Đức Cha Giuse, Giám mục giáo phận Xuân Lộc, đề nghị bài nói chuyện trong ngày khai giảng niên khoá 2016-2017 sẽ bàn về tông huấn Amoris laetitia (“Niềm vui của tình yêu”, bản dịch của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam. Viết tắt: NVTY), được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày 19-3-2016. Đây là tông huấn hậu Thượng hội đồng, nên đó là giáo huấn của Đức Thánh Cha, nhưng đồng thời cũng là thành quả của hai Thượng hội đồng Giám mục thế giới (THĐGM) về gia đình: một hội nghị ngoại thường lần III năm 2014 và một hội nghị thường lệ lần XIV năm 2015.
Thông thường Lectio inauguralis đề cập đến một vấn đề, một trào lưu, một lối tiếp cận hoặc một phương pháp mới mang tính định hướng cho công việc học tập nghiên cứu và sứ vụ tông đồ của Hội Thánh. Vì thế, buổi nói chuyện hôm nay không nhằm giới thiệu và diễn giải tông huấn hoặc trình bày về mầu nhiệm hôn nhân và gia đình: những điều này sẽ được giải thích sâu rộng trong các giảng khoá của năm học. Bài trình bày này muốn nêu lên phương pháp luận mà ĐTC Phanxicô đã sử dụng để tìm hiểu, suy tư và từ đó đưa ra lời giải đáp về mầu nhiệm tình yêu trong gia đình trước những thách đố trong bối cảnh thế giới hôm nay.
I- THỰC TRẠNG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Qua các văn kiện chuẩn bị và các bản tường trình của hai khoá họp THĐ, có thể nhận thấy thực trạng hôn nhân và gia đình trong thế giới hôm nay có những ánh sáng và bóng tối. Nhiều người vẫn cảm nhận được hạnh phúc trong tình yêu gia đình và sống ơn gọi hôn nhân Kitô hữu cách sung mãn, ngay cả khi cuộc sống của họ gặp muôn vàn thử thách đau thương. Trong nền văn hoá hiện đại, sự tự do của con người được biểu lộ nhiều hơn, quyền của phụ nữ và trẻ em được nhìn nhận nhiều hơn.
Tuy nhiên một số khá đông sống trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn với những thử thách rất lớn và đôi khi dày đặc: có những thách đố về lòng trung thành trong hôn nhân, thái độ dửng dưng, chủ nghĩa cá nhân, trục trặc trong các tương quan gia đình, thất bại trong cuộc kết hôn thứ nhất làm xuất hiện những quan hệ mới. Thật là đau buồn khi cha mẹ không có con hoặc con cái bị tật nguyền hay không được giáo dục toàn diện, khi người già không được chăm sóc, hay trong gia đình có người lâm bệnh nặng hoặc qua đời. Những điều kiện kinh tế xã hội tác động rất lớn trên nhiều gia đình: tình trạng thất nghiệp, di dân, chiến tranh, kỳ thị, tạo nên sự nghèo đói và đau khổ cho rất nhiều gia đình, và những người trẻ sống trong hoàn cảnh như thế sẽ là mồi ngon cho ma tuý và tội ác. Tình trạng phụ nữ bị bạo hành và khai thác, nạn buôn người, trẻ em bị lạm dụng, đó là những vết thương rất lớn làm cho gia đình rơi vào cảnh đau thương dai dẳng.
Có lẽ giằng co nhất là trường hợp của những người ở trong hoàn cảnh phức tạp nhưng vẫn muốn sống ơn gọi Kitô hữu: những người ly dị tái hôn muốn giữ sự hiệp thông với Chúa và Hội Thánh qua việc rước lễ, những người đồng tính mong muốn sự kết hợp của họ được nhìn nhận và họ có thể rước lễ. Đây chỉ là một trong rất nhiều vấn đề của đời sống hôn nhân và gia đình, nhưng lại là đề tài thu hút sự chú ý của nhiều người, từ các mục tử đến giáo dân, từ các chuyên viên giáo luật đến các nhà thần học, đặc biệt những người làm việc trong lãnh vực truyền thông.
Thực trạng hôn nhân và gia đình trong thế giới hôm nay rất đa dạng và phức tạp, không thể tóm tắt trong vài hàng. Cũng chính vì đa dạng và phức tạp nên lần đầu tiên, cuộc họp của THĐ phải kéo dài hai khoá, một ngoại thường và một thường lệ. Trên đây chỉ là gợi lên một ít khía cạnh để làm bối cảnh cho những điều trình bày trong phần sau.
II- PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ LỐI NHÌN VỀ HỘI THÁNH
Vì thực trạng hôn nhân và gia đình đa dạng và phức tạp, nên ĐTC đã sử dụng một phương pháp luận mới để tiếp cận, suy tư và đưa ra giáo huấn cách thích hợp.
Phương pháp luận của tông huấn Niềm vui của tình yêu xem ra mới mẻ nhưng thực ra đã từng được sử dụng từ Công đồng Vatican II, và ăn khớp hài hoà với đường lối mà ĐTC Phanxicô vốn đã theo từ trước. Hơn nữa, phương pháp luận không chỉ là một kỹ thuật để giải quyết vấn đề, nhưng là những nguyên tắc thường hằng hướng dẫn hoạt động của Hội Thánh, và đằng sau phương pháp luận mà ĐTC sử dụng là chính lối nhìn của ngài về Hội Thánh của Đức Kitô. Phương pháp luận đặt nền tảng trên Giáo hội học của ĐTC.
1) Hiệp đoàn
Như thông lệ, tông huấn NVTY trích dẫn các văn kiện của Huấn quyền đã có trước, cách riêng từ tông huấn Niềm vui của Tin Mừng 17 lần. NVTY cũng trích dẫn 10 văn kiện của Hội đồng Giám mục các quốc gia: Tây Ban Nha, Hàn quốc, Argentina, Mexico, Colombia, Chilê, Úc, Ý, Kenya và Liên hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh CELAM. Điều đáng lưu ý là NVTY trích dẫn –nhiều đoạn hầu như nguyên vẹn– hai bản văn đúc kết của hai khóa họp Thượng hội đồng Giám mục: Relatio synodi năm 2014: 52 lần, và Relatio finalis năm 2015: 84 lần.
Nguyên tắc hiệp đoàn giám mục (collégialité épiscopale) đã có từ thời Vatican II, nhưng giờ đây trở thành hiện thực cách rõ nét. Có người nói rằng trước đây các vị Giáo hoàng tiền nhiệm cũng đã trích dẫn các văn kiện của các THĐ hay của các HĐGM, nhưng để củng cố cho điều mà các ngài muốn nói, nhưng đối với ĐTC Phanxicô, ngài lắng nghe và đón nhận ý tưởng của các giám mục, và như vậy giáo huấn của NVTY được thành hình từ giáo huấn thông thường của các giám mục, đặc biệt từ chính hai khoá họp của Thượng hội đồng Giám mục. Tông huấn không còn chỉ là giáo huấn của riêng Đức giáo hoàng, nhưng cũng là của các giám mục khắp nơi trên thế giới, hoặc ở xa hoặc họp trong THĐ, trong sự hợp nhất cùng với Đức giáo hoàng. Tính hiệp đoàn giám mục không phải chỉ là một ý niệm lý thuyết nhưng là hiện thực: Đức giáo hoàng và các giám mục “đồng hành” (synode=syn-odos) để cùng phân định và có những quyết định thích hợp.
Hội Thánh là cộng đồng Dân Chúa bao gồm tất cả mọi thành phần: Giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân. Dân Chúa được mời gọi tham gia vào THĐ theo cách của họ, qua các bản câu hỏi được gửi đi trước khi họp THĐ. “Linh tính đức tin” (sensus fidei) của các tín hữu làm thành gia sản đức tin của Hội Thánh. Đức giáo hoàng dù có quyền tối thượng nhưng đã không quyết định một mình. “Không phải tất cả mọi tranh luận đạo lý, luân lý hay mục vụ cần phải được giải quyết bằng can thiệp của Huấn quyền… Có thể có những giải thích khác nhau…” (NVTY 3). Cũng chính vì thế người ta có thể ngạc nhiên khi thấy ĐTC không ngần ngại trích dẫn các tác giả Kitô hữu: Joseph Pieper, Antonin Sertillanges, Gabriel Marcel, Erich Fromm, thánh Têrêsa Lisieux, Dietrich Bonhoeffer, Jorge Luis Borges, Octavio Paz, Mario Benedetti, Martin Luther King; ngài cũng nhắc tới cảnh hạnh phúc của tình yêu trong cuốn phim Babette’s feast (NVTY 129).
2) Hiện sinh và lịch sử
Hội Thánh không phải là một ý tưởng, một cơ cấu, nhưng là Dân Chúa lữ hành trong lịch sử với cuộc sống muôn vàn phức tạp và đa dạng. Vì thế cần phải nhìn vào thực tại hiện sinh của các gia đình, “xem xét hoàn cảnh hiện nay của các gia đình nhằm bám sát thực tế” (NVTY 6). Giáo hội học của ĐTC Phanxicô không phải là một hữu thể luận trừu tượng, nhưng mang tính hiện sinh cụ thể; điều ấy biểu lộ rõ ràng qua việc “lắng nghe Dân” (NVTM 154) để trình bày tổng hợp thực trạng và những thách đố của gia đình trong chương II. Đây là nguyên tắc “thực tại lớn hơn ý tưởng” (NVTM 231). Nếu theo đuổi một thứ lý luận xa rời quần chúng, thì chỉ còn lại lời nói suông trống rỗng.
Do đặc tính cánh chung, Hội Thánh tiến bước giữa lòng lịch sử trong sự giằng co giữa ân huệ của Thiên Chúa và nỗ lực con người, giữa cái được ban tặng và cái phải thi hành, giữa cái “rồi” và “chưa” của ơn cứu độ. Vì thế, ngay từ đầu tông huấn, ĐTC Phanxicô đã minh nhiên nhắc đến nguyên tắc “thời gian quan trọng hơn không gian” (NVTY 3; NVTM 222). Viên mãn thành toàn là mục tiêu mong ước, nhưng trong thực tế có những bức tường giới hạn chắn trước mắt, vì thế cần phải “kiên nhẫn chịu đựng… và chấp nhận sự căng thẳng giữa sự viên mãn và sự giới hạn, và dành ưu tiên cho thời gian” (NVTM 223).
Nếu không lưu tâm đến tính hiện sinh và lịch sử, người ta dễ đưa ra những phán quyết mà không xét đến tính phức tạp của hoàn cảnh cũng như tình trạng khốn khổ vì điều kiện sống của họ (x. NVTY 296). “Chúng ta rất thường ở trong thế tự vệ, và phung phí năng lượng mục vụ cho việc lên án một thế giới suy đồi, mà ít có khả năng (Pháp: capacité dynamique, Anh: proactive) đề ra cho người ta những con đường mang lại hạnh phúc” (NVTY 38). Lên án và áp đặt luật lệ lên người khác không đem lại ích lợi gì (x. NVTY 35). “Chúng ta cũng phải khiêm tốn và thực tế nhìn nhận rằng đôi khi cách chúng ta trình bày niềm tin Kitô giáo của mình và cách chúng ta cư xử với người khác đã góp phần tạo ra tình trạng mà chúng ta đang than vãn như ngày nay, bởi thế chúng ta cần phải tự phê bình một cách thích đáng” (NVTY 36).
3) Nhãn quan tích cực
Đây là đường lối loan báo Tin Mừng mà ĐTC Phanxicô đã chỉ ra trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng. Người rao giảng là người loan báo một tin vui, là người đầy niềm vui vì đã cảm nhận được vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, và niềm vui ấy tràn ra bên ngoài. Lời rao giảng phải là lời loan báo niềm vui, vẻ đẹp, những giá trị tích cực. “Sứ điệp phải tập trung vào những gì cốt yếu, những gì đẹp nhất, lớn nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất” (NVTM 35). “Lời rao giảng phải cố gắng vạch ra một giá trị tích cực và hấp dẫn, nếu không nó sẽ bị mắc kẹt giữa những lời phàn nàn, than vãn, phê bình và trách móc” (NVTM 159). “Chỉ có vẻ đẹp của Thiên Chúa mới lôi cuốn người ta. Phương thức của Thiên Chúa là phương thức lôi kéo, quyến rũ” (Diễn văn của ĐTC nói với các giám mục Brazil ngày 28-7-2013).
Trung thành với phương pháp ấy, lời giải đáp của tông huấn mang tính lạc quan và hy vọng. Biết bao khó khăn và thách đố vẫn còn đó, nhưng “gia đình không phải là vấn đề, mà trước tiên là một cơ hội” (NVTY 7).
Tình yêu, và chỉ có tình yêu mới đem lại niềm vui và hạnh phúc. Vì thế chủ đề của tông huấn không nói về hôn nhân và gia đình như một định chế thuần tuý, nhưng là về “niềm vui của tình yêu”, “về tình yêu trong gia đình”. Không phải vô tình mà từ “niềm vui” xuất hiện 51 lần trong tông huấn.
4) Con đường thứ ba: lòng thương xót
Đứng trước những khó khăn và thách đố của các gia đình, ngay từ giai đoạn đang chuẩn bị và trong chính thời gian diễn ra THĐ, có hai khuynh hướng giải quyết vấn đề khác nhau, đôi lúc rất nhiệt tình: một bên cố gắng bảo vệ các nguyên tắc của tín lý, luân lý và giáo luật, còn bên kia muốn nới rộng kỷ luật để đáp ứng những hoàn cảnh khác nhau của những người trong tình trạng hôn nhân “bất qui tắc”. Tông huấn đã nhắc tới hai thái độ cực đoan: một đàng là “ước muốn thay đổi mọi sự mà không suy tư đầy đủ, hoặc thiếu nền tảng”, tức là chấp nhận tất cả những thay đổi về văn hoá xã hội trong lãnh vực hôn nhân và gia đình mà không hề phân định tốt xấu đúng sai; và một đàng là “tham vọng muốn giải quyết tất cả mọi sự bằng cách áp dụng những quy tắc chung”, những nguyên tắc khách quan bất di dịch trong lãnh vực đức tin, luân lý và kỷ luật (x. NVTY 2).
Tông huấn đã tìm ra con đường thứ ba: con đường của lòng thương xót. Ngày từ đầu (NVTY 5), ĐTC mời gọi đọc tông huấn trong bối cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót. “Những suy tư này được khai triển trong bối cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót… Hội Thánh có sứ mạng loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim sống động của Tin Mừng, nhờ đó Lòng Thương Xót ấy phải đến được với lòng trí của mỗi người” (NVTY 309).
Đây là con đường của Công đồng Vatican II: “Ngày nay, Hiền thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc… Trong khi giơ cao ngọn đuốc chân lý đức tin nơi Công đồng này, Hội Thánh Công giáo muốn thể hiện chính mình như một người mẹ đầy yêu thương của tất cả mọi người, một người mẹ từ ái, nhẫn nại, luôn được thôi thúc bởi lòng thương xót và tình nhân hậu đối với những người con đang xa rời mẹ” (Tông thư Dung mạo lòng thương xót, 4).
Con đường của lòng thương xót giúp dung hoà những điều xem ra không thể hoà hợp với nhau: nghiêm khắc và dễ dãi. Một đàng “không được từ bỏ đề nghị lý tưởng trọn vẹn của hôn nhân, kế hoạch của Thiên Chúa trong tất cả tầm vóc cao cả của nó… Thái độ lãnh đạm, chủ nghĩa duy tương đối dưới bất cứ hình thức nào, hoặc sự dè dặt thái quá khi đề xuất lý tưởng này, sẽ là một sự thiếu trung thành với Tin Mừng, và cũng là thiếu tình yêu của Hội Thánh đối với chính những người trẻ. Cảm thông với những hoàn cảnh ngoại lệ không bao giờ hàm nghĩa che giấu ánh sáng của lý tưởng trọn vẹn nhất và cũng không cắt bớt những gì Đức Giêsu đã trao ban cho con người.” (NVTY 307).
Nhưng đàng khác, không được “ném đá vào cuộc sống con người”… “Những cõi lòng khép kín, thường ẩn nấp sau những giáo huấn của Hội Thánh để ngồi trên toà ông Môsê và phán quyết đôi khi với thái độ tự tôn và hời hợt đối với các trường hợp khó khăn và những gia đình bị thương tích” (NVTY 305). Hội Thánh không được “phát triển một nền luân lý quan liêu lạnh lùng khi xử lý các vấn đề hết sức tế nhị, trái lại, chúng ta đặt mình vào trong bối cảnh của một phân định mục vụ chất đầy tình yêu thương xót, vốn luôn phải thông cảm, tha thứ, đồng hành, hy vọng, và trên hết là hội nhập” (NVTY 312). Ưu tiên trên mọi sự phải là “con đường của đức ái” (NVTY 306).
III- LỜI GIẢI ĐÁP
Nhờ những phương pháp nêu trên, ĐTC đọc lại “những dấu chỉ thời đại” (NVTY 46) để đưa ra lời giải đáp cho những thách đố của gia đình ngày nay. Có thể nêu lên mấy điểm nổi bật trong giáo huấn củaNiềm vui tình yêu.
1) Niềm vui của tình yêu
Thực tại hôn nhân và gia đình trong thế giới hôm nay quả có nhiều thách đố, đa dạng và phức tạp, nhưng các Kitô hữu không phải vì thế mà quên đi vẻ đẹp cao cả thánh thiêng với một chân dung tuyệt vời rạng rỡ của gia đình (x. NVTY 12, 66). Như các nghị phụ của THĐ 2015 đề nghị “suy tư lại với tâm hồn tươi vui phấn khởi về mặc khải được thông truyền trong đức tin Kitô giáo” (Relatio finalis 2015, 3), ĐTC khẳng định “loan báo Kitô giáo về gia đình đích thực là một tin vui” (NVTY 1). Ngài muốn mọi người mang lấy nhãn quan tích cực. Tông huấn gợi lại vẻ đẹp của gia đình như một tổ ấm gồm có cha mẹ và con cái tràn ngập hạnh phúc. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người có nam có nữ, tình yêu và sự phong nhiêu của vợ chồng là hình ảnh diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (x. NVTY 11).
Như tất cả mọi người trong nhân loại, Đức Giêsu cũng sinh ra và lớn lên từ trong gia đình, đã chứng kiến và trải qua kinh nghiệm về hạnh phúc và niềm vui cũng như về đau thương và nỗi buồn của gia đình. Ngài đưa ra lề luật yêu thương và sự trao hiến như là lối sống để đem lại hạnh phúc, điều mà bất cứ người cha người mẹ nào cũng vẫn thường thể hiện (x. NVTY 27). Tình yêu không chỉ là nghĩa vụ, bổn phận, nhưng còn là “sự dịu dàng trong vòng tay ôm ấp… Có một nhân đức mà thế giới của những tương quan cuồng nhiệt và hời hợt ngày nay không biết đến, đó là sự dịu dàng” (NVTY 28). Tin Mừng mà Đức Giêsu rao giảng cũng chính là Tin Mừng về gia đình. Qua việc diễn giải Tin Mừng cách đơn sơ nhưng mới mẻ (NVTY chương 1, 3, 4), ĐTC mời gọi sống tình yêu trong gia đình theo ánh sáng Tin Mừng; và nhờ vậy tình yêu trong gia đình trở thành “ơn gọi” Kitô hữu trong những thực tại gia đình. Lời mời gọi của Tin Mừng là lời đề nghị của hạnh phúc.
Nhiều người trẻ ngần ngại lập gia đình, trì hoãn kết hôn vì nhiều nỗi sợ khác nhau: sợ không có công ăn việc làm, sợ thất bại trong hôn nhân, sợ mất tự do,… (x. NVTY 40). Vì thế, “cần phải vun xới niềm vui của tình yêu… Niềm vui mở rộng khả năng hưởng nếm niềm hoan lạc và giúp chúng ta cảm nhận được sự vui thích trong các thực tại khác nhau…” (NVTY 126).
2) Hoà nhập
Đi trên con đường của lòng thương xót, giải pháp của NVTY là thu hợp và loại trừ mọi hình thức loại trừ. Nhiều gia đình ngày nay gặp những thử thách về tinh thần cũng như vật chất, nhưng điều đau thương hơn cả là họ trở thành nạn nhân của sự kỳ thị và loại trừ. “Có hai dòng suy nghĩ vẫn lưu chuyển trong toàn bộ lịch sử của Hội Thánh: loại trừ và tái hoà nhập. Con đường của Hội Thánh, kể từ Công đồng Giêrusalem trở đi, luôn là con đường của Đức Giêsu: con đường của lòng thương xót và của sự hoà nhập” (NVTY 296).
Hội Thánh cần theo đuổi “luận lý của sự hội nhập” (logique de l’intégration, bản dịch: “lý do”), vì “Hội Thánh như một người Mẹ luôn đón nhận, ân cần trìu mến chăm sóc và khích lệ họ trên hành trình cuộc sống và Tin Mừng” (NVTY 299). “Chúng ta đừng quên rằng thường công việc của Hội Thánh giống như công việc của một bệnh viện dã chiến” (NVTY 291). Giáo hội là thánh nhưng không theo kiểu biệt phái loại trừ tội nhân, trái lại, chính vì có khả năng yêu thương, ôm ấp và hội nhập các tội nhân và người yếu đuối nên Giáo hội là thánh, theo mẫu gương của Đức Giêsu.
Khi đi theo phương pháp thu hợp, ĐTC Phanxicô trung thành với nguyên tắc “toàn thể lớn hơn thành phần” được đề cập trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng để “tránh sự hẹp hòi và tầm thường” (NVTM 234). Khi đó người ta sẽ nhận ra rằng “Tin Mừng là niềm vui của Cha, Đấng muốn rằng không một người bé mọn nào bị hư mất, niềm vui của Chúa chiên lành khi tìm thấy con chiên lạc và đưa nó trở về đàn” (NVTM 237). Theo gương Đức Giêsu, Hội Thánh chăm sóc yêu thương “cả một trăm con chiên, chứ không chỉ là chín mươi chín con. Người yêu thương tất cả” (NVTY 309). Phải “hội nhập tất cả mọi người” (NVTY 297), “không được phân loại xếp hạng mục hoặc khép họ vào những phạm trù quá cứng nhắc” (NVTY 298).
3) Đồng hành và phân định
Con đường của niềm hy vọng và lòng thương xót dẫn đến đồng hành và phân định. Đối với những ai đang thi hành trách nhiệm mục tử, ngoài chương 6 bàn đến một số viễn ảnh mục vụ, thì chương 8 mang tầm quan trọng đặc biệt. Chương này mang tựa đề: “Đồng hành, phân định, hội nhập”, đề cập đến những trường hợp sống trong hoàn cảnh chông chênh, bất qui tắc, thậm chí rối ren. Đối với những ai sống trong hoàn cảnh ấy, mục tử phải biết đồng hành và có khả năng phân định để soi sáng lương tâm của họ. Trong tông huấn, từ ngữ “phân định” được sử dụng 46 lần, “đồng hành”: 24 lần, “lương tâm”: 14 lần.
Có lẽ ai cũng chờ đợi lời giải đáp của ĐTC liên quan đến những người đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt: sự kết hợp của họ có được nhìn nhận không, họ có được rước lễ không? ĐTC trả lời : đồng hành, phân định để hướng dẫn họ tuỳ từng trường hợp. Có người cho là ĐTC đã thay đổi quá nhiều, người khác cho là không có gì thay đổi. “Chúng ta được mời gọi để đào tạo các lương tâm chứ không thay thế các lương tâm” (NVTY 37) để các gia đình sống ơn gọi của mình trong hoàn cảnh thực tế đặc thù của từng người.
“Không nên mong đợi từ THĐ hoặc từ tông huấn này một khoản luật chung mới về giáo luật, có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Ở đây chỉ có thể là một sự khích lệ mới, cổ võ một sự phân định cá nhân và mục vụ, với tinh thần trách nhiệm, các trường hợp đặc biệt, trong đó ta phải nhìn nhận rằng: vì mức độ trách nhiệm không như nhau trong mọi trường hợp, nên các hệ quả hoặc các hiệu quả của một luật lệ không nhất thiết phải luôn giống nhau. Các linh mục có nhiệm vụ đồng hành với những người có liên hệ trên con đường phân định dựa theo giáo huấn của Hội Thánh và những hướng dẫn của Giám mục” (NVTY 300).
Chắc chắn là phải có những khoản luật hoặc qui tắc chung, nhưng nếu chỉ xét theo tiêu chuẩn ấy, thì không đủ để khẳng định sự trung tín với Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể của từng người. Trong lãnh vực thực hành, không thể áp dụng luật lệ cho các cá nhân cách giống nhau (x. NVTY 304).
Đây không phải vấn đề “luân lý hoàn cảnh”, mà là sự phân định trong từng hoàn cảnh cá biệt. Hội Thánh cần xét đến lương tâm của từng người nhiều hơn. Tất nhiên, cần huấn luyện để có một lương tâm trưởng thành, đúng đắn, được khai sáng, và được đồng hành nhờ sự phân định có trách nhiệm và nghiêm túc. Một điều có thể là chưa hoàn toàn đúng với lý tưởng khách quan, nhưng đối với một người trong một hoàn cảnh cụ thể, thì đó lại một sự đáp trả quảng đại đối với Thiên Chúa (x. NVTY 303).
ĐTC nhắc lại luật tiệm tiến đã được thánh Gioan-Phaolô nói tới: “luật tiệm tiến, với nhận thức rằng con người “hiểu biết, yêu mến và thực thi sự thiện luân lý theo những giai đoạn phát triển khác nhau”. Đó không phải là một sự “tiệm tiến của luật”, nhưng là một sự tiệm tiến trong việc thực hiện cách khôn ngoan những hành động tự do nơi những chủ thể không ở trong điều kiện hiểu biết, đánh giá hoặc thực hành đầy đủ các đòi hỏi khách quan của luật” (NVTY 295).
Nên thánh là một hành trình với những bước đi chậm chạp tiến về phía trước, đôi khi thụt lùi, rồi lại tiếp tục bước tới. “Nếu nghĩ rằng tất cả chỉ là trắng hoặc đen, đôi khi chúng ta đóng kín con đường của ân sủng và của sự triển nở và làm nản lòng người ta trên con đường nên thánh để vinh danh Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ rằng một bước nhỏ, giữa những giới hạn lớn của con người, có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn là một cuộc sống đúng đắn bên ngoài êm ả trôi qua từng ngày mà không phải đối mặt với những khó khăn đáng kể nào” (NVTY 305).
Kết luận
1) Khi nói đến phương pháp luận, đề tài xem ra mang tính cách hàn lâm lý thuyết nhưng thực ra lại cần thiết và hữu ích cho toàn thể Dân Chúa, cách cụ thể cho người đang trong giai đoạn đào tạo để trở thành mục tử trong Hội Thánh. Chọn phương pháp đúng, sẽ giải quyết được vấn đề; ngược lại, đường lối và nguyên tắc không chuẩn xác sẽ dẫn đến những giải đáp không phù hợp. Phương pháp luận và lời giải đáp của ĐTC Phanxicô cho ta bài học để biết cách tìm câu trả lời cho những khó khăn hay vấn đề trên bình diện lý thuyết, tri thức hay mục vụ. Trong tất cả mọi sự, Hội Thánh luôn tin tưởng vào sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn đưa Hội Thánh đến “sự thật toàn diện” (Ga 16, 13). Chúa Thánh Thần biết Ngài sẽ đưa Hội Thánh đi về đâu.
2) Phương pháp luận và lời giải đáp của tông huấn NVTY chứng tỏ ĐTC là người đầu tiên thực hiện “cuộc hoán cải mục vụ” mà chính ngài đã kêu gọi toàn thể Hội Thánh (NVTM 25). Xem ra tông huấn không khẳng định điều gì mới, nhưng thực ra tất cả được đổi mới nhờ nhãn quan của niềm hy vọng và lòng thương xót. Hội Thánh như người mẹ yêu thương ôm ấp mọi người con, kiên nhẫn và nhân hậu. Tình thương là lời giải đáp tối hậu, bởi vì tất cả đều nhắm đến ơn cứu độ của từng người trong Dân Chúa. Khởi từ Công đồng Vatican II, một chương mới của lịch sử Hội Thánh đang mở ra và chờ đợi mỗi người viết lên bằng những hành động thiết thực.
Xuân Lộc, 05-9-2016
+ Giuse Nguyễn Năng