Roma – Chiều thứ 7, 08/04 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, chuẩn bị cho ngày Giới trẻ Quốc tế lần thứ 32, được cử hành ở cấp giáo phận vào Chúa nhật Lễ Lá 09/04/2017.
Đức Thánh Cha nhắc các bạn trẻ là thế giới cần các bạn lên đường vội vã, những người có ơn gọi cảm thấy rằng cuộc sống trao cho họ một sứ vụ”: “Thế giới có thể thay đổi chỉ khi người trẻ lên đường!” Ngài cũng nói rằng Giáo hội cần thêm mùa xuân và mùa xuân là mùa của người trẻ.
Trong buổi canh thức này, các bạn trẻ cũng được nghe chứng từ của Pompeo Barbieri, đến từ miền Puglia. Pompeo đã thuật lại thay đổi trong cuộc đời của mình kể từ trận động đất ngày 31/10/2002.
“Ngày 31/10/2002, giống như mọi buổi sáng, tôi thức dậy và đi đến trường. Luc đó tôi được 8 tuổi. Ngày hôm đó, cô giáo Carmela đang giảng cho chúng tôi về góc độ, dạy chúng tôi vẽ một cái ly trên một tờ giấy. Rồi cuối cùng chúng tôi sẽ nghỉ giải lao.
Nhưng ngược lại, vào lúc 11 giờ 33 phút, một cơn động đất mạnh làm rung chuyển tất cả. Họ nói nó kéo dài 60 giây, nhưng đối với tôi nó giống như vô tận. Lớp chúng tôi bị đổ vùi. Trong phút chốc, chúng tôi bị chôn vùi dưới một đống gạch. Tôi ở gần cửa ra vào và tôi thấy bức tường đổ xuống trên tôi. Tôi cảm thấy sức nặng đè lên mình. Gần tôi là bạn Angelo đang kêu cứu. Tôi thì không. Tôi im lặng bởi vì nghĩ điều đang xảy ra với chúng tôi thì cũng đang xảy ra với tất cả, trên khắp thế giới. Do đó, kêu cứu chả ích lợ gì, vì theo tôi, không có ai có thể cứu chúng tôi.
Tôi không biết mình bị ở đó bao lâu. Tôi biết là những người lính cứu hỏa đã kéo tôi ra ngoài và tôi tỉnh lại trong nhà thương. Sự sống của tôi nằm trong vòng nguy hiểm suốt 3 tháng trời, cho đến tháng 1. Chỉ sau đó, cha mẹ tôi mới kể cho tôi biết cô giáo và 27 bạn học của tôi đã chết trong trận động đất đó. Các bạn của tôi bị chết ở trường của tôi. Trong số các bạn học cũng có người anh em họ của tôi.
Suốt một tuần lễ, tôi không nói năng, không ăn uống gì. Tôi cảm thấy bị phản bội và bị thương tổn bởi những gì xảy ra. Tôi sống sót, trong khi họ thì không còn … tại sao?”
Sau những thất vọng, tôi hiểu rằng tôi phải hành động, tôi phải xem mình may mắn bởi vì còn sống, tôi phải sống cho cả những người không thể sống. Và như thế, ngay cả khi họ chuyển tôi đến Imola và nói với tôi là tôi sẽ không thể đi lại được nữa, tôi đối diện với điều này một cách can đảm hơn.
Khi đó tôi 8 tuổi chiếc xe lăn trở thành một đồ chơi đối với tôi, gần như là một chiếc máy điều khiểm từ xa. Các bác sĩ bảo tôi đi bơi và thay vì sợ hãi, bơi lội đã trở thành một đam mê thật sự. Tóm lại, dường như tất cả được đặt vào guồng máy hoạt động trở lại. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn và tôi cảm thấy mình không thể bị tấn công.
Nhưng ngược lại, 10 năm sau, một thử thách mói. Khi được 18 tuổi, một vấn đề khác xảy ra và tôi buộc phải được lọc máu. Vào giây phút đó, tôi cảm thấy bị lạc hướng và nghĩ rằng nó không công bằng, bởi vì sau những gì tôi đã chịu trong quá khứ, tôi đáng được hưởng một đặc ân cho cuộc sống, do đó không thể xảy ra cho tôi thêm điều xấu nào nữa. Tôi muốn la lên với Chúa: ‘Tại sao Chúa đã cứu con khi con 8 tuổi để rồi con phải chịu đau khổ thêm nữa?’
Ngược lai, cuộc đời không giống như thế và luôn làm cho bạn ngạc nhiên. Và ngay cả khi lần đó tôi may mắn vì cha tôi đã cho tôi thận của ông.
Đối với điều này, tôi sẽ không thay đổi điều gì trong cuộc sống của tôi và của thảm kịch đó. Tôi chỉ muốn là các bạn của tôi còn sống ở đây, chỉ điều này.
Đối với phần còn lại, đau khổ đó, chiếc xe lăn đó, dạy tôi nhìn thấy vẻ đẹp trong những điều nhỏ bé và nhắc tôi mỗi ngày về sự may mắn mà tôi có. Và mỗi ngày chúng dạy tôi vượt qua những thời khắc thất vọng và cám ơn Chúa về điều tôi có: gia đình tôi, các bạn của tôi và cả niềm đam mê bơi lội của tôi, nhờ nó mà ngày nay tôi có một ước mơ: tham dự thế vận hội dành cho người tàn tật.
Trận động đất đó đã thay đổi cuộc sống của tôi và của rất nhiều người ở San Giuliano, nhưng từ ngày đó, tôi không còn sợ hãi tương lai và những gì mà cuộc sống dành cho tôi.”
(Hồng Thủy, RadioVaticana 10.04.2017/
Sismografo 08/04/2017)