Ơn gọi của kitô hữu là sống yêu thương bác ái: yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu tha nhân như chính mình (x. Mt 22,37-39). Gắn liền với ơn gọi yêu thương bác ái là sự tươi vui của niềm hy vọng kitô.
Nhưng tình yêu thương rất dễ gặp nguy cơ trở thành giả hình, vì thế chúng ta phải xin Chúa luôn canh tân nơi chúng ta kinh nghiệm gặp gỡ lòng thương xót Chúa để có thể yêu thương chân thành và trao ban sự tươi vui của niềm hy vọng.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư 15-3-2017.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa lời thánh Phaolô nhắn nhủ tín hữu Roma trong chương 12 thư gửi cho họ: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.” (Rm 12,9-13). ĐTC nói:
Chúng ta biết rõ rằng giới răn lớn mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta là giới răn yêu thương: yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu tha nhân như chính chúng ta (x. Mt 22,37-39); nghĩa là chúng ta được mời gọi yêu thương, bác ái: đó là ơn gọi cao quý nhất của chúng ta, ơn gọi tuyệt diệu của chúng ta; và gắn liền với nó là sự tươi vui của niềm hy vọng kitô. Ai yêu thương, thì có sự tươi vui của niềm hy vọng, thì gặp gỡ được tình yêu vĩ đại là Chúa.
Trong đoạn thư gửi tín hữu Roma chúng ta vừa mới nghe, tông đồ Phaolô cảnh cáo chúng ta: lòng bác ái của chúng ta có nguy cơ là giả hình, tình yêu thương của chúng ta có nguy cơ là giả hình. Vì thế chúng ta phải hỏi xem khi nào xảy ra sự giả hình này? Làm sao chúng ta có thể biết chắc là tình yêu của chúng ta chân thành, lòng bác ái của chúng ta chân thực? Là không giả bộ sống bác ái, hay tình yêu thương của chúng ta không phải là một phim tiểu thuyết: tình yêu chân thành, mạnh mẽ…
** Giả hình có thể len lỏi vào khắp nơi, cả trong kiểu yêu thương của chúng ta nữa; có biết bao tình yêu thương vụ lợi… Điều này xảy ra, khi tình yêu của chúng ta là một tình yêu vụ lợi, do các lợi lộc cá nhân thúc đẩy; khi các phục vụ bác ái, trong đó xem ra chúng ta quảng đại thi hành, được làm để chúng ta nổi bật lên hay được thoả mãn; “Tôi thật giỏi biết bao!” “Không, điều này là giả hình đó!”; hay khi chúng nhắm các điều dễ nhận ra để phô trương trí thông minh hay các khả năng của chúng ta. Đàng sau tất cả những điều đó có một ý tưởng sai lầm, đánh lừa, có nghĩa là nếu chúng ta yêu thương, là bởi vì chúng ta tốt lành; làm như thể lòng bác ái là một sáng chế của con người, một sản phẩm của con tim chúng ta. Trái lại, lòng bác ái trước hết là một ơn thánh, một món qua; có thể yêu thương là một ơn của Thiên Chúa, và chúng ta phải xin ơn ấy. Và Ngài sẵn sàng ban nó cho chúng ta, nếu chúng ta xin. Tình bác ái là một ơn: nó không hệ tại chỗ làm sáng tỏ điều chúng ta là, nhưng là điều Chúa ban cho chúng ta và chúng ta tự do chấp nhận; và ta không thể diễn tả trong cuộc gặp gỡ với người khác, nếu trước tiên nó không nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với gương mặt hiền dịu và thương xót của Chúa Giêsu.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:
Thánh Phaolô mời gọi chúng ta thừa nhận mình là kẻ có tội, và cả kiểu yêu thương của chúng ta cũng bị in dấu bởi tội lỗi. Tuy nhiên, đồng thời ta cũng là người đem tới một lời loan báo mới, một lời loan báo mới của niềm hy vọng. Chúa mở ra trước chúng ta một con đường của sự giải thoát, một con đường của ơn cứu độ. Đó là cả chúng ta cũng có khả năng sống giới răn yêu thương lớn, và trở thành dụng cụ lòng bác ái của Thiên Chúa. Và điều này xảy ra, khi chúng ta để cho mình được Chúa Kitô phục sinh chữa lành và canh tân. Chúa phục sinh sống trong chúng ta, sống với chúng ta và có khả năng chữa lành con tim chúng ta; Ngài làm điều đó, nếu chúng ta xin Ngài. Chính Ngài cho phép chúng ta, dù bé nhỏ và nghèo nàn, được sống kinh nghiệm sự cảm thương của Thiên Chúa Cha và cử hành các việc kỳ diệu tình yêu thương của Ngài. Và khi đó chúng ta hiểu rằng tất cả những vì mình có thể sống và làm cho các anh em không là gì khác hơn là đáp trả những gì Thiên Chúa đã và tiếp tục làm cho chúng ta.
** Còn hơn thế nữa chính Thiên Chúa, khi ngự trong con tim và trong cuộc sống chúng ta, tiếp tục gần gũi và phục vụ tất cả những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày trên đường đời, và bắt đầu từ những người rốt hết, từ những người cần được trợ giúp nhất và nơi họ Người được nhận diện ra trước tiên.
Như thế với các lời này Tông đồ Phaolô không muốn phiền trách chúng ta, nhưng đúng hơn là khích lệ chúng ta và tái khơi lên trong chúng ta niềm hy vọng. Chúng ta tất cả đều đã sống kinh nghiệm đã không sống giới răn yêu thương tràn đầy như chúng ta muốn. Nhưng đây cũng lại là một ơn, bởi vì nó làm cho chúng ta hiểu rằng tự mình chúng ta không có khả năng yêu thương thực sự: chúng ta cần Chúa liên lỉ canh tân ơn ấy trong con tim chúng ta, qua kinh nghiệm lòng thương xót vô biên của Ngài. Và khi đó chúng ta sẽ lại biết đánh giá các điều bé nhỏ, đơn sơ, tầm thường; chúng ta sẽ trở lại quý chuộng các điều nhỏ nhặt của mọi ngày và chúng ta sẽ có khả năng yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu thương họ, bằng cách muốn thiện ích cho họ, nghĩa là muốn cho họ được thánh thiện, là bạn hũu của Thiên Chúa; và chúng ta sẽ hài lòng vì khả năng sống gần gũi ai nghèo khó, khiêm tốn, như Chúa Giêsu làm với từng người trong chúng ta khi chúng ta sống xa Ngài, cúi mình xuống chân các anh chị em khác như Ngài, là Người Samartino nhân hậu, làm với từng nguời trong chúng ta, với lòng cảm thương và sự tha thứ của Ngài.
Anh chị em thân mến, điều mà thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta đây – tôi xin dùng từ của ngài – là bí quyết để “tươi vui trong hy vọng” (Rm 12,12): tươi vui trong hy vọng. Sự tươi vui của niềm hy vọng, bởi vì chúng ta biết rằng trong mọi hoàn cảnh, cả trong hoàn cảnh đối nghịch nhất và cả qua chính các thất bại của chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa không thuyên giảm. Và khi đó với con tim được viếng thăm bởi ơn thánh và lòng trung thành của Chúa chúng ta sống trong niềm hy vọng tươi vui trao đổi với các anh em khác, với sự ít ỏi chúng ta có, cái biết bao mà chíng ta nhận được từ Chúa mỗi ngày.
** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, trong đó có Hiệp hội các lộ trình của nhân bản, do ĐC Jean Luc Brunin, GM Le Havre hướng dẫn. Ngài cầu chúc mọi người tràn đầy hy vọng trong lộ trình Mùa Chay. Vì tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn các thất bại của chúng ta và cho chúng ta dịp canh tân con tim để phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân. Chào các nhóm đến từ Anh quốc, Thuỵ Điển, Canada và Hoa Kỳ, ngài cầu chúc Mùa Chay là thời gian ơn thánh giúp họ và gia đình họ canh tân tinh thần.
Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào Hiệp hội thánh Cecilia của giáo phận Rottenburg Stuttgart do ĐC Johannes Kreider hướng dẫn. Ngài cầu chúc họ tràn đầy niềm vui hy vọng của Chúa và trao ban nó cho tha nhân.
Trong số các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC chào tín hữu tỉnh Amadora và các thành viên hiệp hội thánh Antôn do ông thị trưởng hướng dẫn. Ngài xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ trong mọi quyết định trong cuộc sống và trung thành với thánh ý Chúa. Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nói Mùa Chay là thời gian rộng mở con tim cho ơn thánh lòng thương xót Chúa, sống kinh nghiệm tình yêu của Ngài và đi đến với tha nhân để trợ giúp họ.
Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các tham dự viên đại hội do phong trào Tổ Ấm tổ chức nhân kỷ niệm 50 thành lập phong trào. Ngài khích lệ họ tiến bước trên con đường làm chứng cho vẻ đẹp của các gia đình mới, được hoà bình và tình yêu của Chúa Kitô hướng dẫn. Ngài cũng chào đoàn hành hương tổng giáo phận Napoli do ĐHY Crescencio Sepe hướng dẫn, các thành viên hiệp hội văn hoá kitô Italia Ucraina, giàn nhạc trẻ Laurena di Borrello, ca đoàn Liên hiệp nghệ sĩ công giáo Benevento.
ĐTC đã đặc biệt chào các nhân viên Sky Italia và cầu chúc họ mau chóng tìm ra giải pháp cho công việc làm. Vì công việc làm trao ban phẩm giá cho con người, và các giới hữu trách các dân tộc và chính quyền có nhiệm vụ làm mọi sự có thể để mỗi người có công ăn việc làm xứng đáng để họ có thể ngẩng cao đầu nhìn tha nhân với phẩm giá. Ai vì các thương thuyết không trong sáng, đóng các hãng xưởng và doanh nghiệp khiến cho mất công ăn việc làm là phạm một tội trọng.
Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc nhở rằng Mùa Chay giúp chúng ta tới gần Thiên Chúa. Hãy ăn chay không phải nhịn đói, nhưng là nhịn các thói quen xấu, để chế ngự chính mình nhiều hơn. Ngài chúc các bệnh nhân dùng lời cầu nguyện như phương thế cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa trong những khổ đau. ĐTC nhắn nhủ các đôi tân hôn thực thi các công tác bác ái để sống tình yêu hôn nhân như Chúa muốn.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 15.03.2017)