Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XVIII Mùa Thường Niên

 TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN – NĂM B

-0-

THỨ HAI TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
Mt 14,13-21

“Ai nấy đều ăn và được no nê.
Những mẩu bánh còn thừa,
người ta thu lại được mười hai giỏ đầy.”
(Mt 14,20)

1. Đọc trong Tin Mừng, chúng ta thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi gần gũi với dân của Người. Mặc dầu họ không phải là bà con, bạn hữu hay là những người quen biết, nhưng thấy họ thì cảm xúc đầu tiên của Người là thương, và vì thương nên Người chữa bệnh, giảng dạy và cho họ ăn. Xem như mọi người đều là đối tượng cho tình thương của Chúa.

Tại sao Chúa lại yêu thương đến thế?

Khi muốn làm cho người ta hiểu tại sao Chúa lại yêu con người như thế, thì các nhà tư tưởng của Ai Cập xưa đã viết nên một câu chuyện thần thoại thật đẹp như sau: Thiên Chúa xuống tận bờ sông Nilô, lấy tay nhào bùn và đắp nên hình người. Nhưng thật không may cho Chúa là khi Người thọc tay vào đất thì đúng vào một cái hang của một con cua. Tay của Người bị cua kẹp chảy máu ra. Các thiên thần sợ quá muốn băng bó cho Chúa nhưng Người không cho mà nói: “Cứ để vậy! Cứ để cho máu của Ta hòa với máu của con người để cho con người biết ta yêu nó như thế nào”. Thiên Chúa yêu con người là vì Thiên Chúa tìm thấy sự sống của chính mình trong con người.

Xin Chúa cho chúng ta có được một phần nào tấm lòng yêu thương bao la như Chúa, nhất là khi chúng ta là những tông đồ của Chúa.

2. “Xin thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn” (Mt 14,15).

Rõ ràng là các Tông đồ của Chúa lo sợ trước một thách thức không thể vượt qua được trên bình diện con người. 5.000 người đàn ông không kể đàn bà con trẻ đang gặp cảnh đói không có gì ăn vào lúc trời sắp tối, nghĩa là mọi sinh hoạt buôn bán giữa người với người dường như sắp bị đóng lại. Các ông lo sợ và nói theo khuynh hướng tự nhiên là muốn phủi tay chạy trốn trước thách thức khó khăn ấy, để rồi từ đó muốn đổ trách nhiệm cho kẻ khác, và cuối cùng, còn muốn cả Chúa Giêsu cũng phải làm như vậy: “Xin Thầy hãy cho họ về hoặc vào làng để mua gì ăn, vì trời đã tối và họ có thể kiếm được gì ăn qua cơn đói chăng?”(Mt 14,15).

3. Chúa Giêsu không muốn như vậy. Điều Chúa muốn là “Các con hãy lo cho họ ăn” (Mt 14,16). Đó là mệnh lệnh của tình thương.

Rõ ràng là phải có một tình thương bao la kinh khủng mới dám nghĩ đến một việc làm như thế. Không thể thoái thác trách nhiệm trước những khó khăn phải đối đầu.

Khoảng nửa đêm, có một em bé tìm đến gõ cửa nhà mẹ Têrêsa. Mẹ bước xuống nhà và mở cửa cho em. Vừa khóc nức nở em vừa nói:

– Thưa mẹ, con tìm về với mẹ con và mẹ con nói: “Ta sẽ đánh mày”. Con tìm về với cha con và cha con đã đuổi con đi. Mẹ ơi! xin mẹ đừng đuổi con đi nữa nghe. Ít là mẹ, xin mẹ hãy thương con.

Mỗi ngày, ở nhiều nơi trên thế giới, những cảnh tượng giống như thế vẫn thường xảy ra và không phải chỉ xảy ra ở những nước nghèo đói như Ấn Độ, mà còn xảy ra ngay cả ở những nước giàu có và tiên tiến. Những đứa trẻ đang khao khát được yêu thương và được chăm sóc. Đây chính là sự nghèo đói sâu xa nhất!

Mẹ Têrêsa đã từng đón nhận hơn 40 ngàn người bị bỏ rơi như vậy ở các ngả đường thành phố Calcutta. Mẹ mang họ về các viện mồ côi, các trung tâm cấp cứu và ở đó, họ đã chết cách bình an dưới cái nhìn đầy yêu thương của Thiên Chúa và với niềm xác tín là được Chúa yêu thương, một tình thương được cụ thể hóa qua tình thương của Mẹ Têrêsa và các nữ tử Bác ái của mẹ. Mẹ và các chị chưa từng thấy ai trong số những người nghèo bị bỏ rơi ấy từ chối tình thương của Chúa. Trong những giây phút cuối đời, tất cả họ đều đã nói: “Lạy Chúa, con yêu Chúa, và con tin Chúa rất yêu thương con”.

Để kết thúc tôi xin được gửi đến anh chị em một bài thơ được treo tại Đan viện các nữ tu dòng thánh Clara nước Brasil. Bài thơ như sau:

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sự sống,
nhưng bạn có thể mang lại cho người khác ý muốn vui sống.
Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban Đức tin,
nhưng bạn có thể làm chứng nhân cho Ngài.
Chỉ có Thiên Chúa mang lại niềm hy vọng,
nhưng bạn có thể mang lại niềm tín thác cho anh chị em mình.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tình thương,
nhưng bạn có thể dạy tha nhân biết yêu thương.
Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hòa bình,
nhưng bạn có thể gieo sự đoàn kết.
Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban niềm vui,
nhưng bạn có thể mỉm cười với mọi người.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sức mạnh,
nhưng bạn có thể nâng đỡ người nản chí thất vọng.
Chỉ có Thiên Chúa là Đường,
nhưng bạn có thể chỉ đường cho người khác.
Chỉ có Thiên Chúa mới là ánh sáng,
nhưng bạn có thể làm ánh sáng ấy tỏa sáng trước mặt người khác. Amen.


THỨ BA TUẦN 18 THUỜNG NIÊN
Mt 14,22-36

Đức Giêsu liền bảo các ông:
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
(Mt 14,27)

1. Phép lạ bánh hóa nhiều hôm qua và đặc biệt phép lạ Chúa đi trên mặt nước hôm nay phải được nhìn như là cách Chúa Giêsu huấn luyện đức tin cho các môn đệ. Thật vậy, họ vừa sững sờ vì phép lạ bánh hóa nhiều, bởi vì chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, thế mà Chúa đã làm cho hơn năm ngàn người ăn mà còn dư 12 thúng đầy bánh vụn. Phép lạ này làm cho tâm trí họ nhớ lại phép lạ Manna trong sa mạc xưa. Nay đến phép lạ Chúa đi trên mặt nước, họ lại thấy quyền năng Chúa trên vạn vật, và có lẽ họ cũng nhớ lại quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa vì thế họ mới tuyên xưng: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa.”(Mt 14,33).

Ông Phêrô bước xuống đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Nhưng khi thấy gió nổi lên thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm xuống, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với.”(Mt 14,30)

Câu chuyện này cho thấy, Chúa thông ban quyền thắng sự dữ cho Phêrô. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào lòng tin của ông. Bao lâu còn tập trung tâm trí vào Chúa Giêsu, thì ông khống chế được bão tố của biển khơi là sự dữ, nhưng khi tâm trí rời xa Chúa, ông liền bị chìm ngay.

Bao lâu người Kitô hữu còn tập trung tâm trí vào Chúa Giêsu thì chẳng có gì phải sợ, nhưng một khi đã quay lưng lại với Chúa thì mọi sự sẽ trở nên tồi tệ ngay lập tức.

Có người kể lại giấc mơ của mình như sau: Tối hôm qua, tôi mơ thấy mình đang cầu nguyện, bỗng chốc một luồng ánh sáng xuất hiện; trong ánh sáng huy hoàng đó, tôi nhận ra Chúa Giêsu đang đứng trước mặt tôi, Ngài mỉm cười nhìn tôi và nói:

– Con hãy đến ngồi trên tấm thảm này với Ta.

Lòng tràn đầy vui sướng, tôi tiến lại gần bên Chúa và ngồi xuống trên tấm thảm bên cạnh Ngài. Tấm thảm từ từ bay bổng lên không trung đưa theo Chúa Giêsu và tôi ngồi trên đó. Tôi mỉm cười, lòng đầy vui sướng và tự nhủ: thật không còn gì hạnh phúc cho bằng được ở gần bên Chúa.

Một lúc sau, tôi quay nhìn Chúa Giêsu để bày tỏ niềm vui của tôi; thế nhưng tim tôi thắt lại và bắt đầu đập mạnh, vì tôi có cảm tưởng như Chúa không còn bận tâm gì đến tôi nữa, bởi lẽ Ngài đang chăm chú rút từng sợi chỉ của tấm thảm thả cho nó bay lơ lửng ở trên không trung theo chiều gió. Thế là chẳng mấy chốc tấm thảm chỉ còn lại phân nửa. Hết sợi chỉ này đến sợi chỉ khác từ từ bay. Chân tay tôi bắt đầu run lên vì hoảng sợ, thế nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên tiếp tục rút từng sợi chỉ như chẳng có gì xảy ra. Sau cùng tôi kêu lên:

– Lạy Chúa, Chúa đang làm gì thế? Chúa không thấy là chẳng còn mấy chốc nữa tấm thảm của chúng ta sẽ tan tành hay sao?

Chúa Giêsu mỉm cười nắm lấy tay tôi và nói:

– Sao con lại nhát đảm và kém lòng tin như thế? Con hãy bám chặt vào Ta, con sẽ không phải sợ gì nữa, mặc dù con sẽ bị tước đoạt hết mọi sự, cả đến sợi chỉ cuối cùng.

Chúa Giêsu vừa dứt lời, thì quả thực sợi chỉ cuối cùng của tấm thảm cũng bị rút đi và tôi giật mình thức giấc.

2. Vâng, có Chúa thì không có gì phải sợ nhưng làm sao để lúc nào chúng ta cũng có thể cảm nhận được Chúa luôn ở với chúng ta?

Nhà hiền triết Uddalaka muốn dạy cho đứa con của ông là Svetalefu biết cách nhận ra Đấng Duy Nhất qua muôn vàn dáng vẻ của các sự vật. Ông thường dùng những dụ ngôn để dạy con. Một lần kia ông nói với con ông: “Hãy bỏ nắm muối này vào dĩa nước cha đặt ở đây và sáng ngày mai hãy trở lại gặp cha!”

Người con làm đúng theo lời cha anh dạy. Hôm sau, cha anh bảo:

– Con hãy lấy cho ta nắm muối hôm qua con bỏ vào trong nước.

– Thưa cha, con không thể làm được vì muối đã tan trong nước hết rồi. Người con nói.

– Vậy con hãy nếm dĩa nước đó bắt đầu từ mép bên phải qua mép bên kia xem con thấy mùi vị gì?

– Muối.

– Bây giờ, con hãy nếm phía mép kia của cái dĩa xem con thấy mùi vị gì?

Uddalaka nói.

– Muối.

– Hãy phơi cái dĩa ra ngoài nắng đi. Người cha nói.

Người con làm y như thế và nhận thấy rằng, sau khi nước bốc hơi, muối lại xuất hiện. Lúc đó Uddalaka bèn nói:

– Con ạ, con không thể nào nhận ra Thiên Chúa ở đây, nhưng thật ra Người luôn có đó.

Thiên Chúa không hiện diện như một ảo ảnh hay một bóng ma. Ngài luôn sẵn sàng đưa cánh tay ra để nâng đỡ mỗi khi con người nao núng vấp ngã. Thánh Phêrô đã thực sự cảm nghiệm được bàn tay cứu độ của Chúa, khi ngài sắp chìm xuống vực sâu. Chính vì thế mà Chúa muốn chúng ta phải luôn tin tưởng vào Chúa.

Lạy Chúa, thật sự con là kẻ yếu lòng tin. Xin Ngài hãy đến với con, giúp cho con biết bám chặt vào Chúa mỗi khi con gặp thử thách. (Hosanna).


THỨ TƯ TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
Mt 15,21-28

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.
Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”
(Mt 15,28)

1. Có thể khẳng định rằng, trong đời không ai mà không gặp thử thách. Qua việc Chúa thử thách người đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay, dường như Chúa muốn nói với mọi người rằng, thử thách, nhất là sự thử thách về đức tin là cơ hội, là dịp để cho con người được trưởng thành hơn.

Đây là những tư tưởng được ghi từ Internet:

– Một con tằm phải trải qua đau đớn để tự chui ra khỏi cái kén và trở thành con bướm biết bay.

– Một hạt giống nằm sâu trong lòng đất nảy mầm phải tự vươn thẳng lên xuyên qua tầng đất dày để thành cây cứng cáp.

– Con tằm nào được người ta cắt vỏ kén chui ra sẽ mãi bò quẩn quanh cái kén mà không bao giờ thành loài bướm biết bay.

– Hạt giống nằm trên mặt đất dễ dàng nảy mầm nhưng sẽ bị bật gốc khi gặp cơn giông tố.

– Bạn đã từng nghe nói đến vỉa đá ngầm nổi tiếng kéo dài 1.800 dặm từ New Guinea đến Úc mà khách du lịch một khi đã đến nơi đây, không thể không ghé thăm. Tại đây, một người khách đã hỏi người hướng dẫn viên du lịch một câu hỏi khá thú vị:

– Tôi quan sát thấy cũng vỉa đá này, ở ngoài đại dương nó thật rực rỡ và sống động trong khi trong hồ nước nó lại xám xịt và thiếu sức sống. Tại sao lại như thế?

Người hướng dẫn viên giải thích rằng: “Những vỉa đá dưới hồ tuy chìm trong nước nhưng vì không phải đấu tranh sinh tồn nên chúng chẳng thể hoàn thiện được. Trong khi đó, những vỉa đá phía đại dương lại không ngừng đối diện với biết bao nhiêu là sức mạnh khắc nghiệt của thiên nhiên như sóng gió, bão tố… để tồn tại. Và khi chịu đựng những thử thách như thế, nó mới có cơ hội để thay đổi và thích nghi. Nó vẫn phát triển thật mạnh mẽ và liên tục tái sinh”.

– Có nghịch cảnh, có thử thách thì mới biết rằng, bạn đang sống. Thử thách giúp bạn mạnh mẽ và kiên trì hơn. Nếu gặp khó khăn, bạn không nên quá lo lắng hay sợ hãi. Đừng chùn bước và hãy tự nói với mình rằng: “Nhờ vậy mà ta trưởng thành… “.

– Con người không thể chọn cho mình nơi sinh ra, nhưng có thể tự chọn cho mình một cách sống. Thất bại, bất hạnh có thể là điều tuyệt vọng với người này nhưng có thể là may mắn với người khác – tùy vào cách chúng ta đón nhận, bằng cách dũng cảm vượt qua hay tự than thân trách phận mà gục ngã.

2. Chúng ta hãy nghe Lời Chúa nói với bà: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì được như vậy”. Từ giờ đó, người con gái bà được khỏi. (Mt 15,28).

Nếu có ai đó nghiên cứu về lịch sử thơ văn thì người đó không thể không biết đến tên tuổi của Lý Bạch. Lý Bạch là một trong những thiên tài lừng lẫy nhất của thế giới. Thơ ông bát ngát những ước mơ đẹp, thấm thía tình thương yêu con người. Làm sao mà ông được như vậy?

Tương truyền, từ thuở nhỏ, Lý Bạch đã yêu say đắm thiên nhiên, ao hồ, sông núi nhất là những con người trong vùng. Chú bé thường mải mê đi tìm những hoa cỏ đẹp, có khi quên cả buổi học, chán cả lớp học.

Một hôm, chú men theo dòng suối đến chân núi, thấy một người đàn bà tóc bạc ngồi mê mải với một phiến đá và một mảnh sắt nhỏ. Chú đến gần xem và tò mò hỏi:

– Bà ơi, bà mài sắt làm gì thế bà?

Bà nhìn chú bé đáng yêu, đáp:

– Bà mài sắt để làm kim khâu cháu ạ!

Mặt bà sao phúc hậu thế. Giọng bà sao hiền từ thế. Rồi bà bảo bé Lý Bạch ngồi bên bà. Chú nhìn đăm đăm hai bàn tay đưa đi đưa lại miếng sắt hàng trăm ngàn lần trên phiến đá mài, chú khẽ hỏi:

– Miếng sắt to thế này mà làm kim được hở bà?

Bà bảo:

– Mài mãi, sắt cũng mòn đi, bé lại, rồi thành cái kim.

Chú lại hỏi:

– Thế bao giờ mới xong hở bà?

Bà đáp, giọng ôn tồn, nhỏ nhẹ:

– Bà cứ mài, mài mãi, hôm nay, mai, một tháng, hai tháng, năm nay, sang năm, thế nào cũng xong – bà nói tiếp, dằn giọng hơn – phải xong.

Chào bà cụ, chú bé đứng dậy ra về. Suốt dọc đường, chú suy nghĩ về lời bà: có công mài sắt, có ngày nên kim. Cái phút bà ngẩng nhìn chú với ánh mắt sáng mà nói:“Thế nào cũng xong, phải xong”, cái phút ấy làm bừng lên một luồng sáng thật sáng nơi lòng chú bé và suốt đời vẫn còn rung động mãi trong tâm hồn, trái tim của Lý Bạch. Từ ngày ấy, Lý Bạch chú ý hơn đến sách vở, lớp học, rồi quen dần, ham mê đọc thật nhiều sách, ghi chép cẩn thận. Với tâm hồn dễ xúc động, với kiến thức rộng bao la, Lý Bạch để lại cho đời sau những áng thơ tuyệt mỹ.

Xin được kết thúc bằng lời chúc của Thánh Giacôbê: “Phúc thay người biết kiên trìchịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người.” (Gc 1,12)


THỨ NĂM TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
Mt 16,13-23

“Này anh Simôn con ông Giôna,
anh thật là người có phúc,
vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy,
nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”
(Mt 16,17)

1. Chúa Giêsu biết giờ cuối cùng của Ngài sắp đến gần, nên Chúa dành nhiều thời giờ sống riêng với các môn đệ. Ngài có nhiều điều cần phải nói với họ, dù có những điều họ không thể lãnh hội, và không thể hiểu thấu. Chúa rút về địa phận thành Césarê Philipphê. Thành này cách biển Galilê chừng 40 km về phía đông bắc, nằm ngoài lãnh địa của Hêrôđê Antipas, người đang cai trị vùng Galilê, và thuộc địa phận của vương hầu Philipphê. Dân cư ở đây phần lớn không phải là người Do Thái, ở đó Chúa Giêsu sẽ được yên tĩnh hơn để dạy dỗ mười hai môn đệ của Ngài cho tốt hơn.

Lần này, Chúa Giêsu phải đối diện với một đòi hỏi cấp bách. Thì giờ của Ngài không còn bao nhiêu. Số ngày của Ngài trên đất chỉ còn đếm từng ngày. Vấn đề là: đã có ai hiểu được Ngài không? Đã có ai nhận ra Ngài là ai và đã làm gì không? Và rồi sau này thì ai sẽ tiếp tục công việc của Ngài, hoạt động cho Nước Ngài khi Ngài rời bỏ trần thế này? Hiển nhiên, đây là một vấn đề hết sức trọng đại có liên quan đến sự sống còn của đức tin vào Chúa Kitô. Nếu không có ai nắm được chân lý, không có ai tiếp thu được những lời Ngài dạy thì bao nhiêu công lao của Ngài sẽ tan thành mây khói.Vì vậy, Chúa Giêsu quyết định trắc nghiệm các môn đệ yêu quí của Ngài. Ngài hỏi những người theo Ngài: “Người ta nói Con Người là ai ?” (Mt 16,13).

2. Sau khi đã nghe qua những lời nhận định của quần chúng, Chúa đã đặt một câu hỏi hết sức quan trọng với các tông đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”(Mt 16,15). Sau câu hỏi ấy, chắc các tông đồ chưa dám trả lời ngay. Tâm trí các ông còn băn khoăn và e ngại không biết phải nói thế nào. Rất may ngay sau đó, Phêrô đã đưa ra điều khám phá và lời xưng nhận bất hủ của ông.

Nghe xong lời tuyên xưng đó chắc chắn Chúa Giêsu đã hài lòng vì Ngài biết rằng, công tác của Ngài ít nhất cũng được bảo đảm vì đã có người hiểu Ngài: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (Mt 16,16)

Sau khi nghe Phêrô tuyên xưng như thế, dường như Chúa đã bằng lòng nhưng thật lòng Ngài vẫn chưa được yêm tâm cho lắm. Có lần Napoléon đã nói về Chúa Giêsu như thế này: “Tôi biết con người, nhưng Chúa Giêsu còn hơn một con người”. Vậy thì làm sao lời tuyên xưng của Phêrô nói hết được nội dung Chúa mong chờ. Bằng chứng là ngay sau đó, ông đã làm cho Chúa phải trách ông nặng lời khi ông công khai can ngăn Chúa.

Như vậy, chúng ta thấy sự khám phá ra con người của Chúa Giêsu không phải là một khám phá dễ dàng. Phải có ơn Chúa soi sáng mới được. Khi Philatô hỏi Chúa Giêsu, Ngài có phải là Vua dân Do Thái không, thì Ngài trả lời: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”(Ga 18,34).

Như vậy, một người có thể biết hết mọi điều Chúa Giêsu nói, có thể biết hết mọi điều về giáo lý Chúa Giêsu dạy. Họ cũng có thể tóm lược đầy đủ những giáo huấn về Chúa Giêsu mà nhiều nhà tư tưởng, thần học đã viết về Chúa, nhưng chưa chắc họ đã là một Kitô hữu đúng nghĩa. Kitô giáo không nằm trong sự hiểu biết về Chúa Giêsu mà ở chỗ cảm nghiệm được Ngài. Ngài đòi hỏi mọi người phải có nhận biết riêng của mình, ngài không chỉ hỏi Phêrô mà còn hỏi mỗi người: “Còn ngươi, ngươi cho ta là ai?”

Nhà điêu khắc Dannecker người Đức, đã để nhiều công khó trong công tác tạc một bức tượng của Chúa Giêsu bằng cẩm thạch. Trong hai năm đầu, bức tượng đã xong, nhà điêu khắc mời một em bé vào phòng vẽ của mình và hỏi em bé rằng:

– Ai đó?

Em bé tức khắc trả lời:

– Một vĩ nhân.

Nhà điêu khắc buồn và nghĩ rằng, công khó của mình trong hai năm kể như đã hỏng. Ông tiếp tục tạc lại trong sáu năm nữa và mời một em bé khác vào phòng vẽ và hỏi:

– Em biết bức tượng này là ai không?

Sau khi nhìn bức tượng một lúc, yên lặng và nước mắt trào ra đôi mi, em khẽ nói:

– Hỡi những con trẻ đau khổ hãy đến cùng ta!

Nhà điêu khắc thỏa mãn, thành công về tác phẩm của mình. Nhà điêu khắc Dannecker sau đó đã tuyên bố:

– Tôi đã thấy Chúa Cứu Thế Giêsu và hình ảnh của Ngài đã thể hiện trong khi tôi tạc bức tượng Ngài bằng cẩm thạch này.

Sau đó ít lâu, hoàng đế Napoléon Bonaparte yêu cầu nhà điêu khắc tạc cho hoàng đế một bức tượng nữ thần Vệ Nữ để trưng bày trong viện bảo tàng viện Louvre, Paris. Hoàng đế hứa sẽ trả cho ông một món tiền rất lớn, nhưng Dannecker từ chối. Ông nói rằng: “Một người đã thấy Đấng Kitô và đã tạc vẻ mặt của Ngài rồi thì không thể dùng nghệ thuật của mình vào những việc ở đời này được nữa, bởi vì làm như thế là tục hoá nghệ thuật của mình mất rồi.”


THỨ SÁU TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
Mt 16,24-28

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình,
vác Thập Giá mình mà theo.”
(Mt 16,26-26)

1. “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi, vác Thập Giá mình mà theo”. (Mt 16,24)

Thập Giá luôn là điều khó chấp nhận. Khi nghe Chúa báo tin cuộc tử nạn của Ngài sắp tới, Phêrô liền can ngăn Chúa. Đó là một phản ứng rất tự nhiên. Người ta ai cũng muốn thoát ra ngoài những đau khổ của cuộc sống, đó là một phản ứng của bản năng tự vệ. Chúa Giêsu cũng đã tỏ ra sợ hãi trước cuộc tử nạn của Ngài, nhưng ngay sau đó, Ngài đã thưa: “Nhưng xin vâng ý Cha.”(Mt 26,42).

Văn sĩ Công giáo người Anh, tên là Gilbert Keith Chesterton (1874-1936) đã mô tả thảm họa của thuyết vô thần trong một cuốn tiểu thuyết mang tựa đề là: “Bầu trời và Thập Giá”. Trong tác phẩm đó, một giáo sư vô thần tên là Luxiphe được ông cho ngồi bên cạnh một tu sĩ tên là Micae trên một chuyến bay xuyên qua Anh quốc.

Khi máy bay đi qua London giáo sư Luxiphe bỗng nhìn thấy Thập Giá trên tháp chuông nhà thờ chính tòa. Không thể tự chế được, ông đã thốt lên lời xỉ vả đối với Kitô giáo. Vị tu sĩ mới xin phép kể câu chuyện sau đây:

“Tôi cũng biết có một người thù ghét Thập Giá. Ông ta tìm mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm có hình nghệ thuật Thập Giá ông đều xé nát. Ngay cả cây Thánh Giá bằng vàng ở cổ vợ ông, ông cũng tìm cách giựt đứt mà liệng đi. Ông bảo rằng, Thập Giá là biểu tượng của sự dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.

Ngày kia, không còn chịu đựng nổi hình thù của Thập Giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ giáo xứ, đập gẫy Thập Giá mà liệng xuống. Sự thù hằn đối với Thập Giá không mấy chốc đã biến ông thành điên loạn.

Một buổi chiều mùa hè nóng bức, ông đứng tựa lưng vào một ban công gỗ, miệng phì phào khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên cả chiếc ban công gỗ biến thành một đạo binh Thánh Giá.

Rồi trước mặt ông, đàng sau ông nơi nào cũng có Thập Giá. Ông hoa cả mắt lên. Ông cầm gậy đánh đổ tất cả những cây Thập Giá ấy. Vào trong nhà, bất cứ vật gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù Thập Giá. Không thể dùng gậy mà đập nữa, người đàn ông ấy đành phải dùng đến lửa may ra mới tiêu diệt được Thập Giá. Thế là ngọn lửa bốc cháy thiêu rụi cả căn nhà.

Ngày hôm sau, người ta nhìn thấy xác của người đàn ông đáng thương trong dòng sông bên cạnh nhà.

Câu kết luận mà văn sĩ đã đặt trên môi vị tu sĩ là: “Nếu bạn bắt đầu bẻ gãy Thập Giá, thì chẳng mấy chốc bạn cũng sẽ phá hủy chính cái thế giới có thể sống được này.”

2. “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống”. (Mt 16,25)

Trong quyển sách có tựa đề là:“Sức thu hút của Thiên Chúa”, tác giả người Italia, ông Alessandro Fonsato đã kể lại câu chuyện vui sau đây về con búp bê bằng muối.

Muốn tìm hiểu thế nào là biển cả – để thỏa mãn tính tò mò của mình, con búp bê một mình tiến ra bờ biển và hỏi:

– Biển cả ơi, bản chất của biển cả là như thế nào?

Và biển cả trả lời:

– Biển cả là biển cả. Nếu ngươi muốn biết ta là như thế nào thì hãy xuống đây, hãy để cho toàn thân ngươi thấm nhập vào biển cả.

Con búp bê bằng muối do dự. Nhưng rồi vì tính tò mò thúc đẩy, nó tiến gần ra mặt nước rồi đưa hai chân thấm vào nước biển. Trong nháy mắt sóng biển đánh mạnh vào đôi chân bằng muối của nó làm cho đôi chân tan tành trong nước biển. Con búp bê kinh hãi lùi lại, nhưng đôi chân đã mất. Tiếng biển cả dịu dàng mời gọi:

– Này con búp bê nhỏ kia ơi, đừng sợ – biển cả là biển cả – Ngươi muốn biết biển cả như thế nào thì đừng sợ. Hãy tiến vào đây với ta. Ta sẽ bảo vệ ngươi. Ngươi sẽ được hòa nhịp với ta và hiểu ta như thế nào. Hãy can đảm lên. Nếu bỏ cuộc nửa chừng thì không bao giờ ngươi sẽ hiểu được biển cả như thế nào đâu, và phải sống những tháng năm còn lại với đôi chân đã mất.

Lại bị tính tò mò thúc đẩy, con búp bê ngâm mình xuống biển. Chỉ một lát sau con búp bê bằng muối đã hòa tan trong nước biển và hiểu được thế nào là biển cả.

Như con búp bê được biển cả mời gọi dìm mình vào trong lòng biển cho mình hòa tan trong biển để hiểu được biển cả, thì mỗi người chúng ta cũng được mời gọi dìm mình vào trong Thiên Chúa. Cần để cho cái tôi biến mất đi trong Thiên Chúa để có thể hiểu biết Thiên Chúa, sống kết hiệp với Ngài mật thiết hơn. “Ai yêu thích mạng sống mình thì sẽ mất nó, ai liều mạng sống mình vì ta thì sẽ được sống”.(Mt 10,39)

Ước chi mỗi người chúng ta có thể đạt tới mức độ sống để nói được như thánh Phaolô:

“Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. (Gl 2,20)


THỨ BẢY TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
Mt 17,14-19

 “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà!
Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ,
còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?
(Mt 17,17)

Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay là sức mạnh của lòng tin: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi… sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.

1. Ở đây chúng ta không thể không xúc động trước đức tin của người cha cậu bé.

Dầu các môn đệ đã được Chúa ban quyền trừ quỉ, nhưng trong trường hợp này họ phải công nhận mình bất lực. Nhưng dù các môn đệ thất bại, người cha vẫn không chút nghi ngờ quyền phép của chính Chúa Giêsu. Đứng trước sự việc mới xảy ra, dường như ông ta đã tự nhủ: “Nếu tôi gặp được chính Chúa Giêsu thì mọi khó khăn của tôi sẽ được giải quyết, nhu cầu của tôi sẽ được thỏa mãn”.

Ở đây có một cái gì rất chua chát, có một cái gì đó rất phổ biến và thức thời. Có nhiều người cảm thấy Giáo hội, những người theo Chúa Giêsu, trong thời mình, thế hệ mình đang sống đã thất bại, đã bất lực không thể đối phó nổi với những thói hư tật xấu của con ngườiNhưng trong tâm tưởng họ nghĩ được rằng: “Nếu ta có thể vượt qua được người theo Chúa hôm nay; nếu ta có thể tiến tới phía sau bộ mặt của Giáo hội, bỏ qua sự thất bại của Hội thánh, mà gặp được chính Chúa Giêsu thôi, thì ta sẽ nhận được những điều chúng ta cần”. Đây là điều vừa lên án chúng ta vừa khích lệ chúng ta, nhiều người dù đã mất lòng tin nơi Giáo hội, vẫn không bao giờ bỏ mất niềm tin nơi Chúa Giêsu.

Có một người hỏi một học giả Á Đông nổi tiếng là người xác tín vào Thiên Chúa rằng:

– Tại sao ông là người học cao hiểu rộng, đã biết đến nơi đến chốn về các tôn giáo, về các triết lý cao siêu của Á Đông mà ông lại đón nhận Tin Mừng như vậy?

Vị học giả trả lời:

– Tôi vốn dĩ giống như một người chìm tàu giữa đại dương, sóng cả dập vùi, sức người có hạn. Các vị lãnh đạo tôn giáo khác đã dạy tôi rằng: Con phải bơi lội theo phương pháp này, tập dưỡng sức theo phương pháp nọ. Nhưng các lý thuyết ấy không cứu vớt tôi ra khỏi biển sâu. Chỉ có Chúa Giêsu, Ngài đã nhảy xuống biển và liều chết để cứu vớt tôi, vì vậy tôi tin vào Ngài.

2Và cũng ở đây, chúng ta thấy đức tin hết sức cần thiết.

Đây là những lời của mẹ Têrêsa:

“Thế giới thiếu vắng đức tin vì có quá nhiều ích kỷ, quá nhiều cái tôi. Để sống đức tin chân thật, lòng người phải quảng đại cho đi.

Thành quả của lời cầu nguyện là đức tin. Thành quả của đức tin là tình yêu. Thành quả của tình yêu là phục vụ. Thành quả của phục vụ là hòa bình”.

“Theo huyết thống, tôi là người Anbani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian này. Và theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về những người bất hạnh, đau khổ”.

Ngày xưa, những vua nước Ba Tư có thói quen để trong gối 5 vạn đồng tiền vàng cho dễ ngủ. Hoàng đế Caligual nuôi nhiều thú dữ ngoài cửa đền để ngăn không cho ai vào khi ngài ngon giấc. Bertom để một cái vòng trên đầu trong khi ngủ, để đề phòng nhỡ trần nhà có rơi xuống thì không bị vỡ đầu. Nhưng những cái đó thực ra có ích lợi gì?… Cái gối tốt nhất và êm nhất là lương tâm yên tĩnh.

Piere de Verónne đã phải chịu đau đớn vì Đức Tin. Người bị đâm nhiều nhát. Sau những nhát đâm đầu tiên. Người can đảm kêu to: “Tôi tin!”. Khi ngã xuống, không thể nói được nữa, Người lấy ngón tay nhúng vào máu viết lên mặt đất: “Tôi tin!”.

Nếu có đức tin thì không có việc gì phải sợ. Khi Chúa Giêsu nói về việc chuyển núi dời non thì Ngài dùng một thành ngữ quen thuộc đối với người Do Thái. Chuyển núi dời non là những từ ngữ thường người Do Thái dùng để chỉ sự thanh toán những khó khăn. Chúa Giêsu không hề dùng nó theo nghĩa đen, hữu hình. Ngài muốn nói rằng: “Nếu ngươi có đủ đức tin, tất cả mọi khó khăn sẽ được giải quyết, luôn cả những công tác khó khăn nhất cũng có thể thực hiện được”.

Một tướng quân quyết định tấn công cho dù binh lính của ông chỉ bằng một phần mười quân địch. Ông quả quyết rằng sẽ thắng, nhưng lính của ông rất nghi ngờ.

Vì thế, trên đường đi tới trận chiến, ông dừng lại ở một nhà thờ và cầu nguyện. Khi trở ra, ông nói:

– Tôi sẽ tung một đồng tiền lên. Nếu nó ngửa, chúng ta sẽ thắng. Nếu nó sấp, chúng ta sẽ thua. Vận mệnh bây giờ sẽ được tiết lộ.

Ông tung đồng tiền lên. Nó ngửa. Những người lính rất hăm hở vào trận đấu và tin rằng họ sẽ thắng cách dễ dàng.Hôm sau, một sĩ quan có niềm tin mạnh nói với tướng quân rằng:

Kết quả cho ta thấy rằng không ai có thể thay đổi cánh tay vận mệnh.

Tướng quân trả lời:

– Rất đúngvà ông cho anh hay rằng đồng tiền có hai mặt ngửa.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý