Những đứa trẻ mang họ Mai Anh

“Mai Anh”, một trong những tên họ lạ, hiếm có ở Việt Nam, nhưng là họ được ghi rõ ràng trên giấy khai sinh của hơn hai mươi em nhỏ tại Cô nhi viện (CNV) Mằng Lăng. Đó cũng chính là gởi gắm của các nữ tu về mối dây liên kết “máu mủ” của các cô nhi.

 

Tọa lạc tại vùng nông thôn êm ả, nằm chếch bên trái mặt tiền nhà thờ Mằng Lăng, CNV Mằng Lăng thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, đã có lịch sử tồn tại hơn trăm năm. Nơi đây nhận nuôi dưỡng, dạy dỗ các trẻ mồ côi thành người và giúp chăm sóc những người già yếu, tàn phế không nơi nương tựa.
Sổ sách từ ngày thành lập cho đến năm 1948 đã bị thất lạc. Tuy nhiên, theo sổ rửa tội từ ngày 30.3.1948 – 6.6.1999 – khoảng nửa thế kỷ, đã có gần 500 người được nhận vào nuôi dưỡng. Nhiều thế hệ từ đây đã trưởng thành và lập gia đình, hòa nhập vào cuộc sống xã hội. Hằng năm, họ vẫn tề tựu về “gia đình” Mằng Lăng vào ngày mùng 1 Tết.

Căn cứ báo cáo của cha M. Fourmond (Rapport no 312, Chapitre V Groupe Des Missions De Cochinchine & Cambodge), CNV Mằng Lăng được cha Joseph Lacassagne (Cố Xuân), cha sở Mằng Lăng (1888-1900) thành lập, thu nhận trẻ mồ côi vì người thân của họ đã chết trong giai đoạn biến động của lịch sử.

Ngay từ đầu, các nữ tu Phước viện Mằng Lăng được ủy thác phụ trách việc chăm sóc các em mồ côi. Danh sách các nữ tu phụ trách thời kỳ đầu đã bị thất lạc. Hiện nay, CNV Mằng Lăng được các nữ tu thuộc hội dòng MTG Qui Nhơn đảm nhiệm.

Hiện nay, CNV vẫn tiếp nhận những trường hợp trẻ bị bỏ rơi và đang chăm sóc hai mươi em nhỏ cùng một số người khuyết tật đã lớn tuổi là những cô nhi sống tại đây từ trước. Nữ tu phụ trách Nguyễn Thị Tuyết Hương, với nụ cười đôn hậu thường trực trên môi, kể cho chúng tôi về những số phận kém may mắn. Ở mái ấm nhỏ bé này, mỗi cuộc đời bị bỏ rơi đều có những hoàn cảnh khác nhau. Có em do chính người mẹ đã trót lầm lỡ, đành mang con đến cho. Có trẻ do cha mẹ lén lút đem đến đặt trong sân. Một số trường hợp bị bỏ lại các bệnh viện nên được gởi đến.

Ngoài chị Hương, còn có 6 chị em khác trong hội dòng MTG Qui Nhơn âm thầm phục vụ. Muôn vàn khó khăn đặt lên vai các nữ tu, nào là chăm chút cho các bé sơ sinh, rồi phải kèm cặp các em tuổi đến trường, chưa kể đến gần chục người khuyết tật hay thần kinh, bại liệt luôn trong tình trạng cần giúp đỡ. Không có kinh nghiệm chăm trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, nhưng vì tình thương yêu nên các chị phải đi đến những gia đình có phụ nữ biết chăm em bé học kinh nghiệm nuôi trẻ… Mỗi chị luôn làm việc với hết khả năng và tự cố gắng rèn luyện một chuyên môn riêng. Có chị lo y tế, có người thiên về mảng giáo dục hay dinh dưỡng, nên việc chăm sóc cô nhi đã diễn ra ngày càng thuần thục và tốt đẹp. Mặt khác, chính sự yêu thương bằng con tim của các nữ tu nên các bé mồ côi như cảm thấy trong vòng tay người mẹ.

Chị Hương chợt trầm tư: “Trước đây chỉ nghĩ đơn giản cho các em được ăn no, mặc ấm trong yêu thương nhưng sau này các chị em đã có cái nhìn khác. Việc lo cho các em được học tập để phát triển tương lai sau này là điều được chú trọng hàng đầu. Trường học có xa, đón đưa có vất vả, nhưng mọi người luôn sẵn lòng vì con trẻ. Chúng học được đến đâu thì mình lo đến đó”.
Nguồn kinh tế của cơ sở trước nay chủ yếu nhờ vào số ruộng canh tác trong thôn và việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau trong nhà. Ngoài ra, một số em khuyết tật thỉnh thoảng làm những mặt hàng thủ công như áo len, khăn quàng cổ, khăn tay thêu gởi bán trong và ngoài nước góp vào quỹ chung. Cũng có một số khách hành hương viếng thánh Anrê Phú Yên và nhà thờ Mằng Lăng, ghé thăm cô nhi viện. Dù không thường xuyên nhưng khoản trợ giúp này có thêm tiền mua sữa, thuốc men cho các con.

Lật giở từng trang cuốn album ảnh của các thành viên cô nhi viện, các nữ tu chỉ hơn hai chục “nhân vật” trong ảnh và giải thích vì sao tất cả đều mang họ Mai Anh. Lý do đơn giản bởi khi mới thành lập, cô nhi viện Mằng Lăng được phó dâng cho Mẹ Maria và Mai Anh là cách phiên âm từ tên Mẹ Maria. Trong đôi mắt hiền từ của các nữ tu không khỏi lấp lánh niềm vui vì rồi đây những Mai Anh Quỳnh Như, Mai Anh Khánh Ly, Mai Anh Gia Phúc… không chỉ có những anh chị em “ruột thịt” mà còn có thể đùm bọc, nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
Trưa, các dãy phòng của cô nhi viện Mằng Lăng yên lặng, chỉ có tiếng thở đều của hơn hai mươi đứa trẻ say trong giấc ngủ. Ngồi bên cạnh là các nữ tu, những người mẹ của CNV Mằng Lăng nhè nhẹ đưa nôi.

 

Minh Hải

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc