Linh mục Alexander Stroobandt, đang bị truy tố vì đã giữ im lặng về ý định tự tử của một người quen.
Lập luận của bên bị cáo dựa trên cơ sở bí mật của tòa giải tội mà linh mục muốn bảo vệ.
Ngày thứ tư, 15 tháng 11, trước Tòa án hình sự Bruges (Bỉ), vụ án đã được dời lại. Vụ án được dời lại vài tháng và sẽ xử trước tháng 2 năm 2018. Luật sư Jan Leysen bên bị cáo nói: “Việc tòa dời lại vụ án đưa thân chủ của tôi ra tòa không làm cho tôi ngạc nhiên. Điều này không có nghĩa là thân chủ tôi có tội, chỉ là cuộc điều tra đã đưa ra những yếu tố nghiêm trọng chống lại thân chủ tôi”.
Tháng 10 năm 2015, cha Alexander Stroobandt, 57 tuổi, tuyên úy ở nhà hưu dưỡng Bruges, nhận được cú điện thoại của ông Tony Vantomme, 54 tuổi. Hai người quen nhau từ hai mươi năm nay. Bị trầm cảm, ông Tony Vantomme tâm sự với linh mục ước muốn chấm dứt cuộc đời của mình. Sau ba lần điện thoại và một số tin nhắn SMS trao đổi, ông Tony tự sát trong nhà để xe của mình.
Giải tội hay nói chuyện?
Đối với bà góa phụ, điều bà không thể hiểu được: tại sao linh mục lại không làm gì để ngăn cản chồng mình hành động? Và trên tất cả, tại sao không lập tức cảnh báo? Vài ngày sau khi chồng chết, bà hỏi Cha Stroobandt và cha cho biết, cha bị ràng buộc bởi bí mật của tòa giải tội.
Về điểm này, hai bên không đồng ý. Luật sư Patrick Martens bên nguyên cáo gằn mạnh: “Không phải xưng tội!”, ông đã đệ đơn tố cáo linh mục về việc không giúp đỡ cho người đang bị nguy hiểm. “Đó chỉ là cuộc trò chuyện điện thoại giữa một linh mục và một người đàn ông cần giúp đỡ. Hay đơn thuần linh mục nói với chồng của khách hàng tôi, nếu anh ta muốn tự tử, đó là quyền của anh và tôi không thể can thiệp.”
Mặt khác, bên bị cáo cho rằng Tony Vantomme đã gọi cho Cha Stroobandt để xưng tội trước khi kết liễu đời mình. Ông Janet Leysen, luật sư của linh mục, nói: “Báo cho ai biết hành động sắp làm của một người xưng tội là vi phạm bí mật tòa giải tội. Dù không dễ dàng, khách hàng của tôi đã làm điều duy nhất ông có thể làm.” Linh mục cũng cho biết mình đã cố ngăn cản người đối thoại của mình tự tử.
Tranh luận về tính bất khả xâm phạm của giáo luật
Đối với nhà thần học người Bỉ, Henri Wattiaux, giáo sư danh dự về thần học luân lý tại Đại học Công giáo Louvain-la-Neuve, sự kiện bí tích xưng tội bằng điện thoại “ít ra phải được bàn thảo”. Nhà thần học mói tiếp: “Vậy nếu có nghi ngờ gì về vấn đề này, linh mục không nhất thiết phải giữ bí mật tuyệt đối.”
Hơn nữa, mặc dù Bộ Luật Hình sự Bỉ bảo vệ bí mật nghề nghiệp nói chung, bí mật của tòa giải tội không bao giờ được đề cập một cách rõ ràng. Luật sư Jan Leysen ghi nhận: “Có một quy luật cho rằng bí mật bí tích giải tội là một khía cạnh của bí mật nghề nghiệp, nhưng có một quy luật khác nói ngược lại”,.
Đối với Giáo hội Công giáo, bí mật tòa giải tội là tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Giáo luật (điều 1388) thậm chí còn dứt phép thông công (latae sententiae) cho cha giải tội nào vi phạm. Nhưng đặc biệt trong trường hợp ấu dâm, bí mật này là vấn đề gây tranh luận gần đây, một vấn đề được đặt lại với lý do có sự tiến triển của luật pháp.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)