Rộn rã mùa dâng hoa

Tháng 5 về, khắp nơi rộn ràng dâng hoa kính Đức Mẹ. Những câu chuyện, kỷ niệm quanh mùa hoa cũng theo đó diễn ra sôi nổi, rôm rả.
Rộn rã mùa dâng hoa
MUÔN MÀU HƯƠNG SẮCKhoảng đầu tháng 4, các xứ đạo tại TPHCM bắt đầu tuyển chọn người dâng hoa, tập dợt các động tác, đội hình. Để tránh nhàm chán, đơn điệu nếu như làm giống với năm trước, nhiều nơi chịu khó tìm nền nhạc mới hoặc thay đổi các cử điệu hay dùng trang phục khác. Tùy quan niệm, khả năng nhân sự của mỗi giáo xứ mà những đội dâng có thể toàn các em thiếu nhi hoặc góp thêm các thành viên hội đồng mục vụ, giới hiền mẫu, gia trưởng, giáo lý viên, giới trẻ… Dù ở độ tuổi nào thì mọi người đều cố gắng truyền đạt hết mình tâm tình cung kính, tôn nghiêm.

Rộn rã mùa dâng hoa
Dâng hoa vào tháng 5 là nét đẹp truyền thống của người công giáo

Với bài dâng chủ đạo là nhang, nến và hoa, các cộng đoàn cũng có cách thức trang trí cho những đạo cụ này phong phú, bắt mắt. Hoa năm sắc từ hồng, lan, cúc được bó tròn hoặc cắm trong giỏ; nến cầm tay điểm xuyết thêm nơ, hoa lá… Nhằm tiết kiệm chi phí mua hoa, không ít nhà thờ, các hội đoàn đã chọn giải pháp hùn tiền rồi dùng chung. Theo đó, nhóm dâng sau sẽ sử dụng đạo cụ của nhóm trước (nếu trong ngày có nhiều đội dâng hoa) thay vì mỗi đội phải tự trang bị riêng. Qua thời gian, có nơi đan xen những bài múa quạt, lụa, tràng hạt vào buổi dâng với mục đích mang lại nét mới lạ, tạo sự lôi cuốn. Có nơi thể hiện sự độc đáo như xứ đạo Bắc Hà (quận 10) đã mời bốn cặp đôi thuộc các thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái và cháu từ các gia đình khác nhau cùng đứng vào đội hình dâng hoa nhân năm Phúc âm hóa đời sống gia đình.

Về nhạc nền cho bài dâng, phần nhiều đều chọn các bản thâu sẵn có nội dung về tháng Năm, Đức Mẹ. Riêng ở Bùi Môn (huyện Hóc Môn) lại có truyền thống hát “live” (trực tiếp). Cụ thể, tới phiên thiếu nhi giáo họ nào dâng hoa thì ca đoàn của giáo họ ấy sẽ phụ trách hát xướng. “Điều này đã trở thành thông lệ quen thuộc với chúng tôi. Hát trực tiếp đem tới cảm giác âm nhạc chân thật, sống động, dù phải tập dợt với nhau nhiều lần sao cho thật ăn khớp, nhịp nhàng chứ nếu không sẽ bị chệch choạc giữa người hát với người diễn”, ông Nguyễn Mạnh Chiến – trưởng ca đoàn giáo họ Phêrô cho biết.

Rộn rã mùa dâng hoa - Ảnh minh hoạ 2

Hậu trường tập dợt vào những ngày cận kề

Góp phần tạo vẻ đẹp mỗi khi dâng hoa trên cung thánh, không thể không nhắc đến yếu tố phục trang. Chẳng hạn, váy đầm của thiếu nhi được thay đổi màu sắc, kiểu dáng qua các năm, trên đầu có thể gắn thêm hoa, vương miện và làm tóc giống nhau. Không như những trẻ nhỏ, chị em phụ nữ xúng xính trong tà áo dài thướt tha, còn các ông chỉn chu với vét-tông hoặc áo dài khăn đóng. Nhưng vì là đồng phục chung nên chuyện người mặc rộng thùng thình, dài chấm gót, không thì ngắn ngủn, chật ních vẫn dễ xảy ra. Do đó, nhiều biên đạo cũng phải cân nhắc lựa chọn diễn viên sao cho đồng đều về ngoại hình, tạo thêm sự chỉn chu.

KỶ NIỆM ĐONG ĐẦY

Theo như chia sẻ của nhiều người gắn với công việc này lâu năm, cái khó nổi cộm trong quá trình tập dợt cho thiếu nhi, giới trẻ luôn là vấn đề thời gian. Chọn ra được buổi tập thuận tiện với mọi thành viên gần như khó trơn tru, dễ dàng bởi thời gian học tập, đi làm thường chênh lệch. Chẳng vậy, các em nhỏ hay quên giờ giấc hoặc phải phụ thuộc vào việc chờ cha mẹ đưa tới nhà thờ. Với những đội quy tụ thành phần trẻ thì tình trạng đến trễ, đợi chờ lẫn nhau cũng khá phổ biến. Rồi chuyện đùa giỡn, không tập trung lúc biên đạo đang hướng dẫn, buộc phải nhắc nhở, la rầy. Bù lại, những giới này tiếp thu bài nhanh, chân tay bén nhạy, uyển chuyển lúc di chuyển đội hình cũng như trước các cử điệu phong phú.
 
Rộn rã mùa dâng hoa - Ảnh minh hoạ 3

Đối với lớp trẻ là vậy, còn người lớn lại có trở ngại và ưu điểm riêng. Họ nhiệt tình, sốt sắng mỗi khi được mời gọi, tuyển chọn vào hàng ngũ tiến hoa. Đồng thời, đa phần đều ý thức việc đúng hẹn nên ít có kiểu “giờ dây thun”. Song, do tuổi tác nên mọi người dễ lọng cọng, lúng túng về thời điểm đứng hình chữ A, V, M hoặc nghiêng trái phải, xếp hình tròn, cánh cung theo bài hát… Biết điểm yếu của mình, họ chịu khó tự ôn với nhau, nhờ các nữ tu chỉ lại hay xin tăng thêm buổi tập trong tuần. Mặt khác, không ít người mỏi gối, nhức lưng, bởi thế người tập thường chọn những động tác, tư thế sao cho các bà, các ông hạn chế quỳ và cúi khom.

Dù có đôi chút khó khăn nhưng không làm suy suyển, lấn át bao chuyện vui và điều đáng nhớ. “Các ông thường khó gật đầu nhận lời hơn các bà, người đau khớp, người bảo có tuổi nên lên múa thấy mắc cỡ, với lại tay chân cứng đơ như rôbốt hết cả rồi. Mà quả đúng thật, chúng tôi không được dẻo dai, mềm mại như bọn trẻ hoặc các bà nên chỉ dùng mấy cử điệu đơn giản. Rồi hay quên bài nữa, cứ liếc liếc nhau coi ông kia múa sao rồi làm theo chứ một bài dâng đâu có ngắn”, ông Nguyễn Thế Hiển – một thành viên nhóm dâng hoa giáo xứ Bắc Hà (quận 10) vừa cười vừa kể. Có vài nơi, vợ chồng cùng tham gia diễn vũ do đội gộp chung giới hiền mẫu và gia trưởng. Để giảm thiểu việc quên, thi thoảng các cặp về giúp nhau ôn bài hát rồi căn dặn ở câu nào thì ông sẽ bước lên, bà đi xuống hoặc tất cả cùng xoay, nhún…

Cận ngày dâng hoa, hình ảnh thường thấy là nhiều nhóm tập trung chờ đợi được lên cung thánh diễn nháp. Sân khấu chỉ có một nên buộc mọi người nhường nhịn, chịu khó hy sinh. Rút kinh nghiệm, có đội tranh thủ dợt từ trước hoặc tập vào ban ngày nhằm tránh việc trùng giờ vào buổi tối. Rồi đến ngày dâng, từ bé tới lớn, ai nấy nôn nao, háo hức sửa soạn quần áo, đạo cụ… Cảm giác hồi hộp, hãnh diện, hạnh phúc đan xen, pha trộn vào nhau. Ấy vậy, khó tránh khỏi tình huống oái oăm xảy ra vào thời khắc quan trọng. Nhắc về “giai thoại” khó quên, Bảo Trân – nhóm dâng hoa giáo lý viên tủm tỉm: “Lần đó em ngủ quên (lễ sáng 5 giờ), lúc mở mắt ra thì thấy cả chục cuộc gọi nhỡ từ chị biên đạo liền lật đật chạy lên nhà thờ may ra vớt vát được bài nào. Cũng hên là mới xong một bài, nhưng vì cuống cuồng, gấp gáp quá nên chỉ kịp vuốt vuốt tóc qua loa. Kết quả, mặt mày, tóc tai của mình luộm thuộm chẳng giống ai”

Rộn rã mùa dâng hoa - Ảnh minh hoạ 4
Giới trẻ tiếp thu rất nhanh, chân tay bén nhạy nên tập khá linh hoạt

Ngoài những điều không lường trước như trên thì vướng mắc chung với hầu hết “con hoa” vẫn là quên kèm theo run. Nếu có người nhắc tuồng khe khẽ hoặc làm mẫu gần cung thánh thì không vấn đề gì. Trái lại, khi tự diễn, những câu suỵt suỵt “Khoan khoan, chưa đi!”, “Ông quay ngược chiều rồi”… thi thoảng vẫn vang lên. Dù còn đó những lóng ngóng, vụng về, chưa hoàn toàn như ý muốn, song nhiệt tâm, tấm lòng của họ trong lúc dâng hoa vẫn đáng được ghi nhận vì những hy sinh đã bỏ ra suốt thời gian luyện tập.

Với mỗi thành viên, mỗi mùa hoa qua đi, nhiều hồi ức dễ thương sẽ mãi đọng lại. Đó có thể là những trưa hè xúm xít nhau chăm chút từng giỏ hoa, cây nến; là sự quan tâm, khích lệ con cái tham gia việc chung; là lòng gắn bó, yêu thương từ những đêm cùng quây quần diễn tập, ôn rèn…

PHÚ KHANG

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc