Phương pháp các mẹ dạy con cái — và chính họ — tâm sự với Mẹ Maria
Phát ngôn viên Công giáo Leah Darrow đem những đứa con
của chị đến “chào Đức Mẹ Đầy Ơn Phúc” trước tấm ảnh lớn
Đức Mẹ Guadalupe của gia đình. Tại đó, mỗi buổi trưa, họ
cùng đọc kinh Truyền tin với nhau. Shutterstock photo
Cùng với những đứa con, 1 đứa 1 tuổi, 1 đứa 2 tuổi và đang mang thai sắp sinh một bé nữa, Darrow để đồng hồ báo thức để nhắc nhớ thời gian đọc kinh Truyền tin, để luôn nhắc nhở chị phải dâng ngày lên cho Chúa — một hoạt động đức tin liên tục tiếp theo sau những lời kinh sáng. Trong suốt giờ Kinh Truyền tin, chị được nhắc nhớ đến tiếng xin vâng của Mẹ Maria, chị xin dâng tất cả trong đời mình lên Chúa Ki-tô.
“Nó giúp tôi chú tâm,” Darrow nói. “Nó giúp tôi tôn vinh Mẹ và tôn thờ Thiên Chúa. Lời kinh rất ngắn gọn và đầy ý nghĩa khi bạn dâng tất cả tâm hồn lên cho Mẹ Đầy Ơn Phúc của chúng ta và nài xin Mẹ “dẫn con đến với Con của Mẹ.”
Những cách sùng kính Mẹ Maria mà Darrow yêu thích là đọc kinh Truyền tin và bảy sự Thương Khó của Mẹ Maria.
“Có một lịch sử riêng rất lâu đời trong gia đình tôi về tình yêu với Mẹ Đầy Ơn Phúc,” Darrow nói (LeahDarrow.com). “Tôi rất may mắn được sinh ra trong một gia đình với ơn sủng của Đức tin Công giáo và lòng sùng kính Mẹ Đầy Ơn Phúc.”
Chị lớn lên lần chuỗi Mân côi hàng đêm với cha mẹ của chị. Cha mẹ chị — và tất cả những thế hệ trong gia đình trước họ — dâng cuộc hôn nhân của chị lên Mẹ Đầy Ơn Phúc; và mỗi lần rửa tội một đứa con, em bé cũng lại được dâng lên cho Mẹ Đầy Ơn Phúc .
Darrow cũng cho rằng tình yêu của mình dành cho Mẹ Maria là từ những lời dạy của mẹ chị rằng tất cả chúng ta đều có một người mẹ khác rất yêu chúng ta — Mẹ Đầy Ơn Phúc.
Ngày nay, “Tràng Chuỗi Mân côi vẫn là một phần của đời sống cầu nguyện của tôi,” Darrow giải thích, “nhưng tôi vẫn yêu quý tìm cơ hội để dành thời gian cho Mẹ Đầy Ơn Phúc nếu tôi không có đủ 30 phút, vì vậy, với tôi, đó là Kinh Truyền tin.” (EWTN.com/Devotionals/prayers/Angelus.htm).
Mô tả “tình yêu vĩ đại” của mình dành cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo, chị nói rằng chị đã học, ngay từ khi còn bé, cách ngài đọc kinh Truyền tin đã thôi thúc chị thực hành “những sùng kính đơn sơ mà chúng ta có để giúp tôi tập trung lại vào đời sống của mình, và để tôi có thể dâng ngày của mình lại cho Chúa và Mẹ Đầy Ơn Phúc và xin các Ngài giúp sức.”
Darrow thích kết thúc 1 ngày bằng Bảy Sự Thương Khó của Mẹ Maria, trong đó bao gồm một suy niệm ngắn và tiếp theo là kinh Kính mừng sau mỗi sự thương khó
(EWTN.com/library/MARY/DOLORS.htm).
“Tôi luôn luôn bị lôi kéo đến đó — lôi kéo đến câu trả lời của Mẹ, từ tiếng xin vâng ban đầu cho suốt chặng đường đến cuộc Thương Khó và Phục Sinh và việc đó đã ảnh hưởng thế nào đến Mẹ Đầy Ơn Phúc,” chị nói. “Tôi lúc nào cũng quan tâm đến điều đó ngay cả khi còn là cô bé, và rồi lớn lên. Trái tim tôi tan vỡ cho Mẹ và tất cả những gì đã xảy ra. Thường thường, chúng ta có thể quên Mẹ Maria và không tập trung đúng mực và có lòng cảm thương với Trái tim Tinh Tuyền và Khổ đau của Mẹ.”
Darrow tìm được “sức mạnh như vậy” trong cách sùng kính này. “Với tôi, điều đó thể hiện tình mẹ cao vời biết bao. Tình yêu và đau khổ luôn có mối liên quan chặt với nhau, như những gì chúng ta học được từ Thập tự giá.”
Chị nói rằng sự đau khổ của Mẹ Maria có thể bị hiểu không đúng. “Chúng ta quên không nhớ đến mối liên hệ giữa những đau khổ của Mẹ Maria và tình yêu. Mẹ đã quá đau đớn vì Mẹ đã quá yêu. Mẹ Maria là Mẹ yêu thương nhất và hân hoan nhất cho tất cả chúng ta.”
Đau khổ và Mừng vui
Bảy sự Thương khó của Mẹ Maria cũng là một cách sùng kính yêu thích của Kimberly Hahn, một tác giả và cũng là nhà hộ giáo Công giáo.
“Trên đời này, đau khổ và khó khăn luôn hiện hữu, và chính Mẹ Maria đã phải trải qua những nỗi đau đớn nhất nhưng không bao giờ dừng tín thác vào Chúa,” Hahn nói. “Mẹ luôn giữ một niềm tin mạnh mẽ. Mẹ luôn giữ niềm cậy trông sống động. Mẹ giữ đức ái của Mẹ luôn tuôn tràn.”
Hahn nói thêm, chúng ta hãy nghĩ đến lúc Mẹ đứng dưới chân thập giá, và Mẹ luôn giữ sự kết hiệp trái tim của mình với Con yêu dấu, là tha thứ cho những kẻ lúc đó đang đóng đinh Người và nhạo báng Người.
Hahn thích ý kiến cho rằng nên gọi Mẹ Maria là Đức Bà Thương Khó chứ không phải là Đức Bà Sầu Muộn.
Trong bài nói chuyện, Hahn — mẹ của 6 người con và là bà của 13 đứa cháu — làm nổi bật một số những đau đớn Mẹ Maria phải chịu, nhưng cũng là sự hân hoan của Mẹ. “Những đau đớn đó là vô cùng, là to lớn xét theo nghĩa bản chất và nét đẹp,” bà nói về những niềm vui.
“Khi tôi suy niệm về từng sự thương khó này, nó đưa tôi đến một cảm xúc về cách Mẹ chăm sóc cho tôi, gặp tôi qua những thử thách,” Hahn giải thích. Ví dụ đoạn suy niệm trong sự Thương Khó của Đức Mẹ “nhận lấy xác Chúa Ki-tô từ trên thập giá, thân xác Mẹ đã sinh ra, đôi cánh tay đã ôm chầm lấy Mẹ, đôi bàn tay Mẹ đã cầm lấy”, Hahn nói, và bà so sánh sự đau đớn đánh mạnh vào trái tim một người mẹ khi nhìn thấy đứa con bị gãy chân, hay chịu những vết khâu hay phải trải qua những sự đau đớn khác. “Sự đau đớn của Mẹ là thật. Có rất nhiều người đã mất những đứa con yêu dấu.”
Bà đưa ra thêm một ví dụ: Khi ông Simeon đưa ra lời tiên tri về những sự kỳ diệu ban đầu và sau đó là những điều khủng khiếp rằng, “Nó sẽ như lưỡi đòng đâm thấu tim bà,” thì gần như ngay lập tức bà quả phụ Anna xuất hiện với lời tiên tri của mình. Điều này trở thành “một cách khác để những đau đớn của Mẹ Maria thể hiện sự trung tín của Thiên Chúa qua nỗi buồn khủng khiếp đó.”
Hahn cũng có một bài viết về lòng sùng kính Đức Bà, Undoer of Knots (Người tháo cởi những nút thắt) và cho thấy những phương cách tài tình của Mẹ Maria khi “tháo gỡ” những vấn đề. “Nó bắt nguồn từ ý tưởng cho rằng bà Eva đã trói chặt nhân loại bằng những nút thắt khi bà từ chối phó thác quyết định của mình cho Thiên Chúa, nhưng rồi Mẹ Maria đến với tiếng “Xin vâng” trước ý định của Thiên Chúa, và do vậy, Mẹ trở thành người tháo cởi những nút thắt.”
Hahn giải thích, “Một hình ảnh quá đẹp, trong bức hình, bạn nhìn thấy các thiên thần đưa cho Mẹ một dây ruy-băng đã bị cột lại thành các nút thắt, và từ tay của Mẹ đưa tới tay một thiên thần khác là một dây ruy-băng đã được tháo cởi tất cả mọi nút thắt. Có những thói quen và cách sống chúng ta cần phải loại bỏ, những vấn đề về quan hệ và những nơi chốn chúng ta thực sự cần sự can thiệp của Mẹ.”
Kinh Mân côi
Về phần mình, blogger Jenny Uebbing trong trang Mama Needs Coffee (Mẹ cần cà-phê) nói, “Tràng chuỗi Mân Côi là điều yêu thích nhất của tôi trong tay của tôi,” cô nói. “Tôi thấy nó thực sự rất quan trọng trong những phương pháp giáo dục của một người mẹ.”
Một lúc nào đó trong ngày, Uebbing cố gắng lần hạt một chục kinh với các con — ba đứa con trai và một gái, từ 8 tháng đến 5 tuổi. Thánh 2 năm 2013, cậu con trai John Paul nhận được một nụ hôn của Đức Thánh Cha Phanxico trước khi kết thúc buổi triều yết chung của ngài, và mùa Thu năm ngoái ở Philadelphia, Luke, đứa con út, cũng được Đức Thánh Cha Phanxico hôn.
Giờ đọc kinh cầu nguyện có sự phân công đặc biệt cho các con. “Mẹ con chúng tôi đốt các cây nến và chỉ định các công việc tắt nến và phân chia tràng hạt và một bé ghi điểm v.v.. để bảo đảm tất cả đều có công tác.”
Cô cố gắng nhắc nhở các con và chính bản thân “một đôi lần đọc thật lớn những màu nhiệm, ‘Chúng tôi suy niệm về việc Chúa Giê-su bị đội mão gai vì Người yêu chúng ta khi chúng tôi đọc kinh Kính Mừng — để bọn trẻ không chỉ lẩm nhẩm theo mà phải tò mò xem chúng tôi đang làm gì.”
Uebbing thỉnh thoảng sử dụng một sách nghệ thuật thánh chủ đề về Kinh Mân Côi để hỗ trợ trong giờ cầu nguyện của các bé; cô mở sách ra ngay chỗ nói về màu nhiệm mà các bé đang đọc để các bé hình dung liên hệ với lời kinh.
“Trong thực tế, nó đạt được ở một mức độ cao hơn nhiều so với thực tế,” cô phân tích. “Tôi nói chúng tôi nhắm mục tiêu đạt 60% thực hiện đúng và gọi đó là thành công, và bây giờ, với một đám đông các trẻ nhỏ như vậy.”
Về phần mình, cô cảm thấy Kinh Mân côi giúp đưa cô trở lại với Kinh Thánh và cuộc đời Chúa Ki-tô theo một cách hầu như hoàn toàn tự nhiên. Cô có thể đi từ “con số không” đến việc “suy niệm về màu nhiệm Phục sinh” chỉ trong khoảng thời gian một vài hạt chuỗi Mân côi.
“Tôi nghĩ bởi vì đó là lời kinh mang hình ảnh rất chân thực và có một nhịp điệu gần gũi trải dài trong cuộc đời của tôi,” Uebbing giải thích. Khi lần đầu tiên tìm lại được đức tin trong đại học, “Kinh Mân côi là việc mà tôi và bạn cùng phòng làm với nhau; đó là một điểm tựa để kéo tôi trở lại với những tri giác của mình.”
Uebbing nói rằng bây giờ cô cảm thấy “có mối liên hệ ngày càng sâu đậm hơn với Mẹ Maria sau mỗi năm trôi qua trong đời làm mẹ và đời hôn nhân.”
“Mẹ biết tất cả. Mẹ đã ở đó — Mẹ đã đi trước tôi, và Mẹ vẫn tiếp tục làm mẫu gương cho tôi qua những lời kinh diễn tả: ý nghĩa của những sự đau đớn vì tình yêu dành cho đứa con; sự vâng lời vì đức tin sẽ như thế nào; và cuối cùng, tại sao chỉ có một điều cần quan tâm nhất là chúng ta phải kiên trì dẫn dắt con cái chúng ta tiến đến với Chúa Giê-su.”
Uebbing tìm thấy được một ơn khác trong lời kinh nguyện tôn vinh Mẹ Maria. Kinh Mân Côi giúp cô “nhìn thấy trước sự vĩnh hằng,” đặc biệt có thể là vào những ngày khi tôi không thể có được những lời cầu kinh đầy ý nghĩa và sâu lắng, khi tất cả những gì có thể chỉ là một chuỗi những câu kinh rã rời – cùng với những tiếng kêu hướng về thiên đàng, một nửa đã chìm vào giấc ngủ và thậm chí có thể một nửa không thành tâm,” cô kể chi tiết. “Kinh Mân Côi giống như một dây nối đưa chúng ta đến cõi sống đời đời.”
Joseph Pronechen
[Nguồn: ncregister]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/06/2016]