Tại sao có quá ít Người Nhật theo Đạo Công Giáo

Đức Phanxicô, trong mấy ngày tới sẽ đến Nhật. Ngài vẫn nổi tiếng là vị Giáo Hoàng thích đến thăm những nơi ít có người Công Giáo. Thái Lan hiện chưa có tới 400,000 người Công Giáo. Nhật thì hơn một chút, mặc dù hai quốc gia này đã có sự hiện diện của các vị thừa sai nổi tiếng nhất của Đạo Công Giáo từ tiền bán thế kỷ 16, trong đó, có Thánh Phanxicô Xaviê, người cùng Dòng với Đức Phanxicô.


Nhưng trong khi ít ai thắc mắc với Thái Lan, thì nhiều người tự hỏi: tại sao quá ít người Nhật theo đạo Công Giáo. Năm 2001, nhân chuyến viếng thăm “Ad Limina” của các Giám Mục Nhật Bản, tạp chí Zenit có đặt câu hỏi này với Giám Mục Okinawa, là Đức Cha Bernard Toshio Oshikawa, và được ngài cho hay: “Kitô giáo được nhân dân chấp nhận. Vào khoảng 70% người Nhật tỏ ý đánh giá cao Kitô Giáo, nhưng việc rất khó là làm họ trở lại. Giáo Hội ở Nhật vẫn còn bị coi như một sản phẩm ngoại quốc, vì, khi kết thúc chiến tranh, các thừa sai hiện diện đều phát xuất từ các nước Âu Châu hay Mỹ Châu”.

Ngài nói thêm: “các vị thừa sai cố gắng hết sức để tạo ra một Giáo Hội địa phương, nhưng chúng tôi luôn nói về một Giáo Hội xây dựng trên nền thần học theo khuôn mẫu Âu Châu và, do đó, xa rời nước Nhật về phương diện văn hóa”.

Chính vì thế, các Giám Mục đang cổ vũ việc hội nhập văn hóa đức tin Kitô Giáo. Tuy nhiên, trong diễn trình này, nhất là về phụng vụ, ngài cho hay “hiện vẫn còn nhiều mơ hồ. Chưa hoàn toàn rõ ràng phải thi hành chuyên biệt ra sao nhiệm vụ hội nhập văn hóa này. Nó là điều rất khó và là vấn đề đang ảnh hưởng đến mọi người chúng tôi, trong tư cách nhà truyền giáo và Kitô hữu”.

Mất nối kết với Giáo Hội

Năm 2008, tờ New York Times ( nytimes.com ) đến thăm một nơi họ gọi là “tiền đồn Công Giáo” ở Nhật, tức khu có tỷ lệ người Công Giáo cao nhất nuớc nhưng ở một nơi xa xôi hẻo lánh, khó đến nhất nước Nhật, tức khu Shinkamigoto thuộc Quần đảo Goto.

Cách nay nhiều thế kỷ, các Kitô hữu Nhật bị bách hại đã chạy về đây để có thể sống đức tin của họ tại một trong những nơi cực nam nhất của đất nước. Cuối cùng họ tạo nên những cộng đồng Công Giáo Rôma không thấy ở bất cứ nơi nào khác: những ngôi làng mọi người đều là Công Giáo, cuộc sống xoay quanh giáo xứ và cả lịch nhà trường cũng theo lịch của Giáo Hội.

Ngày nay, 1 phần tư gần 25,000 cư dân của khu này, gồm 7 hòn đảo có người ở và 60 hòn đảo không có người ở, là người Công Giáo, vẫn là một tỷ lệ phi thường trong một đất nước Kitô giáo không bén rễ được. Nó vẫn là tỷ lệ cao nhất Nhật Bản, nơi người Công Giáo chiếm khoảng 1 phần 3 của 1 phần trăm tổng dân số, và là nơi, tổng số Kitô hữu kém hơn 1 phần trăm.

Nhưng, giống như đạo Công Giáo của Nhật nói chung, số nhỏ này cũng đang mất dần sinh khí vì các lý do quen thuộc cả với người Công Giáo tại các nước giầu có khác lẫn riêng đối với Nhật Bản. Các người trẻ Công Giáo tại đây đang mất dần tiếp xúc với Giáo Hội, các nhu cầu tâm linh của họ được thoả mãn ở nơi khác. Những người bỏ đi tới các thành phố đang kết hôn với những người không Công Giáo và bị cuốn hút vào nền văn hóa không Kitô giáo.

Trong mấy năm vừa qua, một vài nhà thờ đã đóng cửa. Các thành viên đầu mỗi ngày mỗi bạc và biến dần tại nhiều trong số 29 nhà thờ, nhất là ở những hòn đảo khó đến nhất.

Cha Shigeshi Oyama, 61 tuổi, vì nạn thiếu linh mục, đã phải cử hành Thánh Lễ tại 2 nhà thờ vào Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay; ngài nói “tình thế ở đây hiện trầm trọng – có vấn đề một số nhà thờ sẽ bị bỏ trống”.

Các giáo dân đến Nhà thờ Hiyamizu dự Thánh lễ 7 giờ sáng: mặc dù trời lạnh căm, họ vẫn bỏ giầy ở cửa nhà thờ và đi chân không vào bên trong; các phụ nữ thì trùm đầu.

Ông Toshiyuki Mori, 40 tuổi, là một trong số họ. Ông đi lễ thường xuyên, mang theo đứa con trai Tomoyuki, 8 tuổi, làm cậu giúp lễ. Ông cho biết tuổi thiếu thời của ông xoay quanh giáo xứ, lấy vợ Công Giáo. Nhưng nay, ông thấy đức tin của ông như đang giảm dần. Nên ông không buộc con trai phải mãi là người Công Giáo: “khi cháu đủ trí khôn, cháu có thể bỏ nếu cháu muốn”.

Dù số người Công Giáo Nhật chỉ là 452,571 người năm 2006, hay 0.35 phần trăm tổng dân số Nhật, Cha Ritsuo Hisashi, một phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Nhật ở Tokyo cho rằng nó đã đạt đến cực điểm.

Giáo Hội hiện đang đương đầu với các vấn đề như thiếu các linh mục và nữ tu trẻ. Cha Hisashi cho hay: ở giáo phận Naha, thuộc Okinawa, các linh mục từ Việt Nam và Phi Luật Tân đã đến trám chỗ.

Nhắc lại lịch sử truyền giáo từ hồi Thánh Phanxicô Xaviê với nhiều hứa hẹn buổi đầu, sau đó bị các tướng quân bắt bớ cấm cách, phải chạy tới những nơi xa xôi, suốt hai thế kỷ, giữ đạo trong bí mật, không có linh mục, cho đến lúc người Mỹ buộc Nhật phải mở cửa vào thế kỷ 19, chứng tỏ người Công Giáo Nhật có một đức tin vững mạnh, vậy mà nay, như cha HiIsashi nói, “càng lạ lùng hơn xiết bao tại sao lại có quá ít tín hữu như vậy”.

Ở đây, tại Shinkamigoto, nhiều người cho rằng hiện tượng ngày một giầu có hơn đã làm cạn kiệt đức tin của người ta.Trước đây, người Công Giáo thường nghèo hơn người không Công Giáo, cư ngụ tại những nơi xa xôi, chỉ có thể đến bằng thuyền. Cách nay 3 thập niên, người ta mở mang đường xá tới những ngôi làng xa xôi nhất. Người Công Giáo bắt đầu thực hiện nhiều tiến bộ về kinh tế, xóa nhòa koảng cách giữa họ và những người không Công Giáo. Nhưng họ không còn lưu ý tới Giáo Hội nữa.

Thêm vào đó là sinh suất thấp, ảnh hưởng tới nông thôn Nhật Bản: người trẻ bỏ ra thành phố, không bao giờ trở lại, khiến cha mẹ không còn đường nào khác ngoài việc đoàn tụ với con.


Kết quả hình ảnh cho streetVới việc giảm dân số, các viên chức chính phủ hy vọng biến các nhà thờ của họ thành các địa điểm lôi cuốn du khách.

Tại giáo xứ Komeyama, ở cực bắc, bà Tsuyako Takeya, 66, cho biết tất cả con cái bà, trừ đứa nhỏ nhất đã ra thành phố. Chỉ có hai trong năm đứa cháu của bà được rửa tội vì các con bà cưới người không Công Giáo. Bà không rõ bao nhiêu đứa con của bà còn giữ đạo.

Những đứa ở lại làm những điều một thế hệ trước không ai dám nghĩ tới là bỏ Thánh Lễ và cưới người không Công Giáo. Hiện tượng này thay đổi nhiều thực hành của người Công Giáo: họ bắt đầu cầu nguyện cho người chết trong lễ cầu cho người chết của Phật Giáo giữa tháng Tám.

Ông Mitsunori Ikuta, 60 tuổi, cho hay “thời đại này, chúng tôi phải chấp nhận những điều như thế thôi”.

Khung suy nghĩ của Vatican không hợp với Giáo Hội Á Châu

Tờ National Catholic Reporter ( ncronline.org) thì tường thuật câu trả lời của các Giám Mục Nhật cho các câu hỏi chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Nói chung, các Giám Mục Nhật cho rằng khung suy nghĩ của Vatican không thích hợp với Giáo Hội Á Châu.

Theo các Giám Mục Nhật, các giáo huấn của Giáo Hội không được biết đến tại nước họ và quan điểm qui Âu Châu của Vatican đang gây trở ngại cho việc truyền giảng Tin Mừng tại các nước người Công Giáo chỉ là thiểu số rất nhỏ. Như Nhật chằng hạn, nơi người Công Giáo chỉ chiếm 0.35 phần trăm dân số nhưng có đến 76 phần trăm kết hôn với người không Công Giáo.

Về ngừa thai nhân tạo chẳng hạn, các Giám Mục Nhật cho rằng “Các người Công Giáo đương thời hoặc dửng dưng hoặc không biết gì về giáo huấn của Giáo Hội. Mà dù có biết, các ngài cho rằng, họ cũng không coi đó là phần quan trọng trong đời sống họ. Các giá trị xã hội và văn hóa cũng như các xem xét tài chánh quan trọng hơn”.

Họ tiếp tục viết “có một khoảng cách biệt giữa Vatican và thực tại. Việc dùng bao cao xu được khuyến cáo trong các lớp giáo dục sinh lý tại các trường”. Còn về các phương pháp ngừa thai tự nhiên, các Giám Mục Nhật cho hay: “có một số cố gắng dẫn nhập các thực hành như phương pháp Billings, nhưng ít người biết đến. Phần lớn, Giáo Hội tại Nhật không quá ám ảnh về các vấn đề tính dục”.

Vấn đề sống chung trước hôn nhân, các vị cho hay “thực hành mục vụ của Giáo Hội phải bắt đầu với tiền đề cho rằng sống chung và hôn nhân dân sự ở bên ngoài Giáo Hội đã trở thành chuyện thường tình”. Các ngài mang gương đức Kitô cư xử với người đàn bà Samaria, một người sống chung ngoài hôn nhân: Người không lưu ý đến chuyện ấy cho bằng nói chuyện một cách tôn trọng với nàng và đã biến nàng thành một nhà truyền giáo.

Các Giám Mục Nhật chỉ trích chính Bản Câu hỏi, cho rằng nó đã được soạn thảo với khung suy nghĩ của các nước theo Kitô Giáo trong đó, toàn bộ gia đình theo Kitô Giáo và coi các cuộc hôn nhân khác đạo là có vấn đề. Tuy nhiên ở Nhật, đại đa số các cuộc hôn nhân bao gồm nhiều tôn giáo khác nhau.

Lướt qua những dòng trên đây, người ta có cảm tưởng các nhà lãnh đạo Giáo Hội Nhật hình như nặng xu hướng đổ lỗi hơn là cố gắng xoay chiều tục hóa ngày một nặng trong Giáo Hội họ. Hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ thay đổi não trạng tiêu cực này.

Vũ Văn An

(vietcatholic 19.11.2019)