Suy nghĩ về sự chết của Đức Giêsu Kitô

Trong suốt cả mùa Chay và đặc biệt trong Tuần Thánh, tại hầu hết các nhà thờ CG ở VN đều có ngắm 15 sự Thương Khó Đức Chúa Giê-su. Việc đạo đức này không nằm trong Phụng Vụ, nhưng luôn được cử hành một cách trang nghiêm và long trọng.


jesus.jpgĐặc biệt trong ngày thứ sáu Tuần Thánh, nhiều nơi cộng đoàn còn tổ chức cuộc rước kiệu tượng chịu nạn và an táng Chúa, như để nhắc nhở các tín hữu về cái chết đau thương của Chúa Giê-su. Các tín hữu để tang, khóc lóc, than vãn thảm thiết…

Tuy nhiên, nhiều tín hữu chỉ dừng lại ở cuộc tưởng niệm ấy như một cuộc “đại tang”, trong một bầu không khí u buồn, sầu thảm, như thể tiếc thương trước một cái chết yên-nghỉ-ngàn-thu của một con người. Thực ra Chúa đã chết thật, nhưng sau ba ngày Ngài đã sống lại. Sự chết không còn làm chủ được Ngài nữa. Đó là niềm tin chắc chắn của chúng ta. 

Vì vậy, khi tưởng nhớ đến cái chết của Chúa, chúng ta luôn hướng về sự phục sinh vinh quang của Ngài. Và như vậy, trong Tuần Thánh và đặc biệt trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh sẽ không còn bầu khí bi thảm nữa. Bởi vì:

“Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày tưởng niệm cuộc thương khó và cái chết của Đức Giê-su nhưng đồng thời lại tưởng niệm và kính mừng sự sống vì không giống như bất kỳ cái chết nào khác trên trần gian, Đức Giê-su đã chỗi dậy từ cõi chết và Ngài là “Đấng Hằng Sống, đã chết, và nay sống đến muôn thuở muôn đời” (Kh 1,18). Đức Giê-su bị giết chết, tưởng rằng đó là một thất bại, nhưng lại là cuộc chiến thắng của Ngài trên tội lỗi và tử thần.

“Cho nên, hệ quả là, trong thứ Sáu Thánh, chúng ta hân hoan trước chiến thắng của Đức Giê-su, vui mừng tham dự vào cuộc vinh thắng tình yêu của Ngài. Các bản văn phụng vụ và những bài hát để kính thờ Thánh Giá trong thứ Sáu Thánh đều quy chiếu về Phục Sinh và bày tỏ cho chúng ta khía cạnh vinh quang và hân hoan của ngày này.

“Không nên tách rời cái chết của Đức Giê-su ra khỏi cuộc Phục Sinh của Ngài, nhưng luôn coi đó như một thể thống nhất của ‘Mầu nhiệm Vượt Qua’. Tam Nhật Vượt Qua phải được coi là một cử hành kéo dài, tức cử hành biến cố Phục Sinh vĩ đại. Cuộc thương khó của Đức Giêsu chỉ là một phần trong Tam nhật Phục sinh mà điểm kết thúc không phải là cái chết nhưng là sự sống”. [1]

Như vậy, khi suy gẫm và tưởng niệm cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giê-su, thay vì chúng ta u buồn thương tiếc sầu khổ thì hãy mang tâm tình sám hối, tạ ơn và hi vọng. Vì nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa mà chúng ta được cứu và nhận được bảo chứng của sự sống đời đời.

 

Chúa Giêsu phục sinh để bảo đảm cho việc chúng ta phục sinh sau này.

“Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15, 20-22). Từ đây, cuộc đời con người không còn phải là chu kỳ “sinh ra-sống-chết-mục nát”, nhưng là “sinh ra-sống-chết-phục sinh”. Do quyền năng của Chúa Giê-su Phục Sinh, Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho chúng ta sống lại, cho thân xác chúng ta kết hiệp với linh hồn, cho ta sự sống bất diệt ở đời sau. Bởi vì Thiên Chúa đã đem cả thân xác nhân loại của Ngài vào Thiên Quốc, thì chúng ta cũng tràn ngập hy vọng, hân hoan, chắc chắn sẽ được gặp và ở với Ngài trên Thiên Quốc như Ngài đã hứa. [2]

* Suy nghĩ về sự chết của Chúa, chúng ta hãy sám hối ăn năn

 

Trên đường lên núi sọ để chịu chết, khi nhìn thấy các phụ nữ đi theo vừa đấm ngực vừa than  khóc, Chúa Giê-su quay lại và nói với họ: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em” (Lc 23, 28). Vậy trong mùa Chay Thánh và đặc biệt trong Tuần Thánh, chúng ta thay vì khóc lóc khi nhớ đến cái chết thảm thương của Chúa, thì hãy khóc cho tội lỗi của chính mình và của nhân loại. Hãy thực lòng quay về với Chúa, thực tình ăn năn sám hối. Đó là điều làm đẹp lòng Chúa.

Chúng ta biết, trong suốt mùa Chay thánh, Hội thánh luôn nhắc nhở chúng ta, ngoài việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, làm việc bác ái, thì cần thiết phải ăn năn sám hối nữa. Đây là việc làm hết sức quan trọng, vì sám hối là trọng tâm trong sứ điệp cứu rỗi của Chúa.

Về ý nghĩa cơ bản, ăn năn hối cải là thay đổi toàn bộ con người cả bên ngoài lẫn bên trong, cả tâm trí tinh thần lẫn đời sống sinh hoạt, là quay đầu 180 độ, từ bỏ con đường cũ, bước đi con đường mới theo Chúa Ki-tô. Mùa Chay là cơ hội thuận tiện giúp chúng ta định hướng lại con đường chúng ta đang đi. Hoán cải là một tiến trình thay đổi đầy khó khăn, phức tạp. Đó là một cuộc “lột xác” mà mọi Ki-tô hữu phải thực hiện để được “mặc lấy Chúa Ki-tô” trong cuộc sống mới.

Tín hữu chúng ta, có thể rất chu đáo tuân giữ các lề luật, rất siêng năng làm các việc lành phúc đức, nhưng lại rất e ngại và sợ khi phải hối cải theo ý muốn của Chúa và Hội thánh. Bởi vì xét cho cùng đó là một cuộc canh tân đổi mới toàn diện. Cả về phương diện luân lý, lẫn đức tin. Cả về nội tâm con người bên trong lẫn bên ngoài. Cả về ý chí lẫn hành động.

Thay vì chúng ta để cho lòng đạo đức của mình quá nặng về tình cảm, quá thiên về cảm xúc qua những lễ nghi bên ngoài, mà đánh mất cảm thức tội lỗi sâu xa trong lòng mình, thì hãy mau mau hối cải và chạy đến với Chúa xin ơn tha thứ. Chúa giàu lòng thương xót đang chờ đợi chúng ta…

* Suy nghĩ về sự chết của Chúa, chúng ta hãy vui mừng tạ ơn và hi vọng

 

Khi nghĩ đến cái chết của Chúa, thay vì than van khóc lóc, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình tạ ơn và vui mừng. Bởi vì cái chết của Chúa đem lại cho ta nhiều ơn ích vô cùng lớn lao.

1- Cái chết của Chúa Giê-su đã khai tử tất cả tạo thành cũ, tội lỗi bị hủy diệt, ma quỷ bị khuất phục, sự chết không còn thống trị. Sự chết của Chúa khai mở sự sống cho chúng ta. Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết thì thoát khỏi quyền của tội lỗi” (Rm 6, 6-7).

2- Cái chết của Chúa Giê-su là sự chết-vâng-phục-của-Con-Một của Thiên Chúa, đem đến sự giao hòa giữa nhân loại với Đấng Tạo Thành. Nhờ đó Thiên Chúa chấp nhận tha thứ cho nhân loại. Công nghiệp của Chúa Con đã cứu chúng ta ra khỏi tình trạng bất tuân phục. Vì Đức Giê-su, với tư cách là trưởng tử trong nhân loại, đã vâng phục kế hoạch của Cha, cho dù phải hi sinh, phải chết bằng bất kỳ cách nào. Thánh Phao-lô đã nhấn mạnh:

Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 6-9).

3- Cái chết của Chúa Giêsu đã minh chứng tình yêu mãnh liệt và sự vâng phục tột cùng của một đại diện nhân loại đối với Thiên Chúa. Chính tình yêu và sự vâng phục này đã giúp thiết lập lại mối tương quan tốt đẹp, bền vững giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa hài lòng về người Con của Người và đã phục sinh người Con thân yêu đó. Và từ nay những ai thuộc về Đức Giê-su Ki-tô cũng sẽ được “Giải án Tuyên công”.

“Theo thánh Gioan, cái chết của Đức Kitô là cái chết tự nguyện, và vì lẽ đó mà Chúa Cha yêu mến Ngài (x.Ga 10, 17-18). Chính sự vâng phục tự nguyện đem lại giá trị cho sự đau khổ và cái chết của Đức Kitô.

“Hơn nữa, tình yêu đến cùng của Ngài đối với Cha, mạc khải tình yêu đến cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại, bất chấp mọi giới hạn, trở lực do hận thù của loài người. Khi tình yêu đối với Chúa Cha bắt phải đương đầu với sự chết, Ngài vẫn tiếp tục vâng phục; Ngài đã yêu đến cùng, nghĩa là đã bày tỏ đến cực điểm tình yêu của Ngài. Tình yêu của Ngài đã chiến thắng hận thù; Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng cái chết; trong chính cái chết, tình yêu đã thắng vượt để rồi sống lại, ân sủng phát xuất từ tình thương được biểu lộ liên lỉ, ngay cả trong cái chết”. [3]

4- Ngang qua sự chết, Chúa Giêsu đã sống lại và Ngài đã trở nên nguyên lý tái sinh và tác sinh đối với những ai tin theo Ngài. Vì vậy khi lãnh nhận Đức Ki-tô Thần Khí nhờ lòng tin và qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được chia sẻ hiệu quả của cái chết và ơn huệ Phục sinh của Đức Ki-tô (x. Rm 6, 1-8). Những ai thuộc về Đức Ki-tô thì dù có chết cũng được sống lại như Ngài. Đó là ơn huệ cao cả mà Thiên Chúa yêu thương đã ban tặng cho con người trong Đức Giê-su Ki-tô.

5- Sự chết của Chúa Giêsu không chỉ là một sự kiện đơn lẻ bình thường của một ai đó trong nhân loại, nhưng chính là một biến cố cực kỳ quan trọng, quyết định số phận của nhân-loại-mang-án-chết. Qua biến cố này, Thiên Chúa thực hiện Lời Hứa của người, là tha thứ cho nhân loại, là giải án chết và ban cho họ sự sống đời đời. Sự chết của Đức Ki-tô đã cứu sống nhân loại bị án chết do tội. Sự chết của Ngài đã chôn vùi tất cả mọi hư hỏng trong tạo thành, đồng thời từ cõi chết sống lại, Đức Giê-su-phục-sinh trở nên chính sự sống cho tất cả ai tin Ngài. “Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).

Vậy khi tưởng niệm cuộc thương khó và khổ nạn của Chúa Giê-su, thay vì than khóc đau buồn, chúng ta hãy tự đặt cho mình mấy câu hỏi sau:

– Thánh Gio-an tông đồ viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3, 16). Sự chết của Chúa nhắc chúng ta rằng chúng ta phải yêu mến anh em như Chúa yêu ta. Tình yêu ấy phải dõi theo tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống mình vì bạn hữu (x. Ga 15, 13).

– Để cứu thoát chúng ta khỏi tội và sự chết, Chúa Giê-su đã trả một cái giá quá sức tưởng tượng. Cái giá ấy là sự chấp nhận chết, chấp nhận hủy mình ra không để nhờ đó con người được tha thứ và được sống. Chúng ta nên dành thời gian suy nghĩ về điều đó. Giả như Chúa đã không chết trên thập giá thay cho ta, thì liệu số phận của mỗi người chúng ta và của cả nhân loại sẽ ra sao? Tại sao chúng ta không lưu tâm tạ ơn Chúa mỗi giây phút trong cuộc sống về những gì Chúa đã thực hiện để cứu chuộc chúng ta. Như thánh Gio-an thánh sử đã quả quyết, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16)./.

Aug. Trần Cao Khải

 

– – –  – – – – –
-THAM KHẢO & TRÍCH DẪN:

[1] LM Giuse Phạm Đình Ái Dòng Thánh Thể, bài “Về việc đeo tang trong Thứ Sáu Tuần Thánh”, nguồn: giaophanlangson.org ngày 6-4-2019.

[2] Bài “Chúa Giê-su sống lại”, ban Giáo lý Giáo phận, nguồn: giaophanmytho.net

[3] ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc, bài “Ý nghĩa cứu chuộc của cái chết của Đức Giê-su Ki-tô”, nguồn: simonhoadalat.com