Nhẫn giáo hoàng, lưới quăng xuống “để chinh phục con người về với Chúa Kitô”

Nhẫn giáo hoàng là một trong các biểu tượng đặc biệt của giáo hoàng được biết đến nhiều nhất. Được nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo La Mã mang ở ngón áp út tay mặt, đây là dấu hiệu của người kế vị Thánh Phêrô, người Tông đồ đầu tiên.

Truyền thống này có từ thế kỷ 13. Một khi được hồng y đoàn bầu, tân giáo hoàng mang một chiếc nhẫn đặc biệt, khác với chiếc nhẫn khi nhận chức giám mục, đây là biểu tượng ngài đảm nhận chức vụ chức vụ giáo hoàng của mình. Nhẫn này được trao cho giáo hoàng trong thánh lễ mở đầu sứ vụ Thánh Phêrô, cùng một lúc với dây pallium.

Nhẫn giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI

Nhẫn có tên là nhẫn ngư ông để nhớ lại Chúa Kitô mời gọi ông Simon Phêrô, người tông đồ đầu tiên của Chúa trên hồ Tibêria: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5, 1-11). Đức Bênêđictô XVI giải thích trong thánh lễ mở đầu triều giáo hoàng của ngài năm 2005: “Ngày nay Giáo hội và các vị kế nhiệm Thánh Phêrô vẫn còn được mời gọi để ra vùng biển sâu quăng lưới, thu phục con người về với Chúa Kitô, với đời sống thật”.

pope_ring_2.jpg

Nhẫn giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI

Nhẫn giáo hoàng được mang trong các dịp lễ trọng

Theo truyền thống, mặt nhẫn là hình Thánh Phêrô, giáo hoàng đầu tiên của 266 triều giáo hoàng. Nhẫn của Đức Phanxicô mang có cùng mẫu với nhẫn của Đức Phaolô-VI, đó là hình Thánh Phêrô cầm chìa khóa thiên đàng. Còn nhẫn của Đức Bênêđictô XVI là hình Thánh Phêrô quăng lưới trong mẻ lưới phép lạ trên hồ Tibêria (Lc 5, 1-11 và Ga 21, 1-11).

pope_ring_3.jpg
Nhẫn giáo hoàng hình Thánh Phêrô cầm chìa khóa thiên đàng

Cho đến triều giáo hoàng của Đức Gregory XVI (1831-1846), chiếc nhẫn này dùng làm con dấu, đặc biệt dùng để đóng dấu (niêm bằng sáp hay bằng chì) các tài liệu viết tay của giáo hoàng, thư từ riêng hay các văn bản chính thức.

Đóng dấu các sắc chỉ Tòa Thánh

Tiếng la-tinh ‘bulla’ có nghĩa đóng dấu để chứng minh sự xác thực của các tài liệu, sau này tên ‘bulla’ được gọi cho một số tài liệu giáo hoàng như sắc chỉ giáo hoàng hay sắc chỉ tông tòa.

Cũng như các vị tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô chỉ mang chiếc nhẫn này trong các buổi lễ trọng thể như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh. Bình thường ngài mang nhẫn giám mục. Đức Gioan-Phaolô II (1978-2005) cũng có thói quen như vậy, ngài chỉ mang chiếc nhẫn có khắc thánh giá.

pope_ring_1.jpg
Nhẫn thánh giá của Đức Phanxicô

“Đâu là thật? Đâu là giả?”

Khi giáo hoàng qua đời, chiếc nhẫn giáo hoàng sẽ được hồng y niên trưởng Hồng y đoàn lấy khỏi bàn tay giáo hoàng quá cố và được hồng y nhiếp chính của Tòa Thánh hủy. Lý do đơn giản: tránh chiếc nhẫn bị lấy mất hoặc làm giả. Tuy nhiên sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm năm 2013, ngài không hủy hoàn toàn chiếc nhẫn bằng vàng khối nặng 36 gram, nhưng gạch đi làm cho chiếc nhẫn hoàn toàn không sử dụng lại được và để trong Viện bảo tàng Vatican.

Một loạt các ngụy giáo hoàng

Chiếc nhẫn giáo hoàng là tựa một tác phẩm của tiểu thuyết gia Pháp Jean Raspail xuất bản năm 1995. Ông tưởng tượng ra một loạt các ngụy giáo hoàng (“Đâu là giáo hoàng thật? Đâu là giáo hoàng giả?”, lặp đi lặp lại như một điệp khúc trong suốt quyển sách), từ giáo hoàng ở Avignon cho đến tận cuối thế kỷ 20. Theo tác giả, trong sáu thế kỷ, từ Đức Bênêđictô XIII (hồng y Pierre de Lune qua đời năm 1423) có 33 giáo hoàng liên tiếp kế vị nhau.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

(phanxico.vn 23.07.2019/ cath.ch, 2019-07-18)