Trong số nhiều phép lạ được Chúa Giêsu thực hiện, chỉ có hai câu chuyện được phản ánh ở toàn bộ 4 Phúc Âm: Chúa Phục Sinh và làm bánh mì và cá hóa nhiều. Theo các Phúc Âm (Matthêu 14; Máccô 6; Luca 9; Gioan 6), Chúa Giêsu đã làm phép hóa 5 cái bánh và 2 con cá ra đủ cho đám đông gồm 5.000 người, chưa kể phụ nữ và trẻ con, những người đã đến nghe Thầy giảng vào thời đó.
Nhà thờ đầu tiên
Các sách Phúc Âm không đề cập chính xác nơi chứng kiến phép lạ của Chúa, ngoài câu trong Phúc Âm theo thánh Luca: “Đó là một nơi hoang vắng, thuộc về thành phố gọi là Bethsaida”. Hiện vẫn chưa xác định cụ thể Bethsaida là ở đâu, nhưng trong 3 thế kỷ đầu của công nguyên, các cộng đồng Kitô hữu truyền miệng rằng bãi đá bên cạnh con đường ở góc tây bắc của biển Galilee là nơi diễn ra phép lạ đó. Thế là vào giữa thế kỷ thứ 4, một nhà thờ nhỏ đã được dựng lên tại đây, nhiều khả năng do một người cải đạo tên Josepos thực hiện vào năm 352. Josepos chào đời trong một gia đình Do Thái giàu có đến từ Tiberias, nhưng trong cuộc hành trình đến Tiểu Á, ông gặp một giám mục và theo đạo Kitô. Khi ghi nhận sự hội ngộ với môn đồ này, vị giám mục có nhắc rằng ông Josepos đã xây 4 nhà thờ tại Galilee trong suốt cuộc đời mình. Và một trong số đó là nhà thờ Phép lạ Bánh và Cá đầu tiên, để tưởng niệm nơi diễn ra phép lạ.
Sự tồn tại về nhà thờ nhỏ bé nhưng mang đầy ý nghĩa này đã được ghi nhận lần đầu tiên nhờ vào công của một người hành hương từ Iberia, tên Egeria, người thực hiện cuộc hành trình đến Đất Thánh vào cuối thế kỷ thứ 4. Bà đã viết lại trải nghiệm của mình trong một lá thư, và một phần nội dung được truyền lại đến ngày nay. Theo đó, Egeria kể về chuyến thăm một nhà thờ gần Caphanaum, nơi bệ thờ được đặt trên tảng đá mà theo truyền thuyết là nơi Chúa Giêsu ngồi và tặng thức ăn cho những người nghe ngài giảng. Bà cũng nhận xét về 7 con suối cạnh nhà thờ, từ đó giúp người đời sau biết nơi được đề cập là Tabgha, lúc đó có tên Heptapegon, từ Hy Lạp có nghĩa là 7 dòng suối. Sau đây là một phần nội dung của lá thư được cho là chấp bút vào khoảng năm 380:
“Không xa đó (Caphanaum) là một số bậc đá nơi Chúa đứng. Và trong cùng một vị trí gần biển là một cánh đồng đầy cỏ khô và nhiều cây cọ. Gần đó là 7 dòng suối, dòng nào cũng chảy mạnh. Và đây là cánh đồng mà Chúa đã cho dân chúng ăn sau khi làm 5 chiếc bánh và 2 con cá hóa nhiều. Trên thực tế, phiến đá mà trên đó Chúa đặt bánh đã được làm thành một bàn thờ. Bên ngoài nhà thờ có một con đường công cộng mà trước đây thánh tông đồ Matthêu đã từng đặt trạm thu thuế ở đó, khi ông còn làm người thu thuế. Gần nơi đây có một ngọn đồi mà Chúa đã giảng về Tám mối Phúc thật”.
Số phận thăng trầm
Sau khi nhà thờ nguyên thủy bị phá hủy do động đất vào năm 419, đến nửa sau của thế kỷ thứ 5 (vào khoảng năm 480), Thượng phụ Jerusalem là Martyrios đã ra lệnh xây lại một nhà thờ Byzantine lớn hơn trên nền nhà thờ cũ. Thượng phụ Martyrios là người Ai Cập, giúp giải thích tại sao nhà thờ được xây theo kiểu Ai Cập thời đó thay vì kiến trúc phổ biến ở Palestine. Nhà thờ Phép lạ Bánh và Cá được lát nhiều gạch khảm ấn tượng. Nhiều khả năng những tác phẩm này xuất phát từ 2 đôi tay tài hoa khác nhau, nhưng cùng đến từ Ai Cập, do một trong những đề tài chính được khắc họa trên sàn là đời sống hoang dã ở thung lũng Nile, chứ không phải tại Galilee. Tuy nhiên, tác phẩm khảm nổi tiếng nhất của nhà thờ là bánh mì và cá, với tác giả được cho là có tên Saurus. Người này có tật sai chính tả trầm trọng, thậm chí còn đánh vần sai tên mình, theo giới học giả.
Công trình Byzantine khổng lồ đã bị phá hủy vào nửa đầu thế kỷ thứ 7 trước áp lực tấn công từ quân Ba Tư, và sau đó quân đội Ả Rập, các thế lực đánh chiếm Đất Thánh và đoạt nơi này từ tay của đế quốc Byzantine. Theo thời gian, tàn tích của nhà thờ bị sỏi đá vùi lấp và dần dần bị quên lãng, đồng thời dân địa phương cũng từ bỏ việc sử dụng tiếng Hy Lạp, và cái tên Heptapegon bị Ả Rập hóa sau nhiều năm tháng, chuyển thành Tabgha.
Sau khi bị bỏ hoang nhiều trăm năm, dữ liệu chính thức đầu tiên về thị trấn đã xuất hiện trong hồ sơ thuế má của đế quốc Ottoman vào cuối thế kỷ 16. Đây là một thị trấn nhỏ, chỉ có 44 căn nhà và đến nay nơi này vẫn ít dân như vậy. Đợt kiểm tra dân số gần đây nhất do Anh thực hiện vào năm 1931, ghi nhận 53 ngôi nhà và dân số 245 người. Đến thời điểm này, vị trí của nhà thờ cổ đại đã không còn tông tích. Vào năm 1889, Tổ chức dân Đức gốc Palestine đã quyết định mua lại một lô đất gần Tabgha. Cùng năm, tổ chức này cử kỹ sư Mỹ Gottlieb Schumacher đến khảo sát khu đất trước khi xây nơi lưu trú do khách hành hương. Trong lúc khảo sát, kỹ sư Schumacher phát hiện những tàn tích cổ gần dòng suối lớn nhất trong 7 con suối.
Đến năm 1911, giáo sư Đức tên Paul Karge bắt đầu khai quật địa điểm trên, và phát hiện được phần khung của một nhà thờ, bệ thờ, thậm chí cả bức tranh khảm nổi tiếng Bánh và Cá, nhưng chính quyền Ottoman ra lệnh ngưng công trình. Giáo sư này còn cam đoan đã tìm được một hòn đá được khắc tên “Josepos”, nhưng sau đó bị đánh mất. Nhiều năm trôi qua, khi nơi này rơi vào tay người Anh và vụ tranh chấp đất đai đã dàn xếp ổn thỏa vào năm 1932, hai nhà khảo cổ học đã quay lại nơi này và tiếp tục tìm được cấu trúc xây dựng Byzantine và những bức tranh khảm tuyệt đẹp. Cuộc khai quật năm 1936 lại phát hiện thêm tàn tích của ngôi nhà thờ nhỏ hơn từ thế kỷ thứ 4, đúng như lời mô tả của người hành hương Egeria.
Nhà thờ hiện nay đã được xây dựng từ năm 1980 và phải mất 2 năm mới hoàn công. Tuy nhiên, vào năm 2014, một nhóm người Do Thái quá khích châm lửa đốt nhà thờ, và phải mất 20 tháng lẫn chi phí khoảng 1 triệu USD để xây dựng lại nơi tưởng niệm phép lạ của Chúa Giêsu.
LING LANG
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc