Philippe Morard, người Cận vệ Thụy Sĩ canh phòng cho Đức Giáo hoàng

Philippe Morard, người Cận vệ Thụy Sĩ Romand, vùng nói tiếng Pháp, không rời Đức Phanxicô nửa gót chân, ở Vatican cũng như các nơi Đức Phanxicô đi như vừa qua ngài đi Georgia và Azerbaïdjan. Từ hơn một năm nay, vị chỉ huy phó Philippe Morard, rất kín đáo của Đội Cận vệ Thụy Sĩ bảo đảm an ninh cho Đức Giáo hoàng, ông là người từ thành phố Fribourg của Thụy Sĩ.
Philippe Morard, người Cận vệ Thụy Sĩ canh phòng cho Đức Giáo hoàng
Nghi thức không bao giờ thay đổi. Cách đây ba tuần, trên chuyến bay Alitalia 4000 – số chuyến bay giống nhau của mỗi chuyến tông du –, giữa Rôma và Tbilissi, thủ đô của Georgia. Đức Phanxicô ngồi hàng ghế đầu của chiếc máy bay Boeing A321, như thường lệ, ngài ngồi cùng ghế giống như tất cả các hành khách khác. Như trong mỗi chuyến đi của ngài, ngồi đàng sau ngài là đoàn nhân viên riêng của ngài, quản gia, bác sĩ, nhiếp ảnh gia chính thức, đại diện phủ Quốc vụ khanh, người lo các chuyến đi chính thức và đặc biệt lần này là lần đầu tiên với tân Giám đốc văn phòng báo chí Vatican, ký giả người Mỹ Greg Burke, người kế nhiệm linh mục Lombardi, một linh mục nổi tiếng và ăn nói dịu dàng. Trong đoàn này có hai người Thụy Sĩ: Hồng y Kurt Koch, ngày hôm qua còn đứng đầu Tòa Giám mục địa phận Bâle, Thụy Sĩ, hôm nay ngài đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Kitô ở Rôma và là người rất thân cận với Đức Giáo Hoàng. Người Thụy Sĩ kia là ông Philippe Morard, 44 tuổi, người Thụy Sĩ Romand vùng nói tiếng Pháp), người không rời Đức Phanxicô nửa bước trong suốt chuyến đi vùng Caucase của ngài, ông là người lo an ninh cá nhân cho ngài và bảo vệ sát ngài. Philippe Morard là người thuộc tỉnh Fribourg, Thụy Sĩ, ông rất kín đáo, là phó chỉ huy Đội Cận vệ Thụy Sĩ từ hơn một năm nay.
 
Ngay khi Đức Thánh Cha xuất hiện trước công chúng thì khó mà không thấy ông, máy nghe trên tai, máy vi âm trên cổ áo vét. Ông giải thích: «Điều khác biệt giữa Đức Giáo hoàng và các lãnh tụ Quốc gia khác, đó là ngài muốn giáo dân đến với ngài. Không có chuyện dựng tường như người ta thường làm với một tổng thống. Đức Phanxicô thích tiếp xúc với đám đông. Đó là các chỉ dẫn duy nhất ngài cho chúng tôi. Đôi khi hơi rắc rối để giải thích cho những nước đón ngài, bởi vì họ tìm cách bảo vệ ngài tuyệt đối, tránh xa đám đông. Nhưng cũng là chuyện bình thường, họ quá sợ có chuyện gì đó xảy ra cho Đức Giáo hoàng trên đất của họ.»
 
Và chúng tôi đã phải giải thích cho Georgia và Azerbaïdjan, hai nước kỷ niệm 25 năm độc lập của họ, khi phái đoàn Vatican đến đây một vài tuần trước đó để chuẩn bị chuyến đi, họ được nhắc nên uyển chuyển trong nghi thức tiếp đón Đức Phanxicô. Ở các nước nhỏ này, Đức Phanxicô đến như người mục tử đến thăm đàn chiên của mình, mang đến sự nâng đỡ và an ủi cho họ. Vị chỉ huy phó Morard cho biết: «Tôi ngạc nhiên khi thấy có ít băng-rôn ở Tbilissi hay ở Baku. Đúng là chúng tôi ở tận cùng trái đất. Dù ngồi trên xe, chúng tôi cũng có thể quan sát đường phố và người qua lại. Khác ngược với những gì chúng tôi thấy ở Mêhicô hay ở Ba Lan, nơi người dân nhiệt thành mến mộ.»Ở Azerbaïdjan, tín hữu kitô chỉ chiếm 0,1% dân số – khoảng 570 tín hữu -, ở Georgia là 2,5% – chỉ hơn 100 000 tín hữu. Trong ba ngày đi trên con đường nhỏ hẹp đại kết, trong chuyến đi lần thứ 16 ngoài Rôma này, ngài đến các vùng «ngoại vi hiện sinh và địa lý», ngài nhiều lần kêu gọi ngòi thuốc súng Caucase phải «duy trì một nền hòa bình lâu dài trong vùng», vùng này luôn có căng thẳng và xung đột ở Vùng cao-Karabagh, phải tìm mọi cách để tìm một «giải pháp thuận lợi cho đối thoại và thương thuyết». Điều này có nghĩa, nếu có tình huống dễ nổ thì phải canh chừng gấp đôi: Đức Giáo hoàng luôn là người gặp nguy hiểm. Đứng trước thượng giáo sĩ mufti của Caucase, Đức Phanxicô đã lên án mãnh liệt chủ nghĩa cực đoan trong tôn giáo và việc công cụ hóa lương tâm con người: «Thêm một lần nữa, từ nơi mang biểu tượng này, một tiếng kêu vang lên từ quả tim: Không bao giờ có bạo lực nhân danh Chúa! Danh cực thánh của Ngài phải được tôn thờ, không được phàm hóa, không được biến thành món hàng mặc cả qua về do hận thù và các chống đối của con người». Ngài cũng ngõ lời với các nạn nhân ở Irak và ở Syria, hai nước lân cận bị tàn phá nặng do các cuộc xung đột.
 
Bị đe dọa hàng loạt
 
Chỉ huy phó Morard phân biệt: «Chúng tôi biết luôn có đe dọa nhưng chúng tôi phải thích ứng với Đức Thánh Cha. Và đó là sức mạnh của lực lượng bảo vệ ngài.» Một sự bảo vệ cùng hợp tác với Hiến binh Vatican, luôn kín đáo và rất hiệu quả. Khi ngài đi xe giáo hoàng, các Cận vệ Thụy Sĩ luôn ở bên mặt, các hiến binh Ý ở bên trái. Nhưng các vị trí luôn đổi ngược khi ở nước ngoài. Người luôn bị đe dọa, ngài ở trong tầm ngắm của nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng và mafia, nhưng ngài không sợ bất cứ chuyện gì, bất cứ ai, ngài cảm nhận mình được Chúa bảo vệ.
 
«Trường đời»
 
Cựu lính cầm kích của Cận vệ Thụy Sĩ dưới triều Đức Gioan-Phaolô II, khóa 1993-1995 cùng một thời với cựu chỉ huy trưởng Daniel Anrig, người bị Đức Phanxicô thình lình cho nghỉ việc vào tháng 12 năm 2014, Philippe Morard tìm lại nơi chốn quen thuộc khi ông trở lại Rôma cách đây hơn một năm. Ông cho biết, «Đội Cận vệ Thụy Sĩ là một trường đời, nơi chúng tôi học tôn trọng, học kỷ luật và nơi chúng tôi chia sẻ một tiếp cận khác của Giáo hội.» Ông đặt ưu tiên cho các nhân viên của mình và tự cho mình trước hết là «một người lính». Philippe Morard là người cha gia đình, ông và vợ là bà Janik và ba đứa con tuổi từ 8 đến 14 ở trong trại, «văn hóa của chúng tôi, trước hết là sự kín đáo» và ông không thích thổ lộ hay kể ra.
 
Philippe Morard là cựu cảnh sát điều tra viên ở Fedpol, Berne chuyên lo các vấn đề mafia, ông là con của người thợ lâm viên, trong chuyến đi vùng Caucase vừa qua với Đức Giáo hoàng, ông đã ngạc nhiên trước một sự kiện kỳ thú: «Trong chuyến đi Armênia vừa qua, trước khi thả các con chim bồ câu ở tu viện Khor Virap, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi đến sớm trước và kiên nhẫn ngồi chờ trong một cái lều nhỏ. Đức Giáo hoàng thấy trẻ con ở gần đó và mời các em đến gần. Ngài phát cho mỗi em một tràng chuỗi. Thật là tự nhiên và dịu dàng. Ngay cả vị giáo chủ đông phương đứng bên cạnh ngài cũng ngạc nhiên. Đúng là một giáo hoàng gần với giáo dân và yêu giáo dân.» và đối với các Cận vệ Thụy Sĩ, đó là điều khác biệt lớn giữa Đức Giáo hoàng này và các Đức Giáo hoàng khác.
 
Nụ cười trên môi, Philippe Morard kết luận: «Bây giờ, Đức Thánh Cha nói với chúng tôi và chúng tôi nói với Đức Thánh Cha; không còn như trước đây, giáo hoàng là nhân vật gần như không đến được», hơn bao giờ hết, ông ý thức và hạnh phúc được sống một triều giáo hoàng lịch sử.
 
Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico /
illustre.ch, Arnaud Bédat