“Ngôn sứ Nathan quở trách Vua Ðavít”, tranh sơn dầu trên vải của Eugène Siberdt (1866–1931)
Douglas Bushman
Vị ngôn sứ với một sứ mệnh nguy hiểm
“Và Ðức Chúa sai ông Nathan đến với vua Ðavít” (2 Sm 12, 1). Bối cảnh sứ mệnh của Nathan thật đáng ngại. Sau khi phạm tội ngoại tình với bà Bát Se-va và để che giấu tội lỗi đó bằng cách sắp đặt cho chồng bà, U-ri-gia, bị giết, vua Đavít đã cứng lòng chống lại ơn sám hối và hoán cải. Ở thời điểm đó, nhà vua không hành động như một người có tấm lòng giống như tấm lòng của Thiên Chúa (1 Sm 13,14). Sứ mệnh của Nathan là hoán cải tâm địa giết người này.
Bản văn Kinh thánh không cho thấy rằng Thiên Chúa đã cung cấp cho vị ngôn sứ chiến lược để mang lại sự hoán cải của nhà vua. Bản văn chỉ nói cách đơn giản, “Ðức Chúa sai ông Nathan đến với vua Ðavít“, và tiếp tục, “Ông vào gặp vua và nói với vua….” (2 Sm 12, 1). Ngôn sứ Nathan hẳn đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình huống và sự rủi ro liên quan. Tại sao nhà vua lại phải đối xử với vị ngôn sứ của Thiên Chúa khác với U-ri-gia đáng thương? Thật dễ dàng để hình dung ngôn sứ Nathan ngay lập tức lo canh thức và ăn chay, tha thiết cầu xin sự khôn ngoan trên trời. Sứ mệnh của ông là vấn đề sinh tử: tâm linh cho nhà vua, thể xác cho vị ngôn sứ.
Câu chuyện Kinh thánh xác nhận rằng lời cầu nguyện của vị ngôn sứ đã được đáp lại cách hoàn hảo. Vị ngôn sứ tiến đến bên nhà vua để tường thuật một trường hợp bất công tồi tệ. Một người vốn có rất nhiều chiên dê, lại đi đánh cắp một con chiên duy nhất của người hàng xóm để làm thịt đãi khách. Bản văn có dạng ngoa dụ. Người đàn ông với bầy một súc vật lớn không biết tên con chiên nào của mình. Ngược lại, “người nhà nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái” (2 Sa 12, 3).
Ngôn sứ Nathan biết cách chạm tới trái tim của một người chăn chiên đã được Chúa gọi trở thành một vị vua.
Sự hoán cải của con tim
Câu chuyện đã có tác dụng như dự kiến.
“Vua Ðavít bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Nathan: “Có Ðức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót” (2 Sm 12, 5–7). Trường hợp bất công mà ngôn sứ Nathan trình bày là một dòng điện gây chấn động về tâm linh với Ðavít. Được đánh động về mặt đạo đức, nhà vua bắt đầu suy nghĩ lại về sự thật và công lý. Một lối vào đã mở ra cho ân sủng của Thiên Chúa.
Với điều này, chúng ta thu thập được bài học đầu tiên từ sự hoán cải của Đavít, bài học mà Thánh Gioan Phaolô II đã từng nói như thế này:
Giáo Hội hiểu rõ rằng vấn đề luân lý chạm tới chốn sâu thẳm của mỗi người; điều đó bao hàm tất cả mọi người, kể cả những người không nhận biết Đức Kitô và Tin Mừng của Người hoặc không nhận biết chính Thiên Chúa. Giáo Hội hiểu rõ rằng chính ngay trên lối nẻo của đời sống luân lý mà con đường cứu độ được mở ra cho tất cả mọi người. (Thông điệp Veritatis splendor, 3)
Sự hoán cải hướng tới ơn cứu độ là việc của trái tim, hoặc lương tâm. “Ở đó, Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi chúng ta“. Ở đó, “chúng ta chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm chúng ta” (Hiến chế Gaudium et spes, 14 và 16). Trái tim con người hoặc lương tâm là nơi duy nhất trong vũ trụ có thể xảy ra cuộc gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa hằng sống, và do đó, sự hoán cải. Tác dụng đầu tiên của Lời Chúa là thu hút chúng ta đến đó. Và, cam kết trước hết và cơ bản nhất mà chúng ta có thể thực hiện để chống lại một nền văn hóa của chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa tương đối là đón nhận những ân sủng của Mùa Chay và trở thành những người nam và người nữ lắng nghe trái tim, những người nam và người nữ lắng nghe lương tâm, đó là “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh” của mỗi con người (Hiến chế Gaudium et spes, 16). Theo định nghĩa, lương tâm mang tính tôn giáo tự bản chất. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chiến lược chính của những kẻ thù của Thiên Chúa là thực hiện mọi nỗ lực để ngăn chặn mọi người bước vào lương tâm của mình.
Lời kêu gọi của ngôn sứ Giô-en trở về với Thiên Chúa bằng tất cả con tim của chúng ta — lương tâm của chúng ta — sẽ vẫn còn là hạt giống gieo vãi mà không thể bén rễ bao lâu chúng ta không thường xuyên lắng nghe trái tim mình. Đây là lý do tại sao ngôn sứ Giô-en kêu gọi nội tại hóa các hành vi đạo đức về việc sám hối, xé lòng chứ đừng xé áo (Ge 2, 12–13) – theo cách này lặp lại lời khuyến khích của Môsê và Giêrêmia về việc cắt bì lòng dạ (Đnl 10, 16. 30, 6; Gr 4, 4). Giá trị của các hình thức sám hối truyền thống trong Mùa Chay — cầu nguyện, ăn chay và bố thí — phát xuất từ việc chúng bắt nguồn từ tâm hồn, hay lương tâm. Nhớ đến một hàng từ Sách Giáo Lý công giáo, tóm tắt sứ điệp của các ngôn sứ: “Nếu tâm hồn chúng ta xa cách Thiên Chúa, thì những lời cầu nguyện và hành động ăn chay, bố thí đều vô ích” (GLCG, 2562).
Sự phán xét về tội lỗi
Trở lại với sự hoán cải của Đavít, đưa ra một phán quyết công bình, một phán quyết dựa trên sự thật, là phận vụ của một vị vua. Vì vậy, việc vị ngôn sứ đưa ra một vụ án oan trước mặt nhà vua là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trong khi Đavít nghĩ rằng nhà vua đang xét xử một tình huống liên quan đến người khác, thì đối với ngôn sứ Nathan, đây là sự chuẩn bị cho một cuộc xét xử khác, sự việc này liên quan đến chính Đavít. Vì vậy, ngôn sứ Nathan thực hiện bước quyết định khi tiếp theo phán quyết của nhà vua đối với người đã đánh cắp con chiên quý giá của người hàng xóm, vị ngôn sứ nói: “Kẻ đó chính là ngài!” (2 Sm 12, 7). Có một sự song song hoàn hảo giữa câu chuyện của ngôn sứ Nathan về bầy chiên và sự phản bội của vua Đavít. Vì, vào thời điểm Đavít ngủ với bà Bát Se-va, nhà vua đã có thể ngủ với bất kỳ bà nào trong số nhiều người vợ của nhà vua lúc đó; thay vào đó, nhà vua đã lấy người vợ duy nhất của U-ri-gia.
“Kẻ đó chính là ngài!” Chẳng có chỗ nào để Đavít che giấu nữa. Nhà vua đứng “trần trụi và phơi bày trước mặt Ðấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ”, điều đó xác minh rằng “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”. (Dt 4, 12–13). Lời ngôn sứ của Nathan thỉnh cầu tới phận vụ xét xử của nhà vua và do đó đã kéo nhà vua trở lại với chiều kích đạo đức, với cung thánh của lương tâm, nơi mà nhà vua đã trần tục hóa bằng cách coi thường lời của Đức Chúa. Khi làm như vậy, vị ngôn sứ đã đặt nhà vua vào vị trí bị phán xét bởi sự thật của Thiên Chúa và tham gia vào sự phán xét đó.
“Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7, 2). Thiên Chúa không sai ngôn sứ Nathan đến tố cáo Đavít về việc đã phạm tội. Điều đó sẽ dẫn đến sự phán xét tội lỗi từ bên ngoài. Nhưng Thiên Chúa muốn sự phán xét tội lỗi đến từ bên trong. Vì vậy, Ngài đã sai ngôn sứ Nathan đến để dẫn Đavít tới việc tự tố cáo tội mình đã phạm. Đây là bài học thứ hai về sự hoán cải và sự khôn ngoan của Thiên Chúa rút ra từ cuộc gặp gỡ của Đavít với lời ngôn sứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn chúng ta tham gia vào cuộc phán xét về tội lỗi. Ngài muốn chúng ta nhìn thấy những điều Ngài thấy. Ngài muốn chúng ta nên một với Ngài trong sự thật về tội lỗi.
Đây chỉ đơn giản là một hệ quả của việc Thiên Chúa mong ước hiệp thông trọn vẹn với chúng ta. Thiên Chúa không muốn đơn độc trong việc biết sự thật về tội lỗi. Khi tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta phẩm giá của sự tự do có trách nhiệm trong sự thật. Ngài đối xử với chúng ta theo đúng phẩm giá đó. Trên thực tế, mục tiêu của Thiên Chúa trong việc mạc khải chính Ngài như là lòng thương xót là để khôi phục phẩm giá đã bị đánh mất hoặc giảm sút do tội lỗi. Khi suy ngẫm về Dụ ngôn Đứa con hoang đàng, Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng tội lỗi là “thảm kịch của nhân phẩm bị đánh mất, nhận thức về quyền làm con bị lãng phí,” và lòng thương xót của Thiên Chúa “tập trung hoàn toàn vào nhân tính của người con hư hỏng, vào phẩm giá của anh ta” (Thông điệp Dives in misericordia, 6).
Mục tiêu lòng thương xót của Thiên Chúa, được mạc khải trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô, là để khôi phục phẩm giá đã bị giảm sút hoặc thậm chí bị mất đi do tội lỗi. Đối với chính phẩm giá đó, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tham gia vào việc phục hồi nó:
“Khi một người quỳ gối trong tòa giải tội vì họ đã phạm tội, thì ngay lúc đó người ấy tự tôn thêm phẩm giá của mình như một con người. Cho dù tội lỗi của người ấy đè nặng lên lương tâm đến đâu, dù chúng đã làm giảm phẩm giá của người ấy nghiêm trọng đến mức nào, thì chính hành động thành thật xưng thú, hành động quay lại với Thiên Chúa, là một biểu hiện của phẩm giá đặc biệt của con người, sự cao cả về tinh thần của người ấy” (Cardinal Wojtyła, Sources of Renewal, 142).
Giao ước mới: Hồng ân của một lương tâm được thanh tẩy bởi Bửu huyết của Đức Kitô
Điều này đưa chúng ta trở lại với lương tâm và bài học cuối cùng về sự hoán cải của Đa-vít. Nhân phẩm gắn bó chặt chẽ với lương tâm bởi vì tiếng nói của Thiên Chúa, và do đó luật pháp của Ngài, vang vọng trong lương tâm con người:
“Trong sâu thẳm lương tâm, con người phát hiện ra một luật lệ… tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác… một luật pháp do Thiên Chúa viết ra; Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa (x. Rm 2, 14–16).… nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em, và được biểu lộ cách kỳ diệu”. (Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes, 16)
Tính trung tâm của lương tâm trong nhân học Kitô giáo bắt nguồn từ sự hiểu biết của Giáo hội tông truyền về việc Đức Kitô hoàn thành lời của ngôn sứ Giêrêmia về một giao ước mới mà Đức Chúa sẽ khắc ghi vào lòng dân Ngài (Gr 31, 31–34). Rõ ràng Chúa Giêsu đã nghĩ đến điều này khi Ngài lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, khi coi chén thánh như “giao ước mới, lập bằng máu Thầy” (Lc 22, 20; 1Cr 11, 25). Sự giải thích đầy đủ nhất về điều này nằm trong các chương từ 8 đến 10 của Thư gửi tín hữu Do thái. Trong khi ngôn sứ Giêrêmia nói về trái tim, thư Do thái nói về lương tâm. Giao ước mới là sự ban cho lương tâm được thanh tẩy bởi bửu huyết của Đức Kitô (Dt 9, 9- 14). Chúa Kitô ban tặng hồng ân này nhờ mầu nhiệm vượt qua của Người, qua Giáo hội, và qua Bí tích Thánh tẩy (Dt 10, 20–22; 1Pr 3, 21).
Mùa Chay là mùa phụng vụ chuẩn bị cho việc đồng hành với Chúa Giêsu qua mầu nhiệm vượt qua của Người, để được tha thứ tội lỗi, trong khi cử hành Tam Nhật Thánh. Mùa Chay giống như một sự kéo dài tuyệt vời của Nghi thức Sám hối ở đầu Thánh lễ, trong đó chúng ta “nhìn nhận tội lỗi của mình và chuẩn bị tâm hồn để cử hành các mầu nhiệm thánh,” nghĩa là, tham gia đầy đủ, cách có ý thức và tích cực vào việc cử hành thánh thể của mầu nhiệm vượt qua. Mùa Chay là một mùa quản lý cách mãnh liệt hồng ân Bí tích Thánh tẩy của một lương tâm được thanh tẩy bằng máu, nghĩa là, tình yêu thương xót, của Chúa Kitô. Bằng việc cảm tạ Chúa Kitô về hồng ân này, chúng ta xứng đáng để nhận được những ân sủng lớn lao hơn nữa để tiếp tục thanh tẩy lương tâm của chúng ta và tham dự sâu hơn vào mầu nhiệm vượt qua của Người. Bằng việc đào sâu nhận thức về sự xấu xa của tội lỗi, chúng ta cũng đào sâu nhận thức về chiều sâu của lòng thương xót của Thiên Chúa.
Với đức tin và đức cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa, trong Mùa Chay, chúng ta làm cho những lời sám hối của Vua Đavít thành của chính chúng ta: “Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay” (Tv 19, 13). Vì Chúa muốn chúng ta tham gia vào sự hoán cải của chính mình và trong sự phán xét về tội lỗi, nên chúng ta biết Ngài sẽ đáp lại lời nài xin này như thế nào. Qua lời của Ngài, Ngài sẽ soi sáng lương tâm của chúng ta: “để thực hiện công trình của mình, ân sủng phải vạch trần tội lỗi nhằm hối cải trái tim chúng ta… Cũng như thầy thuốc xem xét vết thương trước khi chữa lành nó, Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời của Ngài và Thần Khí của Ngài, chiếu ánh sáng sống động vào tội lỗi” (GLCG, 1848).
Tất cả những điều này tạo nên ân sủng của giao ước mới, mà Mùa Chay kêu gọi chúng ta chuẩn nhận lại bằng việc đối chiếu sự thật về tội lỗi với sự thật về lòng thương xót của Thiên Chúa trong lương tâm của chúng ta:
Sự hoán cải đòi hỏi sự thuyết phục về tội lỗi; nó bao gồm sự phán xét bên trong của lương tâm, và điều này, là bằng chứng về hành động của Thánh Thần sự thật trong hiện hữu sâu thẳm của con người, đồng thời trở thành sự khởi đầu của một sự ban tặng ân sủng và tình yêu mới: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”. Vì vậy, trong “sự thuyết phục về tội lỗi” này, chúng ta khám phá ra một hồng ân kép: hồng ân sự thật của lương tâm và hồng ân về sự chắc chắn của ơn cứu độ. Thần Khí của sự thật là Đấng bảo vệ. (John Paul II, Thông điệp Dominum et Vivificantem, 32)
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: The Catholic World Report 12.3.2022
WHĐ (03.4.2022)