1. Các mục sư Tin Lành đều dạy phải xin Chúa tha tội, chứ không qua trung gian của ai cả. Như vậy có được không?
2. Có được xưng tội qua điện thoại hay email không?
3. Khi nào được phép xưng tội tập thể?
Trả lời :
1. Như tôi đã có đôi lần nói rõ là: chỉ có trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches) mới có đầy đủ bảy Bí Tích hữu hiệu mà Chúa Kitô đã thiết lập và ban cho Giáo Hội xử dụng để thánh hóa và ban ơn cứu độ của Chúa cho những ai muốn lãnh nhận để được cứu rỗi.
Liên quan đến Bí Tích hòa giải ( penance= reconciliation) Chúa Kitô đã ban quyền tha tội trước hết cho các Tông Đồ, và sau này cho Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh Tông Đồ như sau :
“ anh em tha cho ai, thì người ấy được tha
Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” ( Ga 20: 23)
Như thế rõ ràng cho thấy là Chúa muốn cho con người phải chạy đến với những người trung gian thay mặt Chúa là các Tông Đồ xưa kia và các vị thừa kế các Tông Đồ ngày nay là các Giám Mục trong Giáo hội để nhận lãnh ơn tha thứ qua bí tích Hòa giải. Các giám mục lại chia sẻ quyền tha tội này cho các linh mục là những cộng sự viên thân cận trực thuộc, cũng được chia sẻ Chức linh Mục đời đời của Chúa Kitô. ( Linh mục chia sẻ một phần, Giám Mục chia sẻ trọn vẹn Chức Linh Mục đó).
Nếu chỉ cần xưng tội trưc tiếp với Chúa mà không qua trung gian ai thì Chúa Giêsu đã không nói với các Tông Đồ những lời trên đây, sau khi Người từ cõi chết sống lại và hiện ra với các ông; cũng như trước đó đã không phán bảo Phêrô những lời sau đây :
“ Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo gỡ điều gì , trên trời cũng sẽ tháo gỡ như vậy.” ( Mt 16: 19)
Với quyền to lớn trên đây, Giáo Hội- cụ thể là Đức Thánh Cha- có quyền ra hình phạt nặng nhất là vạ tuyệt thông ( ex-communication) và tháo gỡ vạ này.
Như vậy, muốn được ơn tha thứ của Chúa, thì buộc phải xưng tội cá nhân với một linh mục đã được chịu chức thành sự ( validly) và đang có năng quyền ( priestly Faculties) được tha tội nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi). Sở dĩ thế, vì nếu một linh mục đang bị Giám mục của mình rút hết năng quyền – hay gọi nôm na là bị treo chén ( suspension. x. giáo luật số 1333)- thì tạm thời không được phép cử hành bí tích này và các bí tích khác cho đến khi được trao lại năng quyền đầy đủ .( trừ trường hợp khẩn cấp nguy tử thì linh mục – dù đang bị “treo chén” vẫn được phép tha tội cho hối nhân đang lâm nguy mà không tìm được linh mục khác để xưng tội và lãnh phép lành sau hết. (x. giáo luật số 976).
Giáo lý và giáo luật của Giáo Hội cũng dạy phải xưng tội cá nhân với một linh mục như sau:
“ Thú nhận tội lỗi của mình với vị linh mục là một điều chủ yếu của bí tích Giải tội.Khi xưng tội, các hối nhân phải kể ra tất cả các tội trọng mà mình biết đã phạm, sau khi xét mình cách nghiêm chỉnh, dù các tội này rất kín đáo và chỉ phạm đến hai giới răn sau cùng của bản thập giới; bởi vì các tội này làm cho linh hồn bị trọng thương hơn hết , và nguy hiểm hơn các tội ta phạm mà người khác biết rõ.”( x, SGLGHCG số:1456; giáo luật số 960).
Như thế chắc chắn không thể nói như anh em Tin Lành là chỉ cẩn xưng tội trực tiếp với Chúa mà không cần qua trung gian của ai. Dĩ nhiên Chúa tha tội khi ta thực tâm sám hối và xin Chúa thứ tha. Nhưng vẫn cần phải xưng tội với một linh mục thay mặt Chúa để tha tội, vì Chúa đã ban quyền ấy cho các Tông Đồ trước tiên và sau này cho Giáo Hội ngày nay.
Nghĩa là khi Giáo Hội thi hành lời Chúa để cử hành các bí tích- cách riêng bí tích Hòa giải để tha tội cho con người nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi), thì chúng ta phải nghe và tuân theo ý muốn của Giáo Hội, cũng là ý muốn của Chúa; nghĩa là xưng tội với một linh mục để nhận lãnh ơn tha thứ của Chúa qua trung gian của các thừa tác viên con người là Giám mục và linh mục. Đây là điều các anh em Tin Lành không đồng ý với chúng ta nên họ dạy các tín đồ của họ chỉ cẩn xưng tội trực tiếp với Chúa mà thôi.
Dĩ nhiên khi ta xưng tội với một linh mục, thì cũng xưng tội với Chúa để xin Người tha thứ cho ta qua trung gian của linh mục. Và đây là ý muốn của Chúa Giêsu khi Người trao quyền tha tội cho các Tông Đồ xưa và cho Giáo hội ngày nay. Và đó cũng là tất cả ý nghĩa lời Chúa dạy sau đây:
“ ai nghe anh em là nghe Thầy.
Ai khước từ anh em là khước từ Thầy
Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” ( Lc 10: 16)
Kinh nghiệm thiêng liêng của mỗi người chúng ta cho ta biết rằng mỗi khi xưng tội – đặc biệt là tội trọng- cách thành thật và với tinh thần sám hối , thì ta cảm thấy nhẹ nhõm và an vui trong tâm hồn, một giác mới lạ của an vui sung sướng nội tâm, khác hẳn với tâm tình sẵn có trước khi xưng tội. Điều này chứng minh cụ thể là Chúa đã tha thứ cho ta qua trung gian của linh mục. Ngược lại, khi có tội trọng hay nhẹ mà chỉ xin Chúa tha thứ nhưng không đi xưng tội, thì không bao giờ cảm nghiệm được sự an vui nội tâm như khi xưng tội với một linh mục và nhận lãnh ơn tha thứ ( absolution).
Các anh em tin Lành không thể có được cảm nghiệm thiêng liêng này, dù cho họ có ca tụng lòng thương xót của Chúa đến đâu, có sám hối nội tâm và xin Chúa tha thứ mà không đi xưng tội như người Công giáo. Họ không đi xưng tội vì trước hết họ không công nhận vai trò trung gian của Giáo Hội trong việc ban phát các ơn sủng của Chúa cho con người, cho nên họ chủ trương đi thẳng tới Chúa là vì vậy.
Vả lại, tất cả các nhánh Tin Lành( Protestantism) và Anh Giáo ( Anglican Communion) đều không có nguồn gốc Tông Đồ ( Apostolic succession) nên không có chức linh mục và giám mục để cử hành hữu hiệu các bí tích quan trọng như Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải, Sức dầu nệnh nhân và truyền Chức Thánh. Chính vì họ không có chức linh mục hữu hiệu, nên họ không thể có bí tích Thánh Thể và tha tội cho ai được. Đó là lý do tại sao họ chủ trương chỉ cần xưng tội trực tiếp với Chúa, vì họ cho rằng các thừa tác viên con người như linh mục và giám mục không có năng quyền tha tội cho ai như Giáo Hội Công Giáo tin và dạy..
Một điều quan trọng nữa liên quan đến việc xưng tội cá nhân với một linh mục là đừng ai lo sợ những tội mình xưng với linh mục có thể bị tiết lộ ra ngoài.
Mọi linh mục đều buộc phải giữ kín những gì hối nhân nói với mình trong tòa giải tôi. Đây là Ấn tòa giải tội ( Seal of confessons) mà mọi linh mục buộc phải giữ kín. Linh mục nào vi phạm sẽ tức khắc bị vạ truyệt thông tiền kết (đương nhiên mắc vạ và chỉ có Tòa Thánh tháo gỡ mà thôi) ( x giáo luật số1388)
Tóm lại, là người Công giáo, chúng ta phải nghe và thi hành những gì Giáo Hội là Mẹ dạy bảo thay mặt Chúa Kitô để bỏ ra ngoài tai những gì không phù hợp với giáo lý, tín lý, luân lý và phụng vụ của Giáo Hội.
2- Có được xưng tội qua email hay điện thoại không ?
Chắc chắn là không được, và Giáo Hội không bao giờ cho phép thực hành này.Lý do là nó trái với giáo lý về cách xưng tội đòi hỏi hối nhân phải trực tiếp thú nhận các tội mình đã phạm với một linh mục, là người nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi) để nghe và tha tội cho mình. (đọc giáo lý trích ở phần trên).
Lại nữa, tiện đây cũng xin nói thêm là ngay cả việc xem lễ trên truyền hình, củng chỉ có ích cho các bệnh nhân ở tư gia hay ở nhà thương, không thể đến nhà thờ để dự lễ cùng với cộng đoàn. Xem lễ cách này chỉ giúp thông công với các tin hữu đến nhà thờ dự lễ thực sự, nhưng vẫn thiếu phần hiệp lễ là không được rước Mình Mấu Chúa Kitô, như mọi tín hữu đến dự lễ ở nhà thờ. Như thế, người khỏe mạnh không thể xem lễ trên Truyền hình như phương tiện chu toàn luật buộc tham dự lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng.
Tóm lại, muốn hiêp thông Thánh Lễ trọn vẹn thì phải đến nhà thờ để hiệp dâng Thánh Lễ cùng với cộng đoàn đức tin. Thánh Lễ trên truyền hình chỉ dành riêng cho các bệnh nhân ở nhà thương , hay người già yếu ở tư gia, không thể đến nhà thờ để dự Lễ được mà thôi.Vả lại, những bệnh nhân hay người già yếu ở tư gia thì không buộc phải tham dự Thánh Lễ ở nhà thờ hay trên truyền hình. Luật buộc tham dự Thánh Lễ chỉ áp dụng cho những người khỏe mạnh mà thôi.
3– Khi nào được phép xưng tội tập thể ( communal confessions) ?
Thông thường thì phải đi xưng tội cá nhân, nghĩa là xưng tội riêng với một linh mục sau khi đã xét mình nghiêm chỉnh và sám hối nội tâm, như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, trong thực tế, có những hoàn cảnh mà linh mục không thể giải tội cá nhân cho nhiều người trong một thời lượng hạn chế. Thí dụ, khi có thiên tai, bão lụt, đắm tầu, sóng thần hay động đất gây nguy tử cho nhiều người ở một địa phương nào, khiến linh mục không thể có đủ giờ để nghe từng hối nhân muốn xưng tội trong những hoàn cảnh ấy,.
Lại nữa, trong những dịp trọng đại như Lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh là những dịp có rất nhiều người muốn xưng tội. Nhưng chỉ có một mình cha xứ phải làm mục vụ cho một giáo xứ lớn hay nhiều xứ nhỏ họp lại,thì không thể nào giải tội cá nhân cho một số lớn hối nhân trong một thời gian ngắn được. Do đó, vì nhu cầu mục vụ và vì lợi ích thiêng liêng của giáo dân, linh mục được phép cử hành bí tích hòa giải tập thể. Nghĩa là cho gom giáo dân lại và giúp họ xét mình, thống hối ăn năn, rồi ban phép tha tội tập thể cho họ. Nhưng việc này phải được phép trước của giám mục giáo phận. Vì thế, ở mỗi giáo phận, giám mục địa phận sẽ cho phép trường hợp nào có thể giải tội tập thể.Nghĩa là, linh mục không thể tự ý giải tội tập thể mà không có phép của giám mục giáo phận; trừ trường hợp nguy tử như đắm tầu, động đất, chiến tranh, khiến nhiều người- trong đó có người công giáo- có thể chết mà không kịp xưng tội cá nhân. Nên nếu linh mục có mặt trong trường hợp này, thì được phép giải tội tập thể cho các tin hữu công giáo trong cơn nguy tử đó. Nhưng dù được tha tội tập thể trong những trường hợp trên, nếu ai xét mình có tội trọng, thì- sau khi qua cơn nguy biến đó- vẫn buộc phải đi xưng tội cá nhân với linh mục.( giáo luật số 961-62).
Ước mong những giải đáp trên đây thỏa mãn các câu hỏi đặt ra.Amen
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.