Đức Mẹ La Vang
Trong các Biến Cố Thánh Mẫu xẩy ra trên thế giới từ trước đến nay, nhất là so với các Biến Cố Thánh Mẫu nổi tiếng như Biến Cố Thánh Mẫu Guadalupê ở Mễ Tây Cơ Mỹ Châu năm 1531, Biến Cố Thánh Mẫu Balê ở Pháp năm 1830, Biến Cố Thánh Mẫu La Salette cũng ở Pháp năm 1846, Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức lại tại Pháp năm 1858, và Biến Cố Thánh Mẫu Fatima ở Bồ Đào Nha năm 1917, thì Biến Cố Thánh Mẫu La Vang thật sự không bằng. Không bằng chẳng những về việc được Giáo Hội hoàn vũ chính thức công nhận, đến nỗi có được phụng vụ thánh lễ riêng, cũng như không bằng về những chi tiết lịch sử của mình.
Đúng thế, Biến Cố Thánh Mẫu La Vang có các chi tiết không rõ chẳng những về thời điểm và danh xưng mà còn cả về sứ điệp nữa.
Về thời điểm được phỏng đoán vào đời Tây Sơn – Cảnh Thịnh (1789-1801), khoảng tháng 8/1798 khi sắc chỉ bắt đạo được ban bố, và về địa điểm với danh xưng được người thì cho là La Vang (như ĐGM Hồ Ngọc Cẩn ngày 18/8/1932, hay quận công Nguyễn Hữu Bài ngày 28/2/1925), người thì cho là Lá Vàng (như cha Philiphê Lê Thiệu Bá, chánh quán làng Trí Bưu), người thì cho là Lá Vằng (như Niên Giám 2004 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trang 503).
Về sứ điệp cũng không thấy nói gì tới (như trong hai bộ sử về Giáo Hội Việt Nam, được hai linh mục sử học biên soạn đó là cha Phan Phát Huồn dòng Chúa Cứu Thế: Việt Nam Giáo Sử, in năm 1962, quyển hai, trang 547-560, và cha Bùi Đức Sinh dòng Đaminh: Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, in năm 2001, quyển 3, trang 61-62), hay có nói tới (như trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên Giám 2004, in năm 2004, trang 501-510) lại không có tên người biên soạn như nhiều bài viết khác và không có cả thư mục trích dẫn.
Nếu hai linh mục chuyên gia nghiên cứu về Giáo Sử Việt Nam trên đây không hề tìm thấy gì liên quan đến sứ điệp của Đức Mẹ La Vang thì sứ điệp được Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên Giám 2004 trích lại ở trang 504 từ đâu mà có: “Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện?”
Mẹ La Vang hiện ra với các tin hữu
Tuy nhiên, không phải những gì con người quên sót đều là giả tạo hay huyền sử. Nếu không thể chối bỏ một hài nhi bị bỏ rơi trong thùng rác, không biết nó được sinh ra ở đâu, bởi ai và vào lúc nào, thì người ta cũng không thể dễ dàng phủ nhận một thực tại như Biến Cố Thánh Mẫu La Vang. Ở chỗ, trước hết, sự kiện Đức Mẹ hiện ra là những gì có thể xẩy ra, như đã từng xẩy ra ở những nơi khác, chẳng hạn như các trường hợp được kể đến trên đây. Sau nữa, sự kiện Mẹ Maria hiện ra thường vào những lúc con cái mình cần đến Mẹ; ở tiệc cưới Cana, trong khi đôi tân hôn và người quản tiệc hoặc vị chủ hôn chẳng hay biết gì về tình trạng thiếu rượu nguy kịch của mình, Mẹ đã tự động ra tay cứu giúp, huống chi con cái lại hết lòng tin tưởng chạy đến kêu cầu Mẹ trong cơn nguy biến, như ở La Vang. Sau hết, ngoại trừ liên quan đến tình hình khẩn trương của Giáo Hội nói chung và phần rỗi của con người nói riêng, như những Biến Cố Thánh Mẫu được kể đến trên đây, không phải lần nào hiện ra Mẹ cũng cần phải nói này nói kia, như trường hợp Biến Cố Thánh Mẫu Knock ở Ái Nhĩ Lan năm 1879, thậm chí có lần Mẹ không hiện ra mà chỉ tỏ cho con người thấy hiện tượng lạ mà thôi, như sự kiện tượng Mẹ chảy máu mắt ở giáo phận Civitavecchia Ý quốc vào lễ Mẹ Dâng Con 2/2/1995, một hiện tượng xẩy ra ngay cả trước mắt vị giám mục địa phương Girolamo Grilli ngày 15/3 cùng năm khi ngài đang cầm bức tượng trong tay để điều tra.
Đó là lý do, cho dù Đức Mẹ không nói năng gì, không ban sứ điệp chi, và cho dù có tính cách mập mờ về cả thời điểm lẫn danh xưng như thế mà Biến Cố Thánh Mẫu La Vang trở thành một cái gì hão huyền. Nếu một con người thành tâm thiện chí ngoại đạo nào đó đọc được hay nghe được một lời Phúc Âm Kitô giáo, liền nhận biết Sự Thật, nhận biết Chúa Kitô là Đấng họ chưa bao giờ thấy thế nào và theo lịch sử không biết có thật hay chăng, thì Sứ Điệp La Vang cũng chính là những gì cho thấy sự thật của biến cố này, một sự thật chẳng những liên quan đến biến cố có thật về lịch sử, mà còn đến cả nội dung thần linh từ trời của nó, chứ không phải từ ma quỉ hay từ óc tưởng tượng của loài người bày tạo ra.
Vậy đâu là Sứ Điệp La Vang? Căn cứ vào Biến Cố Thánh Mẫu Fatima nói chung và Bí Mật Fatima phần thứ ba nói riêng, chúng ta có thể kết luận là Sứ Điệp La Vang là Sứ Điệp Tử Đạo. Tại sao? Bởi vì, Mẹ Maria từ trời xuống không phải chỉ để an ủi và vỗ về đoàn con cái Công Giáo Việt Nam đang lâm cơn bách hại kinh hoàng, như thể Mẹ nói với họ rằng: “Các con đừng lo, đừng sợ, có Mẹ đây, không ai làm hại được các con đâu! Thấy các con trong cơn đớn đau khốn khổ mà vẫn hết lòng tin tưởng cậy trông nguyện cầu với Mẹ như thế, Mẹ làm sao không động lòng thương đến các con. Vậy các con hãy hái lấy những thứ lá rừng quanh đây để chữa trị bệnh nạn của các con”.
Lạy Đức Mẹ La Vang – Xin cứu con nguy nàn
Bình thường chúng ta hiểu sứ điệp La Vang là như thế, đúng như hoàn cảnh và ý hướng của dân chúng kêu xin Mẹ lúc bấy giờ, được phản ảnh ở câu cuối cùng trang 501 bài viết cho cuốn Niên Giám 2004: “Đức Mẹ Maria đã hiện ra an ủi, nâng đỡ con cái trong thời ly loạn cấm cách”. Quả thực, chính vì đang gặp cơn quẫn bách bắt đạo vô cùng khốn khổ mà nhóm dân chúng bỏ trốn đã thiết tha kêu xin Đức Mẹ cứu vớt cho họ khỏi bị gian nan nguy biến về phần xác là những gì liên quan đến mạng sống quí hoá của bản thân họ.
Thế nhưng, nếu ở Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức, với nữ thánh Barnadetta vào lần hiện ra thứ ba ngày 18/2/1858, Mẹ Maria đã dứt khoát nói với chị rằng: “Mẹ không hứa cho con được hạnh phúc ở đời này mà là ở đời sau”, thì Sứ Điệp La Vang không phải là một sứ điệp của niềm ủi an, vỗ về, của việc cứu mạng sống con người về phần xác. Ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, với ba thiếu nhi Lucia (10 tuổi), Phanxicô (9 tuổi) và Giaxinta (7 tuổi), vừa hiện ra lần thứ nhất, 13/5/1917, chưa xưng mình là ai và đến để làm gì, Mẹ Maria đã kêu gọi các em nhỏ này “hãy dâng mình cho Thiên Chúa chấp nhận tất cả mọi đau khổ Ngài gửi đến để đền tạ Ngài và cầu cho các tội nhân ơn ăn năn hoán cải”. Như thế, Sứ Điệp La Vang phải là một sứ điệp có tính cách tích cực và dấn thân; Mẹ đến chẳng những để an ủi vỗ về đoàn con dân Công Giáo Việt Nam của mình mà còn để củng cố đức tin cho họ nữa.
Trong phần Bí Mật Fatima, thì Đức Mẹ đã trực tiếp ra tay ngăn cản thanh gươm lửa ở trong tay trái của vị thiên thần đang chực trừng phạt thế giới, nhưng Mẹ không ngăn cản việc tử đạo của thành phần Kitô hữu, gồm đủ mọi thành phần, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, kể cả giáo hoàng, một tử đạo hết sức khẩn thiết và không thể thiếu để cứu thế giới băng hoại tội lỗi vào thời thế chiến I. Đó là lý do, ở đoạn cuối của Bí Mật Fatima phần thứ ba, thị kiến cho thấy, sau khi đoàn người Kitô hữu đủ mọi thành phần đang cố tiến lên một ngọn núi dốc đứng có thánh giá trên đỉnh, và sau khi vị giám mục mặc áo trắng là đức giáo hoàng băng ngang qua một thành phố, một nửa số người đã bị tiêu diệt tàn rụi và một nửa còn đang loạng choạng sầu khổ bước đi, thì đức thánh cha và các Kitô hữu leo lên núi bị những tên lính hạ sát bằng cung tên súng đạn lúc đang quì cầu nguyện dưới chân cây thánh giá, và hai thiên thần đứng dưới hai cánh thánh giá cầm bình nước thánh bằng phalê đựng máu của các vị tử đạo vẩy trên những ai đang tiến đến cùng Thiên Chúa.
Như thế, qua những lần Mẹ hiện ra, tiếp tục vai trò Trung Gian Ân Sủng của mình, Mẹ dọn đường cho Chúa tới với con người và đem con người về với Người, như Mẹ đã thực sự làm ở tiệc cưới Cana. Bằng cách, trước hết, Mẹ tự động chuyển cầu cùng Chúa cho tình trạng yếu hèn của chúng ta, sau nữa, Mẹ còn hướng dẫn cho chúng ta những gì thiết yếu bất khả thiếu để hội đủ điều kiện cho giờ Chúa đến, cho Nước Người trị đến nơi riêng chúng ta cũng như nơi chung Giáo Hội và nhân loại. Nếu hiện ra ở bất cứ nơi nào, Mẹ cũng đều tỏ lòng cảm thương ra tay cứu vớt, nhưng sứ điệp duy nhất của Mẹ là “Người bảo làm gì các con hãy làm như thế” (John 2:5), thì ở Biến Cố Thánh Mẫu La Vang cũng không ngoại lệ. Mẹ Maria hiện ra ở La Vang thật sự là để củng cố đức tin cho đoàn con Công Giáo Việt Nam, nhờ đó họ có thể mạnh mẽ sẵn sàng hiên ngang tử đạo làm chứng cho Chúa Kitô khi cần.
Trong tờ Thông tin của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (Newsletter of the Federation of Vietnamese Catholics in USA) số 17 tháng 5, 2002, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã tóm tắt Sứ Điệp Lavang thành 10 điểm, trong đó, 2 điểm cuối cùng hoàn toàn hợp với vấn đề được phân giải nơi đây, như sau: 1. “Bí quyết của việc cầu nguyện”; 2. “Sống tinh thần thơ ấu”; 3. Mầu nhiệm Thánh giá; 4. Hoàn toàn thuộc về Mẹ; 5. Phục vụ nguời nghèo khổ; 6. Xây dựng Giáo hội; 7. Thánh hoá gia đình và yêu mến Tổ quốc; 8. Đoàn kết và hiệp nhất; 9. Rao giảng Tin mừng và 10. Chứng nhân Hy vọng.
Chính vì Sứ Điệp La Vang là Sứ Điệp Tử Đạo mà sau Biến Cố Thánh Mẫu La Vang, tức sau một thời điểm mới mở đầu bằng 6 vị tử đạo thuộc hậu bán thế kỷ 18, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã chính thức sống Sứ Điệp Tử Đạo bằng một Mùa Tử Đạo trong thế kỷ thứ 19 dưới thời Nhà Nguyễn, với 111 vị tử đạo nữa, để làm nên 117 Vị Thánh Tử Đạo được Giáo Hội tuyên phong ngày 19/6/1988.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh