Phản bội và thất hứa trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa

Phản bội và thất hứa
trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa
(Ga 13, 21-33.36-38)

21 Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai.23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su.24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai? “25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy? “26 Đức Giê-su trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt.27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi! “28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế.29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo.30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.

31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được”, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.

36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy? ” Đức Giê-su trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.”37 Ông Phê-rô thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy! “38 Đức Giê-su đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”

 

  1. Phản bội

Trong bài Tin Mừng theo Thánh Gioan của Thứ Ba Tuần Thánh, Đức Giê-su tiên báo về hành vi phản bội của ông Giu-đa, bởi vì đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc Thương Khó của Người:

Thật, Thầy bảo thật anh em: “có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”

(c. 21)

Ngay trước đó, trình thuật kể lại việc rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 1-20), mà chúng ta sẽ nghe lại trong Thánh Lễ Tiệc Ly vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, cũng được đánh dấu rõ nét bởi hành vi phản bội này: ở phần đầu (c. 2), phần cuối (c 18) và phần giữa (c. 11).

  • “Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa…” (c. 2 và 27), ở đây Giuđa được nhìn như là nạn nhân của Sự Dữ.
  • “Người biết ai sẽ nộp Người” (c. 11), trong lời tường thuật này của thánh sử Gioan, Giuđa được nhìn như là tác nhân.
  • “Nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (c. 18; trích Tv 41, 10). Trong lời nói này của chính Đức Giê-su, Giuđa được nhìn trong Kế Hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Vậy tại sao Giu-đa phản bội? Về hành động của Giuda, nếu chúng ta so sánh bốn Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mỗi Tin Mừng nói về ông một cách khác nhau. Điều này, cho thấy, hành động của ông phức tạp hơn chúng ta tưởng, nhất là chúng ta chỉ biết hành vi thôi, chứ không thấy được những động lực phức tạp của nội tâm. Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến lí do tiền bạc: “Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26, 15). Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó, cho thấy Giu-đa không phải hành động vì tiền: ông đã hội hận và trả lại tiền; nhưng ông đã không mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót, nhưng tự làm quan tòa của chính mình. Lời loan báo của Đức Giê-su về Giu-đa ẩn dấu nhiều bí ẩn:

  • Lời loan báo hướng tới một người, nhưng ai cũng buồn rầu và thấy mình có liên quan: “Chẳng lẽ con sao?” (Mc 14, 19). Về chuyện này, không ai chắc chắn về mình cả. Có sức mạnh nào đó vượt quá các tông đồ, các môn đệ, vượt quá Giuđa, vượt quá mỗi người chúng ta.
  • Đức Giêsu biết trước, nhưng tại sao Ngài như vẫn chấp nhận và thậm chí đón nhận Giuđa, ít nhất là trong bữa ăn này? “Nhóm Mười Hai” cùng tới đầy đủ, cùng vào bàn, cùng ăn (Mc 14, 17); và lời nói này có nguồn gốc từ một Thánh Vịnh, Tv 41, 10. Và sự bao dung này vẫn diễn ra hằng ngày trong Thánh Lễ.
  • Lời của Đức Giê-su về Giu-đa là một lời than, chứ không phải chúc dữ: “Bất hạnh cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”. Nhưng dù sao, lời này cũng quá nghiêm trọng. Biến cố hoài thai, vốn là một ân huệ, một công trình tạo dựng kì diệu (x. Tv 139, 13), trở nên không đáng có. Chúng ta cũng có thể, liên kết tội của Giu-đa với tội nguyên tổ: vô ơn, ham muốn, nghi ngờ. Nếu là như thế, tội của Giu-đa, là nơi hội tụ của mọi tội. Tội này có nguyên nhân là Con Rắn, và Tội này cũng dẫn đến ơn cứu độ là Thập Giá Đức Giê-su.
  • Nhưng đó lại là kế hoạch của Thiên Chúa: “như lời đã chép về Người”; như vậy là làm sao? Đây là mầu nhiệm trên hết mọi mầu nhiệm. Câu chuyện của Giuse trong sách Sáng Thế giúp chúng hiểu được phần nào mầu nhiệm này: “Ông Giu-se nói với họ: Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 19-20).

Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ (x. Ga 13, 2 và 27; Lc 22, 3) và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giuđa, và cùng với Giu-đa là Satan, không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giêsu, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy trở nên tuyệt đối và đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho các môn đệ, trong đó có Giuđa, cho từng người chúng ta.

 

  1. Thất hứa

Khi Chúa báo trước rằng mọi người sẽ vấp ngã vì Chúa, ông Phê-rô đã làm cho mình được nổi bật, với những lời cam kết trung tín: “Ngay cả khi mọi người vấp ngã vì Thầy, phần con, con sẽ không bao giờ vấp ngã”; và khi Chúa nói một cách chính xác với Phêrô rằng ông sẽ chối Chúa đến ba lần ngay đêm hôm ấy trước khi gà gáy, Phêrô nói với Chúa: “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”.

Và ông Phê-rô đã thực sự thực hiện lời hứa của mình : một mình ông dám đi theo Chúa đang bị giải đi, và vào tận dinh Thượng Tế, dám trà trộn với bọn người làm để theo dõi sự việc (c. 58 và 69a). Chúng ta hãy thán phục sự can đảm của ông. Hơn nữa, ông đã từ bỏ rất nhiều, nhất là quan niệm riêng của ông về Đấng Ki-tô (c. Mt 16, 22)

Dù ở bên ngoài, ông Phê-rô đã có mặt trong cuộc xét xử Đức Giê-su bởi Thượng Hội Đồng từ đầu đến cuối; nếu ông không thấy, có thể nghe nói hoặc hỏi thăm người ta. Ông đã cảm nghĩ như thế nào, nhất là về cách người ta tố cáo, xét xử, lên án và hành hạ Thầy của mình ? Chắc ông đã biết hết ; điều này giải thích tại sao ông chối Chúa, vì đã nghe biết cách người ta xử án và kết quả cuộc xử án, và cũng giải thích tại sao ông đau đớn đến như thế.

* * *

Như Tin Mừng theo thánh Mát-thêu kể lại (x. Mt 26, 69-75), ba lần từ chối tương quan với Đức Giê-su, và càng ngày càng từ chối rõ ràng và mạnh mẽ hơn :

  • Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!”

Đây là câu trả lời tránh né câu hỏi. Hoặc đó là câu trả lời có hai nghĩa : phủ nhận nhưng không hẳn là phủ nhận ; vì thế, người ta có thể yên tâm, không áy náy. Nhưng đó chỉ là hình thức thôi, vì ý muốn phủ nhận là có thật, nhưng được diễn tả bẳng cách nói nước đôi. Cũng giống như chúng ta từ chối khéo, thay vì nói thẳng ra. Nhưng hai lần sau, thì rõ ràng và lần thứ ba quyết liệt hơn lần thứ hai :

  • Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: « Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy. » Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: « Tôi không biết người ấy. »
  • Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: « Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay. » Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: « Tôi thề là không biết người ấy. »

Năng động của tội là như thế, sinh sôi nảy nở và càng ngày càng nghiêm trọng, và trở nên rõ nhất trong cuộc Thương Khó. Năng động của tình yêu cũng thế, nhưng theo chiều ngược lại. Có thể vì tình huống nguy kịch, nên ông Phê-rô chối bỏ tương quan với Chúa cho xong chuyện thôi, chứ trong lòng, ông đâu có đoạn tuyệt với Chúa. Trong cuộc sống, trong nhiều trường hợp, chúng ta không cần phải nói sự thật với bất cứ ai. Nhưng vấn đề ở đây là Chúa đang bị nguy hiểm, còn ông Phê-rô thì tìm cách tránh né nguy hiểm ; hơn nữa, làm như thế là không đúng với điều ông đã hứa : “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”. Nếu ông không hứa, thì đâu có sao !

Còn chúng ta, chúng ta có chối Chúa hay không ? Có lẽ chúng ta không chối như thế, nghĩa là có người hỏi về tương quan thuộc về Đức Ki-tô của chúng ta, và chúng ta công khai phủ nhận, để được an thân. Nhưng nếu chúng ta xem xét việc chối Thầy của ông Phê-rô không dưới khía cạnh nội dung cụ thể, nhưng dưới khía cạnh hình thức : là đưa ra lời hứa, nhưng không giữ lời hứa của mình, không trung thành với lựa chọn của mình, thì chúng ta đã « chối Chúa » rất nhiều, thậm chí hàng ngày.

Chúng ta hãy nhận ra con người thật của chúng ta nơi hành vi thất hứa và nơi lời nói chối bỏ « tương quan thuộc về » Đức Ki-tô của ông Phê-rô. Chúng ta cũng có thể sống, ý thức hay không ý thức, như người không biết Chúa, không thuộc về Chúa, qua một ánh mắt, một cử chỉ, một hành động, một lối sống trong một giai đoạn nào đó, qua tương quan lệch lạc của chúng ta với người khác hay với « những sự khác ».

 

  1. Thức tỉnh

Chúng ta có thể tự hỏi : điều gì đã làm cho ông Phê-rô thức tỉnh ? Có hai yếu tố. Trước hết là Tiếng gà gáy. Tại sao hành động chối bỏ tương quan thuộc về Đức Giê-su lại gắn liền với tiếng gà gáy ? Cách các thánh sử Mát-thêu, Lu-ca và Gioan kể lại đều giống nhau ở chi tiết này : có tiếng gà gáy, sau ba lần chối. Nhưng thánh Lu-ca thêm một chi tiết thú vị : ông đang chối lần ba, thì gà gáy. Thánh sử Mác-cô kể lại hơi khác một chút : sau lần chối thứ nhất, gà gáy ; sau lần chối thứ hai và thứ ba, gà gáy lần nữa.

Đức Giê-su đã nói với ông Phê-rô : « nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối thầy 3 lần », ngay trong đêm Đức Giê-su bị bắt, trước khi trời sáng. Như thế, bối cảnh « chối Thầy » là những hình ảnh thiên nhiên mang đầy ý nghĩa : hành động từ chối tương quan thuộc về xẩy ra rất mau ; và đó là hành động thuộc về ban đêm, thuộc về đêm tối, trước khi trời sáng ; thế mà ánh sáng là biểu tượng của sự sống và tương quan thuộc về ánh sáng Đức Ki-tô.

Tiếng gà gáy báo cho người ta thức dậy, sau giấc ngủ. Hành động từ chối thuộc về Thẩy của mình, đến ba lần, đủ nhiều để chúng ta hiểu đó là một giấc ngủ, và là một giấc ngủ mê. Tiếng gà gáy đánh thức ông Phê-rô. Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, ông Phê-rô cần tới hai lần gà gáy. Còn chúng ta, chúng ta cần mấy lần ? Và tiếng « gà gáy », mà chúng ta cần để thức tỉnh là gì ?

Tuy nhiên, tiếng gà gáy, xét như hiện tượng tự nhiên vẫn chưa đủ. Bởi vì, sau tiếng gà gáy, ông nhớ lại lời Đức Giê-su. Đi đôi với hiện tượng thiên nhiên, cần phải có Lời Chúa nữa. Đó là yếu tố thứ hai. Ông Phêrô nhớ lại lời Chúa đã nói với mình. Đó là chìa khoá của hoán cải: trở về với Lời đã ngỏ cho tôi cách đích thân. Chúa là Tình yêu, và trong tình yêu không có chỗ cho việc chối từ sự trở về, mà chỉ có đón nhận mà thôi.

Bản văn của Tin Mừng theo thánh Luca, còn nói đến một chi tiết rất đánh động : Chúa quay lại nhìn ông (x. Lc 22, 61). Như vậy Phê-rô chối Thầy của mình trong tầm nhìn của Ngài. Như chính chúng ta, mỗi khi chúng ta cách nào đó chối Chúa, chúng ta cũng thực hiện trong tầm nhìn của Chúa, bởi vì Ngài « bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước ». Hãy hình dung ra cái nhìn của Chúa đối với ông Phê-rô và đối với chúng ta : Đó là ánh mắt nào ? Giận dữ, trách móc, hay bao dung và tha thứ ? Chúng ta hãy đi vào tâm tình của Chúa mỗi khi chúng ta, cách nào đó chối Chúa.

Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của ông Phê-rô và đi vào tâm tư của ông. Chúng ta có bao giờ khóc như thế chưa ? Hay một tâm tình tương tự mỗi khi chúng ta không giữ lời hứa với Chúa ?

 

* * *

Cần phải cương quyết như thánh Phê-rô, nhưng trong trường hợp này, ông Phê-rô như đụng đến giới hạn của mình mà không biết, nhưng Chúa lại biết rõ. Để theo Chúa đến cùng trên con đường của Chúa, chúng ta không thể duy ý chí và dựa vào sức mình được, nhưng còn phải dựa vào lòng trung tín và lòng thương xót của Chúa. Giáo Hội được xây dựng « Đá Tảng Phê-rô », nhưng « Tảng Đá Phê-rô » lại dựa vào lòng thương xót.

Phê-rô vẫn đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta cũng thế, dưới mắt Chúa, chúng ta vẫn đáng thương hơn đáng trách. Nhìn ngắm sự yếu đuối của ông Phê-rô, chúng ta sẽ được an ủi nhiều : một đàng Chúa biết hết, biết tình yêu mỏng dòn của chúng ta dành cho Chúa, nhưng Chúa vẫn bao dung, tin tưởng và không lên án.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc