Ngày 13 tháng Ba hôm nay là ngày kỷ niệm năm thứ ba Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Á Căn Đình được bầu làm Giám Mục Rôma. Tại nhà nguyện Sistine, khi được bầu, ngài lấy tên hiệu Phanxicô và cho mọi người hay ngài chọn tên hiệu này vì ngài rất mộ mến Thánh Phanxicô Assidi.
CNS photo
Trong ba năm qua, nhiều người liên kết các cử chỉ và hành động của vị tân giáo hoàng với “Poverello” hay “Người Nghèo Hèn” của Assidi, vị thánh có lẽ được yêu mến nhiều nhất trong truyền thống Công Giáo…
Ta dễ dàng bị thu hút bởi nhiều biểu tượng bề ngoài rất bắt mắt, gây bàn tán, nhiều dịp vĩ đại để chụp hình và hiện nay thật nhiều những phát biểu ngắn rất thời danh mà Đức Phanxicô cung ứng cho chúng ta hàng ngày: một vị giáo hoàng bỏ những chiếc giầy đỏ, mà dù gì cũng chưa bao giờ là thành phần chính thức trong tủ áo của một giáo hoàng! Một vị giáo hoàng ăn vận khiêm tốn, tự trả tiền phòng, đi lại quanh Tòa Thánh bằng một chiếc Ford Focus hoặc những chiếc xe hơi nhỏ khi viếng các nước ngoài. Một vị giáo hoàng mời người hè phố dự bữa sáng mừng sinh nhật của mình. Một vị giáo hoàng nói với tài xế dừng lại ở bức tường phân cách giữa Giêrusalem và Bêlem để cầu nguyện trước dấu chỉ chia rẽ và đau khổ nhãn tiền. Một vị giáo hoàng mời giáo sĩ Hồi Giáo cùng ngồi với mình trong giáo hoàng xa làm một vòng công viên ở Cộng Hòa Trung Phi. Vị giám mục Rôma này chuyên hôn các trẻ thơ và ôm ấp các cơ thể bệnh hoạn, dị hình, tan nát, và những kẻ bị xã hội bỏ rơi. Ngài biết sử dụng điện thoại và sử dụng nó luôn. Ngài xếp hàng để kiểm tra áo choàng tại Phòng Thượng Hội Đồng ở Vatican và vui vẻ họp báo trên không với các ký giả trong khi nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội nín thở đối với những cuộc gặp gỡ nay đã trở thành truyền thuyết. Ngài đã phục hồi các Thượng Hội Đồng Giám Mục để chúng có vị trí thích đáng của chúng trong Giáo Hội: những buổi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo Giáo Hội mạnh bạo, can đảm, tự do và cởi mở lên tiếng hơn là những buổi gặp mặt có tính dàn dựng với những thỏa hiệp giả hiệu.
Nhiều người thoải mái tựa lưng, mỉm cười mà thốt lên: “quả là một cuộc thay đổi sâu rộng!”, “quả là một cuộc cách mạng!”, “quả là một sự đơn sơ!”, “Ồ!”, “tuyệt diệu!”, “Có thế chứ!”.
Và đối với nhiều người đang nhìn các việc trên bằng nhiều hình thức khó chịu và ngỡ ngàng đa dạng, họ thường hỏi “ngài đang làm gì vậy?”, “Làm thế nào ngài có thể tiếp tục với cái đà này?” “Ngài có nhớ rằng ngài là Vị Đại Diện của Chúa Kitô không?”, “Liệu cuộc cải tổ của Đức Phanxicô có thành công không?”. Câu trả lời: có. Cuộc cài tổ của Đức Phanxicô là điều không thể tránh được vì nó không phát xuất từ Assidi, Loyola, Manresa hay ngay cả Rôma nữa, dù những nơi này có thánh thiêng tới cỡ nào! Nó đặt căn bản trên câu truyện vĩ đại phát xuất từ các lãnh thổ nơi ta thấy Bêlem, Nadarét, Naim, Emmau, Núi Tabo, Galilê, Giêrusalem và Mười Tỉnh: các lãnh thổ của Đất Thánh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt căn bản Thừa Tác Vụ Phêrô của ngài trên Tin Mừng của người ngư phủ xứ Galilê, vốn là Con Thiên Chúa và là Chúa, Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của gia đình nhân loại.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn chúng ta ấm áp, chào đón và tha thứ như Chúa Giêsu vốn làm gương cho ta trên mỗi trang Tân Ước. Ngày qua ngày, Người nhắc ta nhớ rằng chúng ta có một Chúa và một Chủ biết chia sẻ niềm vui của cặp vợ chồng ở Cana, xứ Galilê, và niềm xao xuyến lắng lo của người góa phụ thành Naim; một Chúa và một Chủ không ngại bước vào nhà Giairô, nực mùi chết, và vào nhà Bêtania, nực mùi thơm. Một vị Chủ tự chuốc lấy bệnh tật và đau khổ, đến độ hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc tội.
Theo chân Chúa Kitô là đi tới nơi Người đã đi; là như người Samaria nhân hậu, tự nhận lấy người bị thương ta gặp trên đường; là đi tìm chiên lạc. Là, giống như Chúa Giêsu, gần gũi mọi người; là chia sẻ niềm vui và đau khổ, tỏ bầy một cách đầy yêu thương gương mặt hiền phụ của Thiên Chúa và sự mơn trớn hiền mẫu của Giáo Hội. Đức Phanxicô muốn chúng ta ăn uống với các người thu thuế và các kẻ tội lỗi; ngài muốn chúng ta tha thứ cho người đàn bà quả tang ngoại tình (dù khuyên nàng đừng phạm tội nữa); ngài muốn chúng ta chào đón và tôn trọng khách lạ (thậm chí cả kẻ thù của ta), và trên hết, đừng đoán xét người khác. Ngài vốn nói đơn giản, mạnh mẽ và hết sức tươi đẹp về việc trở về với sự hợp nhất đã mất. Ngài muốn xây cầu để mọi người qua lại. Ngài đặc biệt ý thức người nghèo và những ngưòi bị đẩy qua bên lề, những kẻ xã hội ruồng bỏ sống bên lề nó. Ngài mạnh mẽ lên tiếng cho số phận người tỵ nạn, và lên án tội phá thai và an tử. Ngài đại diện cho nền đạo đức nhất quán phò sự sống, từ những lúc thụ thai sớm nhất tới những lúc tự nhiên chết sau cùng.
Ngay từ đầu Thừa Tác Vụ Phêrô của mình, ngài đã nói lớn tiếng và rõ ràng ở Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô rằng “Chỉ một chút thương xót cũng làm thế giới bớt lạnh lẽo và công lý hơn. Chúng ta cần hiểu thích đáng lòng thương xót này của Thiên Chúa, người Cha hay thương xót hết dạ kiên nhẫn này” (Kinh Truyền Tin, 17 tháng Ba, 2013). Lời kêu gọi tập họp của ngài là “thương xót” suốt ba năm qua. Ngay trước Mùa Chay năm nay, cuốn sách riêng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Tên Thiên Chúa là Thương Xót”, đã cùng một lúc được phát hành khắp thế giới. Đề tài chủ yếu của cuốn sách là lòng thương xót, và là lý do để Đức Giáo Hoàng công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót năm nay. Tính trung tâm của lòng thương xót là “sứ điệp quan trọng nhất” của Chúa Giêsu. Lòng thương xót là vấn đề thuộc yếu tính vì mọi người đều có tội, cần được Thiên Chúa tha thứ và ban ơn thánh, và nó đặc biệt cần thiết hiện nay, vào thời điểm lúc “nhân loại đang bị thương”, chịu “nhiều ách nô lệ của thiên niên kỷ thứ ba”, không chỉ chiến tranh và nghèo đói cùng loại trừ xã hội, mà còn cả định mệnh thuyết, sự cứng lòng và tự cho mình chính trực nữa.
Trong một thách thức đầy kích thích đặt ra cho các tân Hồng Y ngày 15 tháng Hai, năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở các vị rằng “từ thời Công Đồng Giêrusalem, con đường của Giáo Hội luôn là con đường của Chúa Giêsu, con đường thương xót và phục hồi”. Điều này có nghĩa “chào đón người con trai hoang đàng; hàn gắn các vết thương tôi lỗi một cách can đảm và cương quết; sắn tay áo chúng ta lên và đừng đứng bên lề và thụ động ngắm nhìn đau thương của thế giới”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô mạnh mẽ chỉ trích những người chỉ muốn ném đá. Kiêu căng, giả hình, và hăm hở đoán xét người khác theo “các quan niệm có sẵn và sự trong sạch có tính nghi thức” là mục tiêu lời ngài phê phán. Ngài chỉ trích các nhà hành chánh của Giáo Hội vì “chủ nghĩa thần học tự yêu mình thái quá”, và ngài nói trong cuốn sách mới đây của ngài rằng “chúng ta phải tránh thái độ của người xét đoán và kết án từ những đỉnh cao ngất của sự chắc chắn riêng của họ, chỉ tìm những mảnh vụn trong mắt người anh em mình mà không nhìn thấy cái xà trong chính mắt mình”.
Xế chiều ngày 13 tháng Ba, 2013, Jorge Mario Bergoglio nhận được lời kêu gọi ra đi, tái thiết, tu sửa, đổi mới và chữa lành Giáo Hội. Điều chúng ta mục kích suốt ba năm qua đơn giản chỉ là người môn đệ Chúa Giêsu, và môn đệ trung thành của Thánh Inhaxiô thành Loyola và của Thánh Phanxicô Assidi, tu sửa, đổi mới, phục hồi, hòa giải và hàn gắn Giáo Hội. Có những người thích mô tả tân giáo hoàng như một nhà cách mạng táo bạo, trơ tráo được phái tới để làm lung lay Giáo Hội. Nhiều người khác còn nghĩ ngài đã gây ra vụ đắm tầu vĩ đại.
Nhưng cuộc cách mạng duy nhất mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khai mào là cuộc cách mạng của lòng âu yếm, vốn là những chữ ngài dùng trong tông thư mới đây của ngài về “Niềm Vui Tin Mừng” [Evangelii Gaudium #88].
Và cuộc cách mạng thứ hai được ngài khai mào là cuộc cách mạng của sự bình thường. Những gì ngài đang làm đều là tác phong nhân bản và Kitô giáo bình thường. Đó là các cuộc cách mạng trong tâm hồn thừa tác vụ của Đức Phanxicô. Chính sự tự do không nao núng của ngài đã giúp ngài làm điều ngài đang làm vì ngài không sợ và hoàn toàn tự do tự tại đồng thời vẫn là người con trung thành nhất của Giáo Hội. Chính tính nhân bản, lòng tốt, niềm vui, lòng nhân hậu và thương xót của Đức Phanxicô đã dẫn đưa chúng ta vào lòng âu yếm của Thiên Chúa chúng ta. Không lạ gì tại sao ngài đã làm chấn động thế giới, tại sao quá nhiều người lại chú ý tới ngài, nhưng nhiều kẻ khác lại nản lòng trước việc ngài thể hiện sự tự do của ngài và việc bắt tay với mọi người của ngài. Mọi điều Đức Giáo Hoàng đang làm hiện nay, không phải chỉ là bắt chước thánh quan thầy vốn yêu thương người nghèo, ôm ấp người phong cùi, thu phục được vua chúa Hồi Giáo, tạo hòa bình và bảo vệ thiên nhiên của ngài. Chúng còn phản ảnh bé trai Bêlem lớn lên thành người của thập giá tại Giêrusalem, Đấng Sống Lại mà không ngôi mộ nào còn chứa đựng được nữa, người mà Kitô hữu chúng ta xưng là Đấng Cứu Thế và là Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho chúng ta một thoáng nhìn mạnh mẽ vào tâm trí Thiên Chúa.
Vị Giám Mục Rôma này đòi hỏi khá nhiều trong khi rao giảng về Thiên Chúa của lòng thương xót, qua việc hân hoan giao tiếp với những người không tin, những người vô thần, những người bất khả tri, những người hoài nghi và những người không biết phải quyết định ra sao về cuộc đời, mà nhiều người nghĩ rằng Kitô giáo chẳng thêm được gì vào các phương trình cuộc đời này. Đối với các nhà báo và giới truyền thông, ngài đã làm cho việc tường trình về tôn giáo và Giáo Hội thành thích thú, phấn chấn, lôi cuốn và đáng đọc trở lại. Chúng ta cần cuộc cách mạng táo bạo, âu yếm, thương xót và bình thường của Đức Phanxicô hơn bao giờ hết.
Lạy Thiên Chúa là Chúa chúng con,
Chúng con tạ ơn Chúa đã luôn ban các vị mục tử để hướng dẫn Giáo Hội.
Chúng con tạ ơn Chúa cách đặc biệt đã ban cho chúng con Đức Phanxicô,
Đấng Chúa đã chọn làm vị trưởng mục tử
và trưởng hứơng dẫn chúng con trong thời điểm này của lịch sử.
Xin Chúa chúc lành cho ngài, ban cho ngài sức khỏe và viễn kiến, dám làm và can đảm,
Khôn ngoan và cảm thương, hân hoan vô bờ và hy vọng.
Xin biến ngài thnàh khí cụ bìh an, cảm thương và thương xót của Chúa,
Vì thương xót, Chúa đã kêu gọi Đức Phanxicô và kêu gọi mỗi người chúng con
Bám vào Chúa Giêsu, tảng đá trung thành và chân lý.
Xin cho Đức Giáo Hoàng linh hứng cho chúng con trở thành các Kitô hữu tốt hơn ,
những người Công Giáo trung thành và những nhà kiến trúc và công dân
của nền văn minh tình thương mà Con Chúa đã ủy thác cho chúng con.
Chúng con xin điều này nhân danh Chúa Giêsu, Đấng hằng sống với Chúa mãi mãi. Amen.
Viết theo Cha Thomas Rosica, phụ tá Phòng Báo Chí Tòa Thánh và Tổng Giám Đốc hệ thống Muối và Ánh Sáng, Canada.
Vũ Văn An