Mt 5,1-12
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)
1. Người ta quen gọi đây là bản Hiến Chương Nước Trời. Nước Trời là nước hạnh phúc. Muốn vào nước đó phải có 8 đức tính căn bản sau đây:
1/ Tâm hồn nghèo.
2/ Hiền lành.
3/ Sầu khổ.
4/ Khao khát nên người công chính.
5/ Xót thương người.
6/ Tâm hồn trong sạch.
7/ Xây dựng hòa bình.
8/ Chịu bách hại vì đức công chính.
Có thể quy tất cả đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tâm hồn nghèo”. Người có tâm hồn nghèo là người:
– Về mặt tiêu cực: không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này, nói cách khác: không màng đến những gì nước trần gian tìm kiếm.
– Vì căn bản hạnh phúc làcó tâm hồn nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của Kitô hữu là vứt hết những gì mình có để được thanh thản tự do và để được lấp đầy bằng chính Chúa.
Khi hoàng đế Napoléon của nước Pháp, người chinh phục cả Âu Châu bị đày sang đảo Sainte Helène, người viết tiểu sử của ông vẫn theo ông sát cánh. Đối với anh chàng viết tiểu sử này, mỗi chi tiết trong cuộc đời của Napoléon đều được ghi chép lại, không một biến cố nào được bỏ qua.
Một hôm, biết rằng, ngày tận cùng của Napoléon đã gần đến. Lúc Napoléon cảm thấy thoải mái nhất, người viết tiểu sử mới hỏi Hoàng đế:
– Thưa ngài, xin ngài cho biết trong suốt cuộc đời của ngài, ngày nào là ngày hạnh phúc nhất?
Napoléon không trả lời ngay, quay đầu ra cửa sổ, nhìn biển xanh thăm thẳm phía xa một hồi, đoạn thở dài, rồi quay lại nói với người viết tiểu sử của ông:
– Ta nhớ, ta nhớ rất rõ ngày hạnh phúc nhất trong đời ta đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi, khi còn bé. Đó là ngày ta Rước lễ lần đầu.
2. Như vậy, hạnh phúc là gì?
Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và phải được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.
Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ:
– Nhân danh Chúa, ta hỏi mi: Đâu là nơi hạnh phúc nhất?
– Dĩ nhiên là Thiên Đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu phải lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Thiên Chúa, thì tất cả cũng chỉ là một con số không.
– Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc Thiên Đàng?
– Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả những cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng Thiên Đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi!
Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc. (Chờ đợi Chúa)
3. Làm sao để có được hạnh phúc?
Hạnh phúc hay không là tuỳ ở ta.
Ngày xưa, tại một quảng trường của thành phố nọ ở Ba Tư, có nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố sẽ giải đáp được mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.
Một hôm, giữa lúc mọi người đang say mê lắng nghe lời nhà hiền triết, thì có một mục tử từ trên núi xuống. Nghe tiếng đồn về sự khôn ngoan thông thái của nhà hiền triết, anh muốn được chứng kiến tận mắt, nghe tận tai, và nhất là để hạ nhục ông giữa đám đông. Anh đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt con chim nhỏ và hỏi:
– Thưa ngài, tôi nghe nói ngài là nhà thông thái khôn ngoan, ngài có thể cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay là con chim sống hay con chim chết?
Nhà hiền triết biết đó là một cái bẫy. Nếu ông bảo rằng, con chim còn sống thì tức khắc người mục tử sẽ bóp con chim chết, trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng, nó đã chết, thì người mục tử sẽ mở bàn tay ra, để con chim bay đi. Sau một lúc im lặng trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết trả lời:
– Con chim ngươi cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn nó chết thì nó phải chết.
Chúa Giêsu đã từng nói: “Thiên Đàng ở ngay trong lòng của ngươi” (Lc 17,19).
Lạy Chúa,
Chúa đã chịu chết và sống lại,
xin dạy chúng con biết chiến đấu
trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.
Chúa là mặt trời tỏa sáng tình yêu Cha,
là hy vọng hạnh phúc bất diệt,
là ngọn lửa tình yêu nồng nàn.
Xin lấy niềm vui của Người
mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ,
trở thành mối dây yêu thương,
bình an và hiệp nhất giữa mọi người. Amen.
Mẹ Têrêsa Calcutta
THỨ BA TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
Mt 5,13-16
“Chính anh em là muối cho đời.
Chính anh em là ánh sáng cho trần gian“.
(Mt 5,13-14)
Chúa Giêsu lấy hai hình ảnh muối và ánh sáng để nói lên vai trò phải có của các môn đệ ở trần gian.
1. Là muối cho đời.
Khi bảo Kitô hữu là muối của đời, Chúa muốn nói gì? Tại sao Chúa lại bảo chúng ta là muối? Ngày nay muối là thứ gia vị rẻ tiền hơn hết, nhưng cũng thiết yếu hơn hết.Chúa không có ý coi thường hay hạ giá chúng ta qua ẩn dụ này. Có lẽ nhiều người trong chúng ta muốn Chúa ví mình như vàng như ngọc. Nhiều bà mẹ thương quí con mình thường nựng con mình như vậy. Còn ở đây Chúa lại ví ta là muối của đất. Khi nói thế, Chúa muốn trân trọng nói đến phẩm chất của cuộc sống qua tính chất của muối. Giá trị của vàng, của ngọc là giá trị tương đối vì đó là những giá trị trao đổi: Kinh nghiệm cho chúng ta thấy trong những cơn đói kém hay như trong sa mạc, đã có nhiều người chết trên đống vàng, chết đói chết khát trong lúc còn rất nhiều của cải. Trong khi đó, giá trị của muối là giá trị tự tại nằm trong vị mặn của nó. Chúa muốn những người tin Ngài phải có tính chất của muối.
Muối có nhiều công dụng trong sinh hoạt của cuộc sống con người. Tuy nhiên, tất cả những công dụng đó đều hàm chứa trong vị mặn của muối. Chính vì vậy, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh, nếu muối mất mặn thì sẽ chẳng lấy gì làm cho nó mặn lại được. Muối đó không còn dùng được nữa, phải bỏ đi.
Vậy thì vị mặn của muối nơi chúng ta là gì? Thưa, là những đức tính tốt trong tagây được ảnh hưởng tốtcho những người chung quanh: trong gia đình, giữa bạn hữu, nơi làm việc, trong trường học.
Mẹ Têrêsa nói: “Thầy Vinod, người điều hành Gandhiji Prem Nivas, trung tâm người cùi ở Titagarh, Calcutta, hiểu tại sao chúng tôi cố không giảng đạo, nhưng chỉ tỏ cho thấy đức tin của chúng tôi qua hành động và sự phục vụ.
– Mẹ có chứng kiến những người được Mẹ giúp đỡ cải đạo sang Công giáo không?
– Có, một vài người đã cải đạo, nhưng chúng tôi không hề cố khuyến khích họ một cách trực tiếp. Bằng việc rèn luyện đức ái của người Thiên Chúa giáo, chúng tôi đến gần Chúa hơn và chúng tôi cũng cố giúp những người khác đến gần Ngài hơn mà không đặt bất cứ áp lực tôn giáo nào lên họ. Khi họ đón nhận tình yêu tức là họ đón nhận Thiên Chúa và ngược lại.
Một câu hỏi đặt ra cho người Kitô hữu hôm nay: sống giữa người khác, chúng ta đã đóng vai trò muối ướp mặn đến đâu rồi? Hay họ chỉ là muối đã lạt đi rồi? Nếu thế thì họ trở thành vô dụng và chỉ còn việc vất ra ngoài đường cho người ta chà đạp lên thôi.
2. Anh em là ánh sáng thế gian:
Ánh sáng là để cho người ta thấy. Đốt đèn rồi che lại, lấy thùng đậy lại thì ngọn đèn trở nên vô dụng. Ánh sáng cũng có nghĩa là làm chứng. Đèn phải để trên đế cao để cho thiên hạ thấy việc tốt của anh em làm mà ngợi khen Cha anh em ở trên trời.
Một trong những nhà truyền giáo xuất chúng nhất của thế kỷ 19 là Đức Hồng Y Mermillotd, Giám mục giáo phận Lausanne (Thụy sĩ). Ngài qua đời năm 1892. Có một lần, sau khi giảng về phép Mình Thánh Chúa trong nhà thờ chính tòa, giáo dân ra về. Còn ngài theo thói quen ở lại chầu Mình Thánh Chúa nửa giờ. Khi ngài vừa đứng dậy để đi ra, ngài nghe có tiếng của một bà gọi ngài. Ngài rất ngạc nhiên, vì ngài tưởng không còn ai trong nhà thờ nữa. Người phụ nữ trình bày:
“Kính thưa Đức Cha, con đã nghe Đức Cha giảng. Bài giảng rất thuyết phục. Nhưng những lời Đức Cha nói suông chưa làm con xác tín về phép Thánh Thể. Con biết Đức Cha giống như một luật gia bảo vệ cho đức tin của Giáo hội công giáo. Con còn muốn điều gì hơn thế nữa. Vậy là con nấp và con quan sát. Khi con thấy Đức Cha quỳ gối cầu nguyện hồi lâu và sốt sắng, dù Đức Cha biết trong nhà thờ không có ai, gương sáng ấy đã đánh động con. Con không muốn theo đạo Tin lành nữa. Con muốn trở lại đạo Công giáo”.
Mẹ Têrêsa nói: “Chúa Giêsu đã đến như là ánh sáng của thế gian, và những ai theo Ngài, đều được mời gọi phổ biến ánh sáng này, ánh sáng ban sự sống cho con người.”
Gẫm lại Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta cảm thấy không mấy yên tâm trong vai trò truyền giáo của chúng ta. Do phép rửa tội, chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu để được sai đi. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em đi” (Ga 20,21). Sống trong gia đình, xóm làng, giữa mọi người, mỗi người Kitô hữu đều được Chúa sai đến với những người chung quanh mình. Tuy nhiên, cho đến bây giờ chúng ta chưa ý thức được vai trò người môn đệ được sai đi của chúng ta.
Lạy Cha từ ái,
Cha muốn chúng con là men, là muối, là ánh sáng cho trần gian.
Xin cho chúng con biết hòa nhập
để biến đổi môi trường chúng con sống. Amen.
THỨ TƯ TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
Mt 5,17-19
“Anh em đừng tưởng Thầy đến
để bãi bỏ Luật Môisen hoặc lời các ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.”
(Mt 5,17)
1. Vì Chúa Giêsu dạy một số điều xem ra không đúng với luật Môisen và giáo huấn của các ngôn sứ theo lối giải thích của người Pharisêu, nên nhiều người tưởng Ngài muốn hủy bỏ luật Môisen. Thí dụ, Ngài đã không giữ tục rửa tay như luật pháp đặt ra. Ngài chữa lành người đau trong ngày Sabat dù luật pháp không cho phép. Thế mà ở đây Chúa lại nói về luật pháp với một sự tôn kính, mà không một luật sĩ hay đạo sĩ Do Thái nào có thể nói hay hơn được.
Như chúng ta biết, cuộc sống xã hội cần phải được luật pháp bảo đảm. Cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới pháp luật càng chặt chẽ.
Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người biết đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và quy luật ấy chính là tình yêu. Một ngôi nhà đẹp đẽ đến đâu đi nữa mà thiếu vắng tình người thì cũng giống như một nghĩa địa; một xã hội tiến bộ tới đâu mà thiếu vắng tình người thì chẳng khác nào một bãi sa mạc. Chúa Giêsu đến không phải để dẹp bỏ pháp luật nhưng là để kiện toàn, kiện toàn bằng cách đem lại cho lề luật một linh hồn,một sức sống. Linh hồn và sức sống ấy chính là tình yêu thương. (Chờ đợi Chúa)
2. Người ta kể lại rằng, một lần kia một vị giáo sư của đại học Baltimore, Hoa Kỳ, yêu cầu các sinh viên đang theo lớp giảng huấn của ông về xã hội học, hãy đến một xóm nghèo của thành phố để nghiên cứu về cơ may được thăng tiến trong xã hội của hai trăm em học sinh trong xóm. Vị giáo sư không khỏi ngạc nhiên khi đọc những bản báo cáo của các sinh viên sau thời gian nghiên cứu báo cáo lại. Các sinh viên cho rằng, không em nào trong hai trăm em của xóm nghèo này được xét là có cơ may phát triển.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Hồ sơ của hai trăm em được lưu giữ cẩn thận tại trường để rồi lại hai mươi năm sau, một vị giáo sư khác đem ra nghiên cứu lại và lần này giáo sư yêu cầu các sinh viên của mình hãy đến xóm nghèo trên, để điều tra lại xem hai trăm em đã được phỏng vấn cách đây hai mươi năm hiện đang như thế nào. Bản tường trình thứ hai này cho biết một kết quả hết sức bất ngờ và tích cực:
“Ngoại trừ hai mươi em chết hoặc đã cùng gia đìnhdọn đi nơi khác không để lại địa chỉ, còn lại 180 em thì có một trăm bảy mươi sáu đã thành công trên đường đời, vượt xa mức tiên đoán của bản phúc trình thứ nhất đã được thực hiện hai mươi năm trước. Các em đó đã trở thành: người thì luật sư, kẻ thì bác sĩ, người kháclà những nhà kinh doanh nổi tiếng”.
Vừa bỡ ngỡ, vừa tò mò muốn biết tại sao các em trước kia bị thẩm định như là không có cơ may nào để tiến lên trong xã hội, nhưng nay đã thành công như vậy thì vị giáo sư này mới cho các sinh viên đi gặp từng người đã thành công để hỏi lý do. Tất cả đều nói đến một con người còn sống đã ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của họ, con người đáng kính đó chính là thầy giáocủa ngôi trường họ đã học. Vị giáo sư tìm đến người thầy giáo già để hỏi xem ông đã dùng bí quyết nào mà những học trò của ông lại thành công như vậy.
Thầy giáo già trả lời: “Bí quyết của tôi đơn sơ lắm: tôi đã lấy tình yêu thương giáo dục những trẻ đó”.
Tôi đã lấy tình yêu thương mà giáo dục những trẻ đó. Đấy là bí quyết của giáo dục. Và chỉ có tình yêu mới có thể giúp con người phát triển.
Không có tình yêu trong gia đình, cha mẹ không thể giúp con cái phát triển. Không có tình yêu trong xã hội, xã hội đó không thể đem lại sự phát triển đích thực cho con người. Con người cần đến tình yêu nhiều hơn của cải vật chất. Mẹ Têrêsa Calcutta đã có lời khuyên rất đơn sơ nhưng cũng rất căn bản cho mọi công cuộc phát triển và cho hạnh phúc của con người. Mẹ nói:
“Hãy phổ biến tình yêu khắp nơi bạn sinh sống, trước hết là trong gia đình: cha mẹ hãy yêu thương con cái, vợ chồng yêu thương nhau, mọi người yêu thương người thân cận, đừng để bất cứ ai đến với bạn mà lúc ra về lại không cảm thấy mình được trở thành tốt hơn, hạnh phúc hơn. Hãy biểu lộ hình ảnh sự tốt lành của Thiên Chúa trong ánh mắt, nụ cười, trong lời nói việc làm”.
Chỉ tình yêu thương mới giúp con người phát triển. Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta như vậy. Ngài là tình yêu và không ngừng yêu thương chúng ta. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận tình yêu của Ngài, đồng thời đối xử như thếđối với anh em chung quanh. Yêu mến Chúa và yêu thương anh em, đó là trọn cả lề luật.
Lạy Chúa,
xin dạy con biết yêu mọi người như anh em.
Và cho chúng con biết yêu như Ngài. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
Mt 5,20-26
“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết,
nếu anh em không ăn ở công chính hơn các luật sĩ
và người Pharisêu,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
(Mt 5,20)
1. Chúa Giêsu đề ra lý tưởng sống cho người môn đệ: phải công chính hơn những người Pharisêu. Công chính của người Pharisêu là lo giữ luật cách chín chắn không sơ sót chút nào. Việc giữ luật đó chỉ là máy móc không một chút tâm tình. Còn sự công chính của các môn đệ Chúa phải được thể hiện qua việc giữ mọi khoản luật với tâm tình yêu thương.
Sau đó, Chúa Giêsu đưa ra vài thí dụ về cách giữ một số khoản luật:
Thí dụ, luật “không được giết người”: môn đệ Chúa không chỉ tránh giết người mà phải cố gắng sống với mọi người bằng tình anh em, vì thế không nên phẫn nộ với anh em, không nên chửi rủa anh em.
Hay luật dâng lễ vật: lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất là cuộc sống đầy lòng yêu thương. Do đó trước khi dâng lễ vật, phải lo hòa giải với người anh em nào có chuyện bất hòa với mình đã.
2. Như vậy ở đây, theo ý của Chúa, ta thấy có hai thứ thước để đo mức công chính. Thước đo của người Pharisêu là xem mình có giữ luật đàng hoàng hay không; còn thước đo của người môn đệ Chúa là xem mình có sống trọn tình yêu thương hay không. Chúng ta thường dùng thứ thước nào?
Trong một làng nọ, có ba người bạn đã quen biết nhau từ lâu:
– Ablin là người thợ rèn.
– Ali làm ruộng.
– Carin là thầy lang.
Ablin, người thợ rèn có tính nóng nảy, hay say rượu và lười biếng. Còn Ali thì có lòng kính sợ Chúa và ngày ngày từ sáng sớm đến chiều tối, ông chăm chỉ làm việc trên cánh ruộng để có đủ cơm ăn áo mặc cho gia đình. Người ta thấy đôi lúc Ali cũng nổi sùngvới những người hàng xóm chung quanh, nhưng cách chung ai cũng phải công nhận ông là người tốt bụng và không hề lường gạt ai. Và cuối cùng, là Carin, một thầy lang nổi tiếng là thánh thiện. Kẻ ốm đau nhất là những người từ ở nơi xa đến, chỉ cần nhìn thấy gương mặt hiền hậu của ông cũng đủ khỏi bệnh.
Nhưng không hiểu vì lý do gì mà cả ba người đều mắc bệnh phong cùi trong cùng một ngày. Dĩ nhiên theo luật pháp và vì lợi ích của dân làng, họ phải bị trục xuất ra khỏi làng và người ta đã dựng cho ba người một túp lều để họ có chỗ che nắng che mưa.
Một hôm, cả ba người nằm ngủ và mơ thấy Chúa. Chúa phán với họ: “Hãy cầu xin cho được lành bệnh”. Sáng thức dậy, họ thuật lại giấc mơ của mình cho nhau nghe và vui mừng vì biết chắc đó là điều Chúa muốn. Họ quyết tâm cùng cầu xin Chúa như Ngài đã phán bảo họ.
Sau ba ngày, người thợ rèn, Ablin, được khỏi bệnh, khỏe mạnh và trở về làng trước. Ông tự nhủ trong lòng: không hiểu vì sao mà mình được Chúa thương nhất trong ba người.
Sau ba tháng, thì đến lượt bác nông phu là Ali, cũng được lành bệnh và trở về làng. Trên đường về ông thầm nghĩ là mình được Chúa yêu thương hơn là ông bạn thầy lang. Ông ấy vẫn còn đang bị bệnh! Thật tội nghiệp. Rồi ông tự nhủ với lòng của mình: phải chăng tiếng đồn về lòng nhân đức của thầy lang đều là sai hay sao! Nếu quả ông ta là người thánh thiện, được Chúa thương thì ông phải được Chúa chữa lành bệnh trước chớ. Còn mình, tại sao mình chính trực hơn tên thợ rèn mà cũng phải chờ đến ba tháng.
Ngày tháng trôi qua, năm này đến năm khác, ông thầy lang vẫn còn bị bệnh phong cùi hành hạ, ngày càng thêm ghê tởm và bác nông phu không sao giải thích được điều thắc mắc đó.
Một hôm, đang nằm ngủ ông nghe tiếng Chúa phán bảo:
– Ali, Ta biết rõ trong lòng con vẫn đang thắc mắc về số phận của Carin. Tại sao một con người tệ hơn con như Ablin lại được khỏi bệnh trước, mà Carin là người thánh thiện hơn con lại bị bệnh lâu như vậy. Hãy nghe đây: Sở dĩ ta nghe lời Ablin mau mắn như vậy chỉ vì sự yếu đuối của hắn. Nếu Ta để lâu hơn nữa, hắn sẽ ngã lòng thất vọng, không còn tin tưởng vào Ta nữa. Trong trường hợp của con, nếu Ta để lâu hơn ba tháng nữa thì con cũng ngã lòng thất vọng. Trái lại, lòng tin tưởng của Carin rất mạnh. Ta có thể làm ngơ như không nghe thấy lời Carin cầu xin, vậy mà Carin vẫn không thất vọng, bởi vì Carin là bạn thân của Ta, nên đã hiểu lòng Ta và vì Ta đã trở thành mọi sự cho Carin rồi”.
Sáng hôm sau, Ali giật mình thức dậy, bên tai vẫn còn nghe rõ ràng Lời Chúa cắt nghĩa và ông tự hỏi: “Biết đến bao giờ Chúa mới trở nên mọi sự, trở nên tất cả cho đời tôi. Tình yêu Chúa thật bao la và mầu nhiệm biết bao. Làm sao con có thể hiểu được Chúa cư xử như vậy với những bạn thân tình của Chúa. Thế mà con cứ ngỡ rằng: họ là những người bị Chúa quở phạt”.
Vâng, người công chính là người biết đặt Chúa lên trên tất cả mọi sự và trên cả cuộc đời của mình.
THỨ SÁU TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
Mt 5,27-32
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết:
ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp,
ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình;
và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
(Mt 5,32)
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến hai vấn đề rất quan trọng trong nếp sống gia đình: ngoại tình và ly dị. Đây là hai vấn đề rất thời sự của xã hội hôm nay.
1. Về vấn đề ngoại tình. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã làm cho người nghe phải kinh ngạc. Theo Lời Chúa dạy thì tư tưởng cũng quan trọng như hành động. Chúa Giêsu dạy rằng, một người bị xét xử không chỉ vì những việc họ đã làm mà còn cả vì những ước muốn họ chưa thể hiện bằng hành động nữa. Như vậy, theo tiêu chuẩn của thế gian, một người không bao giờ phạm một điều cấm nào thì người đó là người tốt, còn theo tiêu chuẩn của Chúa Giêsu, thì chưa đủ. Theo Chúa, một người được coi là tốt khi người đó không những không làm mà ngay cả trong ước muốn người đó cũng không dám nữa. Đây là một ví dụ về tiêu chuẩn mới của Chúa Giêsu.
Luật pháp thiết định rằng: “Ngươi chớ phạm tội tà dâm “(Xh 20,14).
Các giáo sư Do Thái cho tội này trọng đến nỗi can phạm có thể bị án tử hình (Lv 20,10).
Còn Chúa Giêsu lại dạy rằng: chẳng những hành động tà dâm bị cấm mà cả tư tưởng tà dâm cũng là phạm tội trước mặt Thiên Chúa.
2. Vấn Đề Ly Dị
Ở đây, Chúa Giêsu muốn thắt chặt lại đời sống hôn nhân mà con người thường hay có thái độ buông lỏng. Trong Cựu Ước, luật Môisen đã cho làm tờ ly dị và trong xã hội hôm nay, ly dị hầu như đã trở thành một nạn dịch vì nó quá phổ biến. Lý do là vì người ta sống quá tự do. Lấy nhau quá dễ dàng thì bỏ nhau cũng dễ dàng.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời mời gọi người Kitô hữu phải chú ý đến việc giáo dục hôn nhân và gia đình kỹ càng hơn. Phải chú trọng đến đời sống đạo đức, nghĩ đến hạnh phúc kẻ khác cũng như của con cái hơn là sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn mình.
Một họa sĩ nọ, suốt đời mơ ước sẽ vẽ được một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đến hỏi một vị giáo sĩ:
– Xin ngài cho con biết điều gì đẹp nhất trần gian?
Vị giáo sĩ liền trả lời:
– Tôi nghĩ rằng: Điều đẹp nhất trần gian là niềm tin, bởi vì niềm tin nâng cao giá trị con người. Ông có thể tìm thấy niềm tin bất cứ nơi nhà thờ nào có những người họp nhau để cử hành và chia sẻ cơm bánh cho nhau.
Nhà nghệ sĩ chưa thỏa mãn, tiếp tục cuộc điều tra, ông đặt ra một câu hỏi tương tự với một cô dâu. Cô dâu trả lời:
– Tình yêulà điều đẹp nhất trần gian, bởi vì tình yêu làm cho đắng cay nên ngọt ngào, mang lại tiếng cười thay cho tiếng khóc, biến nghèo nàn thành giàu sang, làm cho điều bé nhỏ trở thành cao trọng. Cuộc sống sẽ nhàm chán nếu không có tình yêu.
Vẫn chưa thỏa mãn với điều mơ ước, nhà nghệ sĩ đến gặp một người lính chiến từ trận mạc trở về. Được vấn kiến, người lính chiến trả lời:
– Hòa bình là điều đẹp nhất trần gian, chiến tranh là điều bỉ ổi, ở đâu có hòa bình, ở đó có cái đẹp.
Sau khi nghe những lời phát biểu trên đây, nhà họa sĩ tự hỏi? Làm sao có thể vẽ lại một lúc: Niềm tin, Tình yêu và Hòa bình. Về đến nhà, ông nhận ra niềm tin nơi ánh mắt con cái. Tình yêu trong cái hôn của người vợ. Chính niềm tin nơi con cái và tình yêu nơi người vợ làm cho tâm hồn ông tràn ngập hạnh phúc và an bình. Nhà nghệ sĩ chợt hiểu thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Sau khi hoàn thành tác phẩm, ông đặt tên cho nó là: Mái ấm gia đình.
Mái ấm là mái nhà che mưa che nắng, là bốn vách che kín không để gió lùa vào, là chiếc thảm trên sàn nhà giữ cho khỏi giá băng, nhưng mái ấm gia đình không chỉ có thế mà còn hơn thế nữa. Đó là tiếng cườicủa em bé, tiếng hát của bà mẹ, sức mạnh của người cha. Đó là hơi ấm của những con tim biết yêu, là sự ân cần, là lòng chung thủy, là tình bằng hữu…Mái ấm gia đình là ngôi trường và là thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ được học cho biết thế nào là điều ngay lẽ phải, thế nào là việc thiện, thế nào là lòng tử tế. Đó là nơi tuổi thơ tìm về khi đau khổ bệnh hoạn. Đó là nơi được chia sẻ niềm vui và xoa dịu buồn phiền. Đó là nơi cha mẹ được kính trọng và yêu thương. Đó là nơi những món ăn đơn sơ cũng trở thành cao lương mỹ vị, vì là giá trị của mồ hôi và nước mắt. Mái ấm gia đình là nơi được Thiên Chúa luôn chúc phúc.
Lạy Chúa, dù xiêu vẹo dột nát, xin cho căn hộ gia đình chúng con luôn là một mái ấm đứng vững với niềm tín thác vào tình yêu của Chúa và được xây đắp không ngừng bằng tình yêu thương giữa mọi người chúng con. Amen.
THỨ BẢY TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
Mt 5,33-37
Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”,
“không” thì phải nói “không”. (Mt 5,37)
Chúng ta nghe Chúa Giêsu tiếp tục giải thích về sự công chính mới. Hôm nay, Chúa dạy mọi người về sự trung thực trong lời nói:
Điều cốt yếu của lời nói là sự trung trực “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”(Mt 5,37).
1. Vâng! Sự trung thực bao giờ cũng là điều hết sức quí giá. Thời nào cũng thế.
Ngày xưa, nước Lỗ có một cái đỉnh rất cao quí. Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang. Vua Tề bảo:
– Phải có Nhạc Chính Tử đem sang nói, ta mới tin!
Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến bảo đi. Nhạc Chính Tử hỏi:
– Sao không đưa cái đỉnh thật?
– Ta quí nó lắm?
Vua Lỗ nói.
Nhạc Chính Tử thưa:
– Nhà vua quí cái đỉnh ấy thế nào, thì tôi cũng quí cái đức “tín”của tôi như thế!
Sau, vua Lỗphải đưa cái đỉnh thật, Nhạc Chính Tử mới chịu đi.
Chúa rất ghét sự gian trá. Chúa đã phạt thật nặng những người lừa đảo, thiếu thành thực. Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 5,1-11) có thuật lại:
Hồi ấy, có hai vợ chồng Anania và Saphira bán ruộng, lấy tiền dâng các tông đồ, nhưng lại lừa đảo thánh Phêrô, giữ lại một phần. Người chồng là Anania đưa tiền để dưới chân thánh Phêrô, và vì thiếu thành thực, nên thánh Phêrô đã nặng lời lên án hành vi giả trá của anh. Lập tức anh ngã lăn ra chết.
Ba giờ sau người vợ là Saphira đến gặp thánh nhân và khi thánh nhân hỏi: “Tiền bán ruộng chỉ có bấy nhiêu sao?” Saphira lừa dối thánh nhân, trả lời là: “Chỉ có ngần ấy.” và Saphira cũng ngã lăn ra chết.
Chúng ta hãy cố gắng sống thành thực với nhau. Đồng thời, chúng ta cũng phải nghĩ tới việc sống thành thực với Chúa.
2. “Lỗi về sự trung thực không phải chỉ là nói dối, vu khống mà còn là nói lệch đi một chút (xuyên tạc), hứa mà không làm, hẹn mà không giữ đúng.“
Chúa bảo “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt điều gì là do ác quỷ”(Mt 5,37).
Thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội là Thomas d’Aquin, dòng Đaminh, đã ghi lại trong sổ tay một đoạn văn ngắn sau đây:
“Thiên Chúa chính là một bậc Thầy tuyệt hảo, Ngài đã để lại cho chúng ta 2 tác phẩm siêu việt để chúng ta có thể được học hỏi một cách chu đáo. Đó chính là pho sách Tạo Vật và pho sách Kinh Thánh. Riêng với pho sách tạo vật, thì có bao nhiêu tạo vật trong vũ trụ thì cũng có bấy nhiêu chương sách tuyệt mỹ trong tác phẩm ấy. Cuốn sách khổng lồ này đã dạy cho chúng ta sự thật mà không pha trộn vào đó một chút giả dối nào cả. Vì thế, khi có người đến hỏi nhà hiền triết Aristote rằng, ông ta đã học được ở đâu mà có được những cơ sở lý luận, những tư tưởng trung thực và cao đẹp như vậy, thì ông ta đã trả lời: “Tôi đã học được từ chính các tạo vật quanh tôi, bởi vì các tạo vật thì không bao giờ biết nói dối!”
Người ta kể lại một câu chuyện về chuyến viếng thăm nhà tù của quận công Osola như sau:
Hôm ấy, quận công Osola được dẫn đi thăm một nhà tù nổi dọc bờ sông. Các tù nhân được tự do trao đổi ý kiến cùng quận công. Ngài ân cần hỏi thăm xem vì những lý do gì mà họ bị giam giữ. Mỗi tù nhân được tự do trình bày về sự lầm lẫn của guồng máy công lý. Nhiều phạm nhân đã một mực không chịu nhận tội mình. Người thì than là anh ta phải bị phạt vào đó chỉ vì ông quan toà thích vậy, người khác nữa lại khăng khăng đổ tội cho lòng ganh tị của kẻ thù riêng. Nói chung, không ai đáng tội phải bị cầm tù tại đó cả. Cuối cùng, có một tù nhân thưa.
– Thưa ngài quận công, tôi thật đáng hình phạt, vì tôi cần tiền, tôi đã ăn trộm và bị bắt.
Ngài quận công rất cảm động với lòng thành thật và khiêm nhường của tội nhân này. Giữa đoàn tù nhân xúm quanh, ngài nói lớn tiếng:
– Anh thật có tội, không xứng đáng ở chung với chúng tôi. Anh hãy rời khỏi nơi đây lập tức.
Ngay tức thì, ngài quận công tha bổng cho tù nhân khiêm tốn chân thành đó.
*
Để kết thúc, xin gửi anh chị em một trích đoạn của một bài thơ này. Bài thơ của nhà thơ Phùng Quân. Bài thơ có tên cũng rất hay: Lời Mẹ Dặn.
Con ơi! trước khi nhắm mắt,
Cha con dặn con
Suốt đời phải làm người chân thật.
Mẹ ơi!Chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi! một người chân thật:
Thấy vui, muốn cười, cứ cười.
Thấy buồn, muốn khóc, cứ khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn.
Những lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khổ bằng nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý