Chuyển ngữ: N.Nguyệt & Biên Tú
Từ: CNA
Vài tuần sau khi trở thành chủ đề của một câu chuyện “tin giả”, vào thứ Bảy 23.1.2021, Đức Thánh Cha Phanxicô (ĐTC) đã đưa ra một cảnh báo mới về hiện tượng “tin giả”
Trong Sứ điệp ngày Thế giới Truyền Thông, được công bố vào ngày 23-1-2021, ĐTC nói rằng ai cũng nhận thấy “nguy cơ thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội”.
ĐTC viết: “Từ lâu, chúng ta đã biết, tin tức và thậm chí cả hình ảnh có thể dễ dàng bị thao túng vì lý do nào đó, đôi khi đơn giản chỉ vì ích kỷ”.
“Điều quan trọng trong vấn đề này không phải là cho rằng Internet xấu xa, mà là thúc đẩy sự phân định và có trách nhiệm nhiều hơn đối với nội dung được gửi và nhận”.
“Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về những giao tiếp do ta tạo ra, về thông tin ta chia sẻ, về sự kiểm soát tin giả khi ta vạch trần nó. Tất cả chúng ta phải là chứng nhân cho sự thật, phải đi, để thấy và chia sẻ. ”
Đầu tháng này, có một tin đồn sai sự thật đã được chia sẻ rộng rãi trên internet rằng: Cảnh sát Ý đã bắt giữ Đức Giáo hoàng trong bối cảnh Vatican “mất điện”. Tin giả này được đăng trên một trang web của Canada – trước đó cũng đã đăng một tuyên bố hư cấu rằng cựu Tổng thống Hoa Kỳ – Barack Obama – đã bị bắt vì tội gián điệp.
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông, ĐTC cũng nhấn mạnh đến những phẩm chất tích cực của Internet. Ngài nói: “Công nghệ kỹ thuật số cho chúng ta khả năng thông tin trực tiếp kịp thời thường khá hữu ích”.
“Chúng ta có thể nghĩ đến một số tình huống khẩn cấp trong đó internet là nơi đầu tiên đưa tin và truyền đạt những thông báo chính thức. Đó là một công cụ mạnh mẽ, đòi hỏi tất cả chúng ta phải có trách nhiệm trong tư cách là người sử dụng và hưởng dùng”.
“Tất cả chúng ta có thể đóng góp cho xã hội và lưu ý về nhiều câu chuyện hơn, bao gồm cả những câu chuyện tích cực, chính là nhờ Internet mà biết được những sự kiện mà các phương tiện truyền thông truyền thống nhiều khi đã bỏ qua.”
ĐTC đã ký Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông vào ngày 23-1-2021, áp lễ Thánh Phanxicô Salêsiô – bổn mạng các nhà văn và nhà báo.
Ngày Thế giới Truyền Thông được Đức Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập năm 1967, sẽ được cử hành vào Chúa nhật 16-5-2021 tại nhiều quốc gia trong năm nay. Đây là ngày mừng trọng thể Chúa Thăng Thiên ở những nơi chuyển từ ngày mừng vào thứ Năm (13-5-2021) sang Chúa nhật.
Trong sứ điệp này, ĐTC đã tha thiết kêu gọi các nhà báo hãy tái dấn thân để ‘tường thuật với những nghiên cứu tận nguồn’.
ĐTC viết: “Nhiều người hiểu biết sâu sắc đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ: các phóng sự điều tra tận gốc – trên báo chí, truyền hình, truyền thanh, trang web – đang bị thay thế bằng loại phóng sự làm theo mẫu có sẵn, tường thuật theo ý đồ.”
“Cách tường thuật này ngày càng ít có khả năng nắm bắt sự thật về sự việc và cuộc sống cụ thể của con người, càng không nắm bắt được sự thật về những hiện tượng xã hội quan trọng hoặc những phong trào tích cực của quần chúng”.
ĐTC tiếp tục: “Cuộc khủng hoảng của công nghệ phát hành có nguy cơ dẫn đến những bài phóng sự được tạo ra trong các tòa soạn, trước máy tính cá nhân hoặc công ty và trên mạng xã hội, mà không bao giờ “ra đường”, gặp gỡ trực tiếp mọi người để nghiên cứu các câu chuyện hoặc để xác minh trực tiếp các tình huống nhất định.”
“Nếu không mở lòng thực hiện các cuộc gặp gỡ này, ta sẽ chỉ là những khán giả đơn thuần, vì tất cả những cải tiến kỹ thuật sẽ làm ta có cảm giác như đang đắm chìm trong một thực tế rộng lớn và tức thời.”
“Bất kỳ công cụ nào cũng sẽ chỉ hữu ích và có giá trị khi nó thúc đẩy ta đi ra ngoài và xem những thứ mà nếu không đến, ta sẽ không biết, để đăng trên internet những tin tức không có sẵn ở bất kỳ nơi nào khác, để gặp gỡ những người mà nếu không đến thì ta sẽ không bao giờ có thể gặp được họ.”
ĐTC gợi lên những chủ đề cụ thể cho các nhà báo tìm hiểu. Ngài nói: “Chúng ta có thể có nguy cơ tường thuật đại dịch và mọi cuộc khủng hoảng, chỉ qua lăng kính của các nước giàu, với những thông tin bị che đậy. Ví dụ, có vấn nạn về vắcxin và chăm sóc y tế nói chung, là những thứ có nguy cơ loại trừ những nước nghèo.”
“Ai sẽ cho ta biết về thời gian chờ đợi điều trị tại các ngôi làng nghèo đói ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi? Sự khác biệt về kinh tế và xã hội ở cấp độ toàn cầu có nguy cơ quyết định thứ tự phân phối vắcxin chống Covid, người nghèo thì luôn ở cuối tuyến và quyền mọi người được chăm sóc sức khỏe đã được khẳng định trên nguyên tắc, nhưng lại vô hiệu trong thực tế”.
“Tuy nhiên, ngay cả trong thế giới của những người may mắn hơn, người ta cũng thường che giấu phần lớn bi kịch xã hội của những gia đình nhanh chóng rơi vào cảnh nghèo đói – những người không còn cảm thấy xấu hổ khi phải xếp hàng trước các tổ chức từ thiện, chờ đợi để nhận được một gói lương thực: sẽ không có xu hướng đưa tin về những bi kịch này.”
ĐTC cũng ca ngợi “sự can đảm dấn thân” của các nhà báo, quay phim, biên tập và đạo diễn, những người đã liều mạng để khám phá sự thật: “Nhờ những nỗ lực của họ, giờ đây chúng ta đã biết, chẳng hạn, về những khó khăn mà các nhóm thiểu số bị bức hại ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều trường hợp áp bức và bất công gây ra cho người nghèo và môi trường, cũng như nhiều cuộc chiến tranh mà nếu không có những nhà báo dấn thân này, các sự thật đó sẽ bị bỏ qua.”
“Sẽ là một tổn thất không chỉ cho việc đưa tin, mà cho cả xã hội và nền dân chủ nói chung, nếu những tiếng nói đó bị mất dần đi. Toàn bộ gia đình nhân loại của chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn”.
Chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 55 năm nay là “Hãy đến mà xem” (Ga 1:46). Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người như chính họ là.”
ĐTC đã trích dẫn lời khuyên mà Chân phước người Tây Ban Nha – Manuel Lozano Garrido (1920-1971) – đã từng đưa ra cho các nhà báo đồng nghiệp: “Hãy mở to mắt ngạc nhiên với những gì bạn nhìn thấy, hãy để bàn tay của bạn chạm vào sự tươi mới và sức sống của mọi thứ, để khi người khác đọc những gì bạn viết, họ cũng có thể tận mắt chạm vào phép màu rực rỡ của cuộc sống”.
ĐTC cũng trích dẫn lời của William Shakespeare khi ông lên án “những lời hùng biện trống rỗng” mà ông thấy nó tràn lan trong cuộc sống công cộng.
Trích dẫn từ “Người lái buôn thành Venice”, ĐTC viết: “Cái này hay cái kia ‘chỉ nói lên vô số điều vô nghĩa…’ Giống như hai hạt lúa mì được giấu trong hai thùng trấu: bạn sẽ tìm kiếm chúng cả ngày và khi tìm được chúng rồi, bạn sẽ thấy chúng chẳng hề đáng cho bạn tìm kiếm”.
“Những lời lẽ khó nghe của nhà viết kịch người Anh cũng có thể áp dụng cho chúng ta với tư cách là những nhà truyền thông Kitô giáo. Tin Mừng Phúc Âm lan rộng khắp thế giới là kết quả của những cuộc gặp gỡ giữa người với người, giữa trái tim với trái tim của những người chấp nhận lời mời “Hãy đến mà xem” và bị ấn tượng trước “sự vượt trội” của lòng nhân đạo tỏa sáng qua ánh mắt, lời nói và cử chỉ, của những người làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.”
ĐTC nói rằng tất cả các Kitô hữu đều phải đối mặt với một thách thức: “truyền thông bằng cách gặp gỡ người khác: ở nơi họ sống và như chính họ là.”
Cuối cùng, ngài kết luận bằng một lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin dạy chúng con vượt lên trên chính mình mà lên đường tìm kiếm sự thật.
Xin dạy chúng con ra ngoài mà xem,
xin dạy chúng con lắng nghe, để không ủ ấp những thành kiến hoặc không đưa ra những kết luận vội vàng.
Xin dạy chúng con đi đến những nơi mà không ai khác sẽ đi,
biết dành thời gian cần thiết để thấu hiểu,
biết chú ý đến những điều cốt yếu, không bị phân tâm bởi những điều thừa thãi,
biết phân định giữa vẻ ngoài lừa dối và sự thật.
Xin ban cho chúng con ơn nhận biết nơi ở của Chúa trong thế giới của chúng con và ban sự trung thực cần thiết để chúng con biết kể lại cho người khác những gì chúng con đã thấy.