Sinh sản có trách nhiệm

1.Hạn chế sinh sản

 Theo giáo huấn của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” (Gaudium et Spes) số 51, chúng ta thấy:

1)        Công đồng công nhận rằng vợ chồng muốn sống theo lý tưởng hôn nhân, nhiều lúc sẽ phải hạn chế số con. Nhưng không gần gũi nhau, hay chỉ theo chu kỳ của người vợ, có thể làm hại cho tình yêu nhau, do đó cũng làm hại cho đời sống hôn nhân và cho con cái nữa.

 

2)        Vậy khi cần hạn chế sinh sản, có thể dùng phương pháp nào? Công đồng chỉ trả lời một cách đại cương mà thôi: phải loại trừ phương pháp xấu xa như phá thai và giết thai nhi. Rồi Công đồng dạy nguyên tắc phải áp dụng trong việc chọn lựa phương pháp.

 

3)        Điều kiện để chọn một phương pháp ngừa thai:

–       Vợ chồng phải có ý ngay lành, tức là phải có lương tâm trách nhiệm.

–       Phương pháp phải xứng hợp với các quy tắc khách quan về luân lý, nghĩa là phải tôn trọng giá trị của sứ mệnh lưu truyền sự sống và tôn trọng phẩm giá con người.

–       Vợ chồng ý thức rằng khiết tịnh hôn nhân là cần thiết.

–       Vợ chồng phải cố trung thành với Giáo huấn của Giáo hội.

Các phương pháp ngăn chặn sinh con không hợp với những điều kiện nêu trên gồm có: triệt sản, không cho xuất tinh, xuất tinh ngoài, dùng bao cao su, đặt vòng xoắn, thuốc để vào tử cung, điều hoà kinh nguyệt, phá thai.

 

2.Vấn đề phá thai

Phá thai là tội trạng đi ngược với sự sống (MV 51) vì phá thai là liều lĩnh giết người và đó là một trọng tội, và sát hại một kẻ không những hoàn toàn vô tội mà còn là đứa con của chính kẻ sát nhân. Dù trường hợp người mẹ lâm nguy, cũng không thể giết thai nhi để cứu mẹ. Vì mạng sống của thai nhi cũng như của chính người mẹ là thuộc quyền của Chúa, không ai có quyền cất đi. Không bao giờ được phép làm sự dữ, dù với mục đích tốt lành. Công đồng khẳng định:”Phá thai là tội ác đáng ghê tởm”(MV 27, 51). Vì thế Giáo Luật hiện nay quy định nghiêm khắc như sau:

 Tất cả những ai thi hành việc phá thai và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết  (GL 1398). Vạ này không “dành riêng cho tòa thánh”, Đức Giám Mục giáo phận có quyền tha vạ này (GL 1355, 2), và thường ngài ủy quyền này cho các cha sở.

     Những người phạm tội cố sát hoặc phá thai có hiệu quả và tất cả những người cộng tác tích cực vào các tội đó đều bị cấm:

 

1)Không được chịu chức thánh (GL 1041,4)

 

2)Không được hành xử các chức thánh đã lãnh nhận (GL 1044, 3).

    Chỉ mình Toà Thánh có quyền miễn chuẩn cho những người đã công khai hay kín đáo “phá thai có hiệu quả hoặc cộng tác tích cực vào việc phá thai” để họ được chịu chức thánh (GL 1047, 2/2). Trong đơn xin miễn chuẩn, đương sự phải khai rõ số lần đã phạm (GL 1049, 2)

 

3.Vấn đề thụ tinh nhân tạo

A.Thụ tinh nhân tạo bằng bơm tinh

Khi vợ chồng giao hợp, tinh trùng của chồng gặp trứng của vợ, làm cho trứng thụ tinh, đó là thụ tinh tự nhiên. Ngày nay, người ta có những cách khác làm cho trứng thụ tinh, gọi là thụ tinh nhân tạo, bằng cách bơm tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu tinh và trứng của một cặp vợ chồng, gọi là thụ tinh nhân tạo đồng hợp (AIH), nếu của đôi nam nữ không phải là vợ chồng của nhau, gọi là dị hợp (AID).

       Huấn thị “Ơn sự sống”(Donum vitae) của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin  xác định việc sinh sản có trách nhiệm thực sự phải là kết quả của hôn nhân. Việc sinh sản một con người mới, qua đó vợ chồng được cộng tác với quyền năng của Đấng Tạo Hoá, phải là kết quả và là dấu chỉ của sự vợ chồng tự hiến cho nhau, của tình yêu và lòng chung thuỷ họ dành cho nhau. Vì thế, cấm bơm tinh nhân tạo đồng hợp để thay thế việc giao hợp. Việc thụ tinh nhân tạo dị hợp càng không thể được chấp nhận vì nó đối nghịch với sự duy nhất của hôn nhân, với phẩm giá của đôi vợ chồng, với ơn gọi dành riêng cho cha mẹ và với quyền lợi đứa con là được thụ thai và được chào đời trong hôn nhân và do hôn nhân.

 

B.Thụ tinh trong ống nghiệm

– Thụ tinh trong ống nghiệm (IVR-ET) là lấy tinh trùng và trứng đặt vào ống nghiệm, kích hoạt cho trứng thụ tinh. Khoảng hai ngày sau khi thụ tinh, người ta cấy phôi (tức trứng thụ tinh) vào tử cung người nữ, phôi sẽ tiếp tục phát triển trong tử cung cách bình thường cho đến lúc em bé chào đời. Ngày 25-7-1978, hai nhà khoa học Patrick Steptoc và Paul Edwards đã thành công cho ra đời một em bé tên Louise Brown bằng thụ tinh trong ống nghiệm. IVR-ET đồng hợp được sử dụng cho những đôi vợ chồng muốn có con nhưng có những trục trặc (hoặc vợ hoặc chồng). IVR-ET dị hợp được sử dụng khi người chồng hoàn toàn vô sinh, hoặc buồng trứng của người vợ có vấn đề. Đem phôi gởi vào tử cung của một phụ nữ khác,  gọi là mang bầu mướn.

       – Việc thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện bên ngoài cơ thể của đôi vợ chồng, nhờ hành động và khả năng kỷ thuật của những nhà khoa học. Việc thụ tinh đó giao phó mạng sống và căn tính của phôi nhi cho quyền lực của các bác sĩ và nhà sinh học, và tạo nên sự thống trị của kỹ thuật trên nguồn gốc và số phận của hữu thể nhân linh; như thế đối nghịch với phẩm giá và sự bình đẳng là những giá  trị chung cho cha mẹ và con cái. Giáo hội chống lại việc thụ tinh trong ống nghiệm, vì bất hợp pháp và đối nghịch với phẩm giá của việc sinh sản và của việc kết hợp vợ chồng. Dầu vậy, em bé chào đời vẫn phải được đón nhận như quà tặng của lòng nhân hậu Chúa và phải được nuôi dưỡng dạy dỗ cách yêu thương.

       – Việc mang thai mướn đối nghịch với sự duy nhất của hôn nhân và với phẩm giá của việc sinh sản con người. Nó còn là một thiếu sót khách quan đối với các bổn phận của tình mẫu tử, lòng chung thuỷ vợ chồng và của trách nhiệm làm me. Việc đó cũng xúc phạm tới phẩm giá và quyền lợi đứa bé là được thụ thai, được cưu mang trong dạ mẹ, được chào đời và nuôi dạy bởi chính cha mẹ của em. Việc mang thai mướn còn gây thiệt hại cho các gia đình vì tạo sự tách biệt giữa các yếu tố thể lý, tâm lý và đạo đức vốn là những yếu tố cấu thành các gia đình.