duy nhất ở Vatican, thậm chí toàn thể Giáo hội Công giáo, được ở trên giáo hoàng.’
Dù hay nói đùa, nhưng thầy Consolmagno là một nhà khoa học nghiêm túc với các bằng cấp từ Học viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Arizona. Cha dạy vật lý và thiên văn ở Peace Corps, và là giảng viên hậu tiến sỹ ở MIT và Harvard, trước khi gia nhập dòng Tên vào năm 1989.
Nghiên cứu của thầy về các tiểu hành tinh, thiên thạch, và sự tiến hóa của các thiên thể nhỏ trong hệ măt trời đã giúp thầy đoạt Huy chương Carl Sagan của Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ. Và vào năm 2000, một tiểu hành tinh quay quanh mặt trời đã được đặt theo tên thầy – ‘4597 Consolmagno.’
Bà Juliana Boerio-Goates, giáo sư danh dự về hóa học của BYU, là người đã mời thầy đến trường Juan Diego, bà nói rằng thầy Consolmagno đã đem lại một thông điệp quan trọng đến với các học sinh rằng, khoa học và đức tin không phải là không tương hợp với nhau.
‘Với tôi, chuyện này có hai vấn đề. Các nhà khoa học không đủ khiêm nhượng để hiểu rằng họ không có tất cả mọi câu trả lời, và tôn giáo cũng không đủ khiêm nhượng để nhìn nhận rằng họ không thể nói thay Chúa cách mà Ngài đã tạo thành vũ trụ.’
Thầy Consolmagno không làm việc thiên văn ý muốn chứng tỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa hay chứng minh về chủ thuyết tạo dựng.
Nhưng thầy từng nói rằng, khoa học và tôn giáo, đều là những cuộc đối thoại về vũ trụ, về cách vũ trụ vận hành và cách con người tác động qua lại với vũ trụ. Xác quyết của thầy là:
‘Tôn giáo cho tôi lý do để làm khoa học.’
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 16.03.2016/
The Salt Lake Tribune | Jennifer Dobner | 13-03-2016)