Nhà thờ xây nơi Chúa Giêsu khóc thành Giêrusalem

Tại Giêrusalem, trên đỉnh núi Cây Dầu, có một nhà thờ được xây đúng vào nơi Chúa Giêsu đã khóc vì đoán được tương lai bị tàn phá của thành phố trước sự ngu dốt của người dân thành phố này.
Nhà thờ xây nơi Chúa Giêsu khóc thành Giêrusalem

Gần những bức tường đá nổi tiếng của Cổ thành ở Giêrusalem, một nhà thờ vẫn được xây dựng từ giữa thập niên 1950, dưới bàn tay tài hoa của kiến trúc sư người Ý Antonio Barluzzi. Tên của nhà thờ là Dominus Flevit, dịch từ tiếng Latinh là “nơi Thầy khóc”.

Theo Phúc Âm của thánh Luca, đây là nơi Chúa Giêsu, trong lúc di chuyển đến Giêrusalem vào ngày lễ Lá, đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của đền thờ và khóc khi tiên đoán nó sẽ bị hủy diệt trong tương lai:

Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19, 41-44).

Lời của Chúa Giêsu đã thành hiện thực vào năm 70, khi đền thờ sụp đổ trước sự tấn công của đế quốc La Mã. Thế nhưng, nơi chứng kiến Thầy khóc vẫn không được nhiều người biết đến cho đến thời Thập tự chinh, khi nhà nguyện khiêm tốn đầu tiên được xây lên. Sau khi lực lượng Hồi giáo kiểm soát Giêrusalem vào năm 1187, nhà thờ này, giống như nhiều địa điểm của Kitô giáo, đã bị bỏ hoang và rơi vào cảnh đổ nát. Trong giai đoạn thống trị của đế quốc Ottoman sau đó, chính quyền đã cho xây một đền thờ Hồi giáo chồng lên cấu trúc cũ, nhưng nhanh chóng rơi vào cảnh hoang tàn.

Vào giữa thế kỷ 19, Tòa Thượng phụ Công giáo Latinh được thành lập ở Giêrusalem. Những tu sĩ dòng Phanxicô chịu trách nhiệm phần quản lý của Công giáo ở Đất Thánh bắt đầu mua lại, rồi trùng tu các địa điểm hành hương và các nhà thờ tại đây. Và một trong những ưu tiên là mua cho được tàn tích của nhà nguyện xưa cũ, nhưng không thành. Thay vào đó, họ buộc phải mua một mảnh đất nhỏ ở vùng phụ cận. Phải gần 60 năm sau, nhà thờ Dominus Flevit mới chính thức được xây dựng, với thiết kế độc đáo dưới dạng hình giọt lệ. Trên bàn thờ có khắc dòng chữ trích từ Phúc Âm thánh Luca: “Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn”.

Như đã nói ở trên, nhà thờ mới được xây dựng bên trên tàn tích của nhà nguyện vào thời Byzantine, khoảng thế kỷ thứ 5-6, và sử dụng một số vật liệu còn sót lại từ thời đó. Trong số này, có thể kể đến nền gạch khảm hoa văn tuyệt đẹp ở bên trong cổng vào, chen lẫn là một mẩu hình cá. Bên trên có dòng chữ khắc bằng tiếng Hy Lạp, chỉ rõ người tên Simeon đã lát nền gạch cổ cho nhà thờ: “Do Simeon lát gạch và dâng cho Chúa Giêsu để chuộc những lỗi lầm mà mình phạm phải, cũng như cầu nguyện cho người anh em yên nghỉ”.

Nhà thờ Dominus Flevit được xây bên trong một nghĩa trang cổ trên dãy núi Cây Dầu. Nơi đây chứa hàng ngàn bia mộ của đa số là người Do Thái mưu cầu sự phục sinh sau khi qua đời. Trong quá trình xây dựng, nhiều hang chôn người chết được phát hiện bên trong khuôn viên nhà thờ. Những hầm mộ này bắt đầu từ thời Canaanite, trong giai đoạn đồ đồng (với khoảng 2.000 bia mộ được tìm thấy), và trải dài đến thời Byzantine.

LING LANG

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc