Qua dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa Chúa Giêsu dậy chúng ta biết quan sát thực tại và có một cái nhìn khác đối với thế giới, học hiểu các thời điểm của Thiên Chúa và có được chính cái nhìn của Ngài. Ranh giới giữa sự thiện và sự dữ đi qua trái tim con nguời. Nhưng nhờ ảnh hưởng tốt lành của sự âu lo chờ đợi điều đã là cỏ lùng hay xem ra đã là cỏ lùng có thể trở thành một sản phẩm tốt. Đó là viễn tượng của sự hoán cải và niềm hy vọng.
Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.
Quảng diễn bài Phúc Âm Chúa Nhật kể lại dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa, minh giải vấn đề sự dữ trong thế giới và nêu bật lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa (Mt 13,24-30.36-43) ĐTC nói: Thiên Chúa kiên nhẫn biết bao! Mỗi người trong chúng ta cũng có thể nói: Thiên Chúa kiên nhẫn với tôi chừng nào! Trình thuật Phúc Âm cho thấy hai tác nhân đối chọi nhau. Một đàng là ông chủ ruộng diễn tả Thiên Chúa là Đấng đã gieo hạt giống tốt, đàng khác là Satan, kẻ thù gieo vãi cỏ xấu.
Với thời gian qua đi cỏ lùng cũng mọc giữa lúa. Trước sự kiện này ông chủ và các đầy tớ có các thái độ khác nhau. Các đầy tớ muốn can thiệp nhổ cỏ lùng; nhưng ông chủ lo lắng trước nhất cho số phận của lúa phản đối và nói: “Đừng để xảy ra là khi nhổ cỏ lùng các anh cũng nhổ cả lúa” (c. 29). ĐTC giải thích:
Với hình ảnh này Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng trong thế giới này sự thiện và sự dữ giao thoa với nhau tới độ không thể tách rời chúng ra được và nhổ hết sự dữ. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều này, và Ngài sẽ làm nó vào ngày phán xử sau hết. Với các không rõ ràng và tính cách phức tạp của nó tình hình hiện nay là cánh đồng của sự tự do, cánh đồng sự tự do của các kitô hữu, trong đó hoàn thành việc phân định giữa sự thiện và sự dữ thật khó khăn.
Và trong cánh đồng ấy, với lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa và trong sự quan phòng của Ngài, đây là việc nối liền hai thái độ xem ra mâu thuẫn nhau: sự cuơng quyết và lòng nhẫn nại. Sự cương quyết là ý muốn là hạt giống tốt, là điều tất cả mọi người chúng ta đều muốn – chúng ta tất cả muốn điều này – với tất cả các sức mạnh của nó và vì thế tránh xa kẻ dữ và các quyến rũ của nó. Sự nhẫn nại có nghĩa là thích một Giáo Hội là men trong bột hơn, một Giáo Hội không sợ hãi bẩn tay bằng cách giặt quần áo của con cái mình hơn là một Giáo Hội của “những nguời trong trắng”, yêu sách phán xử trước thời gian xem ai ở trong Nước Thiên Chúa, ai không.
ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:
Chúa là Sự Khôn Ngoan nhập thể, hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng sự thiện và sự dữ không thể được nhận diện với các vùng đất xác định hay các nhóm người xác định. Những người này tốt, những người kia xấu. Ngài nói với chúng ta rằng đường ranh giới giữa sự thiện và sự dữ đi qua trái tim mỗi một người, đi qua con tim của từng người trong chúng ta, nghĩa là chúng ta tất cả đều là người tội lỗi. Tôi muốn hỏi anh chị em: Ai không là người tội lỗi, xin hãy giơ tay lên! Không có ai hết, bởi vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi. Với cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi, và ban cho chúng ta ơn bước đi trong một cuộc sống mới; nhưng với bí tích Rửa Tội Ngài cũng đã ban cho chúng ta bí tích Giải Tội, bởi vì chúng ta luôn luôn cần được tha thứ khỏi các tội lỗi của chúng ta. Chỉ luôn luôn nhìn sự dữ ở bên ngoài chúng ta có nghĩa là không muốn thừa nhận tội lỗi ở bên trong chúng ta.
Thế rồi Chúa Giêsu dậy chúng ta một kiểu nhìn cánh đồng thế giới và quan sát thực tại khác. Chúng ta được mời gọi học biết các thời điểm của Thiên Chúa – không phải thời điểm của chúng ta – và học có cả cái nhìn của Thiên Chúa nữa: nhờ ảnh hưởng tốt của một sự âu lo chờ đợi điều đã là cỏ lùng hay xem ra đã là cỏ lùng có thể trở thành một sản phẩm tốt. Đó là thực tại của việc hoán cải. Đó là viễn tượng của niềm hy vọng!
Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết tiếp nhận trong thực tại bao quanh chúng ta không chỉ sự bẩn thỉu và sự dữ, mà cả sự thiện và vẻ đẹp nữa; lột mặt nạ công việc của Satan, nhưng nhất là tín thác nơi hành động của Thiên Chúa, là Đấng khiến cho lịch sử được phong phú.
Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã kêu gọi hoà bình cho Thánh Địa. Ngài nói: tôi âu lo theo dõi các căng thẳng trầm trọng và các bạo lực xảy ra trong các ngày này tại Giêrusalem. Tôi cảm thấy cần phải lên tiếng tha thiết kêu gọi hoà hoãn và đối thoại. Tôi mời gọi anh chị em hiệp nhất với tôi trong lời cầu nguyện, để Chúa gợi hứng cho tất cả mọi quyết định hoà giải và hoà bình.
Tiếp đến ngài cũng chào nhiều nhóm hiện diện trong đó có các tín hữu Ailen, các nữ tu Phan Sinh Elisabết Bigie, ca đoàn Enna, giới trẻ Casamassima đã đến làm việc thiện nguyện tại Roma, các người trẻ tham dự “Trại hè con người thế giới” dấn thân làm chứng cho niềm vui Tin Mừng trong các vùng ngoại biên của nhiều đại lục khác nhau.
Sau cùng ngài xin mọi người nhớ cầu nguyện cho ngài và chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tuơi vui an bình.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 23.07.2017)