Sau đây là toàn văn Sứ điệp:
***
“Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo: Vượt xa hơn lòng bao dung”
Các bạn tín đồ Ấn giáo thân mến,
Thay mặt Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn, chúng tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả các bạn sắp mừng lễ Deepavali vào ngày 19 tháng Mười 2017. Nguyện chúc ngày lễ ánh sáng này soi sáng tâm trí và đời sống của các bạn, mang lại niềm vui cho tâm hồn và mái ấm của các bạn và thêm sức mạnh cho gia đình và cộng đồng của các bạn!
Chúng ta có thể nhìn nhận một cách xác đáng nhiều điều kỳ diệu đang diễn ra trên khắp thế giới, mà chúng ta rất biết ơn. Đồng thời, chúng ta cũng lưu tâm đến những khó khăn mà các cộng đồng của chúng ta đang phải đối mặt và khiến chúng ta lo lắng nhiều. Sự gia tăng bất khoan dung, bạo lực nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới, là một thách thức mà ngày nay chúng ta đang phải đối mặt. Vì thế, nhân dịp này, chúng tôi muốn suy tư về cách thức mà Kitô hữu và người Ấn giáo có thể cùng nhau cổ võ lòng tôn trọng lẫn nhau giữa mọi người và vượt xa hơn lòng khoan dung, để mở ra một kỷ nguyên hoà bình và hài hòa cho mọi xã hội.
Lòng khoan dung chắc chắn có nghĩa là cởi mở và kiên nhẫn với người khác, nhìn nhận sự hiện diện của họ ở giữa chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn có hòa bình lâu dài và hòa hợp thật sự, chỉ khoan dung thôi thì không đủ. Điều cũng cần thiết là thực sự tôn trọng và đánh giá đúng mức tính đa dạng của các nền văn hoá và phong tục trong các cộng đồng của chúng ta, điều ấy góp phần làm nên sự lành mạnh và hiệp nhất cho toàn xã hội. Coi chủ nghĩa đa nguyên và đa dạng như là một mối đe dọa cho sự hiệp nhất sẽ dẫn đến bất bao dung và bạo lực cách bi thảm. Tôn trọng người khác là một loại thuốc giải độc quan trọng cho sự bất khoan dung vì nó đòi hỏi phải đánh giá một người cũng như phẩm giá nội tại của người ấy cách trung thực. Theo nghĩa vụ của chúng ta đối với xã hội, việc thúc đẩy lòng tôn trọng ấy đòi hỏi phải biết quý trọng các tập quán và thực hành khác về xã hội, văn hoá và tôn giáo. Và cũng đòi phải nhìn nhận các quyền không thể chuyển nhượng, chẳng hạn như quyền được sống và quyền tuyên xưng và thực hành tôn giáo theo sự lựa chọn của một người.
Như thế, con đường phát triển dành cho các cộng đồng đa dạng là con đường được ghi dấu bằng sự tôn trọng. Trong khi lòng khoan dung chỉ bảo vệ người khác, lòng tôn trọng lại đi xa hơn: nó giúp cho tất cả mọi người chung sống hoà bình và hoà hợp với nhau. Lòng tôn trọng tạo ra không gian cho mọi người và nuôi dưỡng trong chúng ta cảm nhận “như ở nhà” với những người khác. Thay vì chia rẽ và cô lập, lòng tôn trọng giúp chúng ta nhìn thấy những khác biệt của chúng ta như một dấu chỉ của sự đa dạng và phong phú của một gia đình nhân loại duy nhất. Vì thế, như Đức giáo hoàng Phanxicô đã chỉ ra, “sự đa dạng không còn được coi là một mối đe dọa, mà là một nguồn phong phú hoá” (Diễn văn tại Sân bay Quốc tế Colombo, ngày 13 tháng 1 năm 2015). Trong một dịp khác, Đức giáo hoàng kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo và các tín hữu hãy “can đảm chấp nhận những khác biệt, bởi vì những người khác nhau, về văn hoá hay tôn giáo, không nên bị coi như hoặc đối xử như những kẻ thù, mà phải được đón nhận như những người bạn đồng hành, với niềm xác tín chân thành rằng trong thiện ích của mọi người đều có thiện ích của từng người.” (Diễn văn của Đức giáo hoàng Phanxicô với các tham dự viên Hội nghị Hoà bình Quốc tế tại Trung tâm Hội nghị Al-Azhar, Cairo, Ai Cập, ngày 28 tháng 4 năm 2017).
Như thế chúng ta được đòi hỏi vượt ra khỏi giới hạn của lòng khoan dung bằng cách tôn trọng mọi cá nhân và cộng đồng, vì mọi người đều mong muốn và đáng được tôn trọng theo phẩm giá bẩm sinh của mình. Điều này đòi hỏi phải xây dựng một nền văn hoá tôn trọng thực sự, có khả năng thúc đẩy việc giải quyết xung đột, xây dựng hoà bình và cuộc sống hài hoà.
Căn cứ vào truyền thống thiêng liêng của chúng ta và mối quan tâm chung của chúng ta về sự hiệp nhất và hạnh phúc của mọi người, ước mong các Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo chúng ta, cùng với các tín đồ khác và những người thiện chí, qua việc dạy giáo lý và nhờ các phương tiện truyền thông, biết khuyến khích lòng tôn trọng mọi người, trong gia đình và cộng đồng của mình, nhất là tôn trọng những người sống giữa chúng ta với những nền văn hoá và tín ngưỡng khác chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ vượt xa hơn lòng khoan dung để xây dựng một xã hội hài hòa và an bình, nơi tất cả mọi người đều được tôn trọng và được khuyến khích góp phần vào sự hiệp nhất của gia đình nhân loại bằng những đóng góp độc đáo của riêng mình.
Một lần nữa chúng tôi chúc các bạn mừng lễ Deepavali vui tươi!
Hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch
Giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ, Thư ký
(Nguồn: WHĐ)