- Ơn gọi
ĐTC Gioan Phaolô II đã gọi những nhân viên y tế là những đầy tớ của sự sống, những người phục vụ sự sống. Nói cách khác, ơn gọi của những người làm nghề thầy thuốc là “phục vụ sự sống. Để hiểu được điều Đức Thánh Cha muốn nói, trước hết, chúng ta phải hiểu hơn gọi là gì đã. Chữ “ơn gọi” gồm 2 từ “ơn” và “gọi”.
– Ơn = sức mạnh, năng lực đặc biệt, vượt trội hơn những người bình thường. Những người không có ơn này, không thể làm việc trong ngành y. Các anh chị là những người có sức mạnh của ơn Chúa, có ơn Chúa thật sự. Nếu không có sức mạnh này, thì không thể dấn thân trong ngành y được. Có thể các anh chị chưa ý thức mình là những người được ơn đặc biệt của Chúa, vì có thể anh chị đã đến với ngành y này cách tình cờ, do nhiều biến cố đưa đẩy, nhưng thật ra, ơn Chúa đến với chúng ta cách tự nhiên qua các biến cố, qua những con người ta gặp gỡ.
– Gọi = được kêu gọi để thực hiện một sứ mạng. Và sứ mạng của người làm ngành y là phục vụ sự sống, phục vụ sự sống con người toàn diện. Không thể tưởng tượng được những bệnh nhân đau khổ trên thế giới sẽ ra sao nếu không có sự hiện diện trực tiếp đầy nhiệt huyết của những người làm ngành y. ĐTC Gioan Phaolô II đã thật chí lý khi nói rằng những nhân viên y tế là những đầy tớ của sự sống, những người phục vụ sự sống. Chính việc phục vụ sự sống mang lại giá trị cao cả cho hoạt động của ngành y, vì qua đó, các anh chị trở thành những cánh tay nối dài của Thiên Chúa, để Ngài có thể chạm đến và chăm sóc các bệnh nhân.
- Sứ mạng
Sứ mạng truyền giáo của người hoạt động trong ngành y có tầm quan trọng đặc biệt : làm chứng cho lòng thương xót Chúa trong một thế giới dường như đang thiếu vắng tình yêu. Báo chí, các phương tiện truyền thống và dân chúng ngày nay than phiền rất nhiều về ngành y ; vì những người trong nghề đã để đồng tiền chi phối quá mạnh, đã chăm sóc bệnh nhân của mình không còn với lòng yêu thương nữa, mà chỉ coi đó là một dịch vụ, thậm chí là phương thế làm ăn. Dĩ nhiên, làm chứng cho lòng thương xót Chúa trong bối cảnh của xã hội như thế không dễ tí nào. Không dễ, nhưng không phải là không thể. Ta tin là mình có thể làm được, nếu biết học tập nơi Đức Giêsu Kitô – Vị Thầy Thuốc nhân lành. Cụ thể, chúng ta :
– Cần noi gương cách Chúa Giêsu tiếp xúc với các bệnh nhân. Ngài đã luôn đến với họ cách hiền hòa, ân cần, gần gũi, vì thế, ta đừng bao giờ tỏ thái độ xua đuổi, bẳn gắt. Có thể ta là bác sĩ giỏi, cho thuốc đúng, nhưng thái độ bẳn gắt của ta sẽ có thể sẽ khiến bệnh nhân khó lành bệnh. Nếu ta đến với họ bằng sự ân cần, bằng những lời khích lệ, an ủi như CGS thì nguyên liều thuốc tinh thần ấy cũng làm cho bệnh họ nhẹ đi nhiều.
– Cần cảm thông khi đến với bệnh nhân : cảm thông với nỗi đau của bệnh nhâ, cảm thông với sự lo lắng, bối rối của những người chăm bệnh. Sự thường, khi người nhà thấy bệnh nhân la khóc, đau đớn. Tuy trong lãnh vực chuyên môn, ta thấy đâu có gì nguy hiểm, nhưng do không hiểu biết, người nhà rối loạn và quấy nhiễu các y bác sĩ. khi thấy sự đau đớn, khi thấy sự sống bị đe dọa. Người làm y tế phải luôn có lòng thông cảm.
– Phải coi bệnh nhân như những “người thân cận” của mình. Ai cũng biết đâu là sự khác biệt giữa “người thân” và “người lạ” rồi. Nếu coi bệnh nhân là người thân thì phương dược ta dành cho họ sẽ khác. Phương dược này không cốt tại cách cho thuốc (điều này thuộc lãnh vực chuyên môn), nhưng cốt ở việc vận dụng các biện pháp tâm lý và tâm linh để chữa bệnh. Quả vậy, việc chăm sóc bệnh nhân không chỉ dừng lại ở phương diện thể lý mà còn phải vươn tới phương diện tinh thần. Y học thấy rõ sự giới hạn của mình ở một số lãnh vực như cai nghiện chẳng hạn. Dĩ nhiên, chỉ khi coi bệnh nhân là “người thân cận” của mình, ta mới có thể dùng đến những phương dược này.
Ảnh hưởng của cung cách phục vụ theo gương Chúa Giêsu sẽ rất lớn đối với các bệnh nhân, và tất nhiên đối với việc rao giảng Tin mừng. Đừng quan niệm loan báo Lời Chúa là phải đứng ra ở giảng đài để loan báo Tin mừng trước mặt đông đảo quần chúng. Không, Tin mừng được rao giảng qua chính cách các anh chị điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Khi chứng kiến cách phục vụ của các anh chị, người ta sẽ đặt câu hỏi : tại sao anh bác sĩ này lại tử tế, hiền hòa như thế? Tại sao , cô ý tá này lại chăm sóc ân cần, chu đáo khác những cô y tá kia ? Và rồi họ biết được : À, là vì cô y tá này, anh bác sĩ kia là người có đạo ! Làm cho một câu hỏi như thế xuất hiện trong đầu họ thôi, thì còn có giá trị hơn nhiều những bài thuyết giáo dài dòng, hoa mỹ. Chỉ bằng cách phục vụ cụ thể, chúng ta có thể gắn tấm lòng của họ với Chúa và cách xử sự của chúng ta sẽ ảnh hưởng sâu xa trong cuộc đời họ. Họ sẽ dần khám phá ra rằng sỡ dĩ ông bác sĩ này, cô y tá kia săn sóc bệnh nhân như thế là vì có Chúa nơi những con người này.
Tóm lại, ngành y là một ơn gọi và một sứ mạng. Ơn gọi vì ngành y không chỉ là một nghề nghiệp, vì với nghề nghiệp thì làm hết giờ là xong, mà còn như một sự hiến thân vì yêu thương tha nhân. Sứ mạng vì môi trường làm việc của ngành y là môi trường hết sức “ngon”, để truyền đạo, để làm cho người ta biết Chúa, là một môi trường lý tưởng để sống và làm chứng cho lòng thương xót của Chúa. Chính thái độ và hành vi của người thầy thuốc sẽ có sức lan truyền lớn về lòng tốt của người có đạo, về lòng chạnh thương của TC. Và khuôn mặt nhân từ của TC được tỏ bày, diễn tả chính trong cung cách chúng ta chăm sóc bệnh nhân.
Như lời kết, xin được gửi đến các anh chị chứng từ của một bác sĩ Công Giáo về mối liên hệ chặt chẽ giữa lương tâm nghề nghiệp và Đức tin Công giáo. Bác sĩ này sống tại vùng Jura, Thụy Sỹ.
“Xét về phương diện trần thế, trước tiên tôi là Kitô-hữu do bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Tiếp đến tôi là bác sĩ do lời thề Hippocrate sau khi đã hoàn tất học trình dành cho một bác sĩ. Nhưng đích thật tôi là ai? Tôi vốn là một bác sĩ nắm chắc các hiểu biết về thực tại khoa học nhưng lại nghi ngờ về mầu nhiệm Đức Tin. Năm tháng trôi qua, kinh nghiệm dạy cho tôi rằng các thực tại khoa học đôi khi bị lầm lẫn và các thực tập của tôi về bệnh tật không phải là cái thực tập đích thực trên người bệnh. Bởi vì, sự khác biệt chính yếu nằm ở chỗ: người bệnh hay thân chủ phải là người thân cận của tôi.
Bệnh nhân trước tiên là con người mà ưu tư lo lắng đầu tiên của tôi là cố gắng chữa lành bệnh, đề phòng bệnh hay là phục hồi sức khoẻ trong mọi nhân tố và bình diện như: thể lý, tâm lý, cá nhân và xã hội. Bệnh nhân là người thân cận của tôi, là người mà tôi phải hết lòng yêu mến như ”chính mình tôi”, người mà tôi không được phép kỳ thị và phải hoàn toàn tôn trọng “ý muốn hay niềm tin tôn giáo” của họ.
Đối với tôi, bác sĩ và Kitô-hữu ăn khớp với nhau. Cả hai danh xưng làm thành một khối duy nhất trong con người tôi. Trong những trường hợp khó khăn, khi khoa học và thuốc men thất bại trong việc chữa trị hoặc bất lực trước nỗi đau đớn, cái chết hoặc các sự dữ như phá thai, làm cho chết êm dịu và tự tử, thì tôi hiểu mình có thể đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa. Ngài mang tôi trên đôi vai Ngài, không phải để trao cho tôi một giải đáp khoa học – giải đáp mà tôi chỉ có thể tìm ra sau khi có sự đồng thuận của thân chủ và phù hợp với lương tâm nghề nghiệp của tôi – nhưng là để nâng đỡ tôi. Chính Thiên Chúa giúp tôi biết hiện diện bên cạnh bệnh nhân và gia đình bệnh nhân trong những hoàn cảnh bi thương. Cũng chính Thiên Chúa giúp tôi biết dùng lời lẽ nào để an ủi bệnh nhân cho đúng thời đúng lúc hoặc chỉ nên giữ thinh lặng cảm thông bằng sự hiện diện đầy yêu thương trìu mến.
“Lạy Chúa, xin giúp con biết giữ vững tinh thần sống động và nhanh nhẹn để chăm sóc chữa trị các thân chủ con. Xin Chúa ban cho con một trái tim tràn đầy tình yêu để không bao giờ bỏ rơi các thân chủ con trong đau đớn của họ, hoặc lơ là trong việc chữa trị khi gặp những trường hợp khó khăn, đòi hỏi nhiều chăm sóc đặc biệt.” (“Église dans le Jura” n.4 Avril/2007, tr. 114)
Lm. Phêrô Trần Ngọc Anh,
Giáo sư Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang