Trong đời, ai cũng có lúc khóc. Khóc thầm lặng. Khóc cho vơi niềm đau. Kinh cầu tuyệt vọng là kinh cầu trong nước mắt. Kinh cầu mong hy vọng cũng là lời kinh khao khát đẫm lệ.
Vũ trụ dường như đã có dan díu với tiếng khóc trước khi hình thành hay sao mà bây giờ ở đâu cũng thấy có nước mắt. Có tiếng thở dài trên đường, có tiếng thở muộn phiền lúc nghỉ ngơi. Tiếng than bên đời là buồn nhiều hơn vui.
Những trang Kinh Thánh thưở xưa cũng đong dài nhiều dòng nước mắt. Nhưng câu chuyện nước mắt của Mađalena thật đặc biệt. Bà khóc hai lần, hai lần khác nhau.
Ngày đó, Mađalena khóc bên chân Chúa, nước mắt và hương thơm. Trong buổi chiều ấy, Chúa không nói gì. Chúa cứ để Mađalena khóc. Chúa nhận nước mắt như nhận quà tặng ân tình. Còn Mađalena muốn đem nước mắt hòa vào hạnh phúc dầu quý cho bay đi những cơn mưa phùn của linh hồn rêu phong năm xưa. Chiều đó, người đàn bà ấy không nòi gì. Thinh lặng và nước mắt thôi.
Thế rồi, cũng người đàn bà ấy, một sáng nọ bà khóc, buổi sáng đến mộ đá tìm xác Chúa. Nhưng tiếng khóc lần này không như tiếng khóc thuở xưa.
Bà Maria đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc, vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt xác của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, lền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Yn 20:11-15).
Một Mađalena, mà hai khung trời, hai dòng nước mắt khác nhau. Một con tim mà hai nhịp đập, hai thổn thức khác biệt.
– Ở nhà Biệt phái: Ngày ở nhà ông Simon Biệt Phái, nước mắt bà Mađalena rơi xuống chân Chúa, nhưng chảy ngược vào tâm hồn. Mađalena khóc thầm lặng không tiếng nói. Bên mộ đá: Hôm nay, bên mộ đá Mađalena oà vỡ khóc thành lời nói. Bà thổn thức báo tin cho Phêrô và Yoan. Bà vội vã hỏi “Người làm vườn”. Bà quả quyết với thiên thần: “Người ta lấy mất Chúa tôi rồi” (Yn 20:13).
– Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Simon, Mađalena kín đáo tìm cách vào tận phòng tiệc cho nước mắt rơi trên sàn nhà. Bên mộ đá: Hôm nay, Mađalena đứng ở ngoài mộ mà thôi, tiếng khóc vang bên phía ngoài.
– Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, nước mắt Mađalena rơi trước mọi người, rơi trên chân Chúa. Bên mộ đá: Hôm nay, nước mắt rơi trong cát bụi.
– Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, Chúa để Mađalena ngồi cạnh mình lấy tóc cùng nước mắt mà lau chân. Bên mộ đá: Hôm nay, Chúa không cho nước mắt kia chạm tới Ngài.
– Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, trong tiếng khóc, Mađalena bị người ta kết án. Bên mộ đá: Hôm nay, Mađalena kết án người khác trong tiếng khóc của mình. Không bằng chứng mà Mađalena dám báo tin cho Phêrô bằng cách đổ tội cho người khác rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Yn 20:2).
– Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, trong dòng nước mắt, Mađalena nhìn rõ Chúa. Bên mộ đá: Hôm nay, cũng là nước mắt, Mađalena nhìn Chúa nhưng ngỡ là ông làm vườn. “Thưa ông, nếu ông đem Người đi thì cho tôi biết ông để Người ở đâu?” (Yn 20:15).
– Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, Chúa thương dòng nước mắt ấy thiết tha. Bên mộ đá: Hôm nay, Chúa chất vấn: “Bà kia, sao lại khóc?”.
***
Lạy Chúa, cũng một con người được Chúa yêu, mà sao một lần khóc thì Chúa như bùi ngùi, một lần khóc thì Chúa nhìn dòng nước mắt mà hỏi: “Bà kia, sao bà lại khóc?”. Câu trả lời của Chúa như ngạc nhiên về dòng nước mắt ấy. Câu hỏi như từ chối, như nói rằng dòng nước mắt ấy không cần thiết. Tại sao vậy Chúa?
Tiếng khóc nào cũng có ý nghĩa. Nước mắt nào mà không chứa đựng nghẹn ngào. Càng nguyện vọng, nước mắt càng mặn cay, nước mắt ấy phải quý lắm chứ. Vậy tại sao Chúa lại hỏi: “Bà kia, sao bà khóc?”
Chỉ có một lần Chúa khóc, đó là trước cái chết của Lazarô. Cái chết nào mà không mất mát, nghẹn ngào, chính Chúa mà còn khóc. Vậy tại sao hôm nay Chúa lại bảo Mađalena đừng khóc nữa. Nhờ Chúa khóc trước cái chết của Lazarô, nên hôm nay, con phải suy nghĩ về nước mắt, tiếng khóc, nỗi đau của Mađalena trước mộ đá.
Khi Chúa khóc trước cái chết của Lazarô thì người chung quanh nói với nhau rằng: “Kìa, nhìn xem Ngài thương Lazarô dường bao” (Yn 11:36). Như vậy, nước mắt của Chúa hôm Lazarô chết không phải là nước mắt tiêu điều. Cái khóc của Chúa không là tuyệt vọng mà là tình thương.
Còn nước mắt của Mađalena bên mộ Chúa, có thương đó mà cũng có xót xa. Chúa sống lại, nhưng Mađalena phao tin rằng người ta lấy xác Chúa. Bà không nhìn thấy, nhưng bà nghi ngờ và đổ lỗi cho việc Chúa không còn trong mộ đá là xác Chúa đã bị đánh cắp! Nước mắt chúng con trước cái chết của người thân yêu có lẽ cũng mang dáng dấp cả hai. Có thương nhưng lại thương trong xót xa, và nỗi xót xa ấy nhuốm màu đau tuyệt vọng như của Mađalena. Vì chưa hiểu niềm tin Phục Sinh, nên không thấy xác Chúa thì Mađalena cảm thấy ngày một mất mát lớn lao. Nỗi mất mát ấy là của Mađalena, cho nên thương Chúa mà xót xa cho mình. Xót xa và tuyệt vọng làm Mađalena nghi ngờ và đổ lỗi cho nhiều người.
Vì xót thương trước cái chết của người thương yêu, nhiều khi chúng con cũng không tránh khỏi những phàn nàn, trách nhiều nguyên nhân, có khi trách cả Chúa. Xin Chúa cho chúng con hiểu hơn về mầu nhiệm Phục Sinh trong sự chết.
Nước mắt bên mộ đá đã đưa Mađalena vào những vùng mây mờ không chứng cớ. Đấy là nước mắt thiếu ánh sáng Phục Sinh. Trong nước mắt xúc cảm nhạt nhoà, bà không nhìn rõ Chúa đứng ngay bên cạnh. Chính Chúa đó mà bà lại hỏi ông để xác Chúa tôi ở đâu.
Chúng con cũng thế thôi, vào những giờ đau đớn quá, chúng con không bình tâm nhìn thấy Chúa bên cạnh mình nữa. Nước mắt đau đớn làm nhoà cái nhìn về sự sống đời sau. Mađalena đã bừng tỉnh khi Chúa gọi tên bà. Vậy con xin Chúa cũng gọi tên con trong những giờ chán nản tuyệt vọng để hồn con được an ủi.
Chúa khóc trước cái chết của Lazarô chỉ vì thương. Xin cho nước mắt chúng con trước nỗi biệt ly cũng chỉ có một tình cảm ấy mà thôi, là chúng con hãy thương mến nhau. Người chung quanh nhìn trước mắt Chúa mà nói: “kìa Ngài thương Lazarô biết bao”. Chớ gì nước mắt chúng con hôm nay cũng như vậy, để một người ra đi là đem yêu thương về đầy giữa chúng con, những kẻ ở lại.
Tình thương thì đem chúng con gần lại, còn nỗi tuyệt vọng sẽ làm đời sống chúng con rã rời. Con hiểu, cũng trước cái chết, Chúa đã khóc. Mà cũng trước cái chết, Chúa không muốn Mađalena khóc. Chúa muốn tiếng khóc của tình thương thôi chứ không muốn tiếng khóc tuyệt vọng. Vì Chúa là Phục Sinh.
“Vì sao con lại khóc?” Con mong lời Chúa hỏi Mađalena thưở xưa cũng là lời Chúa hỏi con hôm nay trong nỗi buồn này. Con hiểu lời ấy như một an ủi nhắc con về niềm tin Phục Sinh đằng sau nỗi chia ly vĩnh biệt. Con hiểu vì sao Chúa đặt câu hỏi ấy, vì trước giờ từ biệt Chúa đã căn dặn con: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Yn 14:3). Chúa mong chúng con ở bên Chúa như vậy thì khi người thân yêu của chúng con ra đi là giây phút Chúa chờ đón.
Mađalena chỉ nhìn vào mộ đá, vì thế nước mắt chỉ là trời sương buồn nản phủ xuống hồn. Chúa đã không muốn nước mắt ấy. Xin cho nước mắt của chúng con hôm nay không bám víu vào nỗi mất mát cho vơi niềm đau. Nhưng qua nước mắt, chúng con cho rơi đi những gì thiếu sót chúng con đã đối xử với nhau những ngày còn sống, để nước mắt hôm nay rửa tâm hồn chúng con cho đẹp hơn.
Xin Chúa cho nước mắt của chúng con hôm nay không kéo về những chiều hoàng hôn tuyệt vọng, mà rửa niềm tin chúng con sáng hơn để chúng con thấy người thân yêu đang ở bên Chúa và đang cầu bầu cho chính chúng con. Amen.