Những thách đố và ưu tiên mục vụ của Giáo hội Hoa Kỳ trước chuyến thăm Ad limina của các Giám mục

Từ ngày 04/11 vừa qua cho đến ngày 13/02/2020 tới đây, các Giám mục Hoa Kỳ chia thành 15 nhóm, tương ứng với 14 Miền của Giáo hội theo nghi lễ Latinh và một Miền theo nghi lễ Đông phương, về Roma viếng mộ hai thánh tông đồ, gặp gỡ Đức Thánh Cha và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh.


Từ lần cuối cùng các Giám mục Hoa Kỳ thăm viếng Ad limina vào năm 2011/2012, dưới thời Đức Giáo hoàng Biển Đức, cho đến nay đã có quá nhiều thay đổi trong xã hội Hoa Kỳ cũng như nhiều biến cố trong Giáo hội. Gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô trong lần viếng thăm Ad limina này sẽ là cơ hội để các Giám mục bày tỏ tình hiệp thông trong Giáo hội, đồng thời cũng giúp các ngài chia sẻ với các vị lãnh đạo về tình hình Giáo hội tại Hoa Kỳ và để nhận được sự hướng dẫn trợ giúp của Tòa Thánh để thăng tiến Giáo hội.

Cơ cấu Giáo hội

Giáo hội Hoa Kỳ có 32 tổng giáo phận và 145 giáo phận thuộc nghi lễ Công giáo Latinh, 2 tổng giáo phận và 15 giáo phận thuộc nghi lễ Đông phương, một giám hạt quân đội và một giám hạt tòng nhân của các tín hữu Anh giáo trở lại Công giáo. Tổng giáo phận Baltimore là giáo phận đầu tiên của Hoa Kỳ được thành lập, năm 1789.

Đứng đầu Hội đồng Giám mục là Đức Hồng y Daniel DiNardo, Tổng giám mục Galveston-Houston. Tại đại hội mùa thu những ngày sắp tới, các Giám mục sẽ bầu chọn vị Chủ tịch mới của Hội đồng Giám mục.

Cộng đồng tôn giáo đông nhất tại Hoa Kỳ

Giáo hội Hoa Kỳ, từ một cộng đoàn thiểu số bị bách hại giữa đa số theo Tin Lành thuộc nhiều hệ phái, với khoảng 25 ngàn tín hữu trên tổng số 2,5 triệu dân vào năm 1775, đã trở thành cộng đồng tôn giáo đông nhất tại Hoa Kỳ, với 72 triệu 772 ngàn tín hữu, chiếm 22,5% dân số, theo niên giám Tòa Thánh năm 2016. Sự gia tăng này nhờ vào hoạt động loan báo Tin Mừng và các làn sóng di cư trong hai thế kỷ vừa qua.

** Sức sống phục vụ của Giáo hội Hoa Kỳ

    – Hoạt động giáo dục, y tế và xã hội phục vụ người nghèo và đau khổ

Sự hiện diện của Giáo hội Công giáo dần dần đâm rễ trong xã hội Hoa Kỳ nhờ mạng lưới các tổ chức, các cơ sở và các dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và y tế và dấn thân mạnh mẽ trong hoạt động tông đồ xã hội. Công việc của Giáo hội thường bù đắp vào việc thiếu các cấu trúc công cộng trong một xã hội giàu có, nhưng cũng được đánh dấu bằng sự chênh lệch xã hội mạnh mẽ, nghèo đói và loại trừ. Các cơ sở Công giáo hỗ trợ các nhóm xã hội nghèo khổ nhất, những người không được hưởng dịch vụ y tế quốc gia; các trường do Giáo hội điều hành cũng hiện diện trong các bối cảnh xã hội khó khăn. Có nhiều tổ chức từ thiện Công giáo giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, người vô gia cư, người nhập cư và người tị nạn.

    – Giúp đỡ các quốc gia và các Giáo hội nghèo trên thế giới

Giáo hội Hoa Kỳ cũng cổ võ các chương trình nhân đạo quan trọng giúp các nước nghèo và các Giáo hội nghèo trên thế giới. Cơ quan cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ do hội đồng giám mục điều hành mỗi năm tổ chức các cuộc lạc quyên để tài trợ các dự án như trợ giúp và ổn định các nạn nhân của chiến tranh, bách hại và thiên tai; các dự án phát triển; những cuộc quyên góp đặc biệt giúp cho các Giáo hội châu Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Âu.

    – Đấu tranh vì công lý và nhân quyền

Một hoạt động khác cũng được các Giám mục Hoa Kỳ thực hiện thông qua Ủy ban Công lý, Hòa bình và phát triển con người, đó là các chiến dịch vì công lý và nhân quyền như: hủy bỏ án tử hình và quy định việc mua vũ khí tại Hoa Kỳ, chống làm giàu vũ khí hạt nhân trên thế giới, chống biến đổi khí hậu và chống phân biệt chủng tộc, vv..

    – Giúp đỡ người nhập cư

Giáo hội Hoa Kỳ đã trợ giúp người nhập cư từ đầu thế kỷ XX. Trong hai thập kỷ cuối cùng này, cùng với các giám mục Mexico, các giám mục Hoa Kỳ không ngừng can thiệp, đặc biệt mời gọi cải cách rộng rãi về chính sách di dân và đối xử nhân đạo hơn với người nhập cư trái phép. Các ngài cũng phê bình các quy luật chống người di dân bất hợp pháp, đặc biệt là phê bình kế hoạch xây tường ở biên giới Hoa Kỳ và Mexico. Bên cạnh đó, các giám mục cũng đưa ra những sáng kiến nâng cao nhận thức như tuần lễ vì người di dân được cử hành hàng năm vào tháng 1.

– Thách đố của đa văn hóa và đa sắc tộc

Hiện tượng di dân khiến cho Hoa Kỳ có đặc tính đa văn hóa và đa sắc tộc. Đó là một sự phong phú nhưng cũng là một thách thức đối với Giáo hội Hoa Kỳ. Làn sóng di dân đem đến những nguồn lực mới và ơn gọi cho nước này nhưng đồng thời cũng làm nảy sinh các vấn đề mục vụ. Những vấn đề này nếu không được giải quyết thích đáng sẽ khiến các tín hữu chạy sang các cộng đoàn Tin Lành hiện đang hoạt động mạnh giữa người Mỹ gốc Nam Mỹ ở Hoa Kỳ cũng như ở các nơi khác của châu Mỹ.

    – Đối thoại đại kết và liên tôn

Đối thoại đại kết và liên tôn cũng là điều không thể thiếu trong một xã hội đa tôn giáo như Hoa Kỳ. Giáo hội đã đối thoại, cộng tác với các cộng đoàn Kitô khác trong các vấn đề vì thiện ích chung. Các giám mục cũng thăng tiến đối thoại giữa Công giáo và Hồi giáo.

** Những ưu tiên mục vụ của Giáo hội tại Hoa Kỳ

    – Tự do tôn giáo

Vấn đề được Giáo hội Hoa Kỳ ưu tiên trên hết là tự do tôn giáo và lương tâm, nguyên tắc nền tảng của quốc gia được ghi trong Bản Tu chính thứ nhất của Hiến pháp. Nguyên tắc này bảo đảm bảo đảm sự tôn trọng của bên thứ ba đối với tôn giáo và việc thực hành tôn giáo… Quyền tự do này đặc biệt gặp nguy hiểm trong lĩnh vực y tế xã hội, với việc buộc các cơ sở y tế thực hiện phá thai, ngừa thai, hay triệt sản; buộc thực hành trợ tử, buộc các tổ chức tôn giáo phải giao con nuôi cho các cặp đồng tính luyến ái hoặc chưa kết hôn.

    – Tái loan báo Tin Mừng

Thách thức chính đối với Giáo hội tại Hoa Kỳ tiếp tục là việc tái khởi động hoạt động truyền giảng Tin Mừng, được chỉ định như ưu tiên trong kế hoạch chiến lược của giai đoạn bốn năm 2013-2016 trước đó, có tên “Công cuộc truyền giáo mới: đức tin, thờ phượng và làm chứng”. Mỗi người được mời gọi đào sâu đức tin của mình, tin tưởng vào Tin Mừng và chia sẻ nó. Ngày nay, các tín hữu được mời gọi chia sẻ Tin Mừng đến các vùng ngoại biên thể lý cũng như của cuộc sống trong một xã hội bị tục hóa và chia rẽ bởi sự loại trừ xã hội và phân cực chính trị.

    – Bảo vệ gia đình và hôn nhân truyền thống

Các Giám mục Hoa Kỳ đấu tranh bảo vệ hôn nhân truyền thống – sự liên kết giữa một người nam và một người nữ, chống lại việc hợp thức hóa các liên kết đồng tính đang gia tăng. Bước ngoặt của hôn nhân đồng tính là quyết định của tòa án tối cao vào ngày 26/06/2013: hủy bỏ luật cấm của liên bang về việc nhìn nhận hôn nhân đồng tính, và phán quyết vào năm 2015: bác bỏ kháng cáo của các bang phản đối hôn nhân đồng tính, mở đường cho những cuộc hôn nhân giữa những người cùng giới ở tất cả 50 tiểu bang.

    – Bảo vệ sự sống

Giáo hội dấn thân bảo vệ sự sống con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Vấn đề chống phá thai bắt đầu có kết quả với sự gia tăng số người tham dự vào các cuộc tuần hành vì sự sống được Giáo hội Hoa Kỳ tổ chức hàng năm ngày 22/01. Ngày này năm 1973, tòa án tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết “Roe versus Wade”, hợp pháp hóa việc phá thai tại nước này. Theo khảo sát của Hội hiệp sĩ Colombo, hiện nay 75% dân số Hoa Kỳ muốn giới hạn luật phá thai hiện thời, chỉ cho phép trong các trường hợp bạo lực và nguy hiểm đến sức khỏe người mẹ; 62% chống phá thai trong các trường hợp trẻ bị hội chứng Down. Các giám mục cũng phản đối mạnh mẽ mọi thao tác di truyền hoặc thử nghiệm trên phôi.

    – Ơn gọi

Ơn gọi linh mục tại Hoa Kỳ gia tăng trong những năm gần đây. Theo một điều tra được phổ biến vào năm 2018, số linh mục được thụ phong  trong năm 2017 là 590 vị, tăng hơn 47% so với năm 2008. Các tân linh mục có độ tuổi trung bình thấp hơn, trình độ giáo dục cao hơn và số linh mục ngoại quốc gia tăng, đặc biệt là số linh mục gốc Nam Mỹ và Á châu, do sự thay đổi dân số. Tuy nhiên, số tu sĩ nam nữ đang suy giảm và già đi, dẫn đến những khó khăn về tổ chức và cả tài chính.

Các giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra các sáng kiến nhắm phát triển ơn gọi, trong đó có tuần lễ ơn gọi toàn quốc.

** Khủng hoảng

Nạn ấu dâm đã mở ra một giai đoạn đau thương đối với Giáo hội Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng này bùng nổ từ năm 2002 với việc báo chí đưa ra ánh sáng các linh mục lạm dụng các trẻ em. Các Giám mục đã phản ứng lại tệ nạn này, cam kết “hoàn toàn không dung thứ” cho các tội phạm này và dấn thân trợ giúp các nạn nhân. Các ngài đã thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các giáo dân và thông qua “quy định bảo vệ trẻ em và người trẻ”. Quy định đưa ra chính sách nghiêm khắc đối với các linh mục bị tố cáo lạm dụng và một số biện pháp mà các giáo phận phải áp dụng.

Sự đáng tin của Giáo hội Hoa Kỳ cũng bị tổn hại nặng nề bởi sự việc liên quan đến cựu hồng y McCarrick, bị hồi tục vào tháng 2 năm nay, vì liên quan đến nhiều vụ lạm dụng tính dục những người trẻ và vị thành niên. Thêm vào đó là bản tường trình của bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania đã đưa ra kết quả hơn 300 linh mục lạm dụng và hơn 1000 nạn nhân.

Cuộc khủng hoảng mới này cho thấy cần có những quy trình xét xử liên quan đến các giám mục. Cộng tác với Tòa Thánh, hội đồng giám mục đang nghiên cứu các quy luật mới giúp báo cáo các lạm dụng và hành xử sai trái của các giám mục. Giáo hội vẫn luôn ưu tiên chú trọng đến việc bảo vệ các trẻ em và những người dễ bị tổn thương.

Hồng Thủy

(VaticanNews 09.11.2019)