Nơi nào có tu sĩ – nơi đó có niềm vui

Khi vào Chủng viện Phanxicô, được đọc các truyện tích về cha thánh Phanxicô, các chủng sinh trẻ chúng tôi thấy vui thật, vì tếu quá: Chuyện anh Giuniphêrô chặt một đùi heo về nấu cho một anh đang đau vì anh này ước ao như thế. Cũng vẫn anh Giuniphêrô đã dồn tất cả thực phẩm vào trong một nồi to để nấu một lần cho xong, vì muốn dành thì giờ cho việc cầu nguyện. Chuyện thánh Phanxicô giảng cho chim trời. Chuyện một anh đang đêm kêu chết đói, khiến cha thánh bắt cả nhà dậy nấu cháo và cùng ăn, để anh kia khỏi xấu hổ… Chúng tôi nghĩ có lẽ chỉ ở trong dòng Phanxicô mới có những chuyện như thế, chứ các dòng khác thì không. Bởi vì tôi cũng đã đọc các truyện thánh của các dòng khác, thì thấy khác, có vẻ trang nghiêm lắm, chẳng hạn chuyện vâng lời bề trên đi trồng cây ngược đầu xuống đất; trong nhà dòng thì lo đánh tội. Dù sao, nói chung chung, dường như đi tu thì không có sự thoải mái, vui vẻ, nói cười hể hả?

 

 Thế nhưng Đức giáo hoàng đã nói: “Ở đâu có các tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Thế thì trong mọi Tu Hội, đều có niềm vui! Thế thì niềm vui luôn được ươm tại các nhà dòng! Đức giáo hoàng dạy tiếp: “Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm và bày tỏ rằng Thiên Chúa có khả năng làm cho lòng chúng ta no đầy và làm cho chúng ta hạnh phúc, không cần tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta ở đâu khác, rằng tình huynh đệ chân chính sống động trong các cộng đoàn của chúng ta nuôi  dưỡng niềm vui của chúng ta; rằng việc chúng ta hiến dâng mình trọn vẹn trong việc phục vụ Hội Thánh, các gia đình, người trẻ, người già, người nghèo giúp chúng ta thể hiện bản vị và làm cho cuộc sống của chúng ta được tròn đầy”. Ít ra đến đây tôi thấy ngài liên kết tình huynh đệ chân chính với niềm vui. Và như vậy đây chẳng phải là một niềm vui dễ dãi, một niềm vui “rẻ tiền”. 

 

“Ước gì trong hàng ngũ chúng ta không thấy những khuôn mặt buồn, những con người không hài lòng và bất mãn, bởi vì ‘đi theo mà buồn thì ai buồn đi theo’. Như mọi người khác, chúng ta cũng cảm thấy những khó khăn, những đêm tối nội tâm, những chán chường, bệnh tật, xuống sức vì tuổi già. Chính trong đó chúng ta phải tìm được ‘niềm vui trọn hảo’, học nhận biết dung nhan Đức Kitô, Đấng đã nên giống chúng ta mọi bề và cảm nghiệm niềm vui vì biết mình được nên giống Ngài là Đấng, vì yêu mến chúng ta, đã không ngại chịu khổ hình thập giá” (Tông thư gửi tất cả những người đang sống đời thánh hiến).

 

Có thể nói ngài là vị giáo hoàng của niềm vui, vì thích nhắc đến niềm vui, tạo niềm vui. Ngài đã ban Tông huấn Niềm vui Tin Mừng để giúp toàn thể Giáo Hội sống Tin Mừng trong niềm vui. Nhưng niềm vui đây không phải là sự thoải mái, thư thái dễ chịu, mà là một cuộc sống đúng với Tin Mừng. Ngài đã nói đến “niềm vui trọn hảo”, mà anh chị em Phan sinh đều biết rõ qua lời dạy của cha thánh Phanxicô cho anh Lêô, niềm vui xuyên qua mọi nghịch cảnh, “những khó khăn, những đêm tối nội tâm, những chán chường, bệnh tật, xuống sức vì tuổi già”.

 

Trong Bài giảng trong thánh lễ ngài chủ tế tại Đền Thờ thánh Phêrô chiều ngày 2-2 vừa qua, lễ Dâng Đức Giêsu trong Đền Thờ Giêrusalem, thêm một lần nữa ngài lại cho thấy rõ niềm vui của người tu sĩ trong thực tế phát xuất từ nguồn mạch nào. Ngài nói: “Đối với một tu sĩ, tiến đi có nghĩa là hạ mình xuống mà phục vụ, nghĩa là đi trên cùng một con đường như Đức Giêsu, Đấng đã “không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2,6). Hạ mình xuống mà làm tôi tớ, để phục vụ”. Nếu vậy thì vui cái nỗi gì? Phải nói rằng ngay trong cái nhìn của nhiều tu sĩ, càng “đi xuống” thì càng bớt vui?

 

Nhưng Đức giáo hoàng cho thấy niềm vui của người tu sĩ phát xuất từ một nguồn mạch sâu xa hơn. Ngài đưa chúng ta trở lại với tư tưởng của ngài trong Tông thư: “Và con đường đó có dạng là bản luật, ghi dấu ấn là đặc sủng của Đấng sáng lập, vì chúng ta không quên rằng bản luật không thể thay thế, đối với mọi người, luôn luôn là Tin Mừng. Và chính Chúa Thánh Thần, bằng sức sáng tạo vô biên của Người, cũng diễn tả Tin Mừng ra trong những bản luật khác nhau của đời sống thánh hiến, tất cả đều phát sinh từ việc “bước theo Đức Kitô”, tức là từ con đường làm ta hạ mình xuống mà phục vụ”.

 

Ngài giảng tiếp: “Bằng “luật” này, những người thánh hiến có thể đạt tới sự khôn ngoan, không phải là một thái độ trừu tượng, nhưng là công trình và quà tặng của Chúa Thánh Thần. Và dấu chỉ hiển nhiên của sự khôn ngoan này, đó là niềm vui. Vâng, niềm vui Tin Mừng của người tu sĩ là hậu quả của con đường hạ mình với Đức Giêsu… Và, khi chúng ta buồn rầu, tự hỏi như sau sẽ tốt cho chúng ta: “Chúng ta đang sống chiều kích tự hủy như thế nào?”

 

Hóa ra sống mầu nhiệm tự hủy mà buồn rầu thì hoàn toàn sai đường. Cũng như vinh quang nằm ở chỗ sống mầu nhiệm tự hủy, niềm vui cũng nằm ở chỗ đó, chứ không phải là nhờ những thành công dễ dãi theo cái nhìn trần tục.

 

FX. Vũ Phan Long, ofm