Hỏi: Quyển Kinh Thánh mà chúng ta có ngày nay ra đời như thế nào? Còn nữa, có những điều con không thấy Kinh Thánh nói tới nhưng bấy lâu nay trong Giáo Hội vẫn cứ truyền dạy. Ví dụ như làm sao biết ngày sinh của Đức Maria hay cha mẹ của Đức Mẹ là ông Gioakim và bà Anna? Xin quý cha, quý thầy giải thích cho con hiểu. Con xin cảm ơn!
Trả lời:
Như bạn cũng biết, Kinh Thánh của chúng ta là một tập hợp gồm nhiều quyển sách ghép lại mà thành. Mỗi quyển lại có lịch sử ra đời khác nhau, thời gian ghi chép khác nhau, truyền tải những ý tưởng khác nhau, do những tác giả sống ở nhiều thời đại khác nhau biên soạn. Thiên Chúa đã không viết Kinh Thánh ở trên trời rồi gửi xuống nhân gian. Thiên Chúa cũng không truyền lệnh cho các Thiên Thần viết Kinh Thánh. Thiên Chúa cũng đã không hiện ra cách nhãn tiền trước mặt nhiều chứng nhân rồi chỉ định người này người kia viết lại những gì Ngài phán. Có một điều mà chúng ta không thể không thừa nhận: dưới sự linh hứng của Thánh Thần, các tác phẩm trong sách Kinh Thánh được viết ra bằng bàn tay và khối óc của những con người. Khó khăn nảy sinh cũng chính từ đây.
Kinh Thánh Ki-tô giáo đã lấy Kinh Thánh Do Thái làm nền tảng cho mình. Quả thật, chính Đức Giêsu là người đã sống trong môi trường Do Thái, đã sử dụng, trích dẫn, giảng dạy và khẳng định rằng đây chính là Lời Chúa. Bởi thế, chúng ta chẳng có nghi ngờ gì nguồn gốc linh thánh của những tác phẩm mà chúng ta có trong Cựu Ước. Tuy nhiên, Kinh Thánh Do Thái chỉ có 39 cuốn. Về sau, Giáo Hội sơ khai đã thêm vào 7 cuốn khác nữa làm nên Kinh Thánh Cựu Ước mà chúng ta có ngày nay. Bảy cuốn đó là: sách Giuditha, Tobia, sách Huấn Ca, sách Khôn Ngoan, sách tiên tri Baruc và hai quyển Maccabe. Như vậy, chúng ta có 46 cuốn trong Cựu Ước.
Liên quan đến Tân Ước, cho đến thế kỷ thứ 2, chúng ta vẫn chưa có được một danh sách 27 cuốn như chúng ta có bây giờ. Lúc đó, các tín hữu chỉ biết đến những lá thư (mà phần lớn là của Thánh Phaolô viết cho các cộng đoàn mà ngài đã thành lập trong hành trình truyền giáo), các sách viết về cuộc đời Đức Giêsu, cách Công Vụ Tông Đồ và sách Khải Huyền. Vào năm 140, xuất hiện một nhân vật tên là Marcion, một người đến từ vùng Sinop thuộc Tiểu Á ngày nay. Ông có một tư tưởng vô cùng sai lạc khi cho rằng có hai Thiên Chúa cùng tồn tại: một Thiên Chúa tàn ác của Cựu Ước và một Thiên Chúa tốt lành mà Đức Giêsu rao giảng trong Tân Ước. Ông ngưỡng mộ thánh Phaolô nhưng vốn có tư tưởng chống lại Do Thái, lại có chút dính líu đến phái Ngộ Giáo (Gnosticism) nên đã tự mình xác định cho mình đâu là Kinh Thánh. Ông chỉ thừa nhận Tin Mừng Luca và các thư của Phaolô là Lời Chúa mà thôi.
Thời đó, cũng có không ít những giai thoại về Đức Giêsu xuất hiện. Có người cố gắng viết về Ngài một cách chân thực nhất có thể, lồng vào trong đó những ý tưởng thần học quý giá. Nhưng cũng có người thêu dệt hình ảnh Ngài như một siêu nhân, một người làm những điều lạ thường ngay từ khi mới sinh cho đến khi chịu chết. Giữa làn sóng cuồn cuộn những tác phẩm như thế cộng với sự bành trước nhiều tư tưởng sai lạc (trong đó có Marcion), Giáo Hội nhận thấy cần phải có một quy điển chính thức, xác định đâu đích thực là Lời Chúa, do chính Chúa Thánh Thần linh hứng, đâu chỉ là những tác phẩm chỉ đơn thuần là văn chương Ki-tô giáo chứ không phải là Lời Chúa và đặc biệt, đâu là những tác phẩm “lá cải”, do thị hiếu của con người viết ra mà không hề chứa đựng một chân lý đức tin nào.
Vấn đề là: làm sao biết cuốn nào là cuốn được Thánh Thần linh hứng như là Lời Chúa, còn cuốn khác thì không?
Ít là có ba tiêu chí để xác định. Thứ nhất, tác phẩm ấy phải có nguồn gốc từ các Tông Đồ, nghĩa là phải do các tông đồ là những người đã có kinh nghiệm trực tiếp với Đức Giêsu viết ra hoặc do môn đệ của các Tông Đồ viết ra. Thứ hai, sự công nhận của các Giáo Hội địa phương dưới sự hướng dẫn của các Giám Mục, bởi ta tin rằng chỉ có Thánh Thần mới có thể khiến cho tất cả mọi người (chứ không phải một nhóm người) cùng đồng lòng về một vần đề gì đó. Thứ ba, tác phẩm ấy phải chứa đựng những chân lý đức tin đúng đắn. Về điều này, chúng ta phải ghi ơn những vị thánh giáo phụ tầm cỡ đã có công nghiên cứu và đặt nền tảng thần học cho đức tin của chúng ta. Chúng ta cũng không thể không thừa nhận rằng chính Chúa Thánh Thần đã làm việc qua các vị này để giúp xác định tính chân chính của những quyển sách làm nên Kinh Thánh.
Đến khi nào thì chúng ta có cuốn Kinh Thánh Tân Ước 27 cuốn như ngày nay?
Một tài liệu cổ gần đây vừa được phát hiện tên là Muratori (tên của người đã phát hiện ra tài liệu này) được cho là đã tồn tại vào khoảng năm 200, trên đó có ghi lại thư mục các sách gần giống với những quyển mà chúng ta thấy trong cuốn Tân Ước ngày nay, nhưng không có thư gửi tín hữu Do Thái, hai thư của Phêrô, thư của Giacobê. Có thể nói, bản văn Tân Ước hoàn chỉnh xuất hiện lần đầu tiên ở Phương Đông trong Thư Phục Sinh của thánh Atanasio vào năm 367 AD, sau đó xuất hiện ở Phương Đông với sự chuẩn nhận của thánh Giêrom và Âu-tinh cũng như Đức Thánh Cha Damasco. Công đồng Ippona Regia (393 AD) và công đồng Cartagine (397 AD) đã chính thức công nhận những cuốn mà ta có ngày nay trong Cựu Ước và Tân Ước là Lời Chúa.
Về những thông tin liên quan đến Đức Mẹ mà bạn thắc mắc, như chúng tôi vừa trình bày ở trên, viết về cuộc đời của Đức Giêsu, không chỉ có bốn quyển được công nhận là Lời Chúa mà chúng ta biết đến trong Kinh Thánh (Tin Mừng theo Matthêu, theo Marco, theo Luca và theo Gioan). Một con người vô cùng đặc biệt như Giêsu chắc chắn đã để lại không ít những ấn tượng nơi những người cùng thời. Bởi thế, bên cạnh các Thánh Sử, còn có nhiều nhân vật vô danh khác đã viết lại cuộc đời của Đức Giêsu và những gì liên quan đến Ngài từ những chi tiết có thể có thực, có thể suy diễn, mượn danh các Tông Đồ. Những tác phẩm này được gọi là nguỵ Tin Mừng.
Nguỵ Tin Mừng cũng chưa hẳn là lạc giáo, trái lại, nó đôi khi cũng chứa nhiều yếu tố đáng lưu ý liên quan đến việc thờ phượng, thần học của Giáo Hội hay những thông tin liên quan mà chúng ta không tìm thấy nơi 4 sách Tin Mừng. Nhưng sở dĩ nó không được xếp vào quy điển Kinh Thánh là vì nó hơi mang tính thần thoại, giả tưởng và có những mô tả một cách “quá đáng” về các phép lạ. Ngoài ra, các nguỵ Tin Mừng cũng có những chi tiết sai lạc và ngược lại với đức tin Công Giáo.
Trong tất cả các nguỵ Tin Mừng, có hai cái đáng lưu ý nhất là nguỵ Tin Mừng của Giacôbê và nguỵ Tin Mừng của Tôma. (Lưu ý là: không phải thánh Giacôbê hay Tôma viết sách này nhưng người khác viết rồi mạo danh Giacôbê và Tôma).
Nguỵ Tin Mừng của thánh Giacôbê được viết vào nửa sau của thế kỷ thứ hai ở Ai Cập, kể về chuyện liên quan đến Đức Maria: sinh ra, thời niên thiếu, việc hôn phối của Người với Giuse, chuyện Người sinh ra Đức Giêsu. Còn nguỵ Tin Mừng của Tôma thì kể về thời thiên niếu của Đức Giêsu. Nhờ đó mà chúng ta được tên của song thân Đức Maria, việc dâng Đức Mẹ trong Đền Thờ hay số lượng và tên của các vị đạo sĩ đến viếng thăm Hài Nhi mới sinh: Melchon, Balthasar và Gasper. (Bấy lâu nay, người ta cũng dựa vào ba lễ vật mà thánh Mattheu nói đến – vàng, nhũ hương, mộc dược – để phỏng đoán mà có ba người. Mỗi người dâng một lễ vật)
Nguỵ Tin Mừng Giacôbê có đoạn nói rằng:
“Khi bé gái [Maria] lớn lên và được 2 tuổi, Gioakim nói với Anna: “Chúng ta hãy mang con bé vào đền thờ của Đức Chúa như lời đã hứa với Người, kẻo Người nổi giận với chúng ta và của lễ của chúng ta sẽ không được đón nhận.” Nhưng Anna nói: “Chờ con bé lên 3 tuổi đã, để nó không còn theo cha mẹ nữa.” Gioakim trả lời: “Vậy thì chờ!”
Khi bé được ba tuổi, Gioakim và Anna đưa Maria vào đền thờ. Vị Thượng Tế nhận bé và nói: “Maria, Đức Chúa Thiên Chúa đã biểu dương danh con cho muôn thế hệ và cho đến tận cùng thời gian, Chúa sẽ tỏ bày ơn cứu độ của Người cho con cái Israel qua con.”
Như thế, những chi tiết ngoài Tin Mừng mà chúng ta biết (tên song thân của Đức Maria, số lượng và tên của các đạo sĩ viếng Chúa) là nhờ các tác phẩm này. Bạn cũng nên lưu ý rằng những tác phẩm này không phải là Lời Chúa. Những thông tin mà chúng mang đến cho chúng ta chỉ giúp chúng ta làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến lịch sử chứ không là nền tảng cho những suy tư thần học và cho đức tin của chúng ta. Để ghi nhớ công ơn người đã sinh ra và dưỡng dục Mẹ Maria, chúng ta cần biết tên của họ. Cái tên Gioakim và Anna sẽ giúp chúng ta dễ mường tượng hơn mà tôn kính. Nó không phải là chân lý mà ta buộc phải tin. Cũng tương tự như thế, chuyện có bao nhiêu đạo sĩ đến viếng thăm Chúa và tên của họ là gì không ảnh hưởng gì đến ơn cứu độ của chúng ta. Chúng chỉ có tác dụng giải đáp cho trí tò mò của ta mà thôi. Bởi thế, chúng ta không nên tin vào nguỵ Tin Mừng, nhưng hãy đặt mình dưới sự hướng dẫn và dạy dỗ của Giáo Hội để bước đi vững vàng hơn trên con đường đức tin của mình.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ