Ngày thứ Sáu Tuần Thánh hôm nay Giáo Hội tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Ki tô, vị Phu Quân chí thánh của mình và khẩn cầu cho nhân loại được ơn cứu độ.
Là người Ki tô hữu, hôm nay chúng ta được mời gọi bước vào thinh lặng nội tâm để cùng với Giáo hội chiêm ngắm, gẫm suy tình yêu đến cùng của Chúa; để cảm mến, tri ân và mở rộng cõi lòng để đón nhận hồng ân cứu độ của Thiên Chúa đang tràn chảy trên cuộc đời mỗi người, nhất là để để đón lấy những lời sau cùng của Chúa Giêsu Tử Giá như một lời trăn trối yêu thương của một người Cha nhân hậu dành cho con trong giờ khắc sau hết của cuộc đời.
Lời thứ nhất: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).
Theo lẽ thường, những người chứng kiến cái chết của Đức Giêsu sẽ nghĩ rằng họ sắp phải nghe những lời kêu la, trách mắng, nguyền rủa của tên tử tội vì bản án và những hành động man rợ nhất mà quân lính đã làm cho Ngài. Thế nhưng với Đức Giêsu lại hoàn toàn khác. Dù thân xác Ngài đã rách nát vì đòn vọt, vì đinh sắt, mão gai. Dù tâm hồn Ngài đã đi đến tột cùng của đau khổ bởi cô đơn, tủi nhục nhưng những lời sau cùng của Ngài lại là những lời nguyện cầu tha thiết, yêu thương rất êm ái và ngọt ngào: “Lạy Cha, xin tha cho họ…”. Giáo lý mới mẻ mà Ngài đã ròng rã vất vả rao giảng suốt ba năm: Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét bỏ anh em” giờ đây được Ngài thực hiện một cách trọn vẹn như một mẫu gương.
Lạy Chúa Cứu Thế rất dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, xin cho con thấu cảm lời mời gọi của Chúa: Hãy yêu như Thầy đã yêu và biến chúng con nên khí cụ của tình yêu bằng sẵn sàng yêu thương và tha thứ cho nhau.
Lời thứ 2: “Hôm nay, con sẽ được ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23, 43)
Những ô nhục của thập giá, sự khinh bỉ của người qua kẻ lại, sự cô đơn, buồn tủi vì sự phản bội của người Ngài đã hết tình yêu thương… tất cả đang đổ ập xuống tâm hồn Đức Giêsu nhưng trái tim Ngài vẫn rộn ràng những nhịp yêu thương, Ngài vẫn lắng nghe và đồng cảm với nỗi của của kẻ đang cùng án tử với Ngài. Ngài vẫn tha thứ và hứa ban nước Trời cho người có lòng ăn năn sám hối. Lòng từ ái của Chúa với người trộm biết ăn năn như muốn khắc sâu lời sấm ngôn: tội lỗi con dầu có thắm như hồng điều cũng nên trắng như tuyết, có thẫm tự vải đỏ cũng sẽ mịn mướt như lông chiên. Ơn dung thứ của Chúa dành cho người trộm có lòng thống hối nhắc lại cho ta lập trường của Chúa Giêsu : “Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi biết ăn năn..”. Quả thật, Thiên Chúa luôn bao dung và từ ái nếu con người biết sám hối và trở về với Ngài.
Lời thứ ba: “Thưa Bà, đây là con Bà”. (Ga 19,26).
Đây có thể gọi là lời truyền tin thứ hai Mẹ đã đón nhận từ chính Chúa Giêsu con của Mẹ. Nếu lời truyền tin thứ nhất Mẹ đã đón nhận Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể cho nhân loại thì lời truyền tin thứ hai này Mẹ đã đón nhận toàn thể nhân loại vào trái tim và tâm hồn Mẹ. Mẹ đã nhận chức vụ Mẹ Thiên Chúa từ giây phút đầu tiên của biến cố nhập thể, và trở thành Mẹ nhân loại, Mẹ Giáo hội trong giây phút cuối cùng của đời Chúa Giêsu. Chúng ta hãy trân trọng đón nhận lời trăn trối của Đức Giêsu, đón rước Mẹ vào nhà tâm hồn mình, đón rước Mẹ vào gia đình mình để được Mẹ nâng đỡ ủi an, đồng hành và chia sẻ như Mẹ đã làm với con của Mẹ khi xưa.
Lời thứ 4: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con! Sao Chúa bỏ rơi con”. ( Mt 27, 46)
Đau đớn đến tột cùng. Nhục nhã và cô đơn đến tột độ. Thiên Chúa vắng mặt hay đang làm thing trước lời van xin của Con Ngài? Phải chăng Đức Giêsu đã thất vọng và buông xuôi? Không. Điều mà Đức Giêsu thốt ra trong lúc hơi tàn lực kiệt này cho thấy chẳng còn nỗi cô đơn nào mà Ngài đã chẳng trải qua. Chẳng có nỗi thống khổ nào mà không được Ngài chia sớt. Ngài sẽ vực dậy tất cả nếu chúng ta biết nguyện cầu trong tâm tình tin tưởng và tín thác như Ngài đã cầu nguyện với Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu, xin nâng đỡ con trong những gian nan thử thách. Xin khơi lên trong con ngọn lửa tin yêu hy vọng để trong mọi khó khăn thử thách con luôn tin tưởng tín thác vào bàn tay Cha quan phòng.
Lời thứ năm: “ Ta khát”. (Ga 19, 28).
Trong Tin Mừng Gioan, từ “khát” thường để chỉ nguyện vọng sâu xa của con người khát mong hồng ân cứu độ: “ Ai uống nước Ta ban thì đời đời sẽ không bao giờ khát nữa”. “Ai đến với ta sẽ không phải đói, ai tin vào Ta sẽ chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 36). Như vậy, lời “Ta khát” chính là nguyện vọng sâu thẳm của Đức Giêsu muốn cho con người lãnh nhận hồng ân cứu độ mà Ngài đã đem đến cho trần gian.
Lời thứ sáu: “ Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 3).
Đức Giêsu nói lên lời này vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời như để xác định rằng: kế hoạch Cha trao Ngài đã hoàn tất. Công cuộc cứu độ trần gian đã được thực hiện. Quyền lực bóng tối đã giết chết thân xác Ngài nhưng qua cái chết này, sự sống mới sẽ được tuôn tràn, ơn cứu độ được trao ban cho con người và giải thoát con người khỏi vòng kìm tỏa của bóng tối, tội lỗi. Đúng như thánh Gioan đã từng nói: “ Sự sáng đã rạng ngời trong tối tăm và tối tăm đã không tiêu diệt được ánh sáng”(Ga 1, 15).
Lời thứ bảy: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”. ( Lc 23,46).
Đối với Chúa Giêsu Cha chính là lẽ sống, là tình yêu đích thực của Ngài. Vì vậy dù thân xác nát tan, đau khổ tư bề Chúa vẫn kiên quyết chu toàn thánh ý Cha với tình yêu lớn nhất. Từ Cha, Ngài đã lãnh nhận sứ mệnh xuống thế để trao ban tình yêu cứu độ, nay mọi sự hoàn tất Ngài lại bỏ thế gian mà về với Cha. Ngài phó thác cho bàn tay Hiền Phụ nhân từ tất cả những gì Ngài đã làm, cũng như tất cả những gì Ngài phải mang phải vác vì tội lỗi nhân loại.
Lạy Đấng Cứu Độ trần gian, chúng con xin tôn thờ, suy phục tình đến cùng của Chúa. Xin cho chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con, để tình Chúa, tình người được tràn ngập khắp nơi trên thế giới, hầu mọi người được sống trong hòa bình và tự do đích thực.
Nt. Vũ Hoan, Dòng Trinh Vương