Sự việc phim Spotlight được trao giải Oscar mới đây đã khơi lại những tranh luận về vấn đề lạm dụng tình dục cuả hàng giáo sĩ, đồng thời phô bày ra những thất bại mà Giáo Hội đáng lý đã phải làm để ngăn ngừa thay vì che chở cho những lạm dụng ấy.
|
Nhắc lại, sau khi đoạt giải “Best Picture”, phim Spotlight đã được báo của Toà Thánh là tờ L’Osservatore Romano ca ngợi như là một cuốn phim “can đảm” và khẳng định đây không phải là một cuốn phim “chống Công Giáo” như người ta nghĩ.
Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, đương kim chủ tịch cuả Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, còn có lời khen ngợi cuốn phim, Ngài viết: “Các phương tiện truyền thông là một trong những lực lượng quan trọng thúc đẩy Giáo Hội phải đáp ứng một cách mà nó đã không làm được ở thời điểm đó, và do đó chúng ta đã trở nên tốt hơn.”
“Đây là một cuốn phim nói lên các ‘cú sốc’ và những nổi đau sâu sắc của các tín hữu đã phải đối đầu với những thực tế khủng khiếp được khám phá ra”, nhà nữ sử học Lucetta Scaraffia viết như thế trên báo L’Osservatore Romano.
“Không phải mọi con quái vật đều mặc áo Lễ. Cũng vậy vấn đề ấu dâm không nhất thiết phát sinh ra vì lời khấn khiết tịnh. Tuy nhiên, sự việc rõ ràng là trong Giáo Hội, một số người đã bận rộn bảo vệ hình ảnh của tổ chức hơn là lo đối đầu với sự nghiêm trọng của tội ác.”
Nhưng không vì thế mà các người làm phim đã thất vọng với Giáo Hội, “Thực tế là họ đã gióng lên lời kêu gọi, trong buổi lễ trao giải Oscar – tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô để chống lại tai họa này – và do đó, lời kêu gọi nên được xem như là một dấu hiệu tích cực: vẫn còn có sự tin tưởng vào Giáo Hội,” bà Lucetta Scaraffia viết.
Trong một bài phê bình khác trên báo L’Osservatore Romano, nhà phê bình phim ảnh là ông Emilio Ranzato viết rằng Spotlight “rõ ràng là một trường hợp can đảm vì đã không do dự lên án những sự việc cần phải lên án, một cách chi tiết, căn cứ vào một cuộc điều tra nghiêm túc và đáng tin cậy.”
“Không phải là một bộ phim chống Công Giáo vì không hề có đoạn nào phê bình đến giáo huấn cuả đạo Công Giáo cả,” ông viết.
“Nhưng có một nguy cơ làm cho nó có vẻ chống lại Giáo Hội, là vì nó trình bày khái quát quá; nhưng mà việc khái quát là không thể tránh khỏi khi có nhiều câu chuyện phải kể mà chỉ có hai giờ mà thôi, ” ông viết thêm.
Mà thực vậy, chỉ với 2 giờ, người ta chỉ có thể tập trung vào những thất bại của Giáo Hội, và tuy rằng “những thất bại ấy nổi tiếng, cũng còn có một sự thực khác là Giáo Hội Công Giáo đã có tiến bộ hơn so với bất kỳ cơ quan nào khác về vấn đề này,” theo ý kiến cuả ông Andrea Gagliarducci, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Inside the Vatican”.
Ông đã đưa ra một bảng chứng cớ rất dài về những tiến bộ đó trên CNA/EWTN News như sau:
Những tiến bộ qua phân tích của Andrea Gagliarducci
“Có quá nhiều chứng cớ về tiến bộ”, ông viết ” như những việc sa thải và trừng phạt giáo sĩ vi phạm, đặc biệt là giáo sĩ cấp cao và các nhà lãnh đạo của các cơ quan tôn giáo; nhiều cuộc gặp gỡ với nạn nhân của giáo hoàng; nhiều cải cách về luật lệ cuả Giáo Hội; và việc tạo ra nhiều cấu trúc mới để giải quyết tai họa này.”
Theo ông thì Giáo Hội đã từng quan tâm về những gì giáo luật gọi là “tội ác nghiêm trọng nhất.” Theo Bộ luật năm 1917 và theo những hướng dẫn năm 1922 từ Vatican, sự lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bị coi là “tội ác tồi tệ nhất”, một “crimen pessimum, “phải được báo cáo lên Văn Phòng Thánh – sau này được gọi là Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Sau Công đồng Vatican II, để cho sự xét xử được mau chóng và hợp tình hợp cảnh hơn, Giáo Hội chuyển sự phán xét của những trường hợp này xuống cấp địa phương.
Lúc đó người ta nghĩ rằng quá trình cuả giáo luật thì đã lỗi thời và rườm rà, cho nên người ta muốn các việc xét xử nên có tính cách “mục vụ” hơn.
Nhưng như vậy thì từ những năm 1962 cho đến 2001 chỉ có một vài trường hợp lạm dụng về “bí tích giải tội” (như hai kẻ tòng phạm tha tội cho nhau) mới được đưa lên Toà Thánh.
Năm 1983, bộ luật mới của Giáo Hội được ban hành. Nhưng nhiều chỉ tiêu đã làm phát sinh ra thêm nhiều thủ tục phức tạp và làm cho việc ‘hoàn tục’ các linh mục khó khăn hơn. Giám mục vẫn được giao nhiệm vụ khởi tố các linh mục vi phạm. Nhưng việc xét xử là ở Bộ Giáo Sĩ. Một số giáo phận đã không báo cáo mọi trường hợp lạm dụng tình dục lên Roma và không áp dụng những biện pháp trừng phạt. Thông thường, các giáo phận chỉ chuyển đổi các linh mục ấy đi nơi khác.
Năm 2001, Thánh Gioan Phaolô II ban hành một đạo luật chuyển giao thẩm quyền điều tra các lạm dụng sang Bộ Giáo lý Đức tin, đứng đầu bởi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger – tức là Giáo hoàng Benedict XVI tương lai.
Đức Giáo Hoàng John Paul II mở rộng nhiệm vụ của Bộ để có thể giải quyết nhiều hơn và DHY Ratzinger đã xác định ra nhiều nguyên nhân thất bại lớn trong việc giải quyết tình trạng lạm dụng tình dục.
Cho nên khi DHY Ratzinger trở thành Giáo Hoàng Benedict XVI vào năm 2005, Ngài đề ra một phương pháp tiếp cận mới dựa trên công lý và sự nhận thức rằng Giáo Hội còn nhiều thiếu sót cần phải chỉnh đốn. Triều đại giáo hoàng của Ngài đã tạo ra một động lực to lớn cho cuộc chiến chống lạm dụng tình dục.
Theo số liệu cung cấp bởi Bộ Giáo lý Đức tin cho Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng Giêng năm 2014, thì số linh mục bị hoàn tục từ năm 2009 cho đến 2012 mà thôi đã lên đến nhiều trăm người.
Tháng 5 năm 2005, Đức Giáo Hoàng Benedict đã hoàn tục một nhân vật danh tiếng, LM Gino Burresi, người sáng lập ra dòng Nữ Tì cuả Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.
Một năm sau, tháng 5 năm 2006, Đức Thánh Cha Benedict lại xử lý kỷ luật LM Marcial Maciel Degollado, người sáng lập ra dòng Đạo Binh Chúa Kitô. Buộc vị linh mục phải sống ẩn dật và làm việc đền tội suốt đời.
Năm 2007, Đức Thánh Cha Benedict đòi hỏi dòng Tám Mối Phúc Thật ở Pháp phải được tái lập lại, vì một số thành viên đã lạm dụng trẻ em.
Bốn năm sau, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hoàn tất điều tra LM Fernando Karadima, một người Chile bị tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em. Tuy các vụ án dân sự chống lại vị linh mục 84 tuổi này đều thất bại và không thể kết án ông, Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố vị linh mục có tội.
Triều đại Giáo hoàng Benedict XVI đã kết hợp hai phương pháp tiếp cận là toàn cầu và địa phương để chống lại lạm dụng tình dục. Năm 2011, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã gửi một bức thư cho hội đồng giám mục trên thế giới, yêu cầu họ áp dụng những hướng dẫn nghiêm ngặt để chống lại việc lạm dụng, hạn chót là vào tháng 5- 2012.
Bức thư đưa ra năm điểm chính: Hỗ trợ cho các nạn nhân; bảo vệ trẻ vị thành niên; giáo dục các linh mục và tu sĩ tương lai; làm thế nào để đối phó với những lời buộc tội chống lại các linh mục; và hợp tác với chính quyền dân sự.
Trong khi đó, Đức Thánh Cha Benedict XVI trả lời cụ thể cho các giám mục Công Giáo cuả Ireland, là nhóm đã hai lần đến Roma để nói chuyện riêng với Ngài về hoàn cảnh cuả họ. Sau các cuộc họp, Đức Thánh Cha Benedict đã viết một lá thư mục vụ vào tháng 3 năm 2010 cho người Công Giáo Ireland.
Ngài đặc biệt lưu ý là họ có một “xu hướng sai lầm” chống lại những hình phạt kinh điển, vì có sự hiểu nhầm về Công đồng Vatican II.
Đức Thánh Cha ban hành một lệnh “kinh lược” (apostolic visitation, do nhiều giám mục ở các nơi khác đến điều tra) và cung cấp nhiều tiêu chuẩn để giải quyết các trường hợp lạm dụng.
Trong tháng 3 năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã ban hành một bảng hướng dẫn để ngăn chặn lạm dụng trẻ vị thành niên và phương pháp để các tín hữu tham gia trong việc phòng chống lạm dụng. Tài liệu này nhấn mạnh đến sự hợp tác đầy đủ với cơ quan công quyền trong việc báo cáo các cáo buộc. Tài liệu này cũng yêu cầu rằng vị giám mục đảm bảo rằng tất cả các trường hợp lạm dụng mới phải được chuyển đến cho chính quyền dân sự và cho Bộ Giáo lý Đức tin.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục những nỗ lực cuả Đức Thánh Cha Benedict sau cuộc bầu cử tháng 2 năm 2013. Cùng tháng đó, Đức Hồng Y Keith O’Brien của Scotland từ chức tổng giáo phận St. Andrews và Edinburgh vì có cáo buộc rằng ngài đã có các hành vi không phù hợp đối với các linh mục. Sau kết quả điều tra từ Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp thuận đơn từ chức của Hồng Y vào tháng 3 năm 2015. Đó là một sự kiện cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử Giáo Hội.
Đức Giáo Hoàng đã có một phản ứng mạnh mẽ với trường hợp của Đức Tổng Giám Mục Josef Wesolowski, từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại nước Cộng hoà Dominica trong những năm 2008-2013. Vị sứ thần đã từ chức sau những cáo buộc rằng ông đã trả tiền cho những quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. Ông đã được đưa ra xét xử bởi Bộ Giáo lý Đức tin và vào tháng Bảy năm 2014, đã bị kết tội theo luật Giáo Hội. Ông đã phải chịu một hình phạt mạnh mẽ nhất, bị hoàn tục.
Mặc dù không có hiệp ước dẫn độ giữa Vatican và Cộng hòa Dominican, các quan chức Vatican đã sẵn sàng giao Wesolowski cho chính quyền dân sự ở Cộng hòa Dominican. Nhưng vị cựu sứ thần đã chết vì nguyên nhân tự nhiên trong tháng 8 năm 2015 trong lúc đang bị quản thúc.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã tạo ra các cơ quan mới để chống lạm dụng. Trong tháng 12 năm 2013, Ngài thành lập một Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ Em, sau một đề nghị của Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston.
Đức Giáo Hoàng cũng đã lập ra một nhóm đặc biệt trong Bộ Giáo lý Đức tin để xử các giáo sĩ cao cấp. Ngài cũng nghiên cứu một luật mới trong giáo luật là tội “lạm dụng chức vụ” để trừng phạt những giám mục không hoàn thành trách nhiệm của mình là truy tố các lạm dụng tình dục.
Ngoài các biện pháp kỷ luật đối hàng giáo sĩ, Giáo Hội cũng đã làm việc ở mức cao nhất để tiếp cận với các nạn nhân.
Đức Thánh Cha Benedict XVI đã gặp các nạn nhân nhiều lần: trong những chuyến tông du năm 2008 đến Hoa Kỳ và Úc, năm 2010 đến Malta và Vương quốc Anh, và trong năm 2011 đến Đức.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục những nỗ lực này, gặp nhiều nạn nhân trong tháng 7 năm 2014 tại Vatican – cuộc họp đầu tiên trong thành Vatican. Và Ngài cũng đã gặp các nạn nhân Hoa Kỳ trong chuyến thăm tháng 9 năm 2015 vừa qua.
(Trần Mạnh Trác, VCN 04.03.2016)