Hai từ thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng không mang cùng ý nghĩa. Vatican là Quốc gia nhỏ nhất thế giới, Tòa Thánh là nhân vị đạo đức của giáo hoàng và Giáo triều. Nếu Vatican không còn thì Tòa thánh vẫn sẽ tồn tại!
Trụ sở của một tổ chức thường chỉ định một nơi cụ thể. Nhưng thật kỳ lạ, Tòa Thánh không chỉ định chính xác một lãnh thổ, mà theo giáo luật, trước hết chỉ định nhân vị đạo đức của giáo hoàng, của Quốc vụ khanh và các thể chế khác của Giáo triều Rôma. Như thế Giáo hội công giáo la-mã là thể chế tôn giáo duy nhất có địa vị thực sự theo luật pháp quốc tế. Một ngoại lệ pháp lý thực sự giải thích sự hiện diện của Tòa Thánh trên thế giới và vai trò chính của Giáo hội trong lịch sử.
Kể từ thời Phục hưng – rất lâu trước khi thành lập vùng đất Vatican – cũng như nhiều quốc gia, Giáo hội công giáo đã duy trì quan hệ với toàn thế giới và nền ngoại giao của Tòa Thánh được xem là một trong những nền ngoại giao tốt nhất thế giới. Ông Joël-Benoỵt d’Onorio, tác giả quyển sách Giáo hoàng và guồng máy Giáo hội (Le Pape et le gouvernement de l’Église) giải thích: “Với sự khác biệt, chính sách ngoại giao của Vatican không theo đuổi mục tiêu chính xác như các nước khác, Tòa thánh là “trường hợp duy nhất của một chủ thể luật quốc tế, chỉ theo đuổi các mục tiêu tôn giáo và đạo đức. Đó là lý do vì sao, trong các tổ chức quốc tế có đại diện của Tòa Thánh, các nhà ngoại giao có sứ mệnh cao cả là thúc đẩy hòa bình và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Vai trò trung gian hòa giải mạnh mẽ của Tòa Thánh đã được công nhận rộng lớn, đặc biệt trong trường hợp của Cuba và Hoa Kỳ.
Nếu trong quá trình lịch sử, Giáo hội công giáo đã thể hiện mình trong một lãnh thổ mà các giáo hoàng, giống như bất kỳ một vương quốc nào, đã cố gắng mở rộng, thì quyền lực của Tòa thánh đã tồn tại vượt ra ngoài giới hạn địa lý. Điều này đã được thấy trong cuộc khủng hoảng năm 1870, dẫn đến sự kết thúc các Quốc gia giáo hoàng với việc chiếm lại Rôma và thống nhất nước Ý do vua Victor Emmanuel II thực hiện. Vì không có Quốc gia, một số trí thức muốn loại trừ Tòa Thánh ra khỏi quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng này, khi đó giáo hoàng bị xem là tù nhân ở trong các bức tường, Tòa thánh đã thành công khi bảo vệ lập trường của Giáo hội như một tổ chức xã hội pháp lý hoàn hảo (societas juridice perfecta), do đó nắm được chủ quyền mà thực chất Giáo hội đã có. Điều này được chứng minh qua các mối quan hệ ngoại giao được giáo hoàng duy trì trên toàn thế giới, các cuộc hòa giải quốc tế được thực hiện hoặc các thỏa thuận được ký kết từ năm 1870 đến năm 1929. Tòa thánh chưa bao giờ thôi là một chính phủ, dù đã chấm dứt là một Quốc gia. Do đó, Tòa Thánh không thể bị nhầm lẫn về mặt thể chế với Nhà nước Thành phố Vatican, được thành lập gần đây.
Một nhà nước hỗ trợ cho Tòa thánh
Sau hơn 50 năm thương thuyết, ngày 11 tháng 2 năm 1929, Đức Piô XI đã ký Hiệp định Lateran, cho phép thành lập một vùng đất nhỏ, nơi giáo hoàng trị vì với tư cách là một quốc vương tuyệt đối. Vì thế, thuật ngữ Vatican dùng để chỉ Thành phố-Nhà nước bao quanh Đền thờ thánh Phêrô và Dinh Tông Tòa. Nhưng không vì kích thước nhỏ bé của mình mà Vatican không có thuộc tính vương giả như nhà ga, đài truyền thanh hay đội hiến binh. Vatican cũng có bộ luật hình sự riêng, có cờ, đúc tiền và phát hành tem của riêng mình. Với tư cách là quốc vương, giáo hoàng có đầy đủ các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp, nhưng các quyền này được thực hiện qua các cơ quan khác nhau. Các Hiệp định Lateran cũng thiết lập một hòa giải giữa Vatican và Ý, nhất là nhà nước Ý công nhận giáo hoàng là người đứng đầu ở trần thế của Vatican. Tương tự như vậy, Vatican, Quốc gia mới, cam kết không can thiệp vào lãnh vực chính trị của nước Ý.
Không giống như Tòa thánh, tổ chức có mạng lưới ngoại giao tiếp tục mở rộng, quốc gia nhỏ nhất thế giới xem các quan hệ trao đổi của mình chủ yếu chỉ giới hạn với nước láng giềng Ý. Từ lãnh thổ nhà tù của giáo hoàng vào năm 1870, Thành phố Vatican, nơi có nền độc lập và trung lập được tôn trọng trong hiệp ước năm 1929, đã trở thành nhà nước hỗ trợ cho Tòa thánh, được thành lập để đảm bảo quyền tự do và độc lập trong chính quyền tinh thần của giáo phận Rôma và Giáo hội công giáo ở mọi thành phần trên thế giới. Tuy nhiên, một ngày nào đó nếu lãnh thổ này biến mất thì Giáo hội và Tòa thánh sẽ vẫn tồn tại và cùng nhau tạo thành một chủ thể có chủ quyền theo luật quốc tế.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 18.04.2021/ fr.aleteia.org, Camille Dalmas, 2021-04-12)