Phải trả công đạo lại cho Đức Hồng Y George Pell

Theo dõi vụ Đức Hồng Y Pell ra trước Ủy Ban Hoàng Gia Úc điều tra các đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em, người ta không khỏi có cảm tưởng ngài bị cô lập bởi mọi người, kể cả dư luận và báo chí Công Giáo.

GeorgePell.jpg

Trả lời cuộc phỏng vấn độc quyền của ký giả Andrew Bolt của tờ Herald Sun, ngài cho rằng ngài đã trở thành “nhân vật đáng ghét” (hate figure), đã chịu “một cuộc tra vấn thù nghịch… và là mục tiêu của một chiến dịch truyền thông tiêu cực một cách tàn nhẫn” tại quê hương ngài. Ngài nhận xét: “một trong những điều đáng lưu ý là khi bạn trở thành một nhân vật đáng ghét, thì người ta hoặc tưởng tượng hoặc… tôi không biết… ra đủ thứ chuyện tồi tệ nhất về bạn”.

Theo ngài, đó là lý do tại sao trong buổi tra vấn, ngài có thái độ lạnh lùng (stoical) trước Ủy Ban Hoàng Gia. Ngài muốn nén tính nóng như lửa (fiery temper) để tự chủ và điều này “giúp giải thích dáng vẻ như gỗ của tôi”.

Thực sự, như chính các đài truyền hình Úc sáng hôm qua đã phải thừa nhận và trình chiếu, ngài đã nghẹn lời khi đề cập tới các nạn nhân, ngay trong cuộc phỏng vấn của Bolt.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ngài cho hay: “tôi muốn người ta xử sự công bằng với tôi, ai cũng cần được đối xử công bằng, chắc chắn Giáo Hội Công Giáo có cái quyền ấy. Tôi là một Kitô hữu, tôi là một linh mục. Rất có thể tôi đã đặt Giáo Hội lên trước hết trong một thời gian hơn là các nạn nhân, nhưng chắc chắn tôi không ở đây để đặt tôi lên trước hết, chúng ta không làm thế”.

Được hỏi liệu Giáo Hội có bị người ta đòi phải có một tiêu chuẩn cao hơn không, ngài trả lời: “tôi nghĩ chắc chắn đây là điều cần được khảo sát và tôi nghĩ chúng ta đang làm việc này theo nhiều cách”.

Như trên đã nói, trong cuộc phỏng vấn này, ngài đã nghẹn lời khi thuật lại cuộc gặp gỡ với các nạn nhân, nhất là với David Ridsdale, cháu trai của cựu linh mục khét tiếng ấu dâm Gerard Ridsdale. Ngài cho biết việc hòa giải với anh ta, vốn cũng là một nạn nhân của ông chú Gerard và là người từng tố cáo ngài hối lộ để bịt miệng anh ta, là một việc “gây xúc động sâu xa. Tôi là một người bạn của David Ridsdale. Tôi luôn luôn là một người bạn của Ridsdale”.

Một con người như thế và thề hứa sẽ biến Ballarat thành một điển hình của hàn gắn, một điều mà ngài chắc chắn làm (ngài nói với Bolt, dù sức khỏe không bảo đảm, nhưng trong tương lai ngài sẽ trở về Úc), mà vẫn bị người ta tiếp tục coi là “nhân vật đáng ghét”. Đã đến lúc phải trả công đạo lại cho ngài.

Rất tiếc, ngay dư luận và báo chí Công Giáo cũng ít có người chịu bênh vực một trong những tiếng nói mạnh mẽ bênh vực Giáo Hội dù là trong phạm vi tín lý, luân lý, hay tài chánh. Có chăng chỉ có ký giả John Allen.

Trong một bài báo ngày 4 tháng Ba, ký giả trên viết rằng: “sau một tuần làm chứng đầy trầy trụa của Đức Hồng Y Pell trước Ủy Ban Hoàng Gia Úc khảo sát hồ sơ của ngài về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, vị giáo phẩm 74 tuổi rất có thể đã cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô đủ lý do để biện minh cho việc giữ ngài lại ở Vatican, cả vì lý do thiếu sự tiết lộ về bất cứ thứ ‘khói sung’ nào mới lẫn việc ngài cam kết hỗ trợ các cố gắng chống lạm dụng”.

Về chính cuộc tra vấn của Ủy Ban Hoàng Gia, John Allen cho rằng: “phiên tòa bốn ngày không hề là một cuộc dạo chơi công viên, và (Đức Hồng Y) Pell chắc chắn đã bị đấm nhiều lần”.

Nhưng theo John Allen, có năm cách qua đó Đức Hồng Y Pell có thể có được một thế đứng mạnh hơn nhờ trải nghiệm này.

Thứ nhất, cuộc tra vấn kéo dài tới 19 tiếng đồng hồ tất cả, lại trong đêm, trong 4 ngày, không đạt được bất cứ thứ ‘khói súng’ nào mới chứng tỏ Đức Hồng Y Pell trực tiếp biết việc lạm dụng và che đậy nó. Ngài nhìn nhận trường hợp năm 1974 có nghe một học sinh nói với ngài rằng một linh mục tại một trường ở địa phương “có tác phong không đúng với các bé trai” nhưng nhấn mạnh cậu học sinh này không yêu cầu một hành động nào cả.

Xét cho cùng, theo John Allen, lời kết tội chính xem ra không ở điều ngài biết cho bằng ở điều ngài nên biết, không ở điều ngài làm mà ở điều ngài nên làm. Tuy nghiêm trọng, nhưng không phải là những điều lập thành một tội ác đúng nghĩa. Và cùng một câu hỏi như thế cũng có thể hỏi bất cứ ai ở Ballarat hồi đó.

Thứ hai, Đức Hồng Y Pell đã trải qua một diễn trình rất căng thẳng mà không hề kêu ca, đồng ý làm chứng từ 10 giờ mỗi đêm ở Rôma tới 2, 3 giờ sáng. Luật pháp đâu có buộc ngài phải làm thế, thành thử sự hợp tác của ngài quả có ý nghĩa.

Thứ ba, sau cuộc điều tra, Đức Hồng Y Pell đã gặp các nạn nhân bị lạm dụng cùng thân nhân và những người ủng hộ họ từ Úc qua dự cuộc điều tra, với một số ít người sau đó có những nhận định tích cực đáng kể.

Nạn nhân Philip Nagel, chẳng hạn, người bị một linh mục ở Ballarat lạm dụng lúc Đức Hồng Y Pell là đại diện giám mục về giáo dục, cho biết: “tôi nghĩ ngài đã nắm được vấn đề. Chúng tôi nói về tương lai, chứ không nói đến dĩ vang. Chúng tôi nói về bồi thường, về săn sóc, về tương lai như thế nào dành cho chúng tôi, cho các nạn nhân của lạm dụng và Giáo Hội từ trình độ của George (Pell) trở xuống sẽ giúp đỡ chúng tôi ra sao”.

Điều trên ngầm cho thấy Nagle coi vai trò của Đức Hồng Y Pell như là một thành phần của giải pháp chứ không phải một thành phần của vấn đề.

Thứ tư, Đức Hồng Y Pell thề hứa sẽ hỗ trợ các nạn nhân và các cố gắng phục hồi họ, trong đó có việc hứa giúp lập ra một trung tâm nghiên cứu Úc Châu để ngăn ngừa và khám phá việc lạm dụng.

Thứ năm, cuối cuộc tra vấn, Đức Hồng Y Pell không dùng các nhận xét của ngài trước các ký giả để than thở việc thiếu công bằng hay cho rằng mình là người tử vì đạo.

Ở Sydney, có Alan Jones, người nổi tiếng điều khiển chương trình hội thoại của 2GB, dù không phải là người Công Giáo, cũng đã góp phần trả công đạo cho Đức Hồng Y Pell khi cho rằng lúc xẩy ra các vụ lạm dụng tình dục ở Ballarat, Đức Hồng Y Pell mới khoảng 28 tuổi, một linh mục trẻ măng, làm sao mà biết hết được chuyện nội bộ của giáo phận. Thành thử hạch hỏi và quy kết cho ngài khả năng này quả là điều phi lý.

Thực vậy, Ủy Ban Hoàng Gia chắc chắn cố tình loại bỏ các hiểu biết của họ liên quan đến văn hóa Úc thời đó và nhất là văn hóa Công Giáo lúc ấy: một linh mục trẻ ít được các vị bề trên, trong một hệ thống phẩm trật chặt chẽ và cao độ, nể đến phải mang đủ thứ chuyện ra tỏ bày, nhất là với vị giám mục Ballarat hồi ấy, người mà Đức Hồng Y Pell xác nhận là quá tin vào khả năng của tâm lý học có thể “cải huấn” hay “phục hồi” hay “chỉnh hình” gì đó cho một người dù sao mình cũng đã vất vả đào tạo ra, thì việc gì phải xin ý kiến của một ông linh mục “con nít” 28 tuổi mới ra lò làm chi cho mất thì giờ. Xê ra chỗ khác cho người ta nhờ

Vũ Văn An