Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Tham dự viên Đại hội Quốc tế Nghiên cứu Học thuật về Hồi giáo, năm 2024

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb bắt tay sau khi ký Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại, 2019 (Hình Vatican news)

Hôm Chúa Nhật mồng 04.02, Đức Thánh Cha đã gửi một Sứ điệp tới các tham dự viên Đại hội quốc tế Nghiên cứu Đại học về Hồi giáo ở Châu Âu và Lebanon (PLURIEL – the University Research Platform on Islam in Europe and Lebanon) lần thứ IV, diễn ra tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, từ ngày 04-07.02.2024.

Với chủ đề “Hồi giáo và tình huynh đệ nhân loại: Tác động và viễn cảnh của Văn kiện Abu Dhabi về Chung sống”, nhằm đánh dấu 5 năm ngày ký Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và chung sống, 04.02.2019, Đại hội quy tụ khoảng 180 tham dự viên với 57 diễn giả và chủ tịch từ 40 trường Đại học và Viện nghiên cứu trên 4 châu lục.

Được Liên đoàn các trường Đại học Công giáo Châu Âu (FECU- Federation of European Catholic Universities) thành lập vào năm 2014, Diễn đàn Nghiên cứu Học thuật Quốc tế là một không gian dành cho các học giả nghiên cứu về Hồi giáo và đối thoại Kitô giáo-Hồi giáo để chia sẻ nghiên cứu và ý tưởng, đồng thời khuyến khích sự tương tác giữa các học giả và các tác nhân xã hội.

Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GỬI THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI QUỐC TẾ NGHIÊN CỨU HỌC THUẬT VỀ HỒI GIÁO LẦN THỨ IV

Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất
Từ ngày mồng 04-07 tháng 02 năm 2024

Anh chị em thân mến!

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến anh chị em đang tham dự Đại hội quốc tế PLURIEL, Diễn đàn nghiên cứu Đại học về Hồi giáo, tại Abu Dhabi, nhân kỷ niệm 5 năm Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và chung sống mà tôi đã đồng ký kết với người bạn và người anh em của tôi, Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb của Al-Azhar. Trong sự kiện đó, chúng tôi đã đề nghị “Văn kiện này trở thành đối tượng nghiên cứu và suy tư trong tất cả các trường học, trường đại học và viện đào tạo, do đó giúp giáo dục các thế hệ mới để mang lại sự tốt lành và hòa bình cho người khác, và là những người bảo vệ mọi nơi về quyền lợi của những người bị áp bức và người nhỏ bé nhất trong anh chị em chúng ta”. Do đó, tôi nồng nhiệt chúc mừng những người tổ chức cuộc gặp gỡ học thuật này về địa điểm và chủ đề mà họ đã chọn, “Tác động và viễn cảnh của Văn kiện”, vào thời điểm mà tình huynh đệ và việc chung sống đang bị đặt nghi vấn bởi những bất công và chiến tranh – tôi xin nhắc nhớ anh chị em – luôn là thất bại của nhân loại. Gốc rễ của những tệ nạn này có ba yếu tố: thiếu thấu hiểu người khác, thiếu lắng nghe, và thiếu linh hoạt về mặt trí tuệ. Ba khiếm khuyết của tinh thần con người phá hủy tình huynh đệ và phải được nhận diện một cách rõ ràng nếu chúng ta muốn tái khám phá sự khôn ngoan và hòa bình.

Trước hết là sự thiếu thấu hiểu người khác. Bởi vì những vấn đề của hôm nay và ngày mai sẽ vẫn chưa được giải quyết nếu chúng ta không học cách để hiểu nhau và quý trọng nhau, nhưng vẫn giữ thái độ cô lập. Việc thấu hiểu người khác, xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, và thay đổi hình ảnh tiêu cực mà chúng ta có thể có về “người khác” này -vốn là người anh em của tôi- trong nhân loại, trong các ấn phẩm, trong bài phát biểu và giảng dạy, là cách thế để khởi đầu tiến trình hòa bình được tất cả mọi người đón nhận. Trên thực tế, hòa bình nếu không có một nền giáo dục dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu người khác thì sẽ không có giá trị cũng như không có tương lai. Nếu chúng ta không muốn xây dựng một nền văn minh chống lại anh em, nơi mà “người khác với mình” bị coi là kẻ thù một cách vô tâm, ngược lại, nếu chúng ta muốn xây dựng một thế giới mà nhiều người khao khát, nơi đối thoại được coi là lộ trình, sự hợp tác chung là cách cư xử thông thường, sự thấu hiểu nhau là phương pháp và tiêu chí (x. Văn kiện), thì lộ trình phải đi theo ngày nay là lộ trình giáo dục trong đối thoại và gặp gỡ. Như tôi đã đề cập trong Sứ điệp mới đây của tôi nhân Ngày Hòa bình Thế giới dành riêng cho trí tuệ nhân tạo, “hòa bình là kết quả của những mối tương quan nhìn nhận và chào đón người khác trong phẩm giá bất khả nhượng của họ” (Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57 năm 2024, ngày 08.12.2023). Về phần mình, trí tuệ của con người về cơ bản có tính tương quan: trí tuệ ấy chỉ có thể phát triển nếu nó luôn biết tò mò và cởi mở với mọi lĩnh vực của thực tế, và nếu nó biết cách truyền đạt một cách tự do thành quả của những khám phá của mình.

Để làm được điều này, cần phải dành thời gian để lắng nghe, lắng nghe người anh khác của tôi, người mà tôi không chọn lựa, để tôi có thể chung sống với người anh em ấy trên cùng một trái đất. Sự thiếu lắng nghe là cái bẫy thứ hai gây tổn hại tình huynh đệ. Trái lại: hãy lắng nghe trước khi nói. Thánh Giacôbê dạy rằng: “mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1,19-20). Sẽ tránh được biết bao điều tệ hại nếu biết lắng nghe nhiều hơn, thinh lặng nhiều hơn, đồng thời nói những lời chân thật nhiều hơn trong các gia đình, các cộng đồng chính trị hoặc tôn giáo, trong chính các trường đại học, giữa các dân tộc và các nền văn hóa! Việc tạo ra những không gian, nơi có thể lắng nghe những ý kiến khác nhau không phải là lãng phí thời gian mà là một lợi ích mang tính nhân văn. Chúng ta hãy nhớ rằng: “Nếu không gặp gỡ và tiếp xúc với những người khác với mình, chúng ta sẽ khó biết rõ và đầy đủ về chính mình, về quê hương xứ sở mình. Các nền văn hóa khác không phải là “kẻ thù” mà chúng ta cần phải chiến đấu để bảo vệ mình, nhưng là những phản ánh khác nhau trong kho tàng phong phú vô tận của đời sống con người” (Thông điệp Fratelli tutti, số 147). Để tranh luận, chúng ta cần học cách lắng nghe, tức là thinh lặng và sống chậm lại, đi ngược lại xu hướng hiện nay của thế giới hậu hiện đại luôn náo động, đầy hình ảnh và tiếng ồn. Tranh luận nhưng biết lắng nghe, không chiều theo cảm xúc, cũng không sợ “hiểu lầm”, vốn luôn hiện diện và là một phần của trò chơi gặp gỡ, chính là điều sẽ cho phép chúng ta đạt được một tầm nhìn chung hòa bình để xây dựng tình huynh đệ.

Nhưng tranh luận đòi hỏi phải có nền giáo dục về sự linh hoạt về trí tuệ. Việc đào tạo và nghiên cứu phải nhằm mục đích làm cho những người nam nữ của các dân tộc chúng ta không cứng nhắc nhưng linh hoạt, sống động, cởi mở với người khác và tình huynh đệ. Như tôi đã phát biểu tại Hội nghị Quốc tế vì Hòa bình được tổ chức tại Al-Azhar ở Cairo vào năm 2017, “sự khôn ngoan tìm kiếm người khác, vượt thắng những cám dỗ trở nên cứng nhắc và khép kín; cởi mở và năng động, khiêm tốn và ham học hỏi; biết quý trọng quá khứ và đối thoại với hiện tại, mà không từ bỏ việc sử dụng một lối giải thích phù hợp” (Diễn văn dành cho tham dự viên Hội nghị Hòa bình Quốc tế, ngày 28.04.2017). Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đảm bảo rằng giấc mơ về tình huynh đệ trong hòa bình của chúng ta không chỉ dừng lại ở lời nói! Thật vậy, từ “đối thoại” hết sức phong phú và không thể chỉ giới hạn ở việc thảo luận quanh những chiếc bàn. “Đến với nhau, bày tỏ, lắng nghe, nhìn nhau, làm quen, hiểu biết, tìm ra những điểm chung, tất cả những điều đó gói gọn trong động từ “đối thoại” (Thông điệp Fratelli tutti, 198). Đừng ngại bước ra ngoài phạm vi kỷ luật của mình, hãy luôn tò mò, trau dồi sự linh hoạt, lắng nghe thế giới; đừng sợ thế giới này, hãy lắng nghe người anh em tuy bạn không chọn nhưng lại là người mà Thiên Chúa đã đặt bên cạnh bạn để dạy bạn biết yêu thương. “Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

Xin cảm ơn vì những gì anh chị em đang thực hiện, với tư cách là những nhà nghiên cứu, những sinh viên, những người khao khát muốn tìm hiểu và thay đổi thế giới. Tôi khuyến khích anh chị em thực hiện công việc mà anh chị em sẽ đảm nhận trong Đại hội này. Tôi nài xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em và gia đình anh chị em.

Từ Vatican, ngày mồng 04 tháng 02 năm 2024

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (04. 02. 2024)