Hỏi : Chúa là tình thương sao lại có thể đánh phạt con người ?
Trả lời : Đúng, Chúa là tình thương như Thánh Gioan đã quả quyết. ( cf 1 Ga 4:8).Yêu thương là bản tính của Thiên Chúa và không một định nghĩa nào chí lý hơn định nghĩa Thiên Chúa là Tinh thương. Chính vì tình thương vô vị lợi này mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người và mong muốn cho hết thảy mọi người “được cứu độ và nhận biết chân lý” ( 1 Tm 2: 4) để sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau.
Thiên Chúa tuyệt đối không có lợi gì mà phải tạo dựng con người và mong muốn cho con người sống tốt lành để được hạnh phúc .Ngài tạo dựng và mong muốn như vậy chỉ vì lợi ich của chính con người và vì muốn chia sẻ đời sống và hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài cho con cái loài người mà thôi.Chúng ta phải tin chắc như vậy để không bao giờ lầm tưởng rằng Thiên Chúa được lợi lộc gì mà phải tạo dựng cũng như mong muốn cho con người sống theo đường lối của Người.
Nhưng vì Thiên Chúa chỉ ban riêng cho con người hai quà tăng quí giá là lý trí và ý muốn tự do ( Free will) nên vấn đề thưởng phạt chỉ đặt ra cho con người mà thôi.Nghĩa là Thiên Chúa không phán đoán một tạo vật nào khác mà chỉ phán đoán riêng con người , vì con người có trí hiểu để nhận biết sự lành, sự dữ, sự xấu, và nhất là có tự do để chọn lựa giữa sự lành, sự thiện hảo hay sự dữ, điều gian ác khi sống trên trần thế này. Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng tự do của con người. Nghĩa là Ngài không áp đặt và bắt buộc con người phải sống theo ý Ngài . Vì thế, mới có vấn đề thưởng phạt con người về những việc mình làm khi sống trên đời này ..Và đó cũng là lý do tại sao Chúa Kitô đã đến trong trần gian để đền tội cho nhân loại qua khổ hình thập giá, vì Thiên Chúa còn yêu thương con người, mặc dù con người đã phạm tội , tự tách mình ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên , đôi khi Thiên Chúa đã bất đắc dĩ phải sửa phạt con cái loài người như ta thấy trong suốt lịch sử sáng tạo và cứu độ.
Thật vậy, nếu con người không được tự do chọn lựa khi hành động thì Thiên Chúa đã không nói với dân Do Thái xưa kia qua miệng ông Mô-sê như sau :
“Hãy xem, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn : hoặc được chúc phúc hoặc bị nguyền rủa. Anh em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, mà tôi truyền cho anh em hôm nay.Anh em sẽ bị nguyền rủa nếu không vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA,Thiên Chúa của anh em…” ( Đnl 12: 26-28)
Mệnh lệnh của Thiên Chúa truyền cho dân Do Thái trước tiên phải tuân giữ là Mười Điều Răn mà ông Mô- sê đã lãnh nhận từ Thiên Chúa trên núi Si Nại đem xuống cho dân thi hành, sau khi họ được giải phóng khỏi ách nô lệ trên đất Ai Cập và được ông Mô-Sê dẫn về quê hương an toàn . Nhưng họ chưa được vào ngay Đất Hứa, “tràn đầy sữa và mật ong” mà còn phải tạm trú trong hoang địa suốt 40 năm để được thử thách về lòng tin và lòng yêu mến, trung thành của họ đối với Thiên Chúa đã thương giải phóng họ qua tay ông Mô-sê.
Nhưng trong thời gian họ sống nơi hoang địa thiếu thốn mọi sự, từ đồ ăn cho đến nước uống, họ đã kêu trách Chúa và trách cả ông Mô-sê đã dẫn đưa họ đến nơi thiếu thốn này. Dầu vậy, vì lòng xót thương, Thiên Chúa vẫn nuôi sống họ với thần lương là bánh “ man-na” rơi từ trời xuống mỗi ngày cho họ ăn và truyền cho ông Mô-sê lấy gậy đập vào tảng đá để có nước chảy ra cho dân uống. ( x.Xh 16 &17).
Vậy mà họ vẫn không biết ơn và còn tiếp tục than phiền kêu trách ông Mô – sê và trách Chúa.
Tệ hại hơn nữa, họ đã dùng tự do để đi trệch con đường Chúa muốn họ đi, việc tốt Chúa muốn họ làm, sự dữ Chúa muốn họ xa tránh, khi họ xin ông A-ha-ron đúc cho họ con bê bằng vàng để họ thờ lậy thay vì thờ lậy một mình Thiên Chúa mà thôi. ( x.Xh 32: 1-6) Do đó, ngay từ khi họ còn ở trong sa mạc, chưa được vào Đất Hứa, Thiên Chúa đã nổi giận với dân tại Ca-đê và thề rằng :
“không một người nào thuộc thế hệ gian ác này sẽ được thấy miền đất tốt tươi Ta đã thề sẽ ban cho cha ông các ngươi, ngoại trừ Ca-lếp con của Giơ-phun-ne : nó sẽ được thấy đất ấy và đất nó đã giẫm lên. Ta sẽ ban cho nó và các con nó, vì nó đã một lòng theo ĐỨC CHÚA..” ( Đnl 1: 35-36)
Thiên Chúa không những nổi giận với dân mà cả với ông Mô-sê là người lãnh đạo dân, nên cũng nói với ông là “ Cả ngươi nữa, ngươi cũng sẽ không được vào đó.”( Sđd : 1: 37)
Như thế, đủ cho thấy là nếu con người dùng tự do của mình để quay lưng lại với Thiên Chúa, làm những sự dữ như giết người, trộm cướp , gian ác, bất công, dâm ô, thở ngẫu tượng ( Idolatry) và của cải vật chất, thay vì tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất là Đấng đã tạo dựng muôn loài muôn vật –trong đó đặc biệt có con người được tạo dựng “ theo hình ảnh Thiên Chúa” ( St 1 : 27) thì Thiên Chúa sẽ không dung tha cho những sự dữ con người làm với tự do chọn lựa khi sống trên trần gian này.
Lịch sử Cứu Độ đã cho thấy nhiều lần Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và đánh phạt dân chỉ vì họ cố tình sống xa lìa đường lối của Người, làm những điều gian ác mà không hề biết sám hối, ăn năn để xin tha thứ.
Chúa là Đấng nhân từ “ Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương thương suốt cả đời.” ( Tv 30 (29) : 6).
Tuy nhiên, dù yêu thương con người đến đâu thì Thiên Chúa cũng không thể chấp nhận, hay làm ngơ trước những sự dữ , sự gian ác và ô uế mà con người đã và đang làm ở khắp nơi trên thế giới từ xưa đến nay.
Trước hết với những người mà Thiên Chúa đã tạo dựng trong thời Cựu Ước, Ngài đã đánh phạt họ vì những tội lớn lao họ đã phạm , sự dữ họ đã làm mà không biết ăn năn sám hối để xin tha thứ, nên trước hết Thiên Chúa đã hủy diệt toàn bộ loài người trên mặt đất với hình phạt “ Đại Hồng Thủy” trừ gia đình ông Nô-E và những sinh vật ông đem lên tầu trước khi mưa tuôn đổ xuống, cuốn đi mọi loài mọi vật bên ngoài con tầu của ông vào lòng đại dương. ( x St 6 & 7)
Tiếp theo là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống hai thành Xô-đôm và Gô-mô-ra, vì ông Ap-ra-ham đã không tìm được một người lành nào trong các thành đó để xin Thiên Chúa nguôn cơn thinh nộ tha trừng phạt dân tội lỗi sống trong hai thành này..Cho nên, cuối cùngThiên Chúa đã cho lửa và diêm sinh từ trời xuống thiêu rụi tất cà người và mọi sinh vật sống trong hai thành đó, trừ gia đình ông Lót, cháu ông Ap-ra ham, đã ra khỏi thành . Riêng vợ ông Lot đã biến thành cột muối vì đã “ ngoái cổ lại đằng sau” ( cf St. 19).
Thiên Chúa giáng tai họa Hồng thủy và lửa thiêu đốt hai thành Xô-đôm và Gô-mô-ra vì tội lỗi lớn lao của con người sống trên trần gian và riêng trong các thành đó.
Nhưng nếu con người làm sự dữ, sự tội mà biết ăn năn thống hối , xin Chúa tha thứ, thì Người lại thứ tha như trường hợp dân thành Ni-ni-vê đã bị Thiên Chúa toan hủy diệt vì tội lỗi của họ. ,Nhưng vì họ đã nghe lời Chúa cảnh cáo họ qua ngôn sứ Giô-na, nên Chúa đã tha không trừng phạt.
Thật vậy, ngôn sứ Giô-na đã rao giảng sự thống hối cho họ , nên Vua thành Ni-ni vê đã ra lệnh cho mọi người từ các quan lớn nhỏ trong Triều cho đến thường dân kể cả trẻ con phải “ ăn chay và mắc áo vải thô” và hết sức kêu cầu Thiên Chúa thứ tha tội lỗi của họ. Thấy lòng ăn năn sám hối của dân, Thiên Chúa đã “ hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng xuống trên họ. Người đã không giáng xuống nữa.” ( Giona 3: 10)
Như thế đủ cho thấy là Thiên Chúa nhân từ và đầy lòng thương xót . Nhưng nếu con người ngoan cố, cứ bỏ ngoài tai tiếng nói của lương tâm phản ảnh tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn của mỗi người để ngày một lún sâu vào con đường tội lỗi, gian ác , ô uế, thì chắc chắn Chũa sẽ không thể dung tha được. Và hình phạt là hậu quả tất nhiên của tội lỗi như Thiên Chúa đã phán bảo con rắn sau khi nó đã quyến rũ bà Eva ăn trái cấm :
“Mi đã làm điều đó,
Nên mi đáng bị nguyền rủa nhất
Trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú
Mi phải bò bằng bụng ,
phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.” ( St 3: 14)
Chúa Giêsu cũng đã nói rõ là nếu kẻ làm sự dữ không sám hối thì sẽ chết như những người Gali-lê bị Tổng Trấn Phi-la-tô giết chết lấy máu hòa lẫn với máu tế vật xưa kia :
“ Các ông tưởng mấy người Galilê tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ bị đau khổ như vậy sao ? Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết như vậy. “ Lc 13 : 2-3)
Đặc biệt , Chúa Giê su cũng lên án dân thành Giêrusalem về tội đã giết các ngôn sứ như sau :
“ Giêrusalem, Giê ru salem !
Ngươi đã giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi
Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh mà các ngươi không chịu.
Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Ta nói cho các ngươi hay : các ngươi sẽ
Không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói : Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.”
( Lc 13: 34-35)
Là Thiên Chúa cực tốt cực lành, nhưng Người không thể dung tha được những sự dữ và ô uế như giết người, và dâm ô. Sự dữ lớn lao nhất là sự thâm độc, gian ác để có thể giết người không gớm tay như ta thấy xẩy ra hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới hiện nay.
Riêng ở Việt Nam, những kẻ tham tiền và phản bội, tay sai của quan Thầy ngoại bang, đã sát hại cách vô cùng dã man anh em T.T NĐD mà sử sách đã ghi chép và phơi bày ra ánh sáng từ mấy thập niên qua. Đặc biệt thâm độc và tàn ác hơn nữa là bọn vô thần, vô đạo đã sát hại hàng bao triệu người từ bắc chí nam trong suốt 60 năm qua. Đây là những bằng chứng hùng hồn tố cáo sự gian ác , độc dữ của con người Viêt Nam với chính đồng bào ruột thịt của mình, chỉ vì ngu xuẩn vâng lệnh quan thầy đế quốc đã bỏ tiền ra thuê mướn, hay vì chủ nghĩa phi nhân, vô luân, vô đạo mà họ đang cố bám lấy để cai trị bằng bạo lực tàn nhẫn nhưng lại ngụy trang dưới lớp vỏ “ cánh chung luận” hảo huyền về một thiên đường hạ giới; nhưng thực chất chỉ là địa ngục trần gian với muôn vàn tội ác, bất công, gian manh, phi nhân phi nghĩa. Phải nói đó là sự dữ lớn lao nhất vì nó đi ngược hoàn toàn với bản chất yêu thương, thiện hảo của Thiên Chúa là Đấng chê ghét mọi tội lỗi, mọi sự dữ , thâm độc gian ác, của con người.
Mặt khác, sự ô uế vì thú vui dâm dục, khiến phụ nữ và trẻ em trở thành những nạn nhân rất đáng thương của những kẻ đã đánh mất hết lương tri, đi tìm thú vui cực kỳ tội lỗi và khốn nạn này.Tội dâm ô không những súc phạm nặng nề bản chất thánh thiện của Thiên Chúa mà còn hạ giá con người xuống hàng thú vật , vô lương tri, vô luân, vô đạo khi hành hạ thân xác của các trẻ em bị bán làm trò vui “ấu dâm” vô cùng khốn nạn này.
Như thể thử hỏi: một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương và thánh thiện, có thể nào chấp nhận thực trạng tội ác , nhơ uế rất ghê tởm nói trên được không ?
Chắc chắn là KHÔNG
Thánh Phaolô đã cảnh cáo như sau về mọi nguy cơ của tội lỗi đưa đến hư mất đời đời:
“ Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, chè chén và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo cho mà biêt , như tôi đã từng bảo: những kẻ làm những điều ấy sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” ( Gl 5: 19-21)
Nơi khác, Thánh Phaolô cũng nói đến hậu quả của tội lỗi như sau:
“ Anh em không biết sao ? khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người anh em vâng phục.: hoặc làm nô lệ tội lỗi thì sẽ chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa thì sẽ được nên công chính.” ( Rm 6 :16)
Được nên công chính ( justified) có nghĩa là được cứu độ để vào Nước Trời nơi dành riêng cho những ai thực tâm yêu mến Chúa và quyết tâm sống theo đường lối của Người để xa tránh mọi sự dữ, sự tội trong suốt cuộc sống trên trần thế này. Thiên Chúa đầy yêu thương và rộng lòng tha thứ, nhưng con người phải tỏ thiện chí muốn sống ngay lành, muốn thi hành ý muốn của Cha trên Trời là xa tránh mọi tội lỗi và sự dữ , sự ô uế, bất công vô nhân đạo mà những kẻ không có niềm tin vào Thiên Chúa đang làm ở khắp mọi nơi trên thế giới ngày nay.
Đó là tất cả ý nghĩa lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa như sau :
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa, lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu, mà chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên Trời mới được vào mà thôi.” ( Mt 7: 21)
Như thế, đừng lấy cớ Chúa nhân từ , hay thương xót và tha thứ để cứ sống buông thả theo tính hư nết xấu của xác thịt con người và chiều theo những quyến rũ của thế gian, của xã hội vô luân vô đạo, đầy rẫy tội ác, bất công và bóc lột, là bộ mặt thật của “văn hóa sự chết” đang phơi bầy ở khắp nơi trên thế giới ngày nay.
Đáng buồn thay, nhiều người hiểu biết và có trách nhiệm dạy dỗ và bảo vệ chân lý, luân thường đạo đức lại không có can đảm chống lại những bất công , tha hóa của xã hội để cầu an cho mình hay trục lợi cá nhân, khi tự bịt mắt và giả câm giả điếc trước mọi sự dữ , sự gian ác và tha hóa của xã hội.
Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, yêu thương con cái loài người đến mức đã hy sinh chính Con Một Người là Chúa Giêsu-Kitô cho nhân loại được cứu chuộc và có hy vọng được sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau. Phải nói là có hy vọng thôi chứ chưa chắc chắn từ bây giờ là sẽ được cứu rỗi để hưởng phúc Thiên Đàng, vì lẽ con người còn có tự do để chọn lựa sống theo Chúa và cho Chúa, hay khước từ Chúa để sống theo bản năng tội lỗi và thỏa hiệp với thế gian, tay sai đắc lực của ma quỉ để làm những sự dữ , sự lội trái nghich với sự thiên hảo và thánh thiên của Thiên Chúa.
Bao lâu còn sống trên trần gian và trong thân xác có ngày phải chết này, con người còn phải chiến đấu giữa sự thiện và sự dữ, giữa sự trong sạch và ô uế, giữa lương thiện và gian ác quỷ quyệt.
Do đó, sự thưởng phạt của Thiên Chúa cho con người phải được hiểu là hậu quả tất nhiên của tự do chọn lựa mà Thiên chúa luôn tôn trọng cho con người sử dụng khi sống trên đời này. Nó cũng nói lên sự công bằng của Thiên Chúa dành cho những ai quyết tâm sống theo đường lối của Người, đối nghich với những kẻ lợi dụng lòng thương xót của Chúa để làm tay sai cho ma quỷ là cha của mọi gian dối và độc ác luôn chống lai Thiên Chúa là Cha của sự thật , sự thiện , sự công chính và yêu thương.
Tóm lại, phải có sự thưởng phạt vì con người có tự do để làm điều thiện hay gian ác. Thiên Chúa yêu thương nhưng không thể dung thứ cho sự dữ , sự ô uế mà con người đã và đang làm ở khắp nơi trên thế gian nay. Vì thế, phải có sự thưởng phạt của Thiên Chúa và điều này không hề mâu thuẫn với tình thương tha thứ của Người, vì nếu kẻ có tội không chịu nhìn nhận tội lỗi của mình và ăn năn sám hối , xin Chúa thứ tha thì làm sao Chúa có thể tha thứ được ?
Đó là sự thật chúng ta cần nắm vững bao lâu còn sống trên trần thế , đương đầu với với bao dịp tội và nhất là với bao cám dỗ của ma quỷ ví như “ sư tử gầm thét rao quanh tìm mồi cắc xé.” ( 1 Pr 5: 8) để lôi kéo chúng tar a khỏi tình thương của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ xưa: “ Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Lc 21: 36)
Vậy chúng ta, những người có niềm tin nơi Chúa, phải làm gì để chứng tỏ quyết tâm yêu Chúa và xa lánh mọi sự dữ , tội ác và ô uế ? Đó là câu hỏi mà mỗi người chúng ta hãy tự trả lời.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn