Siêu anh hùng và các thánh

Chân phước Miguel Pro

Maria Morera Johnson

Các siêu anh hùng thống trị văn hóa hiện nay. Chúng ta chỉ cần nhìn vào những bộ phim bom tấn có các nhân vật hấp dẫn với siêu năng lực là có thể biết rằng Hollywood đã tìm được một công thức sinh lợi. Thành công khổng lồ của hai hãng phim Marvel và DC tạo ra một nguồn anh hùng vô tận cho trẻ em và thanh thiếu niên của chúng ta, tận dụng lợi thế của nhu cầu về hình mẫu để bắt chước trong thế giới ngày nay.

Cuộc chạy trốn vào thế giới tưởng tượng này, nơi những anh hùng đẳng cấp chiến đấu chống lại những kẻ thù mạnh mẽ nhưng độc ác, có thể làm chúng ta lo ngại. Giới trẻ hôm nay dường như bị thu hút bởi những câu chuyện này, họ có thể mô tả đến từng chi tiết nhỏ nhất về mức độ siêu năng lực độc đáo của một nhân vật.

Là cha mẹ và ông bà, chúng ta thấy văn hóa này ảnh hưởng đến con trẻ và lo lắng về những ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí có thể là sự ra đời của các thế lực đen tối trong những bộ phim này.

Đạt tới nhân đức anh hùng

Vở kịch cổ đại về cái thiện đối đầu cái ác xuất hiện với hiệu ứng đặc biệt hoành tráng và dàn nhân vật ấn tượng không kém trong các phim siêu anh hùng. Ngày nay, loại phim này tiếp tục truyền thống kể chuyện như một phương tiện truyền tải các giá trị. Chúng ta thấy điều này ở Hy Lạp cổ đại và sự ra đời của sân khấu kịch như một phương tiện để phê phán xã hội. Chúng ta cũng thấy truyền thống này trong các câu chuyện Kinh thánh khi Đức Giêsu sử dụng các dụ ngôn làm phương tiện giảng dạy. Giáo hội sử dụng cách kể chuyện để minh họa các sự kiện trong lịch sử đức tin của chúng ta, từ sách Sáng thế đến sách Khải huyền.

Vai trò làm cha mẹ và ông bà kêu gọi chúng ta kết nối thế giới hư cấu của các siêu anh hùng với cuộc lữ hành trần thế và hành trình thiêng liêng để tiến về thiên đàng. Thách thức của chúng ta là dạy giáo lý cho giới trẻ bằng ngôn ngữ văn hóa mà họ hiểu được.

Và phần tuyệt vời của nỗ lực này là chúng ta không cần kiến thức sâu sắc nhưng chỉ cần sẵn sàng trò chuyện về những siêu anh hùng. Người trẻ sẽ chia sẻ những điều họ yêu thích về những nhân vật này và đến lượt chúng ta có thể chia sẻ đức tin của mình cho họ.

Các siêu anh hùng có những đức tính nhân bản đáng để noi theo, đó là lý do tại sao rất nhiều người trong số họ trở thành hình mẫu. Những đức tính tốt này có thể được phân loại theo các nhân đức trụ là can đảm, khôn ngoan, tiết độ và công bình. Tham gia trò chuyện về các siêu anh hùng có thể dẫn đến việc xác định các đức tính của siêu anh hùng và liên kết họ với các vị thánh là những người không chỉ chia sẻ các đức tính thông thường với họ mà còn sống các nhân đức anh hùng, phấn đấu cho sự thánh thiện.

Những hình mẫu cho đức can đảm

Siêu nhân (Superman) không chỉ là một thanh niên mạnh mẽ có thể bay lượn và nhìn xuyên vật thể – anh còn sử dụng sức mạnh của mình cho lợi ích xã hội. Sự dũng cảm của siêu nhân chống lại kẻ thù thể hiện đức can đảm, nghĩa là “giúp chúng ta có khả năng chiến thắng sự sợ hãi, thậm chí cả sự chết, đương đầu với sự thử thách và các cuộc bách hại. Nó giúp chúng ta đi đến chỗ từ bỏ và hy sinh mạng sống mình để bảo vệ lẽ phải” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, 1808).

Siêu nhân không chỉ đương đầu với hiểm nguy từ các thế lực xấu nhưng còn phải đối mặt với dân chúng đô thị (Metropolis) – thành phố mà anh bảo vệ – đang sợ hãi vì sức mạnh siêu nhiên của anh. Tuy nhiên, anh vẫn kiên trì bảo vệ thành phố mà anh trân trọng, bất chấp những ngờ vực và hiểu lầm.

Các thánh thường phải đối mặt với sự hiểu lầm, nghi ngờ và bắt bớ vì cam kết đức tin của họ với Đức Giêsu Kitô. Nhiều vị thánh đã phải đối mặt với việc tử đạo bằng lòng can đảm và sự kiên cường. Chân phước Miguel Pro là một trong những vị như vậy khi minh chứng cho những nét đặc trưng này.

Chân phước Miguel sinh năm 1891 tại Mêxicô. Khi còn trẻ, ngài nhận ra ơn gọi làm linh mục của mình và đã gia nhập Dòng Tên. Khi ngài còn đang học ở chủng viện thì một làn sóng chống Công giáo đã ập đến Mêxicô, và chân phước Miguel đã hoàn thành việc học ở châu Âu. Ngài trở lại Mêxicô với tư cách là một linh mục và hoạt động bí mật, làm những việc khác nhau để đem các bí tích đến cho người dân Mêxicô.

Cha Miguel đã phục vụ cách thầm lặng cho đến khi bị buộc tội oan về lời đe dọa đánh bom đối với một cựu chính trị gia Mêxicô. Ngài bị bắt, kết án tử bằng cách xử bắn, và nổi tiếng là không chịu bịt mắt nhưng ngài lại mở rộng vòng tay của mình trong khi thốt lên “Viva Cristo Rey (Chúa Kitô Vua muôn năm)!” Là một vị tử đạo, ngài đã thể hiện sự dũng cảm khi đối mặt với những kẻ đàn áp mình cho đến chết.

Những hình mẫu cho đức khôn ngoan

Người Nhện (Spiderman), siêu anh hùng châm biếm tuổi teen có khả năng leo trèo trên những bức tường và bắn ra một mạng lưới từ đôi tay của mình, dường như khó có thể là một ví dụ cho đức khôn ngoan, được định nghĩa là “là nhân đức giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định được điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó ”(GLHTCG, 1806).

Peter Parker (Người Nhện – Spiderman) là một chàng trai trẻ thông minh và lôi cuốn nhưng bị tai nạn hạt nhân trong lần đi thực địa khi học trung học và phát hiện ra mình đã có được siêu năng lực giống như nhện. Việc anh không muốn sử dụng năng lực của mình dẫn đến cái chết của người chú. Nhận thức này khiến anh ta hối hận và bị ám ảnh, nhưng anh đã thay đổi thái độ và theo đuổi những điều tốt đẹp trên thế giới.

Đức khôn ngoan hướng dẫn anh khi học cách chọn điều tốt, ngay cả khi điều đó khiến anh gặp nguy hiểm.

Thánh Phaolô tông đồ có những điểm tương tự với Người Nhện. Là người thông minh, thánh Phaolô đã dùng sự khôn khéo của mình để bắt bớ các Kitô hữu tiên khởi cho đến khi ngài gặp một thị kiến mãnh mẽ trên đường đến Đamas khiến ngài đã thay đổi. Ngài gặp được Đức Kitô và ngay lập tức hối hận vì đã bắt bớ các Kitô hữu (x. Cv 9; 22; 26).

Là một môn đệ tận tụy của Đức Kitô, thánh Phaolô đã dùng trí tuệ và kỹ năng giao tiếp của mình để loan báo Tin mừng bất chấp sự bách hại. Không giống như Người Nhện bị sự hối hận ám ảnh, sự hối hận của thánh Phaolô vì bách hại Chúa Giêsu và các môn đệ đã đào tạo ngài thành vị giảng thuyết. Thánh Phaolô đã hiểu biết và nhanh chóng tin tưởng sự tha thứ và lòng thương xót của Đức Kitô, ngài đã trở thành nhà truyền giáo có ảnh hưởng, sử dụng lý lẽ để giúp người khác đến với Chân lý.

Những hình mẫu cho đức tiết độ

Tony Stark được biết đến với cái tên Người Sắt (Iron Man), là một nhà sản xuất vũ khí giàu có, quan tâm đến lợi nhuận trần thế trong cuộc sống. Việc chấn thương nặng khi chứng kiến một trận chiến buộc anh phải xem lại lối sống ăn chơi và những lựa chọn ích kỷ khi theo đuổi thú vui vật chất. Anh chuyển sang dùng những món quà vật chất của mình để bảo vệ nhân loại.

Vết thương của Stark đã điều chỉnh lại các giá trị của anh, dẫn anh đến một đời sống tiết độ, là “nhân đức luân lý giúp chúng ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng các của cải trần thế” (GLHTCG, 1809). Kiểu biến cố làm thay đổi cuộc sống này thường xảy ra và lặp đi lặp lại trong cuộc đời của các vị thánh.

Giống như Tony Stark, thánh Inhã thành Loyola sống một cuộc đời quý tộc. Ngài đã là người lính và vị chỉ huy thành công trước khi bị thương nặng do chiến tranh. Việc dưỡng thương kéo dài, và ngài dành nhiều thời gian để suy ngẫm về những lựa chọn đã dẫn ngài đến bước ngoặt này trong cuộc đời. Cuối cùng, ngài đã chọn sống dâng mình cho Chúa, trở nên nổi tiếng vì đã phát triển đường hướng gọi là linh đạo Inhã và thành lập Dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên).

Những hình mẫu cho đức công bình

Nữ thần chiến binh (Wonder Woman) là hình mẫu cho đức công bình với mong muốn bảo vệ thế giới khỏi cái ác. Người phụ nữ này rất độc đáo trong số các siêu anh hùng vì động lực của cô là tình yêu – cô lãnh đạo với mong muốn không chỉ giải cứu thế giới khỏi những kẻ phản diện độc ác, mà còn kêu gọi sự cứu rỗi của chính họ.

Nữ thần chiến binh muốn tìm ra những điều tốt đẹp ở những kẻ phản diện và giúp họ thay đổi lối sống. Không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra theo ý muốn, nhưng cô ấy cố gắng thăng tiến “quyền lợi của mỗi người và thiết lập sự hài hòa trong các tương quan nhân loại, sự hài hòa này đưa tới việc không thiên vị đối với các nhân vị và đối với công ích” (GLHTCG, 1807).

Nhân đức anh hùng thường được các vị thánh thể hiện một cách tinh tế và lặng lẽ. Thánh Katharine Drexel, giống như Nữ thần chiến binh, nỗ lực chiến thắng bất công trên thế giới. Ngài đã làm việc không mệt mỏi để tạo cơ hội cho những người bên lề xã hội được tiếp cận với việc giáo dục. Ngài đoan chắc đây là một cách hiệu quả để đưa những người túng thiếu thoát cảnh nghèo túng. Sự quảng đại của ngài đã giúp thành lập các trường học và cao đẳng cho trẻ em người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Phi, là di sản để lại cho các thế hệ.

Ân sủng làm các vị thánh khác biệt với các siêu anh hùng

Carol Danvers, nhân vật Captain Marvel mới nhất, vật lộn với chính siêu năng lực của mình. Cô biết mình có sức mạnh vô hạn và những khả năng chưa được khám phá, nhưng cô cảm thấy không xứng đáng với sức mạnh của mình. Trong quá trình huấn luyện, cấp trên của Danvers nói với cô rằng những sức mạnh này là một món quà và đưa ra lời khích lệ: “Tôi muốn bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”.

Nếu những hạt giống Tin Mừng có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu, như Đức cha Robert Barron gợi ý, thì trong hoàn cảnh này, chúng ta thấy cách ân sủng có thể hoạt động để giúp đạt đến sự thánh thiện. Giống như siêu năng lực của Danvers, ân sủng được Chúa ban cho chúng ta một cách tự do và giúp chúng ta trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Các siêu anh hùng truyền cảm hứng cho chúng ta và đóng vai trò là hình mẫu để bắt chước do những đặc điểm tích cực của họ. Họ đã sống cuộc đời năng động phiêu lưu và vinh quang, nhưng con đường thực sự dẫn đến sự thánh thiện lại được tìm thấy nơi những cuộc đời thầm lặng hy sinh và cầu nguyện. Những câu chuyện này cho chúng ta cơ hội để xác định những đức tính đáng ngưỡng mộ này, và như thế, qua việc chiêm niệm, thảo luận và hướng dẫn, hãy làm cho người trẻ thời đại chúng ta thấm nhuần những đức tính đó.

Các siêu anh hùng tạo nên những cuộc trò chuyện là nơi chúng ta có thể giới thiệu nguồn cứu rỗi thực sự là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn Thanh Phong chuyển ngữ từ Catholic Digest (23/7/2021)

Nguồn: giaophannhatrang.org