Sau khi chết chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa

Đứng trước cái chết của chúng ta và của người thân đức tin của chúng ta gặp thử thách bởi các nghi ngờ không biết có sự sống sau cái chết hay không. Nhưng sự phục sinh của Chúa Kitô là lý do khiến cho chúng ta hy vọng và cho chúng ta biết rằng cả sự phục sinh của chúng ta và của những người thân yêu của chúng ta đã qua đời không phải là một cái gì sẽ có thể xảy ra hay không, mà là một thực tại chắc chắn, trong nghĩa nó đã được đâm rễ trong biến cố phục sinh của Chúa Kitô. Như thế hy vọng có nghĩa là học sống trong chờ đợi tìm được sự sống. Vì chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa.

PopeFrancis-01Feb2017-02.jpg

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã trình bầy đề tài niềm hy vọng kitô vào sự sống lại mai sau. Ngài nói sau khi tìm hiểu niềm hy vọng trong vài văn bản Thánh Kinh Cựu Ước, giờ đây chúng ta tìm hiểu tầm quan trọng ngoại thường của nhân đức này trong Tân Ước dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô và biến cố phục sinh: đó là đức cậy kitô. Chúng ta kitô hữu, chúng ta là các người nam nữ của niềm hy vọng.

Đây đã là điều rõ ràng ngay trong văn bản đầu tiên của Tân Ước đó là thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Thexalonica. Trong văn bản vừa nghe đọc chúng ta nhận ra tất cả sự tươi mát và vẻ đẹp của lời loan báo kitô đầu tiên. ĐTC nói về cộng đoàn Thêxalônica như sau:

Cộng đoàn Thêxalônica đã là một cộng đoàn trẻ, mới được thành lập ít lâu. Nhưng cho dù có các khó khăn và biết bao thử thách, nó đã đâm rễ sâu trong đức tin của tín hữu, hăng say tươi vui cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu. Khi đó tông đồ Phaolô vui mừng với mọi người, vì những người tái sinh trong lễ Phục Sinh thực sự trở thành “các con cái của ánh sáng và con cái của ban ngày” (Tx 5,5) – thánh nhân gọi họ như vậy – nhờ sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: khi thánh Phaolô viết thư cho họ cộng đoạn Thêxalônica mới được thành lập chỉ cách sự Phục Sinh của Chúa Kitô ít năm; chỉ ít năm sau thôi. Vì thế thánh tông đồ  tìm làm cho họ hiểu tất cả các hiệu qủa mà biến cố duy nhất và định đoạt này – nghĩa là sự phục sinh của Chúa – bao gồm đối với lịch sử  và cuộc sống của từng người.  Cách riêng khó khăn của cộng đoàn đã không phải là thừa nhận sự sống lại của Chúa Giêsu, mọi người đều tin điều ấy, nhưng là tin vào sự phục sinh của những người đã chết. Phải, Chúa Giêsu đã sống lại, nhưng đối với những người chết thì họ hơi gặp khó khăn.

** Trong nghĩa đó, bức thư này thực rất thời sự. Mỗi khi chúng ta đứng trước cái chết của mình hay của một người thân, chúng ta cảm thấy đức tin của mình bị thử thách. Tất cả các nghi ngờ, tất cả sự giòn mòng của chúng ta nổi dậy, và chúng ta tự hỏi: “Mà có thật là có sự sống sau cái chết không? Tôi sẽ còn có thể trông thấy và ôm vào lòng những người tôi đã yêu mến không..? “ Câu hỏi này có một bà đã hỏi tôi cách đây ít ngày trong một buổi tiếp kiến. Bà hỏi: “Con có sẽ gặp các người thân của con không?” Một sự nghi ngờ

Cả chúng ta nữa, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cần trở lại với gốc  rễ và nền tảng đức tin của mình, để ý thức điều Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nơi Chúa Kitô Giêsu, và cái chết của chúng ta có nghĩa là gì. Tất cả chúng ta đều có một chút sợ hãi vì cái không chắc chắn này, phải không? Ở đây lời thánh Phaolô đến. Tôi nhớ có một ông cụ già rất giỏi đã nói với tôi: “Con không sợ cái chết. Con hơi sợ trông thấy nó đến”. Ông sợ điều đó. Đứng trước các sợ hãi và các băn khăn của cộng đoàn, thánh Phaolo mời gọi họ đứng vững vàng như một áo giáp, nhất là trong các thử thách và những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống chúng ta, “niềm hy vọng của sự cứu thoát”. Nó là môt áo giáp. Đó, niềm hy vọng kitô có nghĩa là gì. Khi nói về niềm hy vọng,  chúng ta có thể bị đưa tới chỗ hiểu nó theo nghĩa thông thường của từ này, có nghĩa là quy chiếu về cái gì đẹp đẽ mà chúng ta mong ước, nhưng nó có thể được thực hiện hay không được thực hiện. Chúng ta hy vọng nó xảy ra, nhưng chúng ta hy vọng như một ước mong, phải không? Chẳng hạn ta nói: “Tôi hy vọng ngày mai trời đẹp!; nhưng chúng ta biết rằng ngày hôm sau, trái lại, trời có thể xấu… Niềm hy vọng kitô không như thế.

ĐTC định nghĩa nó như sau.

Niềm hy vọng kitô là sự chờ đợi một cái gì đã được hoàn thành; ở đó có một cái cửa, và tôi hy vọng đi tới cửa đó! Tôi phải làm gì đây? Đi tới cái cửa đó! Tôi chắc chắn là tôi sẽ tới cửa. Niềm hy vọng kitô là như thế: chắc chắn rằng tôi đang tiến bước về cái gì là, chứ không phải là tôi muốn nó là. Đây là niềm hy vọng kitô. Niềm hy vọng kitô là sự chờ đợi một cái gì đã thành toàn và chắc chắn sẽ được thực hiện cho từng người trong chúng ta.

** Như vậy cả sự phục sinh của chúng ta và của những người thân yêu của chúng ta đã qua đời không phải là một cái gì sẽ có thể xảy ra hay không, mà là một thực tại chắc chắn, trong nghĩa nó đã được đâm rễ trong biến cố phục sinh của Chúa Kitô. Như thế hy vọng có nghĩa là học sống trong chờ đợi. Học sống trong chờ đợi và tìm được sự sống. Khi một phụ nữ nhận ra mình mang thai, thì mỗi ngày bà học sống trong sự chờ đợi trông thấy cái nhìn của đứa bé bà sẽ thấy… Cả chúng ta cũng phải sống và học hiểu từ các chờ mong của con người, và sống trong sự chờ đợi nhìn Chúa, tìm thấy Chúa. Điều này không dễ dàng, nhưng ta phải học: sống trong chờ đợi. Hy vọng có nghĩa và đòi hỏi một con tim khiêm tốn, một con tim nghèo nàn. Chỉ người nghèo mới biết chờ đợi. Ai đã tràn đầy chính mình và của cải của mình, thì không biết đặt để sự tin tưởng vào bất cứ ai khác, nếu không phải là nơi chính mình mà thôi.

Thánh Phaolô còn viết thêm: “Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta, dù thức hay ngủ chúng ta cùng sống với Ngài” (Tx 5,10). Các lời này luôn luôn là lý do của niềm an ủi lớn và của an bình. Như vậy, đối với cả các người thân yêu đã từ giã chúng ta, chúng ta được mời gọi cầu nguyện để họ sống trong Chúa Kitô và hiệp thông hoàn toàn với chúng ta. Có một điều đánh động con tim tôi là một kiểu nói của thánh Phaolô luôn luôn hướng tới tín hữu Thêxalônica. Nó khiến cho tôi tràn đầy sự chắc chắn của niềm hy vọng. Ngài nói: “Và như thế chúng ta sẽ luôn ở với Chúa” (1 Tx 4,17).

Một điều thật đẹp: mọi sự qua đi, nhưng sau cái chết chúng ta sẽ luôn luôn ở với Chúa. Đó là sự chắc chắn hoàn toàn của niềm hy vọng, cùng một niềm hy vọng mà rất lâu trước đó đã khiến cho ông Gióp kêu lên: “Tôi biết rằng đấng cứu độ tôi sống… Tôi sẽ trông thấy Ngài, chính tôi, chính mắt tôi sẽ nghiêm ngưỡng Ngài” (G 19,25.27). Và như vậy chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa. Anh chị em có tin điều này không? Tôi xin hỏi anh chị em: Anh chị em có tin điều này không? Để có một chút sức mạnh tôi mời anh chị em cùng tôi lập lại ba lần: “Và như thế chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”, Tất cả cùng nhau nào: “Và như thế chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”, “Và như thế chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”, “Và như thế chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”. Cám ơn anh chị em.

** ĐTC đã chào các tín hữu nói tiếng Pháp, trong có có các người trẻ đến từ Pháp. Ngài cũng chào các tín hữu đến từ Nam Hàn và Hoa Kỳ. ĐTC cám ơn ca đoàn thiếu nhi Nam Hàn vì các bài thánh ca chúc tụng Thiên Chúa của các em. Ngài cũng chào các đoàn hành hương Đức, đặc biệt các học sinh trường Quốc tế Đức tại Dubai, các tín hữu Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nhắn nhủ mọi người xin Chúa củng cố niềm hy vọng nơi sự phục sinh và làm sao học sống trong chờ đợi chắc chắn cuộc gặp gỡ với Chúa và mọi người thân yêu.

Với các nhóm Ba Lan ĐTC nhắc cho biết mùng 2 tháng hai là lễ dâng Chúa trong đền thánh cũng là ngày quốc tế đời thánh hiến. Tôi xin anh chị em nhớ cầu nguyện cho các linh mục và nam nữ tu sĩ các dòng tông đồ và chiêm niệm. Ước chi cuộc sống tận hiến cho Chúa và việc phục vụ đặc sủng của  của các vị đem lại nhiều hoa trái phong phú cho thiện ích của tín hữu và cho sứ mệnh rao truyền Tin Mừng của Giáo Hội.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các thành viên phong trào công giáo thế giới bảo vệ khí hậu. Ngài cám ơn họ về dấn thân săn sóc ngôi nhà chung trong thời đại khủng hoảng xã hội môi sinh này, và tiếp tục trải rộng mạng lưới của họ để các giáo hội địa phương đáp trả tiếng kêu của trái đất và của dân nghèo với lòng cương quyết. Ngài cũng chào các tham dự viên Hội nghị của Liên hiệp linh mục, do “Hiệp hội các công nhân thinh lặng của Thánh Giá” tổ chức, cũng như khách của tổ chức thánh nữ Lucia, và khích lệ mọi người kiên trì trong lời cầu nguyện, là phương thế hữu hiệu trong bệnh tật và khổ đau. Ngoài ra ngài cũng chào các sĩ quan sở tài chánh tỉnh Parma và các thành viên trung tâm tu đức lòng Thương xót do ĐC Rosario Gisana, GM Piazza Armerina, hướng dẫn hành hương Roma đem theo Ảnh Đức Bà Thương Xót, sẽ được trưng bầy trong đền thờ thánh Phêrô cho tín hữu kính viếng.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC mời gọi họ cầu nguyện cho những người sống đời thánh hiến để họ có thể làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô và ơn thánh của Tin Mừng trong thế giới.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi ngưòi.

PopeFrancis-01Feb2017-01.jpg

PopeFrancis-01Feb2017-03.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-05.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-04.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-06.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-07.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-08.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-09.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-10.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-11.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-12.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-13.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-14.jpgPopeFrancis-01Feb2017-15.jpg
PopeFrancis-01Feb2017-16.jpg

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 01.02.2017)