Tại cuộc họp báo sau phiên toà ra phán quyết ngày 07-07 của Toà án Vatican đối với vụ án được gọi là Vatileaks 2, cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã nhắc lại diễn tiến vụ án này.
Ngài minh định việc cáo buộc 5 người về tội tiết lộ thông tin mật dựa trên “một đạo luật được ban hành gần đây (năm 2013) nhằm chống lại việc thất thoát tài liệu. Những năm gần đây, Vatican cải tiến hệ thống tư pháp và hình luật nhằm hoàn thiện và đáp ứng những đòi hỏi hiện nay”, ngài nhấn mạnh với các nhà báo.“Không thể một đằng tuyên bố ý muốn và đề ra các chuẩn mực, một đằng lại không nhất quán trong việc thực hiện nhằm truy tố những người không tôn trọng luật pháp”.
Việc cần phải đưa vụ án này ra xét xử cũng nhằm “cho thấy quyết tâm khắc phục những biểu hiện và hậu quả của những căng thẳng và lục đục nội bộ Vatican”. Những căng thẳng này, cha Lombardi nhấn mạnh, “cũng rất thường được phản ánh ra bên ngoài do việc tài liệu bị thất thoát hoặc tiết lộ cho giới truyền thông, tạo ra một bầu khí và khung cảnh nhập nhằng và tiêu cực trong các cuộc thảo luận nội bộ”, đồng thời cũng “gây ra những hậu quả tiêu cực trong công luận vốn có quyền được thông tin khách quan và minh bạch”. Linh mục phát ngôn viên Toà Thánh nói:“Đó là một căn bệnh, như Đức Thánh Cha nói, cần phải dứt khoát chống lại”.
Cha Lombardi nhắc lại: “Vụ xử Vatileaks 2 này hoàn toàn không phải là vụ án chống lại tự do báo chí”, đồng thời lưu ý về những giới hạn đặt ra cho nghề báo. “Để nhận biết và đánh giá những khía cạnh khác nhau của trường hợp này, cần phải nói đến vai trò và trách nhiệm đích thực hay không của các nhà báo trong vụ việc, mặc dù rõ ràng sẽ có tranh luận về sự tôn trọng quyền tự do báo chí” và đây “chính là “quyền chắc chắn phải được bảo vệ”.
Cuối cùng cha Lombardi nhắc lại các bị cáo có thể kháng án trong vòng ba ngày sau khi toà tuyên án.
(Thành Thi chuyển ngữ, WHĐ 09.07.2016/ Radio Vatican)